Không nóng giận là sự trưởng thành, là cảnh giới sống của đời người

Không nóng giận là sự trưởng thành, là cảnh giới sống của đời người

Trong bộ phim “Sleep No More” có câu nói: “Hơi một tý là nóng giận, cho thấy bạn còn quá ấu trĩ, không kiềm chế được bản thân mình”.

Cá nhân tôi rất đồng ý với quan điểm này.

Tâm hồn rộng mở của một người sẽ được bộc lộ những lúc anh ta chán nản; tu dưỡng của một người sẽ được bộc lộ những khi anh ta tức giận.

Không thể kiểm soát tính khí của mình thật là một trường thảm họa. Đừng vì những chuyện trong quá khứ mà tăng thêm phiền não, cũng đừng lo lắng vì những chuyện trước mắt mà lao tâm khổ tứ, mà hãy kiểm soát tốt bản thân, bớt nóng nảy và lý trí hơn lên.

Tức giận là lấy sự sai lầm của người khác mà tự trừng phạt chính mình, chẳng những khiến bản thân rơi vào vòng xoáy phiền não mà còn gây hại cho thân thể, chi bằng hãy bỏ qua và thiện đãi bản thân mình.

Chúng ta cần biết rõ một điều rằng: Hạnh phúc không phải là vì chúng ta có được nhiều, mà là ít so đo.

1. Ít nóng giận là một loại trí tuệ

Có một câu nói rất hay: “Người ta luôn nâng niu những gì mình chưa có, và thường hờ hững với những gì mình đang có”.

Khi đối mặt với điều gì đó không thể thay đổi được, oán trách sẽ không cải biến được gì mà còn khiến tâm trạng trở nên tồi tệ hơn.

Có một câu chuyện như thế này: Có một thanh niên vì quê nhà bị giặc cướp tàn phá mà phải lánh nạn đến nơi khác.

Một ngày nọ, anh đến một ngôi làng, cả ngôi làng đều bị nước lũ nhấn chìm. Nhìn ngôi làng tan hoang, anh không khỏi xót xa, cảm thấy số phận của mình cũng giống như ngôi làng bị phá hủy này vậy.

Đang đi, anh nhìn thấy một nông dân đang đứng bên cánh đồng ngập nước. Người nông dân mỉm cười, không phàn nàn cũng không buồn bã.

Chàng trai cảm thấy rất lạ, liền hỏi người nông dân: “Sao bác không oán trách ông trời đã mang đến thiên tai lũ lụt? Sao bác không buồn phiền vì hoa màu bị ngập trong nước lũ vậy?”.

Người nông dân nói: “Đây đã là sự tình không thể thay đổi được, có phàn nàn cũng đâu có ích gì. Lũ lụt tuy nhấn chìm mùa màng nhưng cũng mang đến nhiều chất dinh dưỡng, làm cho đất đai phì nhiêu màu mỡ hơn. Tôi tin năm sau vụ mùa sẽ được bội thu”. 

Người thanh niên nghe vậy như được truyền cảm hứng, không còn than thân trách phận nữa, từ đó nỗ lực mà sống.

Làm người cần có trí tuệ như của người nông dân nói trên, không than trách mù quáng mà tìm lẽ vui sống từ trong cảnh đau thương.

Tái ông mất ngựa; họa phúc khôn lường. Đối với người và vật, hãy ôm giữ tâm thái bình thản, và đừng đòi hỏi người khác phải hoàn hảo như trong tưởng tượng của bạn.

“Kim vô túc xích, nhân vô thập toàn”, ý nói vàng cũng chẳng thể thuần khiết thì con người nào có ai hoàn hảo, vậy nên đừng luôn phàn nàn về người khác. Hãy thay đổi bản thân, đừng để bản thân chìm đắm trong sự than vãn, mà hãy học cách không phàn nàn, học cách sinh tồn trong nghịch cảnh và học cách đối mặt với mọi thứ với một tâm thái ung dung, bình thản nhất có thể.

2. Bớt sân hận là một loại tu dưỡng

Tôi đã thấy câu như vậy: “Khi đối phương hòa ái, thân thiện, chúng ta có thể nhẹ nhàng lịch sự đối đãi, còn nếu đối phương cay nghiệt, độc ác, chúng ta cũng nhe nanh múa vuốt lại với họ”.

Tức giận là cảm xúc chóp đỉnh của con người, một người đầy sự tức giận thì về cơ bản chỉ số cảm xúc cũng bằng không.

Và có thể kiểm soát cơn nóng giận của mình là một sự tu dưỡng khó có được. Có một câu chuyện như thế này:

Một con lạc đà đi lại trong sa mạc. Mặt trời giữa trưa giống như một quả cầu lửa lớn chiếu lên mình nó, khiến nó vừa đói vừa khát, khó chịu vô cùng, cơn giận sục sôi không biết trút vào đâu.

Đúng lúc này, một mảnh chai thủy tinh quệt vào lòng bàn chân nó, con lạc đà mệt mỏi lập tức nổi giận đùng đùng, nhấc chân đá mảnh thủy tinh đi. Nhưng nó lại không cẩn thận khiến lòng bàn chân bị rạch một vết thật sâu, máu tươi bắn ra lập tức nhuộm đỏ mặt cát. Con lạc đà tức giận bước đi khập khiễng. 

Những vết máu dọc đường của con lạc đà đã thu hút mấy con kền kền trên không trung. Nó giật mình, chạy như điên không cần quan tâm đến vết thương, để lại một vết máu dài trên sa mạc. Khi lạc đà chạy đến rìa sa mạc, mùi máu tanh nồng nặc đã thu hút bầy sói ở sa mạc gần đó, nó hoảng hốt mà chạy loạn xạ như ruồi mất đầu.

