Trong mâm cỗ cúng giao thừa năm nào của gia đình bà Nguyễn Thị Bích (Hà Nội) cũng có những món được chế biến từ thịt lợn. Vậy nhưng năm nay bà đã lên kế hoạch rằng không chế biến món ăn từ thịt lợn để trong mâm giao thừa.
Lý do để bà “tẩy chay” thị lợn như vậy vì cho rằng cúng thịt lợn trong năm Hợi là sẽ phạm húy, không tốt. Như năm Đinh Dậu vừa rồi, mâm cỗ truyền thống trong đêm 30 Tết có đĩa thịt gà trống của nhà bà cũng thay đổi không còn gà trống.
Bà Bích cũng cho biết, không chỉ bà mà mấy người bạn thân của bà cũng đã rủ nhau thực hiện điều này. Nhiều người cho rằng đã là năm lợn thì không nên cúng lợn mà thay vào đó thì cúng gà, bò….Nếu cúng lợn năm con lợn, gia đình sẽ gặp những điều không may trong năm mới.
Trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội về vấn đề này, PGS.TS Lê Quý Đức – Nguyên phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển cho rằng, có nhiều người hỏi ông năm Hợi có nên cúng thịt lợn đêm giao thừa. Không chỉ có năm Hợi mà những năm như Dậu, Tỵ, Sửu… là những năm có các con vật làm chủ thể, nhiều người nghĩ rằng không nên cúng thịt của các con vật đó trong những ngày đầu xuân mới, nhất là Giao thừa vì như thế là “ăn thịt” của chủ thể sẽ bị phạm húy, không đem lại may mắn, tài lộc…
Đó là niềm tin vào một điều gì đó trong đời sống tâm linh. Chẳng ai cấm cản được niềm tin nhưng điều đó không có cơ sở khoa học. Trong 12 con giáp có những con không hề có trong thực tế như con rồng, có ai tìm được rồng để cúng giao thừa?.
Quan niệm này có tính chất duy tâm, duy cảm, cũng có nét duy vật thô sơ. Nó cũng có một chút tinh thần nhân văn đó là năm con vật chủ thể mà làm vậy là điều ác nên kiêng. Và vì "có thờ có thiêng, có kiêng có lành" nên việc có cúng hay không tùy thuộc vào ý nguyện của từng người. Nếu trong tâm lý của ai đó mà “băn khoăn” thì có thể tránh để cho an yên, còn gia đình nào có làm cũng chẳng sao cả.
Theo quan niệm dân gian, lễ cúng giao thừa còn gọi lễ Trừ Tịch được thực hiện vào thời khắc kết thúc năm cũ chuyển sang năm mới (hết giờ Hợi ngày 30 sang giờ Tý (23h-1h) mở đầu ngày mùng 1 Tết).
Các chuyên gia phong thủy cho rằng, mâm lễ cúng giao thừa nếu cúng chay cần chay hoàn toàn không nên nửa chay nửa mặn. Lễ phải có ngũ quả. Ngũ quả chính là tượng trưng cho ngũ phúc (Phúc – Lộc – Thọ - Khanh – Ninh) là những điều con người ta luôn mong ước.
Trong cúng giao thừa phải có sớ viết cẩn thận, tiền vàng phải có đủ cho quan hành khiển, phán quan và ngũ phương long mạnh ninh thần…Dù vậy lưu ý không nên sắm vàng mã quá nhiều với ý nghĩ rằng “cúng càng nhiều sẽ càng có nhiều lộc”. Điều này vừa lãng phí, còn rất mê tín.
Theo PGS.TS Lê Quý Đức, nhiều gia đình cho rằng ngoài việc sửa soạn mâm cơm cúng trong nhà để mời tổ tiên ông bà về cùng ăn Tết với gia đình nhất định phải sửa soạn mâm cơm cúng giao thừa ngoài trời.
Tuy nhiên, chuyện thờ cúng là tự tâm. Lễ ngoài sân hay trong nhà không quan trọng. Lễ cúng cũng tùy khả năng và điều kiện mỗi gia đình. Cái chính vẫn là lòng thành của mỗi gia đình vì trong nhà hay ngoài sân cũng chỉ là để chứng kiến lòng thành của chủ nhà và quan trọng vẫn là ở sự thành kính.