Cúng tạ mộ cuối năm là phong tục truyền thống của người Việt, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, tấm lòng hướng về ông bà tổ tiên của con cháu thế hệ sau. Những ngày giáp Tết, theo phong tục truyền thống mọi gia đình người Việt thường ra mộ tổ tiên để lễ tạ Thổ thần, đắp thêm đất lên mộ, sửa sang mộ, mời Gia tiên về đón năm mới.
Vào những ngày cuối năm giáp Tết (khoảng thời gian từ 23 đến 30 Tết) các gia đình thường sắm sửa lễ vật ra tiến cúng chư vị tôn thần quản cai nghĩa trang, đồng thời sửa sang lại phần mộ của tổ tiên, ông bà. Đây là một tục lệ truyền thống của người Việt có ý nghĩa vô cùng. Nó thể hiện sự hiếu thuận, đạo tình của con cháu đối với những người thân đã khuất. Đồng thời, cầu mong các vị này phù hộ cho các vong linh người thân quyến thuộc đắc an cư nơi mộ địa và không bị ngoại quỷ vô danh vọng hành chiếm đoạt mộ phần.
Phần mộ được coi là “nhà” của người đã khuất nên thường được con cháu sửa sang sạch, đẹp để đón Tết Nguyên đán bằng lễ tạ mộ có ý nghĩa thể hiện lòng hiếu thảo và mời gia tiên “về” đón Tết. Lễ tạ mộ trước Tết Nguyên đán là nét đẹp văn hóa của người Việt, là cách để con cháu "giao lưu" với tổ tiên, để gia tiền phù hộ cho con cháu làm ăn có tài lộc như niềm tin của người dân ta. Vì thế gia đình nào bận mấy cũng thu xếp thời gian làm lễ tạ mộ cuối năm.
Theo chuyên gia tư vấn phong thủy, việc tạ mộ cuối năm rất quan trọng, là cách để con cháu cảm ơn thần linh, thổ địa khu vực có mộ phần. Tương tự như cuối năm con cháu làm lễ tạ thần linh, thổ địa gia tiên, tiền chủ nơi nhà họ đang sống.
Tạ mộ không chỉ tạ “các cụ” nhà mình, mà nên hiểu đủ là tạ ơn phật thánh, quan thần linh bản địa, chư vị tôn thần… đã cho các cụ nương nhờ mảnh đất đó. Nhờ vậy các cụ mới dễ dàng "đi về" mà phù hộ cho con cháu làm ăn có tài lộc.
Tạ mộ là thể hiện lòng hiếu, là một nghi thức để giáo dục cho đời sau về lòng hiếu thảo, tri ân các bậc tiền nhân.
Đại đức Thích Minh Định (TP.HCM) cho hay: “Mặc dù tạ mộ là một phong tục tập quán, không phải là nghi lễ của đạo Phật nhưng nó thể hiện sự hiếu thuận biết ơn và nhớ ơn tới ông bà, tổ tiên thì cũng đâu ngoài Phật pháp.
Theo đó, nếu Phật tử có lòng nghĩ nhớ đến ông bà tổ tiên mà đi viếng mộ thì để bày tỏ lòng hiếu thuận và biết ơn thì đâu có gì là không đúng, đâu có gì là không được. Đồng thời, chính việc này cũng giúp giáo hóa lòng người để họ biết hiếu thuận”.
Song mọi người cũng cần phân biệt rõ tảo mộ và tạ mộ. Lễ tảo mộ còn có nghĩa đen là quét mộ, được diễn ra vào ngày mùng 3 tháng Ba âm lịch. Với công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho được sạch sẽ.
Tuy nhiên, theo Đại đức Thích Minh Định thì mọi việc tùy duyên. Nếu họ biết nhớ ơn hiếu thuận thì vẫn có thể thăm mộ người thân như ông bà, cha mẹ mà cúng, lễ lạy. Song không nhất thiết phải “mâm cao cỗ đầy”. Chỉ cần sửa soạn lễ cúng gia tiên, bao gồm hương thơm, hoa, quả, trầu cau, một ít vàng mã và mâm cỗ chay hay mặn thì tùy vào từng gia đình. Mọi cái phải được bày biện cẩn thận rồi mang ra ngoài mộ hoặc bày lên bàn thờ gia tiên.
Nên tạ mộ vào ngày nào?
Tùy theo phong tục từng nơi mà tạ mộ diễn ra mang tính chất gia đình nhỏ, hoặc đi theo dòng họ. Những người quanh năm đi làm ăn xa thường trở về cố hương vào dịp Tết để tạ mộ, sum họp với gia đình.
Các dòng họ tạ mộ theo dòng tộc thường quy định một ngày chạp họ, để thân tộc cùng gặp mặt cuối năm tại nhà thờ họ để cúng lễ, dọn dẹp, trang hoàng… đón Tết. Thời gian thường vào ngày nghỉ để mọi người có mặt đông đủ hơn.
Thời gian tạ mộ thường là từ sau lễ Táo quân chầu Trời, kéo dài tới 30 tháng chạp âm lịch, để kết hợp mời ông bà về ăn Tết vào trưa 30 Tết.
Việc chính khi đi tạ mộ
Công việc trong lễ tạ mộ là dọn dẹp sạch sẽ cho phong quang, thoáng đáng mộ phần của người đã mất. Là mộ đất có thể đắp lại nấm cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại, cây hoang mọc trùm lên mộ, cũng là cách giảm bớt rắn, chuột đào hang, làm tổ. Đắp thêm đất lên mộ, sửa sang mộ tổ tiên, ông bà.