Trong lúc hoang mang, nó chạy đến một tổ kiến ​​ăn thịt người gần đó, mùi tanh của máu khiến lũ kiến ​​​​ăn thịt người lao ra khỏi tổ, tiến về phía lạc đà. Một lúc sau, con lạc đà tội nghiệp ngã quỵ xuống đất, máu me đầm đìa. Trước khi chết, lạc đà hối hận nói: “Tại sao ta phải tức giận một mảnh thủy tinh, để rồi giờ đây phải đến nông nỗi này”.

Trong lúc nóng giận, con người thường mất đi lý trí, dễ làm ra những chuyện hại người hại mình.

Nhẫn nại thường mang lại hiệu quả hơn tức giận. Rất nhiều lúc, bạn nên biết ơn những người không quan tâm đến bạn, người khác hành xử càng dứt khoát, ngược lại bạn càng dễ dàng vượt qua.

Cựu Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson từng nói: “Khi bạn tức giận, thì trước khi mở miệng nói, hãy đếm từ 1 đến 10; nếu bạn cực kỳ tức giận, thì hãy đếm từ 1 đến 100 rồi hãy bắt đầu nói”.

Những lúc nóng giận, bạn hãy tĩnh tâm lại, để cơn giận đi qua bạn, chừa lại một khoảng bình yên trong sáng cho chính mình.

3. Không nóng giận vô cớ là một cách sống

Có người hỏi một vị thiền sư: “Làm thế nào để luôn giữ được tâm thái bình thản”. Thiền sư nói: “Hãy tự quản tốt chính mình”.

Mới nghe ta không khỏi cảm thấy buồn cười, nhưng sau khi đọc lại mới thấy được ẩn ý sâu xa trong đó.

Cuộc sống chính là quá trình quét tuyết trước cổng nhà, thay vì tức giận vì người khác, thì tốt hơn là quản lý tốt phần đất của chính mình.

Có người hỏi nhà văn Dư Quang Trung: “Lý Ngao ngày nào cũng soi mói bắt bẻ ông, nhưng ông không bao giờ đáp lại. Tại sao vậy?”.

Dư Quang Trung ngẫm nghĩ một lúc rồi đáp: “Ông ta ngày nào cũng mắng tôi, có nghĩa là cuộc sống của ông ta không thể không có tôi; còn tôi phớt lờ, điều đó chứng tỏ cuộc sống của tôi có thể không có ông ta”.

Không quản chuyện vớ vẩn, không giận dữ vô cớ, vừa là lễ phép với người khác, cũng là là tôn trọng bản thân mình.

Có một lần, Einstein cùng người bạn đi siêu thị mua đồ, khi đi ra cánh cửa thì vì tay xách nách mang, cúi đầu suy nghĩ, vô tình đụng phải một thanh niên, người thanh niên này không nói lời nào đã cho Einstein một cú đấm.

Einstein chỉ nói một câu “Tôi xin lỗi” và tiếp tục cúi đầu đi về phía trước, người bạn của ông vội chạy đến và hỏi tại sao ông không lý luận với cậu ấy.

Einstein nhìn bạn mình một cái, rồi nói: “Đụng phải người là lỗi của tôi, có lẽ cậu thanh niên đó đang gặp chuyện phiền não gì đó và đang không vui! Vừa khéo lại đụng phải tôi để cậu ta phát tiết cơn nóng giận, đó không phải điều tốt hay sao?”.

Người bạn lại hỏi: “Lẽ nào ông không tức giận sao?”.

Einstein trả lời: “Cậu ta tức giận là việc của cậu ta, liên quan gì đến tôi?”.

Trên thế gian không có gì là không thể vượt qua, chỉ có bản thân mình không chịu bỏ qua cho mình. Rất nhiều lúc, ngoảnh đầu nhìn lại thì thấy rất nhiều đau khổ kỳ thực đều là bản thân đang giằng co với chính mình mà thôi.

Đau khổ cũng là một ngày, hạnh phúc cũng là một ngày, hãy bỏ qua cho mình, không tức giận, và sống sao cho thật tốt.

Nam diễn viên Trần Đạo Minh từng nói những lời như vậy: 

-Thấu tỏ hàm dưỡng của một người không phải những khi anh ta tâm bình khí hòa, mà là những khi anh ta tức giận.

 -Thấu tỏ lý trí của một người không phải những khi gió êm sóng lặng, mà là những khi mỗi người mỗi ý, phiền nhiễu tâm can anh ta.

-Thấu tỏ thiện lương của một người, không phải những khi từ trên cao nhìn xuống, mà là những khi không được coi trọng.

-Thấu tỏ sự tôn trọng giữa các cặp đôi không phải là khi tình cảm mặn nồng, mà là những khi mâu thuẫn vì quan điểm bất đồng.

-Thấu tỏ tình yêu thương giữa vợ chồng không phải là khi hoa nở dưới trăng, mà là những khi tai họa ập đến.

Đời người chính là bước đi từng bước từng bước, vứt bỏ từng chút từng chút một như vậy, bước qua chính là con đường, những thứ vứt bỏ là gánh nặng.

Như vậy, con đường sẽ càng đi càng dài, tâm thái cũng sẽ càng đi càng tĩnh lặng, như vậy mới có thể dành chút thời gian để tự mình suy xét.

Đời người, chuyện không như ý chiếm đến 8, 9 phần, học biết không tức giận, chính là một sự trưởng thành, một loại trí huệ, càng là một cảnh giới khác của đời người.

Thanh Hoa biên dịch.

Tin bài liên quan