Người Chăm An Giang theo đạo Hồi Islam, nghiêm chỉnh chấp hành năm tín điều: Tin tưởng tuyệt đối vào Thánh Allah, hành lễ mỗi ngày năm lần, chay tịnh trong tháng lễ Ramadan, bố thí cho người nghèo, hành hương về thánh địa Meca. Niềm tin tôn giáo sâu sắc luôn đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm lý, chi phối hoạt động nhận thức, tình cảm, ý chí của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Người Chăm có sinh hoạt văn hoá rất phong phú với các lễ hội đặc trưng như đua ghe, lễ hội mùa nước nổi ở Búng Bình Thiên (An Phú).
Người Chăm có ngôn ngữ riêng tồn tại và phát triển bên cạnh tiếng Việt phổ thông. Ngôn ngữ Chăm không chỉ là một di sản văn hoá quý báu của dân tộc Chăm mà cỏn thể hiện mối quan hệ với nền văn hoá Việt Nam, văn hoá Trung Hoa, văn hoá Ấn và văn hoá của các dân tộc khác ở Đông Nam Á. Tiếng Chăm có quan hệ đặc biệt với nhóm ngôn ngữ Mã Lai – Polynesia trong khu vực Đông Nam Á. Chữ viết Chăm được sử dụng ở An Giang (Chăm Nam bộ) có bộ chữ cái viết theo mẫu tự Arập, đọc theo La tinh (viết từ phải sang trái). Do sinh sống lâu đời với người Việt, ngôn ngữ Chăm cũng chịu ảnh hưởng của tiếng Việt trong quá trình tồn tại và phát triển.
Hôn nhân gia đình phổ biến là theo chế độ mẫu hệ, vùng cạnh Châu Đốc theo chế độ phụ hệ. Tuy gia đình đã chuyển sang phụ hệ, vai trò nam giới được đề cao, nhưng những tập quán mẫu hệ vẫn tồn tại khá đậm nét trong quan hệ gia đình, dòng họ với việc thờ cúng tổ tiên. Người Chăm có quyền lấy vợ, lấy chồng người dân tộc khác nhưng phải chịu gia nhập Hồi giáo. Phụ nữ Chăm ở An Giang không che mặt khi ra đường, nhưng choàng khăn the đủ màu, trông rất đẹp. Trước đây, thiếu nữ Chăm đến tuổi dậy thì từ 14, 15 tuổi phải tuân thủ luật Ga-sâm (cấm cung). Trong thời gian đó, các gia đình khá giả thuê một bà già biết thêu dệt giỏi để phục vụ và dạy dỗ cô gái nghề dệt. Buồng của cô gái cấm cung là giang sơn kín đáo riêng biệt. Họ không được giáp mặt khách, chỉ quanh quẩn trong nhà, trong buồng quay tơ, dệt vải. Đến chiều tối mới được đi cùng “bà vú” hay người mẹ hoặc chị em ruột xuống sông tắm rửa bằng một cầu thang phụ nhỏ dẫn xuống sông. Muốn đi thăm họ hàng hoặc có việc cần thiết phải ra đường, cô gái cấm cung đi cùng bà già hoặc thiếu phụ và phải đi vào buổi tối để không ai nhìn rõ mặt. Cô gái cấm cung đến tuổi ba mươi mà không có ai cưới thì gia đình cho cô gái được tự do hơn. Hiện nay tục cấm cung đã bị bãi bỏ. Phụ nữ chủ động trong quan hệ hôn nhân, con sinh ra theo họ mẹ. Sính lễ do nhà gái lo liệu. Đàn ông Chăm giữ vai trò chủ gia đình và xã hội. Trường hợp người cha qua đời, người thay thế giải quyết mọi việc là bác, chú, anh... Nam giới có quyền cưới nhiều vợ, miễn là có đủ khả năng nuôi sống họ. Tuy nhiên trong thực tế xã hội Chăm, hầu hết chỉ một vợ một chồng.
