Người có phúc khí hiểu được mọi thứ đến với mình không phải bởi sống nhanh mà nhờ vào sống chậm...
Đường đời mỗi người cũng giống như đường đua marathon trên sân vận động vậy. Con đường ấy có thể kéo dài vô hạn và bạn phải chạy liên tục không ngừng nghỉ. Vậy bạn sẽ lựa chọn cách chạy như thế nào và đích đến cuối cùng ở đâu?
Những ai từng tham dự các sự kiện marathon hoặc cuộc đua đường dài thường xuyên, đều hiểu sâu sắc rằng chạy quá nhanh sẽ lãng phí năng lượng khiến họ thất bại ngay từ giữa cuộc đua mà không thể về tới đích.
Liệu bạn có giống với loại người dễ bị kích động, vừa nghe thấy tiếng súng báo hiệu liền vội xông ra ngoài, cắm đầu cắm cổ chạy, hay là một người điềm tĩnh, tiến từng bước vững chắc về phía trước theo cách của mình?
Nếu làm theo phương pháp chạy trước dẫn đầu, chúng ta chỉ có thể nhất thời hành động như một anh hùng mà không thể hoàn thành được toàn bộ chặng đua. Nếu chúng ta thực hiện theo phương pháp chạy sau, duy trì tốc độ vừa phải, đều đặn, thì tin chắc rằng chúng ta sẽ có thể tích lũy năng lượng để vượt qua hầu hết đối thủ trong cuộc đua đường trường.
Tại sao điều này lại xảy ra? Bởi vì thể lực con người là có hạn, thân thể được tạo nên từ máu thịt, không thể cứ một mực chạy nhanh, nếu không sẽ gục ngã. Nếu chúng ta hiểu được sống chậm, chúng ta sẽ đạt được nhiều thứ hơn cả khi sống nhanh.
Trên thế giới này, chỉ có hai loài động vật có thể lên tới đỉnh của kim tự tháp, một là loài đại bàng có lợi thế bay lượn, hai là ốc sên – loài động vật mà chúng ta đều xem thường.
Tích lũy kinh nghiệm, thận trọng từng bước, đấy là trí tuệ của “ốc sên”. Mặc dù ốc sên là loài động vật nhỏ yếu nhưng nó lại có thể vượt lên chính mình, vượt lên người khác mà sánh ngang cùng đại bàng.
Trong thế giới nhất mực đòi hỏi “nhanh”, cuộc sống của nhiều người dần trở nên tê liệt, họ đã lãng quên nguyện ước lúc ban đầu của mình, đến cuối cùng họ cũng không biết cái gọi là “nhanh” này đối với họ có ý nghĩa gì.
Hết thảy những điều này đều có thể nhìn thấy từ cuộc sống của chúng ta.
Về ăn uống, chúng ta không còn mặn mà với những bữa cơm gia đình mà thích đồ ăn nhà hàng, đồ ăn nhanh hoặc ăn mì ăn liền. Vậy, những đồ ăn “nhanh” này sẽ mang đến giá trị dinh dưỡng gì cho thân thể chúng ta? Tại sao chúng ta lại thích ăn những món ăn này?
Về phương diện văn hóa đọc, chúng ta không còn quan tâm nhiều đến những cuốn sách in bằng giấy mà thay vào đó là sách điện tử. Trong quá trình đọc, chúng ta chỉ nóng lòng muốn biết kết cục câu chuyện, sau đó mới đọc tiếp cuốn sách. Loại phương thức đọc “nhanh” này có thể khai mở trí tuệ cho chúng ta hay không?
Về bước đi, chúng ta không còn yêu thích việc đi tản bộ hoặc đi chậm nữa. Chúng ta một mực yêu cầu bản thân phải chạy nhanh một chút đến nỗi không quan tâm đến mọi người và cảnh vật xung quanh. Vậy hành động “nhanh” có thể mang đến cho mọi người cảm giác thoải mái chăng?
