Sách Kinh Dịch có viết: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh, tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương”. Gia đình nào tu thiện, tích đức chắc chắn sẽ có thêm nhiều điềm lành, còn những gia đình làm điều ác không thể tránh khỏi sẽ gặp nhiều tai họa.
Người xưa cũng nói: “Người có âm đức ắt có dương báo, người làm việc mờ ám ắt gặp tai ương”. Người thường xuyên tích âm đức sẽ biểu hiện ra 4 đặc điểm sau đây.
Nếu một người không hiểu được cảm ơn thì sinh mệnh của người đó sẽ có chỗ khuyết thiếu.
Khi đến với thế giới này, chúng ta đã nhận được quá nhiều thứ. Ví như: Cha mẹ cho chúng ta sinh mệnh cùng sức khỏe, anh em cho chúng ta tình thân, thầy giáo cho chúng tri thức cùng sự yêu mến, bạn bè cho chúng ta tình bạn và sự tín nhiệm.
Mỗi lần chúng ta phải đối diện với phong ba bão táp hay đi qua con đường đầy chông gai, ấy là cuộc sống đang cấp cho chúng ta một lần cơ hội tăng thêm dũng khí. Tất cả những điều này đều cần chúng ta đối diện với nó bằng nụ cười cảm ơn.
Học được cách cảm ơn, chúng ta mới cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc của cuộc sống, đồng thời cũng trưởng thành hơn. Biết cảm ơn, chúng ta mới không dễ dàng bỏ cuộc và dũng cảm tiến về phía trước.
Biết ơn là một bộ phận không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Nếu như chúng ta không có lòng biết ơn, đường đời chỉ toàn là chông gai và những điều không thuận lợi. Do vậy, muốn nhận được vận khí tốt thì cần hiểu được cảm ơn.
Bởi vì hiểu được cảm ơn, một người mới có phúc báo. Do vậy người tích âm đức sẽ mang theo tấm lòng biết ơn trên mình.
Người tích âm đức sẽ ít nóng giận và tâm tính càng ngày càng tốt hơn.
Nếu một người thường xuyên nổi nóng, đây chính là biểu hiện của phúc bạc mệnh khổ. Đánh mất sự bình tĩnh, người này sẽ trở thành kẻ khờ dại nhất. Họ lấy phúc đức của mình đổi lấy ác nghiệp. Đây gọi là tự mình làm khổ mình. Một người có trí tuệ và đức hạnh thường hiếm khi biểu hiện ra tính nóng nảy.
Sự nóng giận chẳng những không thể giải quyết được vấn đề mà còn làm tiêu hao phúc khí, tổn thương chính mình, hủy hoại công đức trước đây của mình. Đây là loại hành vi có trăm điều hại mà không có chút lợi nào.
Bởi vì, tâm tính tốt, ít nóng giận mới có phúc báo. Do vậy, người thường tích âm đức sẽ có tâm tính tốt và ít khi nổi nóng.
Bình thản giản dị chính là một loại phúc báo. Người có biểu hiện này trên thân là người vô cùng có phúc.
Kỳ thực, trong thời gian đời người có 5% sống trong đau khổ, 5% sống trong vui vẻ hạnh phúc, còn 90% là trải qua cuộc sống một cách bình thản.
Có câu chuyện kể về một người đi xin bí quyết sống như sau: 30 năm trước, có một chàng trai trẻ muốn rời quê hương đi lập nghiệp ở nơi xa. Điểm dừng chân đầu tiên, anh đến thăm vị tộc trưởng với mong muốn có được lời khuyên. Lúc đó, lão tộc trưởng đang viết thư pháp, nghe nói một người trong tộc bắt đầu bước chân trên hành trình cuộc đời. Ông đã viết 3 chữ: “Đừng lo sợ”. Sau đó ông ngẩng đầu lên nhìn chàng trai trẻ rồi nói: “Con à, bí quyết đời người nằm ở 6 chữ, hôm nay ta nói cho biết 3 chữ, giúp con hưởng thụ nửa đời người”. 30 năm sau, chàng trai trẻ hôm nào giờ đã bước vào tuổi trung niên, mặc dù đạt được một ít thành tựu trong sự nghiệp nhưng cũng gặp phải không ít những sự tình đau lòng.
