Người xưa dùng hương liệu để phòng chống dịch như thế nào?

Người xưa dùng hương liệu để phòng chống dịch như thế nào?

Trung Quốc cổ đại từng là nơi mà ôn dịch bùng phát nhiều lần, do đó lịch sử cũng lưu lại một số phương thuốc thần kỳ, ví như “huân hương” (mùi thơm của hoa cỏ)...

Ngoài huân hương, người xưa còn mang theo túi thơm bên mình. Có thể nói, túi thơm là bảo bối phòng chống dịch bệnh bất li thân của cổ nhân. Tuy nhiên, nếu bạn muốn ngăn chặn tà khí xâm nhập, biện pháp tốt là cần mang theo chính khí của Trời đất. 

* Huân hương

Vào thời Hán Vũ đế trị vì, ở vùng đất phía Tây nhược thủy có một nước gọi là Đại Nguyệt Thị. Trong “Sơn Hải kinh” có ghi chép: Vùng núi phía Bắc Côn Lôn có một đầu sông, thuyền không thể qua vì sức nổi của nước quá yếu nên gọi vùng nước này là nhược thủy. Nước Đại Nguyệt Thị từng phái người trèo một con truyền đặc thù – “Xe lông” vượt qua nhược thủy hướng về nhà Hán để tiến cống 3 miếng hương liệu.

Nhìn ngoại hình thì 3 miếng hương liệu trông giống như quả táo nhưng lại có kích thước to như trứng của chim điểu. Bởi vì ở thời điểm đó thành Trường An phát sinh ôn dịch, trong hoàng cung có rất nhiều người bị lây nhiễm, do đó sứ giả thỉnh cầu thiêu đốt hương liệu đã tiến cống, dùng để trừ bỏ khí ôn dịch. Sau khi thiêu đốt một miếng hương liệu, người bệnh trong cung đều đang từ trạng thái nguy cấp chuyển sang bình an, không lâu sau thì hồi phục hoàn toàn một cách kỳ diệu. Hơn nữa mùi hương còn phát tán xa ngàn dặm, nhiều ngày sau vẫn chưa tan hết. 

Theo ghi chép trong ‘Bác vật chí’ của Trương Hoa, người chết vì dịch bệnh chưa quá 3 ngày, sau khi ngửi thấy mùi hương này lại có thể sống lại và hồi phục. Trong ‘Hải nội thập châu ký’ của Đông Phương Sóc từng miêu tả rằng: “Trong vòng trăm dặm có thể ngửi thấy khí hương, người chết trên đất ngửi thấy khí này chính là được cứu sống”. ‘Hán vũ đế nội truyện’ cũng mô tả lại sự việc tương tự, hơn nữa còn nói rất chi tiết. Quả hương mà nước Nguyệt ở Tây Vực tiến cống cho triều Hán có nguồn gốc từ “Cây Phản hồn”, vì có hiệu quả hoàn hồn mà được gọi là “Phản hồn hương”. 

Trong ‘Hoàng đế nội kinh’, ‘Ôn bệnh điều biện’, ‘Thiên Kim yếu phương’ cùng ‘Thương hàn luận’ đều có ghi lại việc dùng Huân hương phòng trừ dịch bệnh. Triều đình nhà Tống còn thiết lập hai bộ phận chuyên biệt là bộ phận thái y và bộ phận dược liệu. Đồng thời còn cho biên soạn hai cuốn sách lớn về y dược là ‘Thái bình thánh huệ phương’ và ‘Thái bình huệ dân hòa tề cục phương’. Trong cuốn ‘Thái bình thánh huệ phương’ có ghi lại nhiều loại phương pháp dùng hương liệu để phòng dịch bệnh. Người xưa quan niệm rằng bệnh là do tà khí xâm nhập qua miệng và mũi, nếu hít vào miệng và mũi mùi thuốc hương liệu thì kinh mạch khai thông, trừ bỏ tà khí và phụ trợ chính khí, đạt được tác dụng chữa bệnh, bồi bổ cơ thể.

* Hương nang (Túi thơm)

Túi thơm là một loại túi chứa toàn là bột hương liệu. Người xưa còn gọi loại túi này là bội vi, dung xú, hương nang hoặc là hương bao… Ví như Khuất Nguyên thời Chiến Quốc có ghi lại trong bài thơ ‘Ly Tao’ như sau: “Tiêu chuyên nịnh dĩ mạn thao hề, sát hựu dục sung phu bội vi”, tạm dịch: “Tiêu bợ đỡ nịnh đời ra mặt, Túi thơm trừ nhét chặt thù du”. Trong ‘Lễ ký – Nội tắc’ có ghi: “Nam nữ vị quan kê, câm anh giai bội dung xú”, từ “dung xú” cũng là chỉ túi thơm. Túi thơm thường được đeo bên cạnh sườn trên đai lưng hoặc phía dưới đai lưng chỗ khuỷu tay, cũng có khi treo trên màn che xe kiệu của vua. 

