Nếu có người sinh ra là có mệnh khắc chồng, khắc vợ, khắc cha, khắc con thì không có cách nào cải biến được sao?
Thế gian thường nói: “Thê mệnh hung, khắc phu. Phu mệnh hung, khắc thê. Phụ mệnh hung, khắc tử. Tử mệnh hung, khắc phụ”. Khi đi xem toán mệnh, hễ nghe thấy mệnh khắc chồng hoặc mệnh khắc vợ thì người ta sợ lắm, lo lắng không yên, do đó đã tạo thành gánh nặng tinh thần rất lớn. Cũng có trường hợp cha con hay vợ chồng biết người kia mệnh khắc mình nên dẫn đến cốt nhục oán hận, thậm chí tan đàn xẻ nghé, sức tàn phá rất lớn.
Thực ra, đây là suy luận của người không hiểu mệnh lý bát tự (giờ sinh) đã tạo thành hiểu sai. Sau này lại lấy cái sai truyền cái sai, đời này truyền cho đời khác, thêm mắm thêm muối, cuối cùng đã mất đi ý nghĩa gốc vốn có của mệnh lý học.
Vậy chúng ta lý giải sự tình này như thế nào? Thực tế, cái gọi là “khắc phu, khắc thê, khắc phụ, khắc tử” là hiện tượng phối hợp suy tính ra từ bát tự (giờ sinh), là quan hệ xuất phát từ sự phối hợp giữa mệnh và vận của bản thân chứ không bị ngoại lực can thiệp gây ra. Hoàn toàn không phải nói rằng người này bẩm sinh có công năng đặc dị lợi hại thế nào, hoặc có sức mạnh thần bí ra sao, có thể khắc chế khiến người kia chết.
Phân tích cụ thể chính là, trong bát tự (giờ sinh) của mệnh người vợ nếu thấy “phu tinh” (đại diện cho chồng) nằm ở trạng thái “tử tuyệt” thì có thể suy đoán ra chồng của cô tương lai sẽ “bất lộc” (chết yểu). Sau khi cô kết hôn, hễ ứng nghiệm chồng “bất lộc” (chết yểu) thì rất nhiều người ngoài không hiểu bát tự, chỉ nhìn thấy hiện tượng kết cục liền nói người phụ nữ này khắc phu. Họ cho rằng trên thân cô có sát khí, có thể khiến chồng bị khắc chế đến chết, làm cho ai nấy đều sợ hãi tránh xa cô. Thực ra, đây chỉ là phối hợp mệnh cuộc của cô chú định như vậy, chứ không phải do cô mệnh hung mà khắc phu, cô vẫn chỉ là một người bình thường thôi.
Cũng đạo lý như vậy, nếu trong mệnh của cha thấy có “tử tinh phá hoại”, có thể suy đoán ra con không ra gì, chứ không phải là do cha mệnh hung mà khắc con. Trong mệnh của con thấy có “phụ tinh suy tuyệt”, có thể suy đoán ra cha chết sớm, chứ không phải do con có mệnh hung mà khắc cha. Trong mệnh của chồng thấy có “thê tinh tổn hoại”, có thể suy đoán ra người vợ bất đắc kỳ tử, chứ không phải vì người chồng mệnh hung mà khắc vợ.
Trong sách mệnh liệt kê ra rất nhiều hiện tượng này, ở đây chỉ liệt kê mấy loại thường gặp.
“Thân vượng, quan vi, vô tài giả, tất khi phu”
Bát tự là lấy nhật can của giờ sinh để đại biểu cho mình, “quan tinh” đại biểu cho chồng.
“Thân vượng” là chỉ trong bát tự, ngũ hành tương đồng với nhật can của mình chiếm đa số. Ví dụ, nhật can ngày sinh của mình là Canh – kim, trong 7 chữ kia có 5 chữ là kim, hơn nữa chiếm vị trí quan trọng trong nguyệt trụ địa chi và nhật trụ địa chi, thì đó chắc chắn là ‘thân vượng’ rồi.
