Có một câu nói nói rằng: “Thứ có thể chinh phục lòng người không bao giờ là sự khôn vặt mà là lòng nhân hậu”.
Có một số người vì muốn chiếm lợi ích cho bản thân, mà nghĩ đủ mọi cách và dùng những thủ đoạn không chính đáng để đạt được mục đích, nhưng cuối cùng chỉ có được một chút ít lợi ích nhỏ. Họ cho rằng mình đã được lợi, nhưng thực tế, họ đã bị những người xung quanh xa lánh và tẩy chay từ lâu rồi. Một người thích tranh giành lợi ích bằng cách không chính đáng, chắc chắn sẽ không thể đi xa được, nhân hậu mới là biểu hiện của một người có phẩm hạnh đoan chính.
Mã Vị Đô là một học giả văn hóa, là người sáng lập và là giám đốc của một viện Bảo tàng nghệ thuật cổ điển ở Bắc Kinh. Trong một buổi phỏng vấn, ông từng kể về trong nhà mình có một người giúp việc rất tham lam những lợi ích nhỏ. Mã Vị Đô vô tình phát hiện ra, những thứ đồ dùng mà ông mua về vô duyên vô cớ bị hết rất nhanh chóng, bốn năm ngày trước mới mua về, đến khi xem lại đã thấy thiếu mất một nửa. Thì ra, những thứ trong nhà đều bị người giúp việc âm thầm lấy đi mất.
Ví dụ như hôm nay bà ấy ở nhà mình nấu ăn mà thiếu tỏi, ngày hôm sau bà ấy sẽ lấy một hai củ tỏi ở trong nhà của Mã Vị Đô. Nếu như lần sau còn thiếu nữa, bà ấy sẽ lại tiện tay lấy đi ba bốn củ. Người giúp việc cũng rất thông minh, vì không muốn Mã Vị Đô nghi ngờ quá nhanh, những thứ mà Mã Vị Đô mua về, bà ấy mở nắp, mở hộp ra hết.
Mã Vị Đô nói với người giúp việc rằng: “Nếu như chị cần thứ gì, có thể trực tiếp nói với tôi, nhà tôi cũng không dùng hết được những thứ đó”. Nhưng mà người giúp việc lại xem lời khuyến cáo của Mã Vị Đô là gió thổi ngang tai, hoàn toàn không để tâm chút nào, vẫn làm theo những gì mình muốn, nên lấy thì cứ lấy, lấy được thì cứ lấy.
Cuối cùng Mã Vị Đô cũng hết cách, đành phải đuổi việc người giúp việc, vì ông làm về đồ cổ, ông sợ rằng một ngày nào đó người giúp việc đột nhiên nổi hứng, tiện tay lấy mất đồ cổ của ông, vậy thì tổn thất sẽ rất nặng nề.
Hoằng Nhất pháp sư nói: “Tôi không biết thế nào là quân tử, nhưng chuyện gì cũng chịu thiệt thì chính là quân tử. Tôi không biết thế nào là tiểu nhân, nhưng chuyện gì cũng đều muốn chiếm lợi ích riêng thì là tiểu nhân”.
Chiếm lợi ích riêng giống như một con dao hai lưỡi, trong lúc cho bạn nếm được vị ngọt, cũng sẽ gián tiếp cắt đứt con đường sau này của bạn.
Những người tham lam lợi ích riêng cho bản thân, luôn cho rằng mình âm thầm lén lúc phía sau thì người khác sẽ không biết, nhưng những toan tính và thủ đoạn của họ vẫn không thể thoát khỏi ánh mắt của mọi người.
Không ai có thể nhẫn nhịn những thói hư tật xấu của bạn hết lần này đến lần khác, một người đã quen làm những việc mờ ám, thì bạn nghĩ nhân phẩm của người đó có thể tốt đẹp được hay không?
Âu Dương Tu là một văn sĩ nổi tiếng trong Đường Tống bát đại gia, ông chính là một người nhân hậu và có nguyên tắc. Khi ông còn nhỏ, có một lần sắp đến Tết, Âu Dương Tu cùng những bạn nhỏ của mình tụ tập lại với nhau, cùng xem những gia đình giàu có làm cá viên chiên, tuy là cả bọn đều muốn ăn nhưng lại không có tiền, chỉ có thể trợn tròn mắt mà nhìn thôi.
Có một chủ nhà dùng ánh mắt khinh bỉ nhìn đám trẻ con và nói: “Các ngươi khấu đầu lạy ta một lần, gọi ta một tiếng lão gia, ta sẽ cho các người ăn một viên cá viên chiên, khấu đầu nhiều thì cho nhiều”. Đám trẻ con vì món ngon nên tranh nhau khấu đầu, nhưng khi đến lượt Âu Dương Tu, ông liền quay lưng đi mà không thèm quay lại nhìn lấy một cái.
