Chu Đan Khê, từ nhỏ hiếu học, thông thuộc kinh sách, lớn lên có ý định thi khoa cử, nhưng vì chứng kiến cảnh người thân của mình mất dần bởi những thầy lang dốt nát nên đã chuyển sang học y, từ đó trở thành một vị thần y xuất chúng.
Chu Đan Khê tên là Chấn Hanh, tự Ngạn Tu, người Vụ Châu, Nghĩa Ô (nay là Nghĩa Ô, Chiết Giang). Vì sống ở Đan Khê nên sau này được gọi là ‘ông Đan Khê’. Ông là một trong tứ đại gia, sáng lập phái ‘tư âm’, đời Kim, Nguyên.
Chu Đan Khê con nhà nông. Lúc nhỏ đã sớm mất cha. Ông hiếu học từ nhỏ, đọc qua sách là thuộc ngay, mỗi ngày ghi chép cả ngàn chữ. Lớn lên ông theo học kinh sử với thầy dạy tư ở quê để dự thi. Năm 36 tuổi học với đệ tử 4 đời của Chu Hy là Hứa Khiêm, nghiên cứu lý học. Vài năm sau ông trở nên một ‘đông nam đại nho’, học vấn uyên bác.
Về sau Hứa Khiêm mắc bệnh nặng, nằm liệt giường, khuyên ông đổi hướng học y để cứu đời. Ông nhớ lại vợ con mình, chú, bác, anh em đều chết về tay những ông thầy lang dốt nát, vì vậy ông cảm khái nói rằng: “Tôi học được tinh thông môn y thuật, trị bệnh cứu người, tuy không làm quan, cũng giống làm quan vậy”. Nói rồi, ông đem toàn bộ sách vở đốt hết, từ bỏ ý niệm khoa cử, dốc lòng dốc sức cho sự nghiệp y học.
Trước kia ông cũng đã từng đọc sách Tố Vấn nhưng không lý giải được nhiều. Năm ông 30 tuổi, mẹ đau dạ dày, ông đọc lại Tố Vấn trong 5 năm và hiểu được sách. Bệnh của mẹ ông được trị khỏi, việc này khích lệ ông. Ông quyết định rời quê nhà tìm thầy học. Trong năm năm liền ông đi nhiều nơi cuối cùng đến Vũ Lâm (nay là Hàng Châu) gặp được danh y La Tri Để. Tuy nhiên người này là người rất khó tính, Đan Khê đến nhiều lần xin yết kiến đều bị cự tuyệt, trong đó có 7 lần bị mắng. Ông vẫn không nản lòng, mỗi ngày khoanh tay đứng ở bên cửa, không kể mưa to gió lớn, bền lòng chầu chực suốt 5 tháng. Sau đó, La Trí Đễ cảm động, nhận Đan Khê là đệ tử duy nhất, lúc đó Đan Khê đã 44 tuổi.
Dưới sự hướng dẫn của thầy, trải qua nhiều năm học tập khắc khổ, Đan Khê đã nắm vững được tri thức lý luận y học và kinh nghiệm trị liệu của của thầy. Học xong, ông trở về quê dùng y thuật sâu dày của mình trị khỏi chứng bệnh liệt cho ông Hứa Khiêm. Từ đó ông dùng phương pháp mới trị bệnh cho người, trị đâu khỏi đó, tiếng vang đồn xa, ai cũng biết tên, số người đến xin trị bệnh cũng đông.
Chu Đan Khê đã sáng lập ‘Lưu phái’ với tính cách đặc biệt ở phương diện lý luận y học. Ông chủ trương tránh vượng hỏa, tiết chế ăn uống, sắc dục để bảo dưỡng âm tinh. Khi trị, ông đề xướng nguyên tắc tư âm, giáng hỏa (bổ âm hạ hỏa). Vì ông giỏi dùng phép này,’ cho nên đời sau gọi ông là thầy thuốc ‘tư âm phái’.