Trong cuốn ‘Trung Quốc văn hóa tượng chinh từ điển’ có ghi chép: “Bộ tộc của Hoàng đế phát sinh ôn dịch lớn, nghe nói y đạo của Quảng Thành Tử cao minh, Hoàng đế liền đến xin chỉ bảo phương pháp xử lý trị liệu ôn dịch. Quảng Thành Tử dùng túi hùng hoàng để Hoàng đế đeo bên người, kết quả là dịch bệnh đẩy lui”. Trong ‘Bão Phác Tử – Đăng thiệp’ có ghi: “Hoàng đế ham muốn trèo lên vườn đồi, nhưng dưới đất có quá nhiều rắn, Quảng Thành Tử bảo Hoàng đế đeo túi hùng hoàng bên người, kết quả là rắn đều tránh xa”. Vào thời thượng cổ, tổ tiên chúng ta cũng đem túi thơm đeo bên người mà đạt được mục đích trừ tà phòng dịch.

Thời cổ đại, túi thơm là vật dụng thông thường, ngay cả cung nữ cũng không ai không đeo túi thơm bên mình. Đây chính là nguyên nhân mà trên mỗi đoạn đường mà người thiếu nữ xưa đi qua đều để lại mùi hương. Câu thơ: “Quái đắc khinh phong tống dị hương, Phinh đình Tiên tử duệ nghê thường” (Lạ lùng gió nhẹ đưa hương, Thướt tha Tiên nữ nghê thường áo bay) trong bài ‘Tặng Vương Phúc Nương’ của Thôi Đạm đời Đường đã chứng minh điều này. Trong bài thơ ‘Vịnh mỹ nhân tại Thiên Tân kiều’, Lạc Tân Vương còn viết: “Mỹ nữ xuất đông lân, dung dữ tại thiên tân, đông y hương mãn lộ, di bộ miệt sinh trần” (Giai nhân đi từ phía Đông đến, nhẹ nhàng dạo bước bên cầu Thiên Tân, Chỉnh xiêm y hương phủ kín đường, Bụi hương bay theo bước chân ngà thong dong). Nghĩa là khi mỹ nhân đi qua, khắp con đường man mác hương thơm.

Đến thời nhà Minh phong tục mang theo túi thơm bên mình trong dịp Tết Đoan Ngọ rất thịnh hành, hơn nữa kiểu cách cũng đa dạng phong phú. Trong bài thơ ‘Biện trung Nguyên tịch’, Lý Mộng Dương viết: “Ngọc quán châu thành liễu mạch tà, tống kinh đăng nguyệt tán yên hoả, môn ngoại hương xa nhược lưu thuỷ, bất tri thanh điểu hướng thuỳ gia”. Nghĩa là xe kiệu nườm nượp đi qua cửa, hương thơm ngát tỏa ra từ người mỹ nữ trên xe. Điều này có thể thấy phong tục đeo túi thơm của thiếu nữ thời đó rất thịnh hành.

Tạo hình của túi thơm cũng rất đa dạng, phong phú. Có cái hình tròn, hình vuông, hình ô van, hình bầu dục, hình hồ lô, hình thạch lựu, hình đào, hình yêu viên, hình phương thắng… đa phần là do hai miếng kết lại, ở giữa rỗng, miệng túi khép kín lại, nhưng túi thơm đều có lỗ thông khí để hương thơm có thể tỏa ra bên ngoài. Trên đỉnh túi thơm có treo sợi tơ lụa, phía dưới buộc sợi dây bện kết (bách cát) hoặc châu ngọc có tua rua. Chất liệu may túi thơm cũng rất phong phú, có cái dùng ngọc điêu khắc, có cái là dây vàng, dây bạc, điểm xuyết ngọc phỉ thúy hoặc thêu lụa màu.

Quyển 5 trong bộ sách ‘Cựu Đường thư’ có ghi chép: “An Lộc Sơn phản loạn, Huyền Tông chạy trốn khỏi Trường An, khi đi đến sườn đồi Mã Ngôi, ban chết cho Dương Quý Phi và an táng ở đó. Sau này Huyền Tông từ đất Thục trở về kinh đô, nhớ lại tình xưa, đã đưa ra mật lệnh cải táng. Khi đào mộ cũ lên, phát hiện chiếc chăn màu tím dùng để cuốn thi thể khi mai táng và cả thi thể đều đã mục nát, duy chỉ có túi thơm là vẫn còn tốt”.

* Trừ ác khí, tránh tà uế

Mặc dù túi thơm được thiết kế với kiểu cách khác nhau qua từng thời đại, phương thức đeo và hương liệu bên trong cũng khác nhau, tuy nhiên ý nghĩa thì không có gì khác ngoài công dụng trừ ác khí tránh tà uế. 

Trong khu mộ thời Hán được khai quật ở Mã Vương Đôi, ngôi mộ 1 có 4 túi thơm còn khá nguyên vẹn (Một túi thơm “tín kỳ tú” bằng lụa ở bên cạnh phía Bắc, còn 3 túi kia để trong một chiếc hộp tre vuông ở bên cạnh phía đông). Bốn túi thơm được tìm thấy có chứa hương dược “trừ uế phòng bệnh” bên trong. Một chiếc chứa rễ cỏ mao hương, một chiếc chứa hoa cây hồ tiêu, hai chiếc còn lại chứa cỏ mao hương và hoa mộc lan… Trong hộp tre vuông vẫn tỏa ra mùi cỏ thơm.

