Mỗi độ xuân sang, du khách thập phương lại về Yên Tử, thành tâm chiêm bái chốn Tổ Thiền Trúc Lâm, thăm Khu Di tích lịch sử - thắng cảnh nổi tiếng của vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Hằng năm, từ những ngày đầu tháng Giêng, du khách thập phương lại tấp nập về Hội xuân Yên Tử lễ Phật, du xuân "cầu may vạn phúc!". Ngày 10 tháng Giêng, lễ khai mạc Hội xuân truyền thống được tổ chức với nhiều hoạt động như: Lễ dâng hương cúng Phật, bái Tổ Trúc Lâm; văn nghệ diễn xướng tái hiện sự tích lịch sử, văn hóa tâm linh, những huyền thoại về Tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm tôn kính; Lễ khai ấn "Dấu Thiêng Chùa Đồng" đầu năm rất quan trọng và các hoạt động văn hóa dân gian, múa Rồng Lân, võ thuật cổ truyền, trò chơi dân gian,..… tưng bừng, nhộn nhịp.
Lễ hội Yên Tử đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, du khách thập phương, chúng tăng, ni, phật tử ở trong và ngoài nước. Hội xuân Yên Tử diễn ra từ tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch. Những năm gần đây, Yên Tử trở thành nơi du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái, thắng cảnh, thu hút du khách trong và ngoài nước đến thường xuyên quanh năm.
Cuối thời Lý, đầu đời Trần, Yên Tử đã là nơi thờ Phật và tu hành của các thiền sư: Hiện Quang, Viên Chứng, Đại Đăng, Tiêu Dao, Huệ Tuệ. Đến khi vua Trần Nhân Tông về đây tu hành, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm thì Yên Tử trở thành trung tâm Phật giáo của nước ta từ đó. Trải qua gần 1000 năm lịch sử, những công trình kiến trúc về chùa, am, tháp và những di vật cổ quý giá từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn vẫn còn lưu dấu tích, ẩn khuất giữa rừng già. Yên Tử non thiêng là bảo tàng văn hóa kiến trúc, bảo tàng động vật, thực vật phong phú. Chính nơi đây, bản sắc dân tộc Việt Nam, tư tưởng, tâm hồn Việt Nam được thể hiện rất rõ.
Các ngày lễ trong năm ở Yên Tử
-Ngày mùng 10 tháng Giêng (Âm lịch): Lễ khai mạc Hội xuân Yên Tử được tổ chức long trọng và tưng bừng. Đây là Lễ hội truyền thống có tầm vóc Quốc gia.
-Ngày 01 tháng 11 (Âm lịch): Ngày tưởng niệm Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn. Ngày giỗ Sơ Tổ Trúc Lâm đã được Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chọn làm ngày Đại lễ của Phật giáo Việt Nam.
-Ngày mùng 03 tháng 03 (Âm lịch): Ngày giỗ Đệ Nhị Tổ Pháp Loa.
-Ngày 23 tháng Giêng (Âm lịch): Ngày giỗ Đệ Tam Tổ Huyền Quang.
-Ngày 18 tháng 02 (Âm lịch): Ngày giỗ Thiền sư Chân Nguyên.
Yên Tử là nơi vua Trân Nhân Tông hóa Phật, nơi khai sinh Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đạo Phật Việt Nam, một dòng Thiền có một không hai trên thế gian này. Trong Ngài thể hiện rất rõ, quyện vào nhau ba yếu tố con người hiện thực, hướng thượng và nhập thế để sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, đạo Phật của Việt Nam. Sự xuất hiện, tồn tại và phát triển của giáo lý Tam Tổ Trúc Lâm Yên Tử là sự phát triển về triết học nói riêng và tư tưởng nói chung của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XIII-XIV. Những giá trị, tinh hoa của nền triết học, tư tưởng đó mà nổi bật là tinh thần hòa giải và yêu thương vẫn tỏa sáng qua các thời đại.
Yên Tử là một quần thể di tích lịch sử, văn hóa tâm linh nổi tiếng của nước nhà, là một kho tàng lịch sử và truyền thuyết phong phú, hấp dẫn. Yên Tử còn lưu những di tích lịch sử văn hóa thời Lý, Trần và các dấu ấn lịch sử, văn hóa, văn minh qua các thời đại.
Chuyện lạ quanh bức tượng đá giữa trời Yên Tử
Theo sử sách, ngay từ thủa sơ khai, Yên Tử đã là một ngọn núi thiêng nổi tiếng khắp nước Việt. Chính vì vậy, vào thế kỷ thứ III trước CN đã có đạo sỹ tên Yên Kỳ Sinh - đạo sỹ giỏi nối tiếng xứ Trung Hoa đến đây tu luyện rồi hóa đá. Dấu tích xưa nay vẫn còn lại một pho tượng đá cao 2m, hình người, đứng chắp tay hướng về Bắc.
Pho tượng đá An Kỳ Sinh (hay còn gọi là Yên Kỳ Sinh) tọa lạc ngay giữa đỉnh Yên Tử, đoạn từ chùa Vân Tiêu đi lên chùa Đồng. Là tượng đá nguyên khối, lại đứng giữa đất trời hàng nghìn năm nên rong rêu bám đầy. Nhiều người dân ở đây cho rằng tượng đá An Kỳ Sinh là một khối đá thiên tạo, dáng hình giống một nhà sư mặc áo chùng thâm, hai tay cung kính chắp trước ngực, nhà sư thanh thản đứng giữa đất trời, tà áo bay trong gió.
