Làm người cần có 8 loại đức này

Làm người cần có 8 loại đức này

Sống trên đời, điều chúng ta sợ nhất là sự hiểu lầm của người khác, người chúng ta sợ nhất là người thích truyền thị phi. Điều chúng ta mong mỏi nhất là sự thấu hiểu và đồng cảm của người khác. Trong thế giới của người lớn sẽ vĩnh viễn không có chữ hai chữ “dễ dàng”...

1. Khẩu đức

Tục ngữ có câu: “Bệnh từ miệng vào – Họa từ miệng ra”, người có mệnh tốt hay không chỉ cần mở miệng là có thể biết.

Cổ nhân thường giảng, ngôn do tâm sinh. Nếu miệng luôn nói những lời không tốt, chê trách nói xấu người khác, sẽ nhanh chóng bị tổn đức, mất đi phúc báo. Người hay nói ra những lời sai sự thật, phỉ báng, nói lời xằng bậy, lời ác gây tổn thương đến người khác sẽ tạo nghiệp rất lớn.

Trên thực tế, nhiều rắc rối mà chúng ta gặp phải thực ra là do không kiềm chế được lời nói. Khi nói năng, chúng ta phải giữ được phong thái không nói lời làm tổn thương người khác, không nói lời lạnh lùng, không nói lời giễu cợt; phải biết khoan dung, độ lượng, tôn trọng người khác.

2. Chưởng đức

Học cách tán thưởng và khen ngợi người khác là một điều tuyệt vời. Những người làm việc tốt mà không yêu cầu gì từ bạn, họ xứng đáng được bạn tán thưởng; những người khác đạt được thành công, hãy khen ngợi và chân thành chúc họ những điều tốt đẹp. Học khen ngợi là một thái độ rất cao của cuộc sống, người hào phóng thường biết dùng tiếng vỗ tay để hòa đồng với người khác.

Carnegie từng nói, trong thành công của một người chỉ có khoảng 15% được quyết định bởi kiến thức và năng lực, 85% còn lại là bởi giao tiếp. Người thành công là người có khả năng bày tỏ ý kiến riêng của mình và biết cách cổ vũ người khác. Đó thực sự là những người rất giỏi và khéo léo trong giao tiếp, luôn được người khác yêu quý và ủng hộ.

3. Diện đức 

Tục ngữ có câu “Tố nhân lưu nhất diện, nhật hậu hảo tương kiến” (Tạm dịch: Làm người nên giữ cho mình một chút thể diện, đề ngày sau còn gặp lại). Trong giao tiếp xã hội, người thông minh không nói lời kết luận chắc chắn, không nói những lời đoạn tuyệt, cũng không nói đến mức khiến đối phương không còn đường lui. 

Chúng ta không nên sống quá tuyệt đối. Thể diện đối với mỗi người đều rất quan trọng, không ai muốn mất mặt, càng không ai muốn bị mất thể diện. Đôi khi, chúng ta có thể nhắm mắt làm ngơ, chúng ta có thể để lại một chút phẩm giá cho người khác. Giữ thể diện cho người cũng là tăng thể diện cho mình.

4. Tín đức

Hãy luôn giữ vững niềm tin vào cuộc sống, bởi những điều kỳ diệu và tốt đẹp vẫn đang chờ bạn khám phá.

“Giữa vùng sỏi đá khô cằn, cây hoa dại vẫn mọc lên và nở những chùm hoa thật đẹp”. Điều này khiến bạn nghĩ gì? Một thiên nhiên sinh tồn khắc nghiệt, một loài cây mạnh mẽ, kiên cường hay một sức sống khiến người ta phải thốt lên rằng “thật kỳ diệu”? Cuộc sống là thế, muôn màu muôn vẻ, muôn hình vạn trạng, hạnh phúc xen lẫn khổ đau. Và con người luôn trong tư thế sẵn sàng trên hành trình khám phá cuộc sống. Như Paustovsky đã nhận định: “Dù người ta có nói với bạn điều gì đi nữa, hãy luôn tin rằng cuộc sống là điều kỳ diệu và đẹp đẽ”.