Đường về dài đằng đẵng, khi đặt chân trên mảnh đất quê nhà, chàng trai trẻ lại đến thăm vị tộc trưởng. Khi đến nhà của tộc trưởng, anh mới biết ông đã qua đời mấy năm trước. Người nhà lấy ra một phong thư rồi nói với anh: “Đây là lá thư mà tộc trưởng để lại cho anh, tộc trưởng nói rằng, sau này anh sẽ đến”. Về đến quê, chàng trai trẻ năm nào giờ mới nhớ tới, anh đã từng nghe được một nửa bí quyết nhân sinh ở đây. Mở phong thư ra, bên trong có 3 chữ lớn: “Đừng hối hận”.
Trên đường đời, chỉ khi học được sống đạm bạc bình thản và giản dị thì mới là người có trí tuệ và phúc khí chân chính. Đạo gia thường nói: “Đại đạo hướng đến giản dị”. Kỳ thực đơn giản bình dị chính là phúc báo lớn nhất đời người, là cảnh giới trí tuệ cao nhất.
Người hay tích âm đức không nhất định là một người giàu sang quyền quý, nhưng họ có thể trở thành người vui vẻ và biết đủ.
Phúc báo của một người có bao nhiêu không liên quan đến những thứ anh ta có mà liên quan đến việc người đó có biết đủ hay không.
“Liệt tử – Thiên thụy” có ghi: Khổng Tử thăm núi Thái Sơn, trên đường ông gặp Vinh Khải Kỳ mặc quần áo rách tả tơi, nhưng vẫn vui vẻ đánh đàn ca hát, dáng vẻ rất mãn nguyện với cuộc đời. Khổng Tử hỏi ông: “Tiên sinh, tại sao ngài lại có thể vui vẻ đến vậy?” Vinh Khải Kỳ trả lời: “Ta vui vẻ là bởi, trời đất sinh ra vạn vật, chỉ có con người là trân quý nhất. Ta lại được làm người, đây là cái vui thứ nhất. Nam nữ khác biệt, nam tôn nữ ti, được thân nam là tôn quý. Ta lại được thân nam, đây là cái vui thứ 2. Đời người chưa từng trải qua tháng ngày không nhìn thấy mặt trời và mặt trăng, không phải phải hạng khố rách áo ôm, ta đã sống đến 90 tuổi rồi, đây là cái vui thứ 3”. Khổng Tử nghe xong không khỏi liên tục gật đầu đồng ý. Tuy nhiên, ông cũng không khỏi tiếc nuối nói: “Dựa vào tài năng của ngài, nếu gặp thời thịnh thế, nhất định sẽ đạt được thành tựu lớn. Thời thế hiện tại, ngọc đẹp không có đất dùng, không thi triển được tài năng, nên không khỏi tiếc nuối”.
Không ngờ, Vinh Khải Kỳ lại không nghĩ như thế. Ông nói: “Từ xưa đến nay, người đọc sách nhiều như cá diếc qua sông, nhưng có mấy người đạt được thành tựu lớn? Nghèo khổ là cuộc sống bình thường của người đọc sách, mà khi chết đi thì mọi người đều tìm nơi trở về. Ta có thể bình thản đọc sách, lại có thể cảm nhận được sự vui vẻ khi tìm nơi trở về, vậy thì còn gì phải tiếc nuối?” Khổng Tử nghe xong nói: “Thật hay! Có thể tự hài lòng với chính mình”. Đây là điển cố “Người biết đủ sẽ luôn hạnh phúc”.
Trên đường đời, người có thể bằng lòng với chính mình thì sẽ sống được vui vẻ hạnh phúc. Người không biết đủ thì dù có được nhiều hơn nữa sẽ vẫn luôn cảm thấy không hài lòng và sống trong khổ não. Do vậy, một người muốn tích âm đức thì cần học được sống giản dị, biết đủ, hiểu được cảm ơn, bớt nóng giận. Người thường xuyên tích âm đức đương nhiên sẽ biểu hiện ra những đặc điểm như vậy.
San San.