Tượng được dựng đứng trên một khối đá hình nấm, dưới chân tượng được cố định bằng xi măng. Trước mặt tượng được xây một bệ thờ ba bậc, bằng xi măng và đặt một bát hương rất to. Bên phải có một bệ thờ nhỏ, cũng đặt một bát hương.
Không ai biết đích xác đó là bệ thờ ai, chỉ nghe tương truyền đó là bệ thờ một vị đệ tử của đạo sĩ Yên Kỳ Sinh. Bên trái có một biển bằng xi măng cắm trên một cột bê tông hình chữ nhật, nét chữ sơn vàng ghi: "Tượng An Kỳ Sinh - di tích có giá trị,
Thật lạ là trong khi đường leo núi, đoạn từ tháp 7 tầng đi lên chùa Đồng, đoạn nào cũng dốc, đá núi lởm chởm thì chỗ đặt tượng thờ An Kỳ Sinh lại bằng phẳng, mặc dù rộng chưa đầy 100m2. Một số người bán hàng ở đây cho biết, chỉ duy nhất ở đoạn này, trên hành trình lên chùa Đồng không bao giờ xảy ra cảnh chen lấn, xô đẩy. Khi đi qua đoạn này, du khách thập phương thường kiên nhẫn đứng lại, chờ đến lượt mình được vào lễ bái chứ không tranh giành nhau như ở chùa dưới.
Người ta quan niệm, tượng An Kỳ Sinh là một pho tượng kỳ lạ nên ẩn chứa trong đó nhiều phép màu huyền bí. Bởi vậy, khi đến đây người đi chùa thường lấy một tờ tiền mới, chà lên mình tượng để cầu phúc, cầu sức khỏe và tài lộc.
Cũng có người cho rằng tượng là hiện thân của Yên Kỳ Sinh - một vị đạo sỹ tinh thông bách bệnh, từng luyện nên linh đan trường sinh bất tử nên khi nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo, vô phương cứu chữa đã đến đây lập đàn cúng tế, xin cho bệnh tật tiêu tan, tai qua nạn khỏi đã rất linh ứng.
Bí ẩn “thôn cung nữ” ở đất Phật Yên Tử
Sự tích suối Giải Oan Truyền thuyết kể rằng, Thượng hoàng Trần Nhân Tông cách đây trên 700 năm, một ngày mùa đông đã từ bỏ kinh thành Thăng Long đi về hướng đông để tìm núi tu luyện, đến vùng đất Yên Tử thì dừng chân. Lúc đi có 300 cung tần mỹ nữ theo hầu. Khi đến Yên Tử, do không được vua cho ở cùng nơi đất Phật, nên các cung tần mỹ nữ lâm vào cảnh khó. Đường về kinh thành xa xôi vạn dặm, quân lính của tân vương phong tỏa khắp nơi, ở cũng khó mà đi cũng khó. Để giữ trọn đạo quân vương, 300 cung tần mỹ nữ đã trầm mình xuống con suối giữa đại ngàn Yên Tử.
Thượng hoàng Trần Nhân Tông đau xót cho lập đền cúng tế và đặt tên con suối này là suối Giải Oan, hiện nay suối Giải Oan nằm vắt ngang xã Thượng Yên Công, bốn mùa nước trong vắt như những giọt nước của giai nhân.
Nói lại chuyện 300 cung tần mỹ nữ khi trầm mình xuống suối, đúng thời điểm đó có một một tốp chàng người Dao bản địa đi kiếm củi về ngang qua. Cả nhóm ào xuống tìm cách cứu người nhưng không biết tiền định thế nào, chỉ có 5 chàng trai cứu được 5 cô gái. Để tri ân, những cô gái này xin được làm vợ để "nâng khăn sửa túi" cho 5 chàng trai đã cứu mình. Nhờ gene của những giai nhân đến từ kinh thành, con gái của vùng đất này nổi tiếng bởi vẻ đẹp sắc nước hương trời cũng như phong cách lịch lãm. Khi năm bà cung nữ qua đời, dân làng Thượng Yên Công đã lập đền thờ, gọi là đền Năm Mẫu. Ngôi đền này hiện vẫn nằm ở Thượng Yên Công như một dấu tích của những ngày xa xôi ấy.
Những câu chuyện huyền bí trên Yên Tử kể cả ngày không hết. Chính ông Quang đã từng được chứng kiến cảnh tượng một đoàn du khách đến mấy chục người, toàn nam thanh nữ tú, lên đến chùa Hoa Yên, cười nói vô duyên, trai văng bậy bạ, gái cười hô hố, liền bị đau bụng quằn quại, không đi nổi nữa. Họ cứ cố lên mỗi bước, bụng lại đau hơn, cuối cùng phải xuống núi. Khi xuống đến chân núi, thì các cơn đau khủng khiếp chợt tan biến đâu mất. Đám người này hoảng hồn, không dám lên Yên Tử nữa.
Yên Tử gắn liền với diễn biến lịch sử huy hoàng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc chiến đấu và chiến thắng lẫy lừng quân xâm lược phương Bắc, phương Tây và xây dựng đất nước. Yên Tử trở thành một trong những biểu tượng rực rỡ của tinh thần độc lập tự chủ, tự cường của dân tộc Việt Nam. Yên Tử gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Trần Nhân Tông, một vị vua có công lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.