5. Khiêm đức

Thiên cuồng hữu vũ, nhân cuồng hữu họa, làm người chúng ta nhất định không thể quá ngông cuồng. Có người sau khi đạt được thành tựu nào đó thì trở nên kiêu ngạo tự phụ, coi thường người khác; có người khi có chút tiền tiêu vặt thì khoe khoang khắp nơi, không coi ai ra gì. Như mọi người đều biết, trèo cao thì ngã đau, càng cuồng vọng thì kết cục càng thê thảm. Là con người, chúng ta nên khiêm tốn, thật tâm, biết ẩn mình, chỉ bằng cách hạ thấp tư thế của bạn, bạn mới có thể nhận được sự tôn trọng của người khác.

6. Hiểu đức

Sống trên đời, điều chúng ta sợ nhất là sự hiểu lầm của người khác, người chúng ta sợ nhất là người thích truyền thị phi. Điều chúng ta mong mỏi nhất là sự thấu hiểu và đồng cảm của người khác. Trong thế giới của người lớn sẽ vĩnh viễn không có chữ hai chữ “dễ dàng”, gió mưa ai ai cũng vất vả, người nào cũng bắt đầu làm việc từ sáng sớm đến tối đêm.

Phải biết thông cảm cho khó khăn của nhau, đừng làm khó người khác, đừng mỉa mai người khác, người khác sống thuận lợi thì mình cũng yên tâm hơn. Theo triết lý sống Wabi Sabi của người Nhật: Sự hoàn hảo vốn không tồn tại, đừng tự làm khó mình khó người!

7. Trọng đức

 Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, cho dù công việc của mỗi người có khác nhau, không có sự phân biệt cao thấp. Có một số người luôn cảm thấy rằng công việc của mình là cao quý nhất, và luôn coi thường những người lao công dọn dẹp hoặc lao động nhập cư. Trên thực tế, khi coi thường người khác, bạn đang tạo ra phiên bản xấu xí nhất của chính mình.

Ai cũng có lòng tự trọng, và ai cũng không muốn nhân cách của mình bị chà đạp. Chúng ta phải tôn trọng mọi người và tôn trọng mọi ngành nghề. Thế giới sẽ trở nên tươi đẹp hơn vì sự tôn trọng lẫn nhau.

8. Hiếu đức

‘Hiếu’ là chân lý bất biến của trời đất, là đức hạnh cần có của con người. Từ xưa đến nay, “trung hiếu, lễ nghĩa” luôn được coi là những phẩm cách cao quý trong truyền thống của con người. Trong đó, chữ “Hiếu” đứng vị trí hàng đầu.

Trong “Hiếu kinh” – bản viết vào thời Tần-Hán, “Hiếu” thăng hoa lên ở mức độ Thiên lý. “Hiếu kinh” viết rằng: “Phu hiếu, thiên chi kinh dã, đích chi nghĩa dã, dân chi hành dã.” (Hiếu là kinh của trời, là nghĩa của đất và là đạo hạnh của con người). “Hiếu” là lẽ thường của thiên đạo xoay chuyển, là cái lý của đất nâng đỡ vạn vật, là đức hạnh mà con người nhất định phải thực hành.

Lấy “Hiếu” để cai trị thiên hạ là một trong những tư tưởng cốt lõi của các bậc Thánh Vương thời cổ đại. Từ xưa đến nay, người ta đều coi gia đình là đơn vị cơ bản cấu thành nên xã hội. Gia đình giống như tế bào của quốc gia. Gia đình hòa thuận thì đất nước ắt sẽ thái bình. Gia đình hưng thịnh thì đất nước sẽ giàu mạnh. Gia đình yên ổn vững vàng thì đất nước ắt cũng được như vậy.

Cho nên, từ xưa đến nay, khi giáo hóa dân chúng thì việc đầu tiên là “tu thân, tề gia”. Có nghĩa là phải tu chính bản thân mình, rồi mới giữ được gia đình chỉnh tề, sau đó mới có thể quản trị đất nước và bình định thiên hạ. Tu thân là cái gốc, mà việc tu thân không thể thiếu “hiếu đạo”.

Người xưa đề cao lòng hiếu thảo của con người. Những người hiếu thảo với cha mẹ đều được mọi người kính trọng. Trong lịch sử cũng có rất nhiều vị vua đã làm tròn được bổn phận hiếu thảo của người con đối với cha mẹ cảm động trời xanh, được lưu truyền mãi đến ngày nay như Vua Thuấn, Hán Văn Đế, Khang Hy… Đạo hiếu và tấm gương về lòng hiếu thảo của họ vẫn là bài học giá trị cho chúng ta ngày nay học tập.

Gia Viên tổng hợp.

Tin bài liên quan