Liễu Hạnh công chúa là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng Thượng Đế, đã ba lần giáng hạ xuống nước Nam. Từ thời nhà Hậu Lê đến nhà Nguyễn, Bà đã được cấp phong nhiều Sắc, tôn vinh là bậc “Mẫu nghi thiên hạ – Mẹ của muôn dân”.
Dân tộc ta với nguồn gốc con Rồng cháu Tiên là dấu tích rõ ràng nhất cho sự tồn tại của Thần và Thiên thượng phản ánh tại nhân gian. Trong suốt lịch sử dựng nước và giữ nước, Thiên thượng đã nhiều lần triển hiện Thần tích giúp dân tộc ta vượt bao gian nguy mà vững bước trường tồn. Đặc biệt trong thời gian lâu dài đó có bốn vị Thần cổ xưa luôn giúp đỡ bảo vệ nước Nam, gọi là “Tứ Bất Tử”. Trong bốn vị này có duy nhất một người là nữ giới, đó là Thánh mẫu Liễu Hạnh.
Bà vốn là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng Thượng Đế, ba lần giáng trần. Bà đã được các triều đại phong kiến từ thời nhà Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn cấp phong nhiều Sắc, tôn vinh là bậc “Mẫu nghi thiên hạ – Mẹ của muôn dân”.
Do nhiều lần giáng trần nên Liễu Hạnh công chúa là vị Thần tiên gần gũi và để lại nhiều giai thoại trong lịch sử Việt Nam. Những lần gặp gỡ đầy thi vị của bà với Trạng Bùng đã để lại cho đời những câu chuyện truyền kỳ với bao vần thơ Tiên tuyệt đẹp.
Lần đầu tiên: Bà giáng sinh vào gia đình ông Phạm Huyền Viên tại thôn Quảng Nạp, xã Vỉ Nhuế, huyện Thái An, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam (nay là huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Bà tại thế từ năm Giáp Dần, niên hiệu Thiệu Bình nguyên niên (năm 1434) cho tới năm Quý Tỵ niên hiệu Hồng Đức thứ 4 (năm 1473). Ở đời này Bà là người con hiếu thảo, luôn thờ phụng cha mẹ cho đến khi trở về thượng giới.
Lần thứ hai: Bà giáng sinh làm con gái của ông Lê Đức Chinh ở xã Vân Cát, huyện Vụ Bản, phủ Nghĩa Hưng, được cha mẹ đặt tên là Lê Thị Giáng Tiên, tự Liễu Hạnh. Tới tuổi trưởng thành Bà được gả cho Trần Đào Lang ở thôn An Thái, sau sinh được một trai tên là Nhâm. Sau khoảng 22 năm tại thế, Bà quy tiên vào ngày mùng 8 tháng 3 âm lịch (năm 1577, đời Lê Thế Tông).
Lần thứ ba: Bà giáng sinh tại xã Tây Mỗ, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, lấy chồng họ Mai, sinh được một trai tên là Cổn. Nhưng chỉ hơn một năm sau đó Bà rời cõi trần trở lại Thượng giới.
Mỗi lần giáng sinh bà đều dạy dân hành thiện, sống đời đạo đức. Từ lần thứ ba trở đi, bà hóa thân đi chu du khắp nước, không chỉ nhiều lần thi triển thần thông mà còn để lại biết bao thần tích và giai thoại. Các triều đại từ thời Lê trở về sau đều có ghi sự tích của bà.
Thời gian trôi qua, dân gian ngày càng tín ngưỡng Công chúa Liễu Hạnh, tục gọi là Bà Chúa Liễu. Họ đã lập đền thờ Bà ở Phủ Giầy, Nam Định, cũng như ở Phố Cát và Đền Sòng tại Thanh Hoá.
Khi hiện thân ở nước ta, Liễu Hạnh tiên chúa mang hình tượng của một nữ thi sĩ uyên bác để lại nhiều bài xướng họa. Ngoài ra, Bà còn giáng bút bằng thơ hay câu đối ở nhiều nơi. Những truyền thuyết này đã được ghi thành thần tích qua các thời đại, như:
– “Truyền kỳ tân phả” của Đoàn Thị Điểm, thế kỷ 18. – “Liễu Hạnh công chúa diễn ngâm” của Nguyễn Công Trứ, thế kỷ 19. – “Vân Cát Thần Nữ Cổ Lục diễm ngâm” của tác giả khuyết danh.
