Nhờ mẹ dạy đạo đức mà con biến nguy thành an, gặp hung hóa cát

Nhờ mẹ dạy đạo đức mà con biến nguy thành an, gặp hung hóa cát

Đạo lý trọng yếu trong trị quốc bình thiên hạ nằm ở giáo dục đạo đức trong gia đình, mà công việc này phần nhiều do người mẹ đảm nhiệm. Do vậy mới nói, “Sự thành công của con cái là công trình của các bà mẹ”. Từ tổng thống đến người dân bình thường đều được dạy ra bởi người mẹ.

Người xưa cho rằng, trung thần xuất thân từ nhà con hiếu hạnh, nếu không có người mẹ dạy dỗ thì con cái làm sao biết hiếu hạnh đây. Bởi vì ngay từ khi còn trong bụng mẹ, con cái đã bẩm thụ khí chất của mẹ, lúc sinh ra lại nhìn theo oai nghi của mẹ, nhận sự răn dạy của mẹ, nên mới có thể trở nên tài đức vẹn toàn. 

Dưới đây là đôi câu chuyện được ghi chép trong ‘Liệt nữ truyện’ của tác giả Lưu Hướng, nhờ có mẹ dạy bảo đạo đức mà con mới có thể biến nguy thành an, gặp hung hóa cát. 

Mẹ của Tôn Thúc Ngao dạy con giữ vững đạo đức

Tôn Thúc Ngao mẫu là mẹ của Lệnh Doãn nước Sở tên là Tôn Thúc Ngao. Khi Tôn Thúc Ngao còn bé, một lần đi chơi gặp một con rắn hai đầu liền giết chết nó rồi đem chôn. Lúc về đến nhà, Thúc Ngao nhìn thấy mẹ liền khóc lóc. 

Mẹ hỏi nguyên cớ thì ông đáp rằng: “Con nghe nói người nhìn thấy rắn hai đầu ắt phải chết. Hôm nay lúc con đi chơi thì nhìn thấy”.

Người mẹ hỏi: “Hiện nay, con rắn ở đâu?”

Ông trả lời rằng: “Con sợ người khác cũng nhìn thấy nên đã giết chết và đem chôn rồi”.

Người mẹ nói: “Con sẽ không chết. Những người mà tích nhiều phúc đức thì sống ở dương thế nhất định sẽ được báo đáp. Giữ vững đạo đức có thể chiến thắng điềm không may, giữ vững nhân nghĩa có thể tránh được các tai họa. Ông Trời tuy ở trên cao nhưng có thể nghe được tiếng lòng ở nơi dưới đất. Chẳng phải trong Thượng Thư có nói: “Hoàng thiên vô thân, duy đức thị phụ” (Trời xanh không thiên vị ai, ai có đức thì giúp đỡ người đó). Con chớ lo lắng, con nhất định có thành tựu ở nước Sở”. 

Quả nhiên, khi trưởng thành Tôn Thúc Ngao đã làm quan tới chức Lệnh doãn của nước Sở.

Đúng vậy, mẹ của Tôn Thúc Ngao nhờ biết được ngôi thứ của đức mà dạy con giữ vững đạo đức và lòng nhân nghĩa. Ngay từ khi còn nhỏ Thúc Ngao đã biết nghĩ cho người khác, lo lắng cho người khác nên mới thành tựu được sự nghiệp như vậy. 

Mẹ của Tang Văn Trọng dạy con ban ân đức 

Tang Tôn mẫu là mẹ của Đại Phu nước Lỗ – Tang Văn Trọng. Văn Trọng sắp đi sứ nước Tề. Khi tiễn chân, mẹ ông có nói rằng: “Con thường ngày hà khắc mà ít ban ân huệ, làm việc thích cố hết sức mình, thường dùng uy thế làm người ta khó xử. Hiện nay, nước Lỗ không thể nhẫn nhịn con nên mới phái con đi sứ nước Tề. Hễ xảy ra việc gian trá thì nhất định sẽ có động tĩnh. Người hại con chẳng nhẽ lại không nhân đó mà kiếm chuyện ư! Con nhất định phải chuẩn bị sẵn tâm lý. Nước Lỗ với nước Tề nằm cạnh nhau, là nước láng giềng của nhau. Trong đám đại thần được sủng tín, có rất nhiều người oán hận con, lại còn có giao tình với quan Đại Thần nước Tề là Cao Hề, Quốc Tử. Làm như vậy nhất định là để nước Tề mưu đồ nước Lỗ. Do vậy sẽ bắt giam con, xem ra là khó mà tránh khỏi. Con nhất định phải ban ân đức, sau tìm cách để có được sự trợ giúp, sau mới đi sứ nước Tề”.