“Nhanh” dần trở thành một đại danh từ trong cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta lại không biết rằng, phần nhiều những thứ “nhanh” trên thế giới này đều có hại. Chỉ bằng cách hành động chậm rãi, chúng ta mới có thể hoàn thành công việc một cách tốt nhất, mới có thể nâng cao được chất lượng cuộc sống.
Người càng có “phúc khí” thì lại càng biết sống chậm ở ba phương diện trên.
Trong quá trình tận hưởng cuộc sống sinh hoạt, chúng ta không nên yêu cầu bản thân phải sống nhanh mà cần ổn định. Lời nói từ tốn và ổn định sẽ vượt lên hết thảy, cho dù là tập thể hay một người, có thể ổn định tâm thì mọi thứ sẽ ổn. Đây là một loại tư duy sáng suốt.
Một khi truy cầu nhanh quá mức, người ta sẽ dễ gặp trắc trở trong cuộc đời, thậm chí còn bị người khác lợi dụng, lừa gạt, cuối cùng cái được chẳng bù cho cái mất, thậm chí cả người và của cải vật chất cũng chẳng còn.
Thử nghĩ, vì sao mà nhiều người bị thu thuế chỉ số thông minh? Bởi vì họ phát tài quá nhanh.
Người có phúc khí hiểu được mọi thứ đến với mình không phải bởi sống nhanh mà nhờ vào sống chậm.
Người càng có phúc khí càng biết làm cho công việc của họ chậm lại.
Tôi từng thấy một thanh niên vừa mới tốt nghiệp từ một trường danh giá, lúc mới vào công ty làm việc được ít ngày, anh ta đã nóng lòng muốn thể hiện bản thân, thậm chí còn nói chuyện khoác lác với lãnh đạo để sớm được thăng tiến.
Sau một thời gian ngắn, nam thanh niên bị lãnh đạo đuổi việc. Lý do sa thải rất đơn giản, cậu không nắm được nghiệp vụ và không nghiêm túc trong công việc.
Thực chất đằng sau sự thất bại này chính là anh ta muốn “nhanh” được thăng chức, tăng lương mà quên mất điều căn bản của một nhân viên là làm việc một cách thực chất, đoàn kết với người bên cạnh, nâng cao năng lực và nghiệp vụ của chính mình.
Đoàn kết nhân tâm, nâng cao năng lực nghiệp vụ không phải là việc có thể làm xong trong một sớm một chiều mà là kết quả của sự tích lũy không ngừng trong nhiều năm.
Đối với một người bình thường, nếu anh ta muốn có dáng vẻ tốt đẹp khi đứng giữa thế giới này thì cần phải làm được điều gì? Rất đơn giản, đó chính là anh ta cần lấp đầy thế giới nội tâm mình.
Vậy làm sao để lấp đầy thế giới nội tâm của một người? Cách tốt nhất chính là dùng tâm thái sống chậm để tu dưỡng nội tâm, giống như khơi thông dòng chảy để cuối cùng nước có thể thuận lợi chảy về biển.
Thế giới nội tâm là biểu tượng cho cảnh giới của một người. Đối với người có thế giới nội tâm hoàn chỉnh, cảnh giới của anh ta sẽ tuyệt đối không thấp. Nhưng nếu thế giới nội tâm không được hoàn thiện, thì đến cuối cùng anh ta cũng biểu hiện ra sự thiếu hiểu biết của bản thân.
Trong thế giới phức tạp này, điều chúng ta có thể làm là đừng chạy theo xu hướng mà đánh mất chủ kiến của bản thân, quên đi tâm nguyện lúc ban đầu của mình để theo đuổi cái gọi là “sống nhanh”. Ngược lại, chúng ta phải luôn mở rộng tầm mắt, để nội tâm trong sáng, thấu hiểu mọi thứ mà sống chậm lại để biết hoàn thiện bản thân.
Càng sống trong xã hội có nhịp độ nhanh, chúng ta càng nên sống chậm lại để không bị lạc lối. Đôi khi, chúng ta cũng cần sống chậm hơn một chút để tích lũy sức mạnh và đạt được thành quả mong muốn.
San San.