Theo “Nam Hải Dị Nhân” của Phan Kế Bính thì người được Thánh mẫu đối đáp thơ văn nhiều nhất là Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan.
Sơn nữ ngồi trên ghế, phải chăng Tiên giáng trần?
Khi nhà Lê khôi phục Thăng Long, Phùng Khắc Khoan được cử sang sứ triều Minh. Trên đường trở về từ chuyến đi sứ, Trạng Bùng đi qua chùa Thiên Minh (Lạng Sơn). Thấy trước sân có ba cây thông và một cô gái xinh đẹp đang ngồi vừa đàn vừa hát, Phùng Khắc Khoan lên tiếng ghẹo:
“Tam mộc sâm đình, tọa trước hảo hề nữ tử” (Ba cây che sân, cô gái đẹp thay ngồi đó)
Không ngờ cô gái đối ngay:
“Trùng sơn xuất lộ, tẩu lai sứ giả lại nhân” (Núi non mở đường, thư lại sứ giả chạy sang)
Trạng Bùng vừa ngạc nhiên vừa khâm phục, không chỉ vì câu đối quá tài tình mà còn bởi cô gái ấy tuổi đời còn rất trẻ. Nàng không cần nhìn đã nói ra hết lai lịch của ông chỉ bằng một câu đối. Bởi vế ra đối tuy lời lẽ đơn giản, nhưng cách chơi chữ cũng khá cầu kỳ: Ba chữ “Mộc” (木) ghép lại thành chữ “Sâm” (森), còn chữ “Hảo” (好) là do chữ “Nữ” (女) và chữ “Tử” (子) ghép thành.
Cô gái cũng dùng lối ghép chữ đối lại: Hai chữ “Sơn” (山) ghép lại thành chữ “Xuất” (出), còn chữ “Sứ” (使) là do chữ “Lại” (吏) và chữ “Nhân” (人) ghép thành.
Ông hứng khởi đọc luôn câu khác:
“Sơn nhân bằng nhất kỷ, mạc phi tiên nữ lâm phàm” (Cô gái miền núi ngồi trên ghế, phải chăng là nàng tiên giáng trần?)
Chữ “Sơn” (山) ghép với chữ “Nhân” (人) thành chữ “Tiên” (仙). Chữ “Bằng” (凴) có chữ “Kỉ” (几), chữ Kỉ này lại ghép với chữ “Nhất” (一) tạo thành chữ “Phàm” (凡).
Cô gái cũng đáp lại một cách tài tình:
“Văn tử đới trường cân, tất thị học sinh thị trướng” (Chàng văn nhân chít khăn dài, chính là cậu học sinh nhìn vào màn đấy chăng?)
Ở đây chữ “Văn” (文) và chữ “Tử” (子) tạo thành chữ “Học” (學). Chữ “Đới” (帶) có chữ “Cân” (巾), ghép với chữ “Trường” (長) tạo thành chữ “Trướng” (帳).
Phùng Khắc Khoan thấy lạ, chưa kịp hỏi rõ lai lịch thì cô gái đã biến đâu mất rồi, chỉ thấy các thanh gỗ nằm ngổn ngang tạo hình bốn chữ: “Mão khẩu công chúa”, bên cạnh là cây gỗ dựng viết bốn chữ “Băng mã dĩ tẩu”.
Những người cùng đi với Trạng tỏ vẻ không hiểu, Phùng Khắc Khoan bèn giảng giải:
– “Mộc” (木) là cây gỗ, khi ghép với chữ “Mão” (卯) thì thành chữ “Liễu” [柳], còn ghép với chữ “Khẩu” (口) thì lại thành chữ “Hạnh” (杏). Người thiếu nữ vừa rồi chính là công chúa Liễu Hạnh. Còn chữ “Băng” (冫) ghép với chữ “Mã” (馬) chính là họ “Phùng” (馮) của ta, chữ “Dĩ” (已) nằm cạnh chữ “Tẩu” (走) chính là chữ “Khởi” (起). Chắc công chúa muốn ta khởi công xây dựng ngôi chùa để thờ Ngài.
Sau đó, Phùng Khắc Khoan nhanh chóng khởi công trùng tu lại ngôi chùa này.
