Con người cần phải biết kính sợ, trước tiên là kính sợ đại tự nhiên, sau là kính sợ nhân quả, kính sợ số mệnh, kính sợ đạo Trời. Bởi lẽ một người không còn tín ngưỡng, không biết kính sợ, thì việc ác nào họ cũng dám làm.
Có người nói rằng, xét ở một phương diện nào đó, đứng từ góc độ lịch sử, thì dân tộc Trung Hoa là một “dân tộc hạng ưu”. Minh chứng chính là sự huy hoàng của Bách gia Chư Tử thời Tiền Tần và Đường thi Tống từ, chế độ phong kiến sớm nhất (chế độ quý tộc phân phong thời Tây Chu), sự sáng lập ra chế độ chuyên chế (chế độ quận huyện của Thương Ưởng, Tần Thuỷ Hoàng). Điều này còn thể hiện trong tứ đại phát minh và sự dẫn đầu về những kỹ thuật ứng dụng như hoá học, toán học, thiên văn học, thuật luyện kim, tơ lụa, gốm sứ, cùng những ưu điểm mang tính dân tộc như trí huệ, lòng khoan dung, sự nhẫn nhịn, hoà bình, thiện lương, tôn sư trọng đạo, tự cường bất diệt, hậu đức tải vật…
Nhưng cũng có người nói rằng những thành tựu và ưu điểm trên chỉ thuộc về quá khứ, người Trung Quốc hiện đại có gì đáng tự hào? Cũng giống như một vị tướng quân của Đức từng nói: “Tôi kính phục người Trung Quốc, nhưng là người Trung Quốc cổ đại!”. Nghe những lời này, người Trung Quốc ngày nay quả thực chẳng còn chốn dung thân!
Chúng ta có thể tìm được lý do trên nhiều phương diện về nguyên nhân sản sinh ra tất cả những vấn đề này như thể chế, giám sát, tu dưỡng, giáo dục… Nhưng bao năm qua, khi phân tích nguyên nhân sản sinh những hiện tượng xấu xa của xã hội, trên thực tế chúng ta đều coi nhẹ một nguyên nhân quan trọng nhất. Đó chính là do con người mất đi ý thức biết kính sợ. Điều này đã trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến những hiện tượng xấu xa trong xã hội. Kính sợ lẽ ra là một tố chất nền tảng nhất trong tư tưởng và linh hồn của con người. Đây cũng là điều không thể thiếu trong phẩm chất ưu tú của một dân tộc. Nhân loại càng trưởng thành, càng có tu dưỡng thì ý thức biết kính sợ lại càng nồng đậm và mãnh liệt.
Không có tín ngưỡng con người sẽ không biết kính sợ. Ngày nay chúng ta chẳng còn chút tín ngưỡng nào nên ngay lập tức sa vào thế giới hư không. Những quốc gia khác trên thế giới, dẫu giàu hay nghèo, đa số mọi người đều có tín ngưỡng, dẫu rằng tín ngưỡng của họ đều khác nhau. Ngay cả nước Nga sau khi Liên Xô giải thể tới nay cũng có hơn 80% người dân tới các giáo đường. Còn chúng ta thì sao?
Con người đã không tín ngưỡng, lại cũng chẳng có thứ gì có thể câu thúc tâm linh thì dục vọng ắt hoành hành. Đại đa số nhân loại sẽ bắt đầu điên cuồng theo đuổi lợi ích vật chất, hơn nữa họ còn truy cầu tới mức bất chấp mọi thủ đoạn. Bản năng động vật thể hiện ra ngày càng nhiều, những cảnh hủ bại, thác loạn đã thành trào lưu thời thượng. Những mỹ đức mà nhân loại truyền tụng như sự khiêm tốn, lương thiện, lòng khoan dung, tiết kiệm, thích giúp người, kính trọng người già, yêu mến trẻ nhỏ… ngày càng ít đi trong mỗi chúng ta. Giữa con người với con người ngày càng lạnh lùng và sống thực tế hơn.
Vì sao người xưa ban đêm đi ngủ không phải đóng cửa, không cần cửa chống trộm và kín cổng cao tường như ngày nay?
Vì sao thời đại đó không có nhiều những trò lừa gạt, hãm hại nhau, hay đạo đức tuột dốc… như bây giờ? Bởi vì trong thời đại ấy, con người đều biết rằng Thiên lý tồn tại, biết rằng thế nào gọi là Thiên lý bất dung.
