Mạn đàm về nguồn gốc và loạn pháp của Đạo gia

Mạn đàm về nguồn gốc và loạn pháp của Đạo gia

Đại diện của Đạo gia là Lão Tử, nhưng từ thời Xuân Thu đã xuất hiện đạo thuật. Vậy nguồn gốc xuất hiện của Đạo gia như thế nào? Ai là người đầu tiên làm loạn Đạo gia?

Nguồn gốc của Đạo gia

Trước Lão Tử thời Xuân Thu, có Đạo gia tu luyện nhưng không có sư phụ ở thế gian, mọi người đều tự truyền khẩu cho nhau mà tự mình tu luyện (Tự thủ thanh tu – Tự mình giữ mình, trong sạch tu luyện), chứ không có kinh điển chỉ đạo tu luyện một cách hệ thống. Tuy có kinh Dịch, nhưng chiểu theo kinh Dịch cũng chỉ là lấy ngôn hành (lời nói và hành vi) đối chiếu cho phù hợp với tiêu chuẩn của người tu luyện. Người thời ấy chân chất thuần phác, tâm tĩnh ít dục vọng, vậy nên tự nhiên đã ở trong Đạo rồi. Có câu rằng “Thượng cổ chi nhân, cạnh ư Đạo Đức” (Người thượng cổ, đua nhau về Đạo Đức).

Căn cứ tư liệu lịch sử, do đạo đức cao thượng, cần mẫn tu luyện, nên khi đó nhân loại rất trường thọ, ví dụ, Tam Hoàng Ngũ Đế đa số tại vị trăm năm, đều qua trăm tuổi rồi đi. Kể từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế, hàng ngàn năm đã trôi qua.

Theo các ghi chép, Đạo thuật khởi đầu từ Hoàng Đế, cho nên các thời Tần, Hán đều gọi Đạo gia là thuật Hoàng Lão. Đạo của Lão Tử là tu luyện thuần túy, nhưng thuật Hoàng Đế còn bao gồm cả thái dược luyện đan, thi triển thần thông pháp thuật, binh pháp, y dược, bùa chú, bói toán v.v. Một đường là đại Đạo, một đường là Đạo cho kẻ sĩ bậc trung, là tiểu Đạo, cả hai đều tự lưu truyền nhưng chúng không tương đồng, nếu gộp cả lại mà gọi là thuật Hoàng Lão thì có phần lẫn lộn. Nhưng về sau, sau khi Đạo giáo ra đời vào cuối thời Đông Hán, mới có nhiều người tu luyện đại Đạo chân chính, thi triển những thứ thần thông thuật loại khắp nơi.

Khổng Tử viết: “Dữ kỳ bất đắc trung dung, tất dã cuồng quyến hồ!” (Trong kết giao bằng hữu, nếu không tìm được người hợp với đạo trung dung, thì hãy tìm người tích cực tiến thủ và người giữ mình trong sạch kết giao).

“Dung” cũng là “Thường”. Đạo Trung Dung là đạo giữ trung hòa, có thể thường hằng thực hành. Quân tử  xử thế bình đạm, thản đãng, đường đường chính chính, tu thân dưỡng tính mới là chính Đạo. Bậc thượng sĩ xuất thế gian, coi khinh danh lợi, lánh xa bụi trần mà ẩn cư nơi núi cao rừng sâu, thường nhân rất hiếm người thấy họ.

Bậc thượng sĩ tại thế gian, “ẩn nhẫn dĩ hành giản cư cầu chí” (Nhẫn chịu khổ nhục, thực hành đạm bạc mà nuôi dưỡng ý chí), sống nơi nhem nhuốc mà không hổ thẹn, thường nhân cũng rất ít người có thể biết được họ. Những thứ như binh pháp, y dược, kỳ môn độn giáp v.v những thuật loại thì chỉ có người tu Đạo mới có thể nắm vững.

Những thứ mà họ truyền thừa đều hết sức bí mật, không thể nói ra, người thường không biết được họ là người tu Đạo, chỉ biết là họ trước khi hành binh bói quẻ thì có làm pháp sự, cử hành một số nghi thức. Trong toàn bộ lịch sử Trung Hoa, họ không chỉ tu Đạo, mà nhiều người còn là những nhân vật khởi tác dụng to lớn trong lịch sử. Hầu hết các câu chuyện Thần Tiên trong lịch sử đều do vai diễn của họ mà ra.