Các cụ già thì lo việc cúng khấn tổ tiên nơi phần mộ.
Theo sách Táng Kinh, khi tạ mộ cần quan sát phần mộ, nếu thấy có những điều sau thì cần cải tạo sớm. Tuy không có căn cứ khoa học nào chứng minh, nhưng việc làm này cũng có thể coi như sự củng cố niềm tin và thanh thản:
- Mộ phần ở nơi trũng, thấp mà vô cớ nứt nẻ, bát hương vỡ nứt.
- Trong nhà có nam/ nữ hay gây điều tiếng; nhà có con cái ngỗ nghịch, hay ăn phải đồ độc, mắc bệnh điên cuồng, kiếp hại, hình trường.
- Nhân khẩu bất an, sự nghiệp thất bại, gia sản hao hụt.
- Mộ táng tại bát diệu sát, thủy khẩu chảy từ hoàng tuyền thủy (đại ý là nước chảy vào phần mộ).
Sắm lễ tạ mộ
Quan điểm của ông Tam Nguyên cho rằng, tạ mộ là tạ thần linh thổ địa, vì vậy dịp này nên dâng mâm cỗ lớn ở miếu thần linh, trong đó có xôi, gà (giò hoặc gà trống thiến nguyên con bày trên xôi).
Lễ tạ mộ truyền thống, nơi mộ phần sắm lễ hoa quả đơn giản (hương, nước, hoa tươi, trầu cau, hoa quả, thuốc lá, chè, rượu trắng (kèm chén đựng rượu 5 cái), nến cốc màu đỏ. Không nên sắm lễ lớn, bởi chưa chắc các cụ đã được hưởng vì các vong linh xung quanh có thể quấy nhiễu. Muốn cúng tiến các cụ thì sau lễ tạ mộ, con cháu đã mời các cụ về nhà đón Tết lúc đó mới làm cơm cúng, tha hồ biếu các cụ hoa quả, thực phẩm, vàng mã. Phần sắm lễ tạ mộ tùy theo điều kiện, lòng thành của gia chủ.
Có thể dùng vàng mã, hoặc tùy vong linh mà dùng áo quần mã phù hợp cúng tiến. Nhưng không nên dùng nhiều vàng mã.
Ở nghĩa trang có nơi thờ Thần linh, Thổ địa riêng thì phải bày lễ hai nơi, và tùy theo phong tục địa phương mà có điều chỉnh thích ứng. Nhưng các nhà tâm linh đều khuyên nên tránh dâng cúng những đồ sát sinh trong lễ cúng tâm linh.
Lễ tạ mộ có nhiều bài văn khấn, dành cho nhiều đối tượng khác nhau. Nếu không hiểu kỹ về “tâm khấn”, thì lời khấn không mấy linh nghiệm.
Người không biết, tốt nhất dùng cuốn Văn khấn Việt Nam có bán ở các hiệu sách tâm linh và khu vực chùa chiền.
Văn khấn tạ mộ
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Con kính lạy:
- Ngài Kim niên Đương cai Thái tuế Chí đức Tôn thần, Kim niên hành binh, Công tào phán quan,
- Ngài bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại vương,
- Ngài bản xứ thổ địa, thần linh,
- Các ngài Ngũ phương, Long mạch Tôn thần, Tiền thần Chu Tước, Hậu thần Huyền Vũ, Tả thần Thanh Long, Hữu thần Bạch Hổ
- Liệt vị Tôn thần cai quản ở xứ này.
Con kính lạy vong linh ………., cùng tổ khảo, tổ tỷ, cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ, bá thúc huynh đệ, cô di tỷ muội và các hương linh họ..... Hôm nay là ngày…tháng…năm…, nhằm tiết ….. (cuối năm, thanh minh,...) Chúng con là:……………
Thành tâm sắm sanh phẩm vật, hương hoa phù tửu lễ nghi, trình cáo Chư vị Tôn Thần, cù lao tiên tổ về việc lễ tạ mộ phần.
Nguyên có vong linh thân nhân của gia đình chúng con là:……….hiện phần mộ an táng ở nơi này. Đội ơn Chư vị Tôn thần che chở, ban ân, vong linh được yên ổn vui tươi nơi chín suối. Lại nhờ có duyên lành, gia đình chúng con được vong linh thường về ghé thăm, linh ứng giúp chỉ dẫn các công các việc được đầu xuôi đuôi lọt, nhờ thế toàn gia được an ninh khang thái, từng bước tiến bộ. Nay nhằm ngày lành tháng tốt, gia đình chúng con sắm sửa lễ tạ mộ những mong báo đáp ân thâm, tỏ lòng hiếu kính.
Cúi xin Chư vị Tôn Thần lai giáng án tiền, nhận hưởng lễ vật, chứng minh tâm đức. Cúi mong vong linh chấp kỳ lễ bạc, lời kêu tiếng khấn, tờ đơn cánh sớ, tùy phương ứng biến, độ trì toàn gia, từ trẻ tới già, luôn được vui tươi, mạnh khỏe. Chúng con dâng biếu vong linh tài mã gồm : ….( đọc tên các đồ mã dâng cho vong) Âm dương cách trở, bát nước nén hương, giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Phục duy cẩn cáo!