“Quan vi” là chỉ sao (quan tinh hỏa) đại biểu cho chồng chỉ có thể có 2 ngôi. 5 cái kim so với 2 cái hỏa thì chính là “quan vi”. Lúc này 8 chữ đã phân phối xong rồi, “tài tinh” không có vị trí, tương đương với “vô tài” (không của cải). Bởi vì “tài tinh” có thể sinh “quan tinh”, không có “tài tinh” thì tương đương với “quan tinh” yếu nhược nhỏ bé, người chồng không được sự giúp đỡ nào.
Như thế bát tự này biểu đạt ý nghĩa là: đời này bạn xuất sắc, chiếm đại bộ phận (7, 8 phần trở lên) quyền nói, làm, quyền quyết định, chỉ để lại không gian 2 phần cho chồng bạn, việc gì cũng do bạn quyết định.
Cũng như vậy trong gia đình, các nguồn kinh tế, vật chất, lợi ích cũng đều dựa vào bạn là chính, bởi vì chồng bạn chỉ đóng góp được 2 phần thôi. Thế là trong con mắt người ngoài thì bạn là người bắt nạt chồng. Thực ra mệnh của bạn sinh ra như thế, từ phối hợp của bát tự có thể thấy được, là việc không thể nào khác được.
“Nhật can cường, quan nhược, vô tài, nhi thương thực trọng giả, tất khắc phu”
“Nhận can cường, quan nhược, vô tài” cũng giống như “Thân vượng, quan vi, vô tài giả”, cho nên chỉ phân tích thêm “thương thực trọng giả”.
“Thương thực” là chỉ thương quan tinh và thực thần tinh. Thương quan tinh là chuyên khắc chế quan tinh (chồng). Với tình trạng “vợ quản chặt” như ở trên, cộng thêm tổn hại đến quan tinh (người chồng) thì quan tinh (người chồng) không còn chỗ ẩn náu, bị người ngoài nhìn cho là mệnh khắc phu. Tình huống này cũng là nguồn gốc vì sao người thường hay nói là mệnh cứng sẽ khắc phu.
Mệnh cứng (mệnh ngạnh) cũng là chỉ mệnh nặng (mệnh trọng). Ý nghĩa của nó cũng là ngũ hành của mình chiếm đa số, như vậy ắt sẽ đại biểu rằng quan tinh của người chồng chỉ chiếm thiểu số. Bởi vì tổng cộng có 8 chữ (bát tự), không phải mình nhiều thì đối phương nhiều. Đa số áp đảo thiểu số. Nếu không có tài tinh (vô tài) thì biểu hiện là, nhẹ thì lấn át chồng, nặng thì khắc chồng. Đây là đã chú định từ trong bát tự khi sinh rồi chứ không phải ngoại lực can thiệp gây ra.
Nhưng không phải chỉ nhật can cường thịnh (mệnh cứng) là có hiện tượng khắc phu này. Nhật can yếu nhược mà phối hợp không tốt cũng sẽ khắc phu, bởi vì trong một số sách mệnh thì coi dụng thần làm phu.
“Quan vượng, ấn khinh, thân suy giả, tất khắc phu”
Bởi vì ấn khinh, chỉ rằng phu tinh nhỏ nhẹ lực yếu, không có mấy thành tựu, bị người ngoài xem là đã bị khắc mất rồi.
Những câu trên, người đọc không hiểu rõ mệnh lý xem không hiểu cũng không sao, có thể bỏ qua không xem. Chủ yếu là để nói rõ rằng trong bát tự của một người có thể thấy sao của chồng là tử tuyệt, hoặc tổn hoại, hoặc bất đắc lực, sau này hiển hiện ra, bị người ngoài cho là khi phu, khắc phu, thực tế là vận mệnh của bản thân cô khiến như vậy, chứ không phải vì cô mệnh hung mà khắc phu.
Vậy tại sao sinh ra mệnh “phu tinh suy tuyệt” hoặc “tử tinh phá hoại”?
Việc này là có tiền nhân hậu quả của nó. Tất cả các sự việc trên đời đều không phải là ngẫu nhiên.
Lấy một ví dụ trường hợp “con không ra gì” (tử bất tiếu). Nguyên nhân là do đời trước người cha đã làm việc bất hảo với người nào đó, người đó đời này đầu thai làm con ông ấy, để đòi nợ ông ấy. Như thế sẽ dễ lý giải nhân quả trong đó.