Cộng đồng dân tộc Chăm tại An Giang có rất nhiều lễ hội, nghi thức truyền thống. Trong đó, nghi thức hôn lễ cổ truyền rất độc đáo, mang nét đặc trưng riêng, rất đáng ghi nhận. Các nghi thức, lễ hội ấy bao gồm :
Hàng năm ở An Giang lễ hội Haji diễn ra tại chùa Chăm Lớn Châu Giang, xã Châu Phong (Phú Hiệp cũ), thị xã Tân Châu. Vào ngày lễ, toàn thể tín đồ lắng nghe Khojip kể lại ngày thánh Ibrôhim. Buổi tối tổ chức cuộc thi đọc kinh Côran và chấm giải nhất cho ai đọc hay và thông suốt.
Sau phần hành lễ, người Chăm thường tổ chức các cuộc vui chơi, sinh hoạt văn hóa thể thao, như ca hát, đua ghe giống như Tết của người Việt. Đây là dịp để mọi người thăm viếng, vui chơi và chúc mừng những điều tốt lành cho nhau.
Lễ Ramadan
Lễ Ramadan của người theo đạo Hồi thường được gọi là “tháng ăn chay” hay “tháng nhịn ăn”. Vào dịp này, người theo đạo Hồi nhịn ăn uống hàng ngày vào thời điểm mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn. Riêng người bị ốm đau, trẻ dưới 5 tuổi hoặc khi đi du lịch đến các nước mà đạo Hồi không là Quốc giáo thì được miễn nhịn ăn vào ban ngày. Ramadan cũng là tên gọi cho tháng thứ 9 của lịch Hồi Giáo (lịch Hijra). Với người theo đạo Hồi, nhịn ăn uống là để có sự thông cảm với những người nghèo đói, những đồng đạo chưa đủ ăn, đủ mặc; đồng thời, rèn luyện cho con người sự tiết chế, chống những cám dỗ vật chất... Cộng đồng người Chăm ở An Giang hầu hết theo đạo Hồi đều thực hiện quy định trên. Đến nhà của người Chăm vào dịp này, khách cũng cần hiểu vì sao gia chủ không mời khách uống nước hay ăn bánh vào ban ngày.
Nghi thức hôn lễ cổ truyền
* Lễ dứt lời (Pakioh - Po Nuối)
Trước “lễ dứt lời”, bà mai (Maha) sang nhà gái trao đổi trước. Đúng ngày giờ đã định, nhà trai đến nhà gái. Vị Cả chùa tuyên bố: “Hôm nay là lễ Pakioh - Po Nuối cho hai trẻ, tiền đồng là… tiền chợ là…”. Hai họ dùng tiệc, chi phí bữa tiệc do đôi bên cùng lo. Vài hôm sau, đàng gái mang sang nhà trai một mâm bánh trả lễ, đàng trai trao tượng trưng bao thư tiền.
Sau đó cứ đến ngày Ro-Ja, chú rể và bạn bè đến thăm nhà cô dâu vào ban ngày, cô dâu không được ra gặp chú rể nhưng gia đình có thể xếp đặt cho nhìn kín đáo. Buổi tối, cô dâu cùng bạn gái qua thăm nhà chú rể.
Chú rể cũng được sắp xếp để nhìn lén cô dâu. Ba ngày trước đám cưới, vị Cả chùa và người nhà trai mang một cái giường qua nhà gái. Vị Cả chùa cầu nguyện, những người cùng đi dọn phòng cưới. Tiếng Chăm gọi việc này là đi Thon - Kghe (đi ráp giường). Cũng ngày này, các phụ nữ bên nhà gái may mùng cho đôi tân hôn.
