Vào những năm Thiệu Hưng Tống Cao Tổ (1131 – 1162), tại huyện Vĩnh Gia phủ Ôn Châu có một vị thư sinh tên là Liễu Tuyên Giáo, sau khi thi đậu tiến sĩ đã đến phủ Lâm An đảm nhiệm chức quan phủ. Vào ngày đầu tiên nhậm chức, các nhân sĩ nổi danh địa phương cùng phú hào thân hào nông thôn và sư trụ trì đều đến trước đình quan để nghênh đón vị quan phủ mới vào thành.
Khi đến quan nha, mọi người đã hoàn tất việc thăm hỏi. Liễu Tuyên Giáo nhìn qua một lượt danh sách người thăm hỏi và phát hiện thấy chỉ có hòa thượng Ngọc Thông của chùa Thủy Nguyệt ở rừng Trúc Phong là không tới. Hòa thượng Ngọc Thông đã tu luyện ở rừng Trúc Phong 52 năm, cho đến hiện tại vẫn chưa từng ra ngoài.
Liễu Tuyên Giáo trong tâm cảm thấy phẫn uất bất bình muốn sai người tới bắt hòa thượng Ngọc Thông đưa tới. Dưới sự khuyên nhủ của tất cả các sư trụ trì khác ông mới chịu thôi, tuy nhiên trong lòng vẫn uất hận không nguôi. Ông không thể tưởng tượng được rằng niệm phẫn uất xuất ra đã gieo mầm ác nghiệp, vì tương lại mà mang đến nỗi nhục khó rửa cho gia đình.
Sau đó, Liễu Tuyên Giáo nảy ra ý nghĩ trả thù. Ông tìm một ca kỹ tuyệt sắc tên là Ngô Hồng Liên và lệnh cho cô tới dụ dỗ Ngọc Thông. Liễu Tuyên Giáo đã đồng ý với yêu cầu của Ngô Hồng Liên, sau khi mọi chuyện thành công sẽ phán cho cô hoàn lương và ban trọng thưởng, nếu không cô sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.
Trước sự ép buộc và dụ dỗ của Liễu Tuyên Giáo, Hồng Liên đã nghĩ ra một quỷ kế, lấy cớ đi thăm viếng mộ người chồng đã chết, vì mưa to gió lớn, cửa thành đã đóng không về được, đến chùa Thủy Nguyệt xin tá túc một đêm. Hòa thượng Ngọc Thông không hề nghi ngờ gì, vì để thuận tiện cho người khác, ông đã để Hồng Liên ngủ đêm ở chùa.
Đêm hôm đó, bị thua trước quỷ kế và sự lôi kéo của Hồng Liên, cuối cùng hòa thượng Ngọc Thông đã phá sắc giới, về sau khi biết được toàn bộ sự việc là gian kế của Liễu Tuyên Giáo, trong tâm không khỏi kinh hãi, hối hận không nguôi, lưu lại câu kệ “Thân đức hạnh của ta vì ngươi mà khuyết, nề nếp gia phòng nhà của ngươi trả ta làm hỏng”, sau đó ông viên tịch qua đời.
Sau khi hòa thượng Ngọc Thông chết lập tức đầu thai vào Liễu gia. Thê tử của Liễu Tuyên Giáo sinh thêm một người con gái đặt tên là Thúy Thúy.
Sau khi Liễu Thúy Thúy trưởng thành, vì cha qua đời, gia đạo sa sút, không thể duy trì cuộc sống, liền đổi tên là Liễu Thúy, lưu lạc chốn phong trần và trở thành ca kỹ nổi danh. Quả là ứng với câu kệ của Ngọc Thông trước khi ông qua đời. Cái này bởi vì Liễu Tuyên Giáo bị mất âm đức nên mới đổi lấy đứa con gái này, thiên lý rõ ràng, nhất báo hoàn nhất báo.
Khi còn sống, hòa thượng Ngọc Thông có người bạn tốt tên là hòa thượng Nguyệt Minh. Hòa thượng Nguyệt Minh thấy Ngọc Thông chuyển sinh thành Liếu Thúy ngâm mình chốn phong trần quá lâu, sợ rằng cô mê mất bản tính, vì vậy đã quyết định điểm hóa.
Mặc dù Liễu Thúy lạc vào đường ca kỹ nhưng bởi kiếp trước là hòa thượng tu hành nên kiếp này cũng thích làm việc thiện, yêu thích cửa Phật. Phàm là việc xây cầu, đào giếng, giúp người thuận lợi thì cô đều không tiếc chi tiền, đến ngày rằm tháng giêng, cô lại mặc đồ vải đóng cửa niệm Phật không tiếp khách. Cũng bởi điều này mà hòa thượng Nguyệt Minh cảm thấy vẫn còn chỗ cứu vãn, vì thế đã mời Trưởng lão Pháp Không hóa duyên khích lệ cô sớm quay đầu cho kịp.
Một hôm, Liễu Thúy nghe thấy bên ngoài có một hòa thượng tới hóa duyên, ngôn ngữ không như thường lệ, liền cho mời vị này tới và hỏi: “Ngươi có bản sự gì, sao tới đây hóa duyên?” Pháp Không nói: “Bần tăng không có bản lĩnh gì, chỉ biết nói chút ít nhân quả”.
Liễu Thúy nói: “Nhân quả như thế nào?”
Pháp Không nói: “Trước là nhân, sau là quả; người làm là nhân, người nhận là quả. Nếu đi gieo dưa sẽ gặt về quả dưa, trồng đậu được đậu, gieo nhân nào gặt quả nấy. Nếu không gieo xuống thì sao thu hoạch được? Nhân mà tốt thì quả thu về là tốt, nhân mà ác thì thu về quả xấu”.
Pháp Không nói với Liễu Thúy rằng, cô hiện lăn lộn chốn phong trần cũng bởi vì kiếp trước gieo xuống dục vọng. Khuyên cô không nên chọn nghiệp dựa cửa bán rẻ tiếng cười, nhanh mau chóng tỉnh ngộ, thoát khỏi nỗi khổ luân hồi trầm luân. Liễu Thúy nghe xong xúc động sâu sắc, trong tâm phát ra niệm hối hận. Pháp Không thuyết phục cô tới thăm hòa thượng Nguyệt Minh thì sẽ biết được quá khứ và tương lai.
Sau khi hòa thượng Nguyệt Minh điểm ngộ, Liễu Thúy nhớ lại nhân duyên kiếp trước, nhớ tới sự tình về hòa thượng Ngọc Thông cùng phủ doãn Liễu Tuyên Giáo và Hồng Liên, trong tâm bỗng nhiên minh bạch. Về tới nhà, cô tắm rửa sạch sẽ, tẩy hết son phấn, thay áo vải, trút bỏ ân oán kiếp trước kiếp này, phiêu nhiên tọa hóa mà đi.
San San biên dịch.