Lý tiên sinh làm nghề dạy học nhìn thấy cảnh tượng này, đuổi theo hỏi Âu Dương Tu: “Tại sao cậu không làm giống bọn chúng?”. Âu Dương Tu nói: “Con cũng thấy thèm, nhưng mẹ con thường nói, người khác khinh thường con không quan trọng, bản thân con biểu hiện ra bộ dạng như thế nào mới là quan trọng nhất. Con không thể vì muốn có lợi ích của người khác mà làm mẹ con mất mặt”.
Nghe xong Lý tiên sinh hiểu được rằng người này chính là một nhân tài có thể đào tạo, nên đã tài trợ cho Âu Dương Tu hoàn thành việc học. Âu Dương Tu cũng thông qua sự cố gắng của bản thân mà có được tài năng xuất chúng, nhận được sự ngưỡng mộ và kính trọng của mọi người.
Họ vững tin vào niềm tin cuộc sống của bản thân mình, làm một người nhân hậu, làm những việc chính đáng.
Nếu như đến cả bản thân cũng không có nguyên tắc, chỉ vì một chút lợi ích nhỏ không đáng kể mà làm lu mờ tâm trí, mặc cho người khác sai khiến, thì làm sao có thể được người khác công nhận và tin tưởng?
Không bị những lợi ích nhỏ trước mắt mê hoặc, luôn giữ được nguyên tắc của mình, đó cũng là một loại trí tuệ và tầm nhìn xa.
Có một bạn tên Tiểu Chu từng chia sẻ câu chuyện của mình trên trang Zhihu. Năm đó, Tiểu Chu bay đến văn phòng chi nhánh ở nước ngoài, trên chuyến bay đó Tiểu Chu quen được một hành khách tên Vũ, Vũ và Tiểu Chu đều mê bóng đá như nhau, trong chuyến bay dài mười mấy tiếng đồng hồ, hai người họ trở nên thân thiết, và trao đổi thông tin liên lạc cho nhau.
Sau khi họ tạm biệt nhau tại sân bay được ba ngày, Vũ hẹn Tiểu Chu ra ngoài ăn cơm uống rượu, hai người đã uống rất nhiều trong bữa ăn, cả hai đều có chút say rượu, nhân lúc Tiểu Chu đi vệ sinh, Vũ đã thanh toán tiền ăn, còn gọi xe đưa Tiểu Chu về khách sạn.
Tiểu Chu vẫn luôn muốn cám ơn Vũ, nên khi sắp về nước, Tiểu Chu đã hẹn Vũ ra gặp và mời anh ta ăn cơm, nhưng lần đó Tiểu Chu lại vẫn uống say, Vũ lại trả tiền cho bữa ăn.
Sau khi Tiểu Chu về nước, gần đến ngày Tết, Vũ gửi một thùng quà đặc sản đến cho Tiểu Chu, và gửi lời chúc xuân, tưởng nhớ tình bạn hiếm có giữa hai người. Bây giờ, tuy rằng thời gian Tiểu Chu và Vũ gặp nhau không lâu, nhưng tình bạn giữa hai người họ, không vì khoảng cách xa xôi mà trở nên nhạt nhòa, ngược lại họ càng trân trọng đối phương hơn.
Mỗi khi nghĩ đến mối nhân duyên này, Tiểu Chu đều xúc động nói rằng: “Có thể gặp được người nhân hậu như Vũ, tôi thấy rất may mắn, chơi với cậu ấy, thật sự là rất thoải mái”.
Người nhân hậu luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác, còn người gian xảo thì chỉ muốn chiếm lấy lợi ích cho bản thân.
Người thực sự có thể trở thành bạn bè với bạn, và có được mối quan hệ mật thiết với bạn, thì trên người anh ta chắc chắn phải có phẩm chất được bạn công nhận, chỉ có như vậy, anh ta mới không bóp chết bạn một cách mù quáng chỉ để thỏa mãn sự ích kỷ của bản thân.
Lão Tử từng nói: “Đại trượng phu lập thân đôn hậu, không sống trong sự bạc bẽo; sống chân thật, không sống trong sự phù phiếm”.
Nhận biết người khác có nhân đạo hay không, cũng là chìa khóa quan trọng việc nhìn người.
Trong “Mạnh Tử” có nói: “Người có đạo nhiều sự trợ giúp, người mất đạo ít sự trợ giúp”. Câu này muốn nói rằng, người chính nghĩa cao thượng thì sẽ nhận được sự giúp đỡ và ủng hộ của rất nhiều người, còn người phản bội đạo nghĩa, đến cuối cùng chỉ cô lập một mình, không ai giúp đỡ.
Những người thích chiếm lợi ích cho riêng mình, sẽ bị người khác xa lánh lúc nào không hay, vì không ai có thể chịu đựng được những hành động việc làm của họ. Những người nhân hậu luôn mang đến sự giúp đỡ và ấm áp cho những khác từ trong những chuyện nhỏ nhặt nhất.
Đây là thiện ý và sự tin tưởng hiếm có giữa người với người.
Làm một người nhân hậu, phước báo cũng sẽ âm thầm đến bên cạnh bạn một cách tự nhiên.
Châu Yến.