Mao hương là một loài thực vật có mùi thơm thuộc họ lúa, sau khi phơi khô thì tỏa hương thơm, có thể dùng để chống mối mọt cho vật liệu may mặc. Hoa cây hồ tiêu dùng làm thuốc Đông y, có công dụng làm ấm và hoạt khí, trừ hàn, giảm đau, sát trùng. Mộc lan thì được miêu tả trong “Bản thảo cương mục” rằng: “Phổi thông ở mũi, mà mạch hoàn dạ dày từ mũi trên đi xuống, não là phủ của nguyên thần, mũi là khiếu của mệnh môn. Trung khí (Đông y chỉ khí trong dạ dày, có tác dụng tiêu hoá thức ăn và dinh dưỡng) của con người không đủ, khí thanh dương không đi lên được thì đầu nghiêng, 9 khiếu bất lợi. Hương Mộc lan cay ấm đi vào phổi có thể trợ giúp khí thanh dương trong dạ dày thăng lên thông với trời, do đó có thể làm ấm bên trong, trị các bệnh về đầu, mặt, mắt, mũi”.

Trong sách ‘Lý thược biền văn’ đời Thanh cũng có viết về chế tác “liệu pháp túi thơm trừ dịch bệnh”, tức là dùng cây khương hoạt, đại hoàng, sài hồ, thương truật, tế tân, ngô thù du, mỗi loại bằng nhau rồi nghiền thành bột mịn, cho vào túi thơm đeo ở trước ngực. Đeo lâu dài có thể phòng ngừa cảm mạo bốn mùa tránh dịch bệnh.

Trong tác phẩm ‘Hoàng Đế nội kinh’ được coi là khởi tổ của Đông y Trung Quốc, có đề cập đến: “Chính khí tồn nội, tà bất khả can, Tà chi sở thấu, kỳ khí tất hư”, câu này có nghĩa là gì? Khi mà chính khí thân thể người cường thịnh thì tà khí không dễ xâm nhập vào cơ thể, cũng sẽ không bị bệnh tật. Sở dĩ tà khí có thể xâm nhập vào cơ thể người thì nhất định là do chính khí đã bị hư nhược rồi. Cho nên bảo vệ chính khí, không để tà khí bên ngoài xâm phạm, cũng là cách mà người xưa dùng để tăng cường khả năng kháng bệnh. 

Tuy nhiên, chính khí từ đâu mà đến?

Trong lòng mang theo khí của trời đất thì tà khí không dám xâm phạm. 

Văn Thiên Tường, vừa là thi nhân vừa là thừa tướng triều Nam Tống bị quân Nguyên bắt làm tù binh. Ở trong ngục ông đã viết bài ‘Chính khí ca’, có đề rằng: Mạnh Tử nói ‘Ta biết bồi bổ hạo khí của ta’. Ở đây có bẩy khí, ta có một khí, một địch lại bẩy ta còn lo gì nữa. Huống hạo khí là chính khí vậy, nên làm bài Chính khí ca. Ý tứ câu này là, mặc dù đối phương có 7 loại khí nhưng là uế khí, chỉ cần dùng 1 loại chính khí này thôi là có thể địch lại với 7 loại khí kia, chẳng có gì phải lo lắng! Hơn nữa khí cương trực to lớn chính là chính khí hào hùng trong trời đất: 

“Thiên địa hữu chính khí, tạp nhiên phú lưu hình. Hạ tắc vi hà nhạc, thượng tắc vi nhật tinh. Ư nhân viết hạo nhiên, Bái hồ tắc sương minh” (Trời đất có chính khí, Toả ra cho muôn loài, Là sông núi dưới đất, Là trăng sao trên trời, Đầy rẫy cả vũ trụ). Trên đất có núi sông, không trung có mặt trời, mặt trăng và các vì sao, đều do chính khí hình thành, ở nhân gian thì đó là chính khí cuồn cuộn của con người. 

Nếu một người luôn ôm giữ sự thiện lương và bình thản, thân đầy chính khí thì tà khí cũng không dám đến gần, làm sao có thể xâm phạm!

Ngày nay, mỗi khi tết Đoan Ngọ đến, người ở nhiều nơi vẫn giữ phong tục cũ là đeo túi thơm, bao thơm, bên trong để rất nhiều thứ như hùng hoàng, huân thảo, ngải diệp… bên mình. Nhưng những điển cố về túi thơm đã dần bị lãng quên. Mỗi bảo vật tại thế gian đều muốn nói với chúng ta câu chuyện về sự ra đời của chúng, nếu có thể tìm lại được ý nghĩa thực sự về sự tồn tại của bảo vật, ắt hẳn chúng ta sẽ thấy cảm động trước nội hàm của nền văn hóa Thần truyền, cảm ơn đấng tạo hóa đã luôn che chở cho chúng ta.

San San biên dịch.

Tin bài liên quan