Thế là, Văn Trọng thăm viếng Lỗ tam gia (Mạnh Tôn, Thúc Tôn, Quý Tôn), và nhận được sự ủng hộ cùng với tín nhiệm của họ. Văn Trọng lại hậu đãi rất nhiều quan đại phu, sau đó mới đi sứ nước Tề. Quả nhiên, nước Tề giam giữ Tang Văn Trọng, lại dấy binh đánh lén nước Lỗ. Văn Trọng âm thầm sai người đưa thư cho Vua nước Lỗ, lại sợ thư rơi vào tay người khác nên cố ý viết những từ ngữ khó hiểu: “Liễm tiểu khí, đầu chư đài, thực lạp khuyển, tổ dương cầu. Cầm chi hợp, thậm tư chi, dương hữu mẫu, thực ngã dĩ đồng ngư. Quan anh bất túc, đới hữu dư”

Sau khi thư đến tay Vua nước Lỗ, ông cùng các quan đại phu xem thư rồi thảo luận, không ai biết ý nghĩa của bức thư muốn nhắn gì. Có người tâu: “Mẹ của Văn Trọng cũng là con nhà thế gia. Sao Đại Vương không thử gọi đến hỏi xem sao?”

Thế là, vua bèn gọi mẹ của Văn Trọng đến, nói với bà rằng: “Quả nhân sai Văn Trọng đi sứ nước Tề. Hiện nay, Văn Trọng gửi thư về. Bà hãy xem Văn Trọng nói gì?”

Mẹ Văn Trọng xem thư xong, bà khóc ướt vai áo mà thưa rằng: “Con ta bị đóng gông, bị giam giữ rồi”

Vua nước Lỗ hỏi: “Sao bà biết được?”

Bà đáp: “Ý của câu “liễm tiểu khí đầu chư đài” là nói đem cái mầm mới lớn từ ngoài thành bỏ vào trong thành. “Thực lạp khuyển tổ dương cầu” là nói mau chóng tập hợp khao lao tướng sĩ, sửa sang quân bị. “Cầm chi hợp thậm tư chi” là nói Văn Trọng vô cùng nhớ vợ. “Tang ngã dương dương hữu mẫu” có ý bảo vợ phải phụng dưỡng mẹ cho tốt. “Thực ngã dĩ đồng ngư câu”, câu chữ này không thuận, không thuận là sai, chữ “ngư” đồng âm với “cư” (cái cưa). Cái cưa là dùng để cưa gông cùm. Câu này là nói Văn Trọng bị đóng gông rồi nhốt vào trong ngục. “Quan anh bất túc đới hữu dư” là nói Văn Trọng đầu tóc bị rối mà không được chải, đói mà không có thức ăn. Cho nên, ta mới biết con trai ta bị bắt giam, hơn nữa còn bị đóng gông”.

Thế là, Vua nước Lỗ theo lời của mẹ Văn Trọng, đưa binh lính ra biên giới để phòng thủ. Nước Tề xuất binh chuẩn bị đánh lén nước Lỗ, nhưng biết được quân nước Lỗ phòng thủ ở biên giới bèn thả Văn Trọng về, không thảo phạt nước Lỗ nữa.

Mẹ của Văn Trọng quả là biết nhìn xa trông rộng, hiểu được lòng người mà có thể truyền dạy đạo lý ban ân đức giúp ông hóa giải ác nghiệp, gặp hung hóa cát, biến nguy thành an. Lời dạy của bà chẳng những giúp cho Văn Trọng có thể bảo toàn được tính mạng trước hiểm nguy mà còn giúp cho nước Lỗ tránh được mối họa tai ương chiến tranh. 

San San.

Tin bài liên quan