Để dạy người học sau, ông cần mẫn biên soạn không ngơi nghỉ. Ông soạn trên 20 loại, trong đó có Cách Trí Dư Luận, Cục Phương phát Huy, Đan Khê Tâm Pháp là các sách tiêu biểu. Người đời sau vẫn còn lưu truyền những câu chuyện chữa bệnh rất độc đáo đặc biệt của thần y Chu Đan Khê.
Thần y Chu Đan Khê.
Lúc ấy Phổ Giang có một tú tài, vừa kết hôn không lâu thì vợ lâm bệnh mà qua đời. Ông vì thế mà cũng u sầu thành bệnh. Danh y Đới Tư Cung nhiều lần khám và chữa trị, nhưng cũng không thấy khá hơn. Liền giới thiệu ông đến Nghĩa Ô gặp thần y Chu Đan Khê để chữa bệnh.
Chu Đan Khê bắt mạch xong, đột nhiên nói: “Chúc mừng, ông có tin vui rồi!”. Tú tài nghe xong, không khỏi cười lớn.
Chu Đan Khê nói: “Ngài thật sự có tin vui rồi đó! Tôi sẽ bốc cho ngài phương thuốc giữ thai”. Tú tài cười ngả nghiêng. Về tới nhà, liền nói với người khác: “Thần y Nghĩa Ô Chu Đan Khê bảo tôi có tin vui. Ha ha!”, thế là ông cả ngày cười không ngớt.
Nhưng cũng thật kỳ lạ, tú tài dù không uống thuốc của thần y mà nửa tháng sau bệnh khỏi hẳn. Sau việc này, danh y Đới Tư Cung cảm thấy khó hiểu, liền tới thỉnh giáo Chu Đan Khê.
Chu đan Khê nói: “Sách cổ viết: ‘Vui vẻ có thể thắng ưu buồn’, vị tú tài này bi quan quá mức, u buồn mà thành bệnh. Chủ yếu phải điều trị tâm bệnh cho ông ấy. Ngài xem ông ấy cười bao nhiêu lần? Bệnh từ đó đỡ rồi không?”.
Danh y Đới Tư Cung tán thán: “Thánh y tâm y, ngài đúng là có thể chữa được tâm bệnh”.
Cát Khả Cửu người Tô Châu là một danh y. Chu Đan Khê ẩn danh giấu họ, đi tới xin được làm môn hạ của danh y. Ba tháng trôi qua, Cát Khả Cửu phát hiện ông biết bắt mạch, kê đơn thuốc, có lúc còn giỏi hơn mình, bởi vậy rất coi trọng ông.
Qua một thời gian, Cát Khả Cửu trở nên rầu rĩ, một ngày ông nói: “Ta muốn ra ngoài để thăm thú bạn bè”, cũng nhắn với con gái rằng: “Con phải nghe theo sự sắp xếp của sư huynh đó”.
Có một ngày, Chu Đan Khê đột nhiên hỏi sư muội: “Thân thể của muội có vấn đề gì sao?”. Nói rồi liền bắt mạch cho cô ấy, xem lưỡi rồi nói: “Muội bị đau ở cánh tay trái, mai kia sẽ phát sưng phát ngứa, có thể sẽ bị thối rữa nữa. Nếu không chữa trị kịp thời, sẽ thành tàn phế!”. Thế là sư muội nghe theo, vừa uống thuốc vừa bó cao.
Ba ngày sau, cánh tay trái của cô đỏ ửng rồi phát sưng. Năm ngày qua đi, chuyển sang màu nâu tím, cơn đau trầm trọng hơn, mủ chảy 3 ngày 3 đêm. Qua nửa tháng, bệnh dần dần khỏi hẳn.
Khi Cát Khả Cửu trở về, thấy con gái như vậy thì vô cùng kinh ngạc, vội hỏi Chu Đan Khê: “Tâm bệnh của nó là bệnh không thuốc chữa! Trò dùng loại thuốc nào để trị khỏi vậy?”.
Chu Đan Khê nói: “Tâm bệnh thì trò cũng chưa từng chữa trị qua. Học trò nghĩ, nếu như trực tiếp nói với sư muội về tâm bệnh, cô ấy nhất định sẽ sợ hãi. Nên cố tình đem chút sức lực còn lại của cô ấy, tập trung vào cánh tay trái. Một bên dùng độc dược tán làm thuốc, một bên dùng cao thuốc thoa ngoài da, đẩy độc tố ra ngoài. Cuối cùng chữa khỏi bệnh này”.