Ngôi sao lớn giới văn học đời Thanh là Viên Mai có trước tác “Tử bất ngữ” (những điều Khổng Tử không nói), trong đó có một bài viết rằng:
“Chủ sự bộ Lễ là Cát Tổ Lương nói với Viên Mai rằng: “Ông Trình nhà hàng xóm, nhà có rất nhiều tiền của, nhưng không có con trai. Không ngờ đến năm tuổi già lại sinh được một cậu con trai, tính tình thông minh thông tuệ, mặt mũi thanh tú sáng láng. Ông Trình yêu quý nâng niu cậu như viên ngọc minh châu.
Năm đứa trẻ 20 tuổi thì thân thể nhiều bệnh tật, tiền thuốc men chữa trị không biết bao nhiêu mà kể. Dần dần anh ta trưởng thành, chẳng sản xuất mà cũng chẳng theo nghề kinh doanh, chỉ thích chọi gà, thi chó, gia sản bị anh ta vung phí hết sạch.
Ông Trình thấy con không ra gì như thế này cảm thấy vô cùng phẫn uất. Một hôm, ông treo hình tượng Thần của tổ tiên chuẩn bị đánh cho con một trận.
Lúc này, anh con trai bỗng nói bằng giọng Sơn Đông rằng: “Ta chính là ông Ngô đây. Đời trước ngươi đã nợ ta một vạn lạng bạc, nay ta đã đòi được của ngươi cũng xấp xỉ rồi. Ngươi cho rằng ta là con trai ngươi sao? Đây là sai lầm quá lớn đó. Hôm qua ta đã đem sổ ra xem, ngươi vẫn còn thiếu nợ của ta hơn 80 lạng bạc nữa, nay cũng không thể nhân nhượng đâu”.
Nói rồi, anh ta vén tay áo xông lên trước, giật viên ngọc trân châu trên búi tóc của mẹ anh ta rồi giẫm đạp tan nát, sau đó anh ta lăn ra chết.
Ông Trình cuối cùng nghèo khổ bệ rạc, và không có người nối dõi”.
Nếu lấy bát tự của ông Trình ra phân tích thì sẽ thấy trong bát tự của ông có “tử tinh phá hoại”, do đó mới sinh ra đứa con không ra gì thế này, chứ không phải ông Trình mệnh hung mà khắc tử. Sở dĩ ông Trình có bát tự “tử tinh phá hoại” chính là bởi vì đời trước ông Trình đã thiếu nợ của ông Ngô ở Sơn Đông một vạn lạng bạc, do đó ông Ngô đời này mới đầu thai làm con trai ông Trình để đòi nợ. Nhân quả trước sau đều như thế, những cái khác như mệnh khắc thê, khắc phụ, khắc phu đều lý giải được.
Nếu có người sinh ra là có mệnh khắc phu, khắc thê, khắc phụ, khắc tử thì không có cách nào cải biến được sao?
Trong sách mệnh cũng có dạy chúng ta phương pháp cải biến. Đầu tiên cần nhận thức được rằng tất cả hung cát họa phúc đều do vận mệnh bản thân mình mà ra, hoàn toàn không phải người khác khắc chế mình, cũng không phải mình khắc chế người khác. Sau đó tu tâm dưỡng tính, chú ý cư xử, lời nói và hành vi, thiện chủng phúc điền, không oán Trời trách người.
Cũng có người dựa vào bát tự để xem người hợp hôn nhân, hoặc xem phong thủy để tránh hung đón cát. Cũng có người đến chùa bái Thần lễ Phật, cầu phúc tiêu tai v.v. Nhưng tất cả những điều này đều là những phương pháp bề ngoài, không thể thực sự tiêu trừ nguồn gốc tạo thành tất cả những nỗi bất hạnh của mình, đó chính là “nghiệp lực”. Nghiệp lực do làm những việc không tốt tạo thành, đời này tích tụ sang đời khác.
Muốn tiêu trừ loại nghiệp lực này thì chỉ có cách thực sự tu luyện chính Pháp chân chính. Chỉ có như vậy thì những gia đình bất hạnh, những tai nạn bất ngờ, những bệnh nan y… mới bị tiêu trừ khi nghiệp lực đã được tiêu trừ. Khi đó, cuộc sống vui vẻ hạnh phúc thực sự mới hiển hiện.
Nam Phương.