Có thể nói mỗi một chữ Hán cổ đều ẩn chứa thiên cơ thần bí. Thông thường một chữ Hán được ghép bởi nhiều bộ chữ khác nhau, và cũng có thể tách thành nhiều chữ khác nhau. Cũng chính vì vậy mà cổ nhân thường thông qua việc xem chữ để đoán biết được họa phúc của một người.
Những câu chuyện được lưu truyền dưới đây sẽ giúp chúng ta phần nào hình dung được nội hàm uyên thâm thần bí đằng sau nét chữ tượng hình này. Qua đó cũng thấy được trí huệ của người xưa thật đáng để người ngày nay tâm phục.
Khi vừa nhìn qua chữ “也– Dã”, vị thầy tướng số đã biết rõ hết mọi việc
Tạ Thạch, tự là Nhuận Phu, người Thành Đô – Tứ Xuyên, vào những năm Tuyên Hoà thời Bắc Tống làm nghề xem tướng số để mưu sinh.
Theo ghi chép trong cuốn “Tự Xúc” có viết rằng: Ở kinh đô có một viên quan, vợ ông mang bầu đã quá kỳ sinh nở những vẫn không thể sinh được. Sau đó vị phu nhân này bèn viết một chữ “也– Dã” rồi đưa cho chồng đi hỏi Tạ Thạch.
Lúc đó có rất nhiều người có mặt ở đó, Tạ Thạch sau khi nhìn qua chữ một lát rồi nói: “Đây là chữ của phu nhân ngài viết đúng không?”. Viên quan kia thấy làm lạ hỏi vì sao ông lại biết?
Tạ Thạch:“Chữ “也– Dã” là trợ từ cho nên tôi biết người viết chữ này là phu nhân ngài. Hơn nữa Tôn phu nhân năm nay 31 tuổi đúng không?”
Viên quan vội vàng trả lời:“Quả đúng là vậy!”
Tạ Thạch giải thích: “Chữ “也– Dã” ở giữa có chữ “卅– Tạp” phát âm là Sa, nghĩa là 30, ở dưới có chữ “一Nhất” cho nên tôi đoán ra tuổi của phu nhân. Hiện nay ngài vì chuyện công việc di dời mà phiền não đúng không?”
Viên quan trả lời:“Đúng vậy, hy vọng mọi việc được êm xuôi”.
Tạ Thạch nói tiếp:“Chữ “也– Dã” nếu như bên trái thêm chữ “水– Thuỷ” sẽ thành chữ “池– Trì” là ao, hồ, còn nếu thêm chữ “馬– Mã” thì sẽ thành chữ “馳– Trì” là con ngựa. Hiện nay ngài đi đường thuỷ thì không có nước mà đi đường bộ lại không có ngựa, vậy làm sao đi nổi? Chữ “也– Dã” thêm chữ “人- Nhân” thành chữ “他– Tha” là người thứ 3 bên cạnh, hôm nay chỉ nhìn mỗi chữ “也– Dã” có thể thấy hiện nay ngài đã không còn người thân. Mà chữ “也– Dã” thêm chữ “土– Thổ ” là đất đai, hôm nay cũng chỉ nhìn mỗi chữ “也– Dã” có thể thấy hiện nay gia sản của ngài cũng chẳng còn?”
Khi vừa nhìn qua chữ vị thầy tướng số đã biết rõ hết mọi việc.
Viên quan nghe xong cảm thấy chuẩn xác vô cùng, tâm phục khẩu phục nói:“Những điều ông nói đều chính xác, nhưng hôm nay tôi đến đây không phải là vì chuyện này. Tôi đến đây là vì vợ tôi mang thai quá kỳ lâu rồi mà vẫn chẳng thể sinh, cho nên viết chữ này đến nhờ ông chỉ giáo”.
Tạ Thạch nhìn mọi người xung quanh một lượt rồi nói: “Việc này cũng có chút kỳ quái, không biết có thể nói rõ ở đây được không?”
Viên quan hồi hộp nói: “Xin ông cứ nói rõ cho”.
Tạ Thạch trả lời:“Chữ “也– Dã” ở giữa có chữ “十– Thập” hai bên có hai nét thẳng xuống chính là thành 13, có thể thấy phu nhân ngài đã mang thai 13 tháng rồi. Nếu chữ “也– Dã” thêm chữ “蟲– Trùng” bên cạnh sẽ thành chữ “蛇– Xà” tượng hình là con rắn. Tôn phu nhân mang thai đã quá kỳ mà vẫn chưa sinh nở là tại vì phu nhân mang thai không phải là thai người mà là “Trùng”. Tôi có một cách, dùng thuốc có thể đẩy nó ra, đảm bảo không đau”.