Khổng Tử còn viết: “Cuồng giả tiến thủ, quyến giả hữu sở bất vi dã” – Người tích cực thì có chí tiến thủ, người giữ mình trong sạch thì có những việc họ không làm (Luận Ngữ – Tử Lộ).

Kẻ tích cực hăng hái tiến thủ gọi là Cuồng, kẻ cô độc giữ mình trong sạch, chẳng làm gì gọi là Quyến, cả hai đều là cực đoan. Những kẻ loạn Pháp hại Đạo trong lịch sử, chẳng phải là loại hạ sĩ ‘Cuồng, Quyến’ này sao! Kẻ hạ sĩ, hoặc ẩn cư để cầu danh, hoặc tiêu tai giải họa để cầu lợi, hoặc huyên náo thế nhân, chỉ lo người khác không biết mình là người siêu phàm thoát tục. Người theo chính Đạo thì ngược lại, vì những điều trên, nên càng không thể cho người ta biết đến mình.

Lại thêm lũ tục sĩ bên dưới cả hạ sĩ, xa rời gốc Đạo mà nhập vào ma đạo, làm ra huyền hoặc quỷ quái, làm loạn thế nhân, dẫn đến nhiều người bị lâm trọng bệnh, tất nhiên thanh danh của Đạo gia cũng bị bọn này bôi nhọ, tổn hại.

Thực ra, nguyên nhân chính làm bại hoại Đạo gia là đến từ bản thân đệ tử tu luyện, hoặc từ các truyền nhân, đệ tử cư sĩ tại gia. Những người này còn có tính mê hoặc hơn cả đám người kia.

Quan niệm vũ trụ và con người trong Đạo gia

Đối với Đức Lão Tử, nguyên thủy của vũ trụ và vạn vật là Đạo.

Đạo là thể vô hình vô tướng, không sinh không diệt, hằng hữu đời đời. Sở dĩ người ta không thấy được Đạo là vì nó là những nguyên tố rời rạc, chưa kết thành hình tượng. Đạo sinh một, một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật. Một đó là Thái cực, Hai đó là Âm Dương, Ba đó là Tam Thiên Vị (Ba ngôi: Thái cực, Dương và Âm). Âm và Dương thu nhận Sinh từ ngôi Thái cực, rồi vừa xung đột vừa hòa hiệp, để tạo thành trời đất, vũ trụ và vạn vật. Cho nên theo ông, trong vạn vật đều có Âm Dương: Vạn vật đều cõng một Âm và bồng một Dương.

Vì vậy theo Đạo giáo, trước khi vũ trụ thành hình, trong khoảng không gian hư vô bao la, có một chất sinh rất huyền diệu, gọi là Đạo. Đạo biến hóa ra Âm Dương. Âm Dương xô đẩy và hòa hiệp tạo ra vũ trụ và vạn vật. Vạn vật được hóa sinh ra, tác động với nhau, phồn thịnh với nhau, rồi cuối cùng tan rã để trở về trạng thái không vật không hình, tức là trở về nguồn gốc của nó là Đạo.

Quan niệm về nhân sinh

Đức Lão Tử quan niệm rằng: Đạo Trời không thân ai, không sợ ai. Trời Đất sinh ra muôn vật, cây cỏ, chim muông, nhân loại, không phải cốt để chúng ăn thịt nhau mà các sinh vật đều khắc chế lẫn nhau, nuôi dưỡng nhau, bổ trợ nhau để cùng tồn tại.

Đức Lão Tử không lấy cuộc đời làm lạc thú, xem việc sống như một nghĩa vụ, không yếm thế, không lạc quan, và xem cái chết là một việc phục tùng theo lẽ tự nhiên nhất định. Lão Tử ghét những người ham mê danh lợi, quá coi trọng cái xác thịt của mình. Cái xác thịt giả tạm này là một cái không đáng quý, vì nó thường là mối lo cho người ta; đáng quý nhất là khi người ta biết đem thân ra phụng sự thiên hạ. Đức Lão Tử khuyên người đời không nên quá tôn trọng và thiên về đời sống vật chất, phải tiết chế lòng ham muốn, nên chú trọng tinh thần, lấy cái tâm đè nén cái khí, thà bỏ cái thân này mà giữ được Đạo và Đức.

Lão Tử không bàn đến Thượng đế, Linh hồn, Thiên đàng, Địa ngục, mà chỉ nói một cách tổng quát về nguồn gốc của con người và vạn vật là từ Đạo mà ra, và cuối cùng thì trở về Đạo, hòa vào Đạo và tu Đạo.