Tiên phàm họa thơ một đêm trăng, lòng trần vương dấu phủ Tây Hồ
Vốn là bậc trí thức văn nhã, Phùng Khắc Khoan thường vãn cảnh Tây Hồ để ngâm thơ thưởng nguyệt. Một lần khi đang lênh đênh du ngoạn Hồ Tây cùng hai người bạn, một người là cử nhân Ngô Trường Sinh, còn người kia là tú tài Lý Hạ, ông bỗng thấy một khóm cây đào xanh tốt um tùm. Ba người bạn bèn len thuyền vào trong thì thấy có một tòa lầu gác rất u nhã, trên cửa đề bốn chữ “Tây hồ phong nguyệt” (trăng gió hồ Tây) và hai bên có đôi liễn viết lối chữ thảo:
“Hồ trung nhàn nhật nguyệt Thành ngoại tiểu càn khôn.”
Dịch nghĩa:
Trong hồ nhật nguyệt nhàn Ngoài thành vũ trụ nhỏ.
Trước lầu có che một bức mành, thấp thoáng bên trong là bóng thiếu nữ mặc y phục màu đỏ. Tú tài Lý cất tiếng hỏi:
– Chỗ lâu đài này có phải là cảnh tiên không? Anh em chúng tôi vô tình lỡ bước tới đây, muốn mượn cảnh này làm chỗ Lan đình thắng hội, không biết tiên nữ có dung cho hay không?
Thiếu nữ bèn đáp:
– Chỗ này không phải phàm trần, nếu các ông quả là bậc phong nhã thì tôi đây cũng không hẹp gì.
Ba người bèn đậu thuyền rồi lần lượt bước vào tòa lầu. Thoạt nhìn lên tường thấy có dán một bài thơ tứ tuyệt nét mực còn tươi, chữ viết đẹp như rồng bay phượng múa:
“Điếm phương môn nội chiếu minh nguyệt Thời chính nhân bàng lập thổ khuê Khách hữu tam tinh câu nguyệt đối Huệ nhiên nhất mộc lưỡng nhân đề.”
Dịch thơ:
Cửa quán là đây trăng sáng soi, Bên mành ai đứng đợi chờ ai, Khách đến ba người thừa đội nguyệt, Một cây huệ mọc giữa hai người.
Đây là một bài thơ chơi chữ rất hay:
“Điếm phương môn nội chiếu minh nguyệt” (Cửa quán là đây trăng sáng soi)
Chữ “Môn” (門) có ánh trăng chiếu vào thành chữ “Nhàn” (閒). Chữ “Chiếu” (曌) gồm có chữ “Minh” (明) cấu thành từ hai chữ “Nhật” và “Nguyệt”, bên dưới là chữ “Không” (空), có thể gọi là Nhật Nguyệt Đương Không (mặt trời và trăng trên không). Ý câu này là Điếm môn nhàn (quán đang vắng vẻ). Nhưng bởi có chữ Chiếu bên trên cùng với chữ Minh Nguyệt nên còn có ẩn ý là chủ quán không phải người phàm, vốn từ thiên thượng xuống đây.
“Thời chính nhân bàng lập thổ khuê” (Bên mành ai đứng đợi chờ ai)
“Nhân bàng” là chữ Nhân đứng bên cạnh (亻), “lập Thổ Khuê” nghĩa là hai chữ Thổ chồng lên nhau thành chữ “Khuê” (圭). Chữ Khuê ghép với chữ Nhân đứng thành chữ “Giai”, nghĩa là đúng lúc, tốt đẹp. Ý câu này nghĩa là Thời chính giai (thời tiết đẹp).
Câu này hàm ý còn sâu hơn, vì chữ “Khuê” (圭) nghĩa là ngọc khuê, là chỉ người chức cao được vua ban tước. Như vậy, câu thơ có ý nói rằng trong ba vị khách tất có một người là quan to của triều đình, ngầm chỉ Phùng Khắc Khoan. Hai chữ “Thổ” chồng lên nhau mới ra chữ “Khuê”, ý nói rằng hai người bạn đi cùng dẫu là về chức vị hay học vị thì đều không sánh bằng vị quan này. Chủ nhà chưa từng gặp mặt, mà biết luôn lai lịch của khách thì quả thật là tiên nhân rồi.
