Huyền thoại Hồ Tây - cái nôi tâm linh Việt

Huyền thoại Hồ Tây - cái nôi tâm linh Việt

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ…

Có người Việt Nam nào lại chẳng thuộc nằm lòng câu ca dao ấy. Người Hà Nội hôm nay, bao lần đến Hồ Tây, về với Hồ Tây, có biết chăng giữa mênh mang sóng nước Hồ Tây là cội nguồn dân tộc, là thăng trầm lịch sử và là góc tâm linh miên viễn tự bao đời của người Việt Nam.

Hồ Tây là tên gọi sau này, trước đây nó được gọi với nhiều tên khác, mỗi cái tên gắn với một huyền thoại, một câu chuyện ý vị của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Đầm Xác Cáo

Thuở ấy, ở Lĩnh Nam có một vị thủ lĩnh tên là Lộc Tục, hiệu Kinh Dương Vương, sức khỏe tuyệt luân. Một hôm, Kinh Dương Vương đi chơi Động Đình hồ, gặp con gái Long Vương là Long Nữ, cùng nàng kết duyên vợ chồng và sinh được một con trai, đặt tên là Sùng Lãm.

Sùng Lãm nối nghiệp Kinh Dương Vương, lấy hiệu là Lạc Long Quân.

Đất Lĩnh Nam thuở ấy còn hoang vu, yêu quái hoành hành ngang ngược. Ở Long Biên có một con cáo chín đuôi, sống đến nghìn năm thành tinh. Con yêu này thường hóa thành người, trà trộn vào dân chúng, bắt con gái về hãm hiếp. Nhân dân trong vùng ai ai cũng đều lo sợ, bỏ ruộng vườn kéo nhau đi nơi khác làm ăn.

Lạc Long Quân thương dân, một mình một gươm thần đến sào huyệt Hồ Ly Tinh. Yêu tinh xông ra ứng chiến. Lạc Long Quân hóa phép làm mưa, gió, sấm, chớp, vây chặt lấy Hồ tinh. Sau ba ngày đêm giao chiến, cuối cùng con yêu tinh đuối sức, hiện nguyên hình chạy trốn. Lạc Long Quân đuổi theo, chém đứt đầu nó, đoạn sai người vào hang cứu những người còn sống. Rồi ông dâng nước phá sập hang cáo. Chỗ ấy từ đó được gọi là “Đầm Xác Cáo”.

Hồ Kim Ngưu

Tương truyền vào thời nhà Lý, có nhà sư Không Lộ (Nguyễn Minh Không) tình nguyện đi sứ phương Bắc thỉnh “một ít” đồng đen đúc bảo khí thờ Phật. Ông mang theo một cái đãy rất màu nhiệm, có thể đựng bao nhiêu đồ vật to lớn mà không chật.

Trở về, Không Lộ mở đãy lấy đồng ra chia làm bốn phần. Đầu tiên ông cho đúc một cái tháp cao 9 tầng gọi là tháp Báo Thiên. Tháp đúc xong hiện ra giữa kinh thành vòi vọi đứng đâu cũng thấy. Không Lộ lại đúc một tượng Phật cao vừa 6 trượng và một cái đỉnh to vừa bằng mười người ôm. Rồi còn lại bao nhiêu đồng, Không Lộ cho đúc một quả “hồng chung”- chuông đúc xong lớn không thể tưởng tượng được, đến nỗi khi đánh lên hồi đầu tiên, tiếng ngân vang cùng khắp bốn cõi, vang sang đến tận bên Trung Quốc.

Con trâu vàng của nhà Tống được người cháu Cao Biền đem bút thần điểm nhãn nên trâu trở nên có cảm giác và hoạt động như trâu thật. Không Lộ biết vậy, nên khi về nước đúc chuông xong, đánh một hồi rất dài và kêu. Trâu nghe tiếng liền lồng sang đất Việt. Khi đến kinh đô Thăng Long thì tiếng chuông vừa dứt, trâu đi vẩn vơ không biết chuông đâu mà tìm cả. Bấy giờ Cao Thị Na là cháu Cao Biền làm một con diều giấy rất lớn, dùng bút thần điểm nhãn, diều quả bay lên cao, Cao Thị bèn cưỡi lên đi tìm trâu vàng. Diều bay đến hồ Tây, trâu vàng sợ quá bèn lặn xuống hồ.

Từ đó, Hồ Tây còn được gọi là Hồ Kim Ngưu.

Tây Hồ

Nhà thơ Cao Bá Quát từng thốt lên rằng: “Tây Hồ chân cả thị Tây Thi” (Tây Hồ đích thực là nàng Tây Thi). Thật vậy, cảnh sắc Hồ Tây đã dệt nên những áng thơ bất hủ, trong đó phải kể đến bài phú “Tụng Tây Hồ” của Nguyễn Huy Lượng (1801):

“Sắc rờn rờn nhuộm thức lam xanh, ngỡ động bích nổi lên dòng leo lẻo.
Hình lượn lượn uốn vòng câu bạc, tưởng vầng ngân rơi xuống mảnh nhò nhò”.

Hồ Tây từng được gọi là hồ Lãng Bạc (“hồ đầy sóng vỗ”) và hồ Dâm Đàm (“đầm tràn đầy nước”). Sử sách ghi rằng: “Đến năm 1573, để tránh tên húy của Vua Lê Thế Tông là Duy Đàm, người ta đổi tên là Tây Hồ”.

Vì sao gọi là Tây Hồ? Có người giải thích rằng Tây Hồ nghĩa là hồ phía Tây kinh thành, e không hợp lý. Cũng như Hà Đông, nếu xem bản đồ Hà Nội, thì địa danh trên không đúng theo phương vị Đông và Tây. Người ta tin rằng, gọi là Tây Hồ vì để so sánh với Tây Hồ tiên cảnh nổi tiếng ở Hàng Châu – Trung Hoa, nơi có non xanh nước biếc, tơ lụa mượt mà, bao thiên tình sử diễm lệ.

Tây Hồ là cách đọc Hán Việt của hồ Tây, và hồ Tây đã trở thành cái tên gần gũi, lâu dài, nên thơ nhất đối với người Hà Nội cũng như người dân cả nước.

Hồ Tây, suối nguồn tâm linh chảy mãi

Hồ Tây với vẻ đẹp thơ mộng dường như thâm trầm, u viễn hơn trong khói sương bàng bạc. Để cho ai đó tìm về một không gian tâm linh Việt: Đền Quán Thánh, đền Mục Thận, miếu Đồng Cổ, chùa Thiên Niên Tự, phủ Tây Hồ, chùa Kim Liên, chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc… dâng tứ thơ thanh thản hương Thiền.

Hồ Tây là chứng tích thuở “nhân-Thần đồng tại”, là chứng nhân của bao triều đại lịch sử ngậm ngùi nỗi thịnh suy. Vở diễn mấy ngàn năm còn in đậm hình bóng con người đất Việt, với hàng liễu, gương sen, với từng đôi chim sâm cầm vỗ cánh bay đi.

Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu
Khách qua đường dễ chạnh niềm đau!
Mấy tòa sen rớt hơi hương ngự
Năm thức mây phong nếp áo chầu!
[Bà Huyện Thanh Quan]

Mã Lương.

Tin bài liên quan