* Đám cưới
Diễn ra trong 3 ngày: ngày nướng bánh (Âm-Ha), ngày nhóm họ (Pa Thưng – Pa Gú),ngày lễ lên ghế (lần 2 và 3). Nhà trai đưa rể sang nhà gái. Khi chú rể bước xuống cầu thang nhà mình, mọi người hát: “Xin cha mẹ tha thứ, con từ giã cha mẹ”. Khi chú rể bước tới chân cầu thang nhà gái, các bà đàng gái bưng nước rửa chân cho chú rể trong lúc mọi người hát vang bài hát có nội dung hân hoan rửa chân, và trải khăn trắng mời chú rể bước vô nhà.
Tiến hành lễ đính hôn (Ka Pol): Sau khi một người có uy tín đọc xong đoạn kinh Côran, nội dung nhắn nhủ chú rể tôn trọng người bạn đời thì cha cô dâu cầm tay chú rể nói: “Tôi gả đứa con gái tên là…”. Chú rể đáp: “Tôi nhận cưới…”. Khi được đưa vào phòng cô dâu, chú rể sẽ gỡ cây trâm cài trên tóc vợ, rồi cùng ngồi trên giường lắng nghe vị Cả Chùa cầu nguyện.
Bữa cơm của đôi tân hôn : Mâm cơm có 1 dĩa cơm, 1 dĩa thức ăn. Bốn phụ nữ có gia đình hạnh phúc nói lời chúc mừng và đôi vợ chồng trẻ sẽ cùng bốc ăn chung.
* Lễ động phòng hoa chúc (Sen Thoa):
Bốn phụ nữ nói trên giăng mùng, trải chiếu, tiến hành lễ “lượm bạc cắc”. Người ta đặt 1 xô nước trong đó có 10 đồng bạc cắc. Hai vợ chồng thò 1 bàn tay vào một lượt để mò bạc cắc. Ai lượm số bạc cắc nhiều hơn thì được có tiếng nói quyết định trong gia đình.
Đám cưới người Chăm An Giang trang trọng, ấm áp, không xa hoa phù phiếm. Ngày nay có một chút thay đổi trong nghi lễ: đám cưới chỉ trong 2 ngày; đưa chú rể sang nhà cô dâu vào buổi sáng thay vì buổi chiều; bỏ lễ “lên ghế lần 3”; trang phục cô dâu chú rể được cách tân, vẫn giữ vẻ đẹp cổ truyền nhưng tiện dụng hơn.
* * *
Từ nhiều năm nay, các làng Chăm ở An Giang đã trở thành điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Bước vào làng Chăm là bạn đã lạc vào một thế giới khác. Mỗi làng Chăm luôn có một thánh đường Hồi giáo bề thế, uy nghi. Nhà cửa có nét kiến trúc riêng với các hoa văn trang trí và nội thất mang nét đặc trưng của dân tộc Chăm. Thấp thoáng bên song cửa sổ là những cô gái đang ngồi quay tơ, dệt thổ cẩm. Phụ nữ Chăm rất đẹp, trong bộ trang phục truyền thống càng thêm duyên dáng...
Làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm của người Chăm tại ấp Phum Xoài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, An Giang, nổi tiếng với tên gọi “Thổ cẩm Phum Xoài” với nhiều loại sản phẩm cẩm đa dạng : sà-rông, khăn choàng, nón, áo khoác và các mặt hàng ví, túi xách, dép...mang đậm nét đặc trưng của người Chăm.
Làng Chăm là một trong những điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá vùng sông nước của hầu hết khách quốc tế đến An Giang. Đa số khách du lịch rất thích thú và ngạc nhiên trước cảnh vật và con người làng Chăm. Bà con Chăm rất thân thiện và hiếu khách, đặc biệt là đối với khách lạ đến thăm làng. Nếu kết thân, du khách sẽ được mời ngủ qua đêm tại nhà. Ngoài ra, du khách đến đây còn được tham quan công trình kiến trúc đẹp trong đó phải kể đến Thánh đường Mubarak ở xã Phú Hiệp là Thánh đường đẹp nhất ở An Giang.