Cát Khả Cửu nói: “Bệnh của con gái, ta biết là không có cách chữa, nên mới ra ngoài gặp bằng hữu, để tìm kiếm phương thuốc cứu chữa”. Từ đó, Cát Khả Cửu liền đem tất cả bài thuốc gia truyền của mình truyền thụ lại cho Chu Đan Khê.
Có một sản phụ sinh khó, 3 ngày 3 đêm không sinh được, bụng đau nhức khó chịu. Thần y Chu Đan Khê được mời đến bệnh viện, liền nghe tỉ mỉ tiếng kêu của sản phụ, hiểu được đôi phần, thuận tay nhặt dưới đất lên một lá cây ngô đồng, rồi dặn dò đem đi sắc cho sản phụ uống. Sản phụ vừa uống xong không lâu, thật sự đã sinh hạ một em bé mũm mĩm.
Cũng có một sản phụ khác ở cùng phòng với người sản phụ kia cũng 3 ngày 3 đêm không sinh được. Người nhà cũng làm theo cách lấy lá ngô đồng sắc đưa cho sản phụ uống. Thế nhưng đợi mãi vẫn không sinh được. Liền gấp rút mời Chu Đan Khê.
Sau khi Chu Đan Khê tới xem, ông kê một đơn thuốc rồi nói: “Phải lập tức bốc thuốc sắc uống, đến nửa đêm sẽ sinh được”. Sau khi uống thuốc, cơn đau giảm xuống, đến nửa đêm, quả thật đã sinh được.
Mọi người đều thấy rất khó hiểu: “Tại sao sản phụ trước sắc nước lá ngô đồng, uống xong có tác dụng. Nhưng sản phụ thứ hai uống lại không có hiệu quả?”
Chu Đan Khê nói: “Lá ngô đồng thật sự không có tác dụng gì, bởi vì sản phụ kia đau đớn gào thét dữ dội, đã sắp sinh rồi, ta dùng lá ngô đồng để trấn an tư tưởng cho cô ấy, cô ta là bệnh ý, an ủi một chút là được rồi. Còn sản phụ nhà các vị thực sự là sinh khó, cho nên cần phải dùng thuốc thúc sinh”.
Có một phụ nữ mang thai, một lần thu dọn xong bát đũa, định treo ít đồ đạc lên móc, nên cô kiễng chân lên, treo một cái, treo hai cái, bụng đột nhiên lên cơn đau. Từ đó về sau bụng đau không ngớt, ngày đêm bất an. Rất nhiều thầy thuốc kê cho cô thuốc dưỡng thai nhưng đều không có hiệu quả.
Sau khi Chu Đan Khê được mời đến, thận trọng chuẩn đoán bệnh tình, thấy góc tường có một rổ đậu đỏ, liền đem nửa đấu đậu rải lên nền đất, bảo người phụ nữ uống 1 bát thuốc, sau đó bảo cô đi nhặt đậu.
Người phụ nữ kìm nén cơn đau, phải đến một lúc mới nhặt hết, cơn đau bụng ngược lại đã được giảm bớt. Dựa theo phương thuốc cũ, người phụ nữ tiếp tục hoạt động, cơn đau rất nhanh đã tan biến. Không lâu sau đã thuận lợi sinh được em bé.
Sau sự việc, có người đến thỉnh giáo về chuyện đó. Chu Đan Khê nói: “Bởi vì cô ta bỗng nhiên lên cơn đau, là sự dịch chuyển của bào thai. Vị trí bào thai nằm sai vị trí, bệnh này không thể dựa vào các vị thuốc. Trước hết phải để cô ấy hoạt động, giúp bào thai di chuyển đúng vị trí, sau đó dùng thuốc để dưỡng thai, mới có hiệu quả. Bảo cô ấy nhặt đậu, như vậy sẽ khiến sản phụ cong người xuống, từng bước giúp cho bào thai di chuyển về đúng vị trí”.
Tuệ Tâm, theo NTDTV