“Khách hữu tam tinh câu nguyệt đối” (Khách đến ba người thừa đội nguyệt)
“Tam tinh câu nguyệt” là chiết tự của chữ “Tâm” (心), gồm có 3 chấm và một móc câu như hình mặt trăng. Như vậy câu này là “Khách hữu tâm” (Khách có tâm). Chữ “Tinh” (星) hay (菁) nghĩa là ngôi sao, cũng có nghĩa là ánh sáng, tinh thể, chỉ người có trí tuệ. Hàm ý câu này là ba vị khách tài năng hôm nay gặp được vầng trăng (vầng trăng chỉ Liễu Hạnh, khách đến từ trời).
“Huệ nhiên nhất mộc lưỡng nhân đề” (Một cây huệ mọc giữa hai người)
“Nhất mộc” là một chữ “Mộc” (木), ghép với “lưỡng nhân” tức là hai chữ “Nhân” (人) thì tạo thành chữ “Lai” (來). Chữ “Huệ” (慧) là trí huệ, “Nhiên” (然) là đúng, đồng ý. Câu thơ ý nói rằng những người này do có ngộ tính (trí huệ) nên mới có duyên kỳ ngộ gặp được Tiên nhân.
Cả bài thơ tựu trung lại là:
“Điếm môn nhàn Thời chính giai Khách hữu tâm Huệ nhiên lai”
Tạm dịch:
Quán đương vắng Thời tiết đẹp Khách có lòng Mời vào chơi
Ba vị khách còn đang gật gù khen ngợi bài thơ tuyệt diệu thì bỗng có cô hầu gái xinh đẹp đến dâng khay rượu, ở trên bày ba cái chén và một ve rượu kèm theo tờ thiếp. Phùng Khắc Khoan đọc tờ thiếp rồi đưa cho hai bạn, trên đó đề câu thơ:
“Tây Hồ biệt chiếm nhất hồ thiên” (Tây Hồ riêng chiếm một bầu trời)
Ba văn sĩ hiểu ngay ý của chủ nhân là muốn mở đầu bài thơ liên cú viết về Hồ Tây nên họ rất hào hứng. Cả ba vừa nhấp rượu vừa lần lượt mỗi người hai câu, người này nối tiếp người kia, chẳng mấy chốc đã có ngay một bài dài. Gần đến đoạn kết, bỗng từ phía sau song cửa vang lên giọng thơ trong trẻo của một cô gái trẻ:
“Đắc nguyệt ưng tri ngã thị tiên” (Trăng tròn soi một bóng tiên thôi)
Ba nhà thơ không ai bảo ai nhưng cùng lúc đập tay xuống bàn khen cho câu kết tuyệt cú. Họ gặp người hầu gái, xin được gặp chủ nhân nhưng người hầu gái trước sau một mực thưa rằng:
– Liễu chủ nhân có việc bận xin được cáo lỗi.
Ngồi thêm một lúc, cả ba người đành ra về trong nỗi niềm bâng khuâng luyến tiếc cái duyên kỳ ngộ ấy.
Mấy ngày sau, Phùng Khắc Khoan và hai người bạn lại rủ nhau đến thăm chốn cũ. Nhưng khi đến nơi thì lầu gác đã không còn, chỉ thấy trên thân cây bên chỗ xưa một bài thơ ai dán sẵn:
“Vân tác y thường phong tác xa, Tiên du Đâu Suất mộ yên hà, Thế nhân dục thức ngô danh tính, Nhất đại sơn nhân Ngọc Quỳnh Hoa”
Ngô và Lý hỏi Phùng Khắc Khoan về ý nghĩa bài thơ. Phùng Khắc Khoan suy nghĩ một chút rồi trả lời:
– Hai câu đầu của bài thơ ý tứ rõ ràng là mô tả về người con gái đó: “Lấy mây làm xiêm áo, lấy gió làm xe, sáng đi chơi Đâu Suất, chiều ngao du yên hà”. Đích thị là người nhà Trời. Rồi thì “Người đời ai muốn biết họ tên ta” thì dùng kiểu chiết tự để đoán: chữ “Nhất” (一) ghép với chữ “Đại” (大) sẽ thành chữ “Thiên” (天), chữ “Sơn” (山) ghép với chữ “Nhân” (人) sẽ thành chữ “Tiên” (仙). Câu cuối cùng trở thành: Thiên tiên Ngọc Quỳnh Hoa (Ta là tiên nữ Ngọc Quỳnh Hoa trên thiên thượng).
Sau này để tưởng nhớ Tiên duyên ấy, Phùng Khắc Khoan đã cho dựng lên trên nền đất cũ của quán “Tây Hồ phong nguyệt” một ngôi đền thờ Tiên Chúa Liễu Hạnh để ghi lại kỷ niệm lần thứ hai gặp Bà.
