Nhớ hồi còn trẻ mỗi lần đến ngày tết thường hay gửi thiệp chúc mừng, trong thiệp thường chúc người khác vạn sự như ý, muốn gì được nấy. Bản thân có lúc có từng ao ước, nếu như cuộc đời không có đau khổ lo buồn, thế thì tốt biết mấy?
Gần đây đọc được một bài viết, tôi đã thay đổi suy nghĩ này. Ở bang Georgia của Hoa Kỳ có một bé gái không bao giờ cảm nhận được đau khổ. Nhưng điều này lại mang đến cho cô nhiều bất tiện. Bởi nó khiến cô không biết bảo vệ chính mình, thường hay bị bỏng, trật khớp mà cũng không hay biết. Thử nghĩ xem, khi chúng ta đau răng, đau khớp, hoặc có chỗ nào khó chịu, sẽ kịp thời nghĩ cách chữa trị. Nhưng nếu không còn cảm nhận được những nỗi đau này, người ta có thể còn phải chịu những tổn hại lớn hơn về mặt thân thể, thậm chí mất đi tính mạng. Như vậy xem ra trên thân có thống khổ chưa hẳn là chuyện xấu.
Nhìn từ một góc độ khác, khi không có điều kiện ràng buộc bên ngoài, dục vọng của một người có thể sẽ khiến họ mất kiểm soát. Ví như một đứa trẻ, nếu từ nhỏ đã được nuông chiều hết mực, muốn gì có nấy, sau này khi lớn lên sẽ rất khó sinh tồn trong cuộc sống này. Khi ta gặp phải những chuyện không như ý trong cuộc đời thay vì uất hận, than phiền hãy nghĩ rằng hậu quả đó là do mong muốn của bản thân không thực tế.
Vận mệnh của con người vốn không dễ đoán trước. Lưu Bá Ôn trong tác phẩm “Úc Ly Tử” kể một câu chuyện ngụ ngôn có tên “Học cách làm ô”. Chuyện kể rằng vào thời Chiến Quốc, ở nước Trịnh có một người nông dân học cách làm ô. Trải qua thời gian ba năm học nghề, sau khi bỏ ra rất nhiều công sức, cuối cùng ông cũng thành thạo.
Nhưng thật không may, một trận đại hạn hán xảy ra, những chiếc ô của ông căn bản không dùng để làm gì. Thế là gió chiều nào xuôi theo chiều ấy, ông chuyển sang học cách làm gàu múc nước. Lại trải qua ba năm, mất rất nhiều công sức, ông cuối cùng cũng thành thạo, lành nghề. Chẳng bao lâu, một trận mưa lũ lớn xảy ra và không ai thèm mua gàu múc nước của ông nữa.
Sau đó, ông quay lại tiếp tục làm ô. Không lâu sau, một băng cướp tới vùng này, tất cả mọi người phải mặc quân phục để tự bảo vệ mình. Quân phục bản thân đã có thể dùng để làm áo mưa, bởi thế không ai hỏi mua ô của ông nữa. Sau khi cân nhắc, ông nghĩ tốt hơn cả là học cách rèn vũ khí. Buồn thay khi ấy ông đã quá già.
Trong văn hóa truyền thống có giảng luân hồi, cũng giảng nhân quả báo ứng. Tài phú trong kiếp sống này của một người có thể là kết quả hành thiện trong quá khứ hoặc những đời trước. Tương tự như vậy, một người sinh lòng đố kỵ, oán hận, gây ra tổn hại với người khác, sẽ phải trả nợ nghiệp trong tương lai.
Trong cõi hồng trần cuồn cuộn, con người ai cũng đều nghĩ đến thăng quan, phát tài, đều mong có được mối lương duyên “tài tử giai nhân”. Nhưng nếu như trong mệnh của bạn không có, dù nhất thời thông qua thủ đoạn mà đoạt được cũng sẽ sớm tiêu tan. Phúc lộc bản thân cũng chẳng còn, những ngày tháng sau hẳn càng thê thảm hơn nữa. Chi bằng hãy tùy kỳ tự nhiên giữ mình mà thiện đãi với người, sống đúng với lương tâm, lòng dạ ngay thẳng, vận mệnh cũng sẽ dần chuyển biến tốt đẹp.
Sinh mệnh của con người ta cũng giống như bốn mùa của một năm, có gieo giống trong mùa xuân, đơm hoa kết hạt trong mùa hạ, thu hoạch trong mùa thu và trữ kho trong mùa đông. Cái cảnh hoa mai nở rộ lúc xuân về thật khiến người hâm mộ, nhưng nó là kết quả của “hàn mai ngạo tuyết” (hoa mai cười trong tuyết) sau khi trải qua mùa đông giá lạnh khắc nghiệt. Cũng như vậy, khi phải đối diện với trắc trở và đau khổ, hãy xem đó như một cơ hội phản tỉnh, một lần nữa dò xét lại ý nghĩa của đời người. Rất có thể bạn sẽ có được thu hoạch không ngờ.
Đời người có lẽ chỉ là một bến nhỏ trong dòng sông dài đằng đẵng của sinh mệnh. Khi ta từ trong ân oán, tình thù biết được tổn thương của người khác, hiểu được những sai sót của mình đối với người khác, thì sẽ lĩnh ngộ được ý nghĩa đích thực của sinh mệnh. Có một ca khúc rằng: “Sinh mệnh vốn là tiên trên trời”. Chỉ khi hiểu được nhân quả luân báo, tích đức hành thiện, lựa chọn nghe theo lẽ phải mới là đang hướng đến sự vĩnh hằng của sinh mệnh.
Thiện Sinh