Viên quan nghe xong cảm thấy hơi nghi hoặc những vẫn đem thuốc về cho vợ uống. Quả nhiên sau khi thuốc vào thì Tôn phu nhân thải ra ngoài vô số con trùng khiến mọi người trong nhà ai nấy đều kinh sợ.
Cùng một chữ nhưng hai người khác nhau sẽ cho kết quả khác nhau
Trong tập 19 bộ “Di kiên chí bổ” của Hồng Mại đời Nam Tống có ghi chép một chuyện như sau:
Vua Tống Huy Tông nghe đồn Tạ Thạch là người có tài xem chữ đoán mệnh sự nên viết một chữ “問– Vấn”, sau đó sai người trong cung đi tìm Tạ Thạch. Tạ Thạch lấy bút ghi mấy chữ bên cạnh chữ “問– Vấn” sau đó cho vào bao thư đóng kín lại, căn dặn sau khi về nhà rồi hãy mở.
Tống Huy Tông sau khi mở thư ra xem, nhìn bên trên ghi mấy chữ: “Tả vi quân, hữu vi quân, thánh nhân vạn tuế” (Bên trái có quân thần, bên phải có quân thần, hoàng thượng vạn tuế), vậy là bèn phong luôn cho Tạ Thạch một chức quan.
Có một đạo sỹ sau khi biết chuyện cũng ghi luôn một chữ “問– Vấn” đến thử Tạ Thạch. Tạ Thạch bèn trả lời: “Cửa tuy to nhưng chỉ có một người”. Đạo sỹ nghe xong giật mình, vì đạo quán mà đạo sỹ này đang ở chỉ có một mình ông. Dù vậy vị đạo sỹ vẫn chưa phục, viết tiếp một chữ: “器– Khí” đưa Tạ Thạch xem. Tạ Thạch nói: “Nhà không trống rỗng, đều ở bên ngoài”, lúc này đạo sỹ mới tâm phục khẩu phục.
Cùng một chữ nhưng hai người khác nhau sẽ cho kết quả khác nhau là do số mệnh khác nhau.
Hai người cùng viết chữ “串” (Xuyến) nhưng có tương lai trái ngược
Lại có câu chuyện rất ý nghĩa, kể rằng: Xưa có một thư sinh, trước khi đi thi đã đến nhà một vị tiên sinh đoán chữ nổi tiếng để hỏi về đường công danh của mình sau này sẽ ra sao. Khi đến nhà vị tiên sinh đoán chữ này, thư sinh ấy đã gặp một thư sinh khác cũng đến hỏi.
Vị tiên sinh đoán chữ ấy bảo thư sinh này viết một chữ bất kỳ. Thư sinh liền đặt bút viết lên chữ Xuyến “串” (Hán việt: Xuyến, có nghĩa là xuyên suốt, kết ghép).
Vị tiên sinh đoán chữ chúc mừng anh ta và nói: “Thư sinh thậm chí đỗ của hai kỳ thi liền! Bởi vì trong chữ Xuyến “串”có hai chữ“中”!” (Chữ “中” ,Hán Việt là: Trúng, có nghĩa là đỗ, khảo trúng).
Thư sinh kia cũng đặt bút viết lên chữ “串”, giống hệt như vị thư sinh ban nãy và thỉnh mời tiên sinh đoán chữ. Tiên sinh đoán chữ nói rằng: “Không hay rồi! Thư sinh chẳng những không có hy vọng gì trong kỳ thi này, mà e rằng trong người còn có bệnh nặng rồi!”
Thư sinh này khó hiểu, không phục nói: “Tại sao cùng viết một chữ mà kết quả lại khác nhau quá như vậy?”
Tiên sinh đoán chữ nói: “Thư sinh vừa nãy hạ bút viết chữ là trong lòng không có toan tính gì, vô tâm mà viết nên có thể thi đỗ cả hai kỳ thi liền. Còn thư sinh là cố tình, cố tâm mà viết, nên chữ Xuyến “串”có thêm chữ Tâm “心”sẽ thành chữ Hoạn “患” (Hán Việt: Hoạn, có nghĩa là hoạn nạn, bệnh tật), cho nên thư sinh là đang có bệnh rồi!”
Về sau, những lời tiên đoán của vị tiên sinh này quả nhiên hoàn toàn linh nghiệm!