Nằm ngay bên bờ Tây Hồ xinh đẹp, giữa cảnh quan thơ mộng của kinh thành Đông Đô, ngôi đền qua mấy trăm năm chiến loạn vẫn trầm mặc nằm ở đó. Đó chính là Phủ Tây Hồ trên bán đảo Tây Hồ thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội (xưa thuộc làng Tây Hồ, thôn Quảng Khánh, xã Quảng An).
Bài thơ xướng họa của ba bậc văn nhân và Liễu Hạnh tiên chúa còn lưu lại đến nay, được Phan Kế Bính dịch ra như sau:
Hồ Tây riêng chiếm một bầu trời, Bát ngát bốn mùa rộng mắt coi. Cõi ngọc xanh xanh làng phía cạnh, Trâu vàng biêng biếc nước vành khơi.
Che mưa nhà lợp vài gian cỏ, Chéo gió ai bơi một chiếc chài. Rậu thủng chó đua đàn sủa tiếng, Trời hôm bếp thổi khói tuôn hơi.
Mơn mơn tay lái con chèo quế, Xàn xạt mình đeo chiếc áo tơi. Thuyền Phạm phất phơ chơi bể rộng, Bè Trương thấp thoáng thả sông trời.
Đò đưa bãi lác tai dồn dã, Giọng hát bờ lau tiếng thảnh thơi. Cò xuống đưa qua vùng cát đậu, Diều bay sẻ liệng đám mây chơi.
Khúc ca trong đục ẩm bên nước, Quầng mắt xanh đen sạch bụi đời. Đầu gối long hà lai láng chuyện, Tay soi tiền giáp lả lơi cười.
Chốc sen ngả nón chứa rau búp, Đáy nước dìm phao bắt cá tươi. Có lúc kề hoa vầy tiệc rượu, Họa khi tựa bóng đứng đầu mui.
Say rồi cởi áo quăng dòng mái, Tắm đoạn xoay quần hóng gió phơi. Trẻ mục Yên-hoa bầy tiệc rượu, Lũ tiều Thượng-uyển hẹn lời dai.
Bắt cò cứ vững ngồi rình bụi, Mò ngọc khen ai khéo lặn ngòi. Tay lưới thế thần khôn mắc vướng, Lưỡi câu danh lợi nhẹ tham mồi.
Hạ rồi bến mát còn yêu nắng, Đông hết thành xuân chửa thấy mai. Thú cảnh yên hà sang dễ đọ, Sóng lòng trần tục dạ hồ vơi.
Xe săn Vị-thủy tha hồ hỏi, Thuyền tới Đào-nguyên mặc sức bơi. Chuông sớm giục thanh lòng Phật đó, Trăng tròn soi một bóng Tiên thôi.
Lời kết:
Từ bé đến lớn, chúng ta đã nghe rất nhiều câu chuyện về Thần tiên, về những điều huyền ảo nơi thượng giới. Tất cả giống như một giấc mơ đẹp của thời thơ ấu. Rồi khi ta lớn lên, giấc mơ xưa bị xóa sạch như thể chỉ là những câu chuyện hoang đường, và theo cái nhìn hạn hẹp của con người hiện đại, ta cho rằng cổ nhân lạc hậu nên mới hư cấu mà thành…
Nhưng tổ tiên ta với nền văn hiến nghìn năm, với trí tuệ và văn hóa ưu việt bậc nhất của châu Á, lại có thể mê mờ đến mức dựng nên những chuyện vô căn cứ hay sao?
Vì sao mà những hoàng đế anh minh nhất, những bậc danh thần đạo cao đức trọng nhất vẫn một mực tin thờ Trời đất, kính trọng Thần linh? Chính bởi vì tất cả đều là sự thật chân thật hơn bất cứ minh chứng lịch sử nào. Chẳng qua thời gian quá lâu dài khiến cho hậu thế tưởng rằng đó chỉ là chuyện huyền hoặc được dựng nên.
Liễu Hạnh công chúa và các giai thoại liên quan đến bà là những câu chuyện thần tiên gần nhất còn được lưu truyền gần như nguyên vẹn đến hôm nay, âu cũng là ý Trời muốn hé lộ cho con người biết sự tồn tại của Thiên thượng mà bớt ngông cuồng phóng túng chăng?
Tĩnh Thủy.