Khởi đầu loạn pháp của Đạo gia

Căn cứ theo “Sử ký – Lão Tử Hàn Phi liệt truyện” ghi chép, Trang Chu (Trang Tử) là người đất Mông nước Tống, sống cùng thời với Mạnh Kha, tuổi tác có thể chênh nhau chút ít. “Sử ký” viết về Trang Tử, “Kỳ học vô sở bất khuy, nhiên kỳ yếu bản quy ư Lão Tử chi ngôn” (Sở học rộng khắp không thiếu thứ gì, tuy nhiên cái gốc quy về lời Lão Tử), thấy rõ ngôn luận của Trang Tử đều có nguồn gốc từ Lão Tử.

Trong “Sử ký” còn viết: “Lão Tử tu Đạo Đức, kỳ học dĩ tự ẩn vô danh vi vụ” (Lão Tử tu Đạo Đức, học để mà tự ẩn vô danh), và tán dương truyền tụng: “Lão Tử sở quý đạo, hư vô, nhân ứng biến hóa vu vô vi, cố trước thư từ xưng vi diệu nan thức. Trang Tử tản đạo đức, phóng luận, yếu diệc quy chi tự nhiên.” Tạm dịch: Chỗ cốt lõi của Lão Tử là Đạo, là hư vô, biến hóa thành vô vi, nên lời ông giảng ra vi diệu khó hiểu. Trang Tử buông lỏng đạo đức, phóng khoáng ngôn luận, cốt lõi quy về Tự Nhiên. 

Vậy thấy rõ ràng luận thuật của Trang Tử là khác hẳn Lão Tử, là thứ Trang Tử theo lý giải của bản thân để suy diễn “Đạo Đức kinh”, yếu lĩnh nằm ở “Tự Nhiên”. Nhìn qua là thấy ngay nội hàm khác biệt trời vực giữa “Đạo” của Lão Tử và “Tự Nhiên” của Trang Tử.

Đối với luận thuật của Trang Chu, “Sử ký” đánh giá như sau: “Cố kỳ trước thư thập dư vạn ngôn, đại để suất ngụ ngôn dã…. Úy lụy hư, kháng tang tử chi thuộc, giai không ngữ vô sự thực” (Thư tịch hơn mười vạn từ, đại để cũng là loại ngụ ngôn…. nhiều thiếu sót, cùng loại như Khang Tang Tử thôi, đều là lời nói suông, không thực).

Có lẽ, chính vì “Đạo Đức kinh” của Lão Tử vi diệu khó hiểu, nên không ai thấu hiểu được nội hàm chân chính trong đó, nên Trang Chu vận dụng hình thức ngụ ngôn để giải thích Lão Tử, cách này khó mà miêu tả được sự hồng đại vô cùng của “Đạo”. Chính vì không thể giải thích được “Đạo” của Lão Tử, nên hành văn của Trang Tử “Không ngữ vô sự thực” (Lời suông, không thực), đa phần là hư cấu, mang “Đạo” của Lão Tử cuộc hạn vào trong lý giải của mình, làm cản trở người ta tham ngộ triệt để “Đạo Đức kinh”. Đây cũng là chỗ mà Tư Mã Thiên cảm thán: “Giai nguyên ư đạo đức chi ý, nhi Lão Tử thâm viễn hỹ” (Đều là bắt nguồn từ ý của Đạo Đức cả, Lão Tử thật sâu xa).

“Đạo Đức kinh” của Lão Tử dùng cho tu luyện thành Tiên, cũng có thể dùng trị quốc hưng bang. Thế nhưng, “Trang Tử” của Trang Chu thì : “Kỳ ngôn quang dương tự tứ dĩ thích kỷ, cố tự vương công đại nhân bất năng khí chi” (Lời nói phóng túng khoe khoang thỏa thích, nên các bậc vương công đại nhân không thể dùng được).

Nếu nói “Đạo Đức kinh” là vũ trụ quan, thì “Trang Tử” chỉ là nhân sinh quan mà thôi. Nhà Tấn cho rằng Trang Tử cũng là đạo của Lão Tử, sau đó thời Ngụy, Hán lại lấy “Lão Trang” hợp lại mà luận, người về sau lại lấy “Trang Tử” làm chú thích cho “Đạo Đức Kinh”, làm người ta không thể chân chính phân biệt được đâu là ‘Đạo’ chân chính của Lão Tử. Nói Trang Tử làm loạn pháp Lão Tử, chính là ở chỗ này.

Bình Nhi biên dịch.

Tin bài liên quan