Tiêu chuẩn trong xã hội văn minh hiện đại chính là pháp luật, một hình thức cố định rất nhiều tín ngưỡng và quy tắc lại với nhau, dùng hình thức công quyền để quy phạm hành vi của mọi người. Nhưng khi công quyền bị lạm dụng thì pháp luật cũng chỉ là một tờ giấy trắng mà thôi…
Vậy thì, trên đời này, còn thứ gì có thể khiến chúng ta kính sợ nữa không? Chúng ta còn cần phải kính sợ thứ gì nữa không? Có thể nói rằng, trong thời đại của chúng ta ngày nay, chưa cần nói tới kính sợ, ngay cả tâm sợ hãi con người hầu như cũng chẳng còn. Một dân tộc không còn biết kính sợ thậm chí là sợ hãi, chuyện gì cũng dám làm, thật đáng sợ biết bao.
Tín ngưỡng của một con người, một dân tộc, thậm chí là một quốc gia là cột chống tinh thần cho chính họ. Một người không có tín ngưỡng, hoặc chỉ tin và kính ngưỡng cuộc sống vật chất và kim tiền, mà không tin vào sự tồn tại của nhân quả, vậy thì người này sẽ mất đi lòng kính sợ đối với Thần Phật và trời đất tự nhiên.
Họ sẽ chẳng biết kính sợ điều gì, hay sợ hãi điều chi. Hễ cảm thấy bị uy hiếp tới lợi ích của bản thân, họ sẽ sẵn sàng buông bỏ đạo đức và lương tâm. Đối với họ, đạo đức chỉ là một đạo cụ dùng để trang trí mà thôi. Thực chất họ là những người vô pháp vô thiên, thích gì làm nấy, không điều ác nào không dám làm. Thậm chí khi mất đi giới hạn đạo đức và nhân tính làm người căn bản nhất, họ còn dám làm những việc không xứng với con người.
Đạo đức trở thành một chiếc áo khoác lỗi thời, khi muốn mặc thì khoác lên, khi không thích thì lại cởi ra quăng một xó và chẳng bao giờ thèm để mắt tới nó nữa. Đối với họ đạo đức chẳng thể bền lâu, chẳng thể trở thành điều cần duy hộ vĩnh hằng. Hễ lợi ích của bản thân bị xung đột, họ sẽ buông bỏ đạo đức.
Bởi lẽ họ không tin vào sự tồn tại của Thần Phật, không tin rằng luật nhân quả sẽ báo ứng họ.
Chúng ta cần phải biết kính sợ. Trước tiên là kính sợ đại tự nhiên. Trong thời đại trước, non xanh nước biếc, biển hồ xanh trong, chính là câu trả lời của đại tự nhiên cho con người.
Mỗi một sự vật tới đây đều chẳng dễ dàng gì, chúng ta không được tự coi mình là chủ nhân của trái đất. Chúng ta cần phải hiểu rằng, khi nhân loại tiêu diệt những sinh mệnh khác, thì đồng thời chúng ta cũng đang tiêu huỷ chính bản thân mình! Giữa con người với nhau lại càng nên kính sợ sinh mệnh, không thể xây dựng nền tảng sinh tồn của bản thân bằng cách tước đoạt sinh mệnh của những người khác. Chỉ khi biết kính sợ sinh mệnh, con người mới có thể thực sự bảo vệ được môi trường sinh tồn cho bản thân, mới có thể thực sự xây dựng được một xã hội hài hoà.
Chúng ta còn nên kính sợ lịch sử và rất nhiều quy luật tự nhiên, quy luật xã hội khác
Chỉ có trái tim biết kính sợ mới có được một xã hội có trật tự, chỉ khi sống trong một xã hội có trật tự thì gia đình và cá nhân mới được yên ổn. Vì vậy bản thân chúng ta cũng cần phải có tâm kính sợ.
Con người không biết kính sợ sẽ không biết liêm sỉ. Khi không có liêm sỉ thì những thứ gì là cảm ơn, trời đất, quỷ thuần, sinh mệnh, phụ mẫu, thầy cô, đạo đức, pháp luật mà họ nói ra cũng chỉ là những lời chót lưỡi đầu môi. Trong suy nghĩ của họ, chỉ có bản thân mới là đệ nhất thiên hạ, việc gì cũng dám động thủ, chuyện xấu nào cũng dám làm.
Khi mọi chuyện trong nhân gian đều đã làm đến mức tuyệt tình thì họ còn dám thách thử cả đại tự nhiên, thậm chí còn dám khoét thủng cả bầu trời. Vậy nên mới nói, con người hễ mất đi lòng kính sợ, hay nhân loại không còn biết kính sợ nữa thì nhân loại cũng sắp bước tới bờ diệt vong!
Nhã Văn.