Vào triều đại nhà Đường, ở huyện Hoằng Nông có một quan huyện họ Lý. Ông có một người con gái đến tuổi xuất giá, định gả cho Lư Sinh. Lư Sinh có thân hình cao lớn với ria mép dài, phong nhã hơn người. Cả nhà họ Lý đều nói: “Đây quả thật là đứa con rể quý”.
Một ngày nọ, nhà họ Lý đã định ngày sẽ đưa chàng ta về làm rể. Thời điểm đó, có một bà thầy bói chuyên tiên đoán những sự việc trong tương lai, phần nhiều là ứng nghiệm. Vì bà có quan hệ thân thiết với nhà họ Lý nên nhân dịp gia chủ có lễ thành hôn, bà cũng được mời đến chung vui.
Lý phu nhân bình thường rất tin tưởng bà ta nên hỏi: “Bà thấy con đường quan lộc chàng rể Lư lang như thế nào?” Bà thầy bói thắc mắc: “Thế có phải là chàng hậu sinh với râu dài kia không?” Lý phu nhân nói: “Đúng thế”.
Bà thầy bói hỏi: “Nếu là người này, thì không phải là con rể của phu nhân. Con rể của bà không phải có hình dạng như thế”.
Lý phu nhân hỏi: “Thế con rể của tôi nên có hình dạng như thế nào?”
Bà thầy bói đáp: “Đó là một chàng trai tầm thước với khuôn mặt trắng, trên mặt không có một cọng râu nào”.
Lý phu nhân rất ngạc nhiên hỏi: “Như lời bà nói, tiểu thư nhà tôi hôm nay xuất giá không thành sao!”
Bà thầy bói khẳng định rằng: “Làm sao mà không thành được? Đêm nay nhất định lấy được chồng!”
Lý phu nhân nói: “Theo lời bà, nếu như hôm nay con gái tôi lấy chồng, lẽ nào không phải là chàng Lư kia?”
Bà thầy bói nói chưa dứt lời thì đã nghe tiếng trống tiếng nhạc huyên náo ở bên ngoài, Lư Sinh đến hành lễ, quỳ trước tiền đường. Lý phu nhân kéo tay bà thầy bói, đưa ra phía sau hậu đường, chỉ vào Lư Sinh rồi cười cợt: “Bà đã thấy hành lễ như thế rồi, đêm nay sẽ thành thân, làm sao không phải là chàng rể nhà này chứ? Đáng cười! Đáng cười!” Những người ở trong nhà khi thấy Lý phu nhân cười nhạo bà thầy bói, họ cũng theo đó mà phụ hoạ: “Lão bà bà này quen nói chuyện đùa, lần này có lẽ không đúng rồi”. Bà thầy bói im lặng và không nói gì.
Rất nhanh sau đó, người thân bè bạn đã tụ tập khắp nhà, tận mắt chứng kiến lễ thành hôn đó. Sau khi Lư Sinh hành lễ xong thì cùng tân nương vào phòng. Lư Sinh vén khăn che đầu, chàng liền thất kinh, miệng cứng đờ, chỉ kêu lên trong vô vọng rồi chạy ra ngoài. Khi người thân bạn bè hỏi thì chàng không nói, chỉ chạy ra khỏi cửa, lên ngựa, rồi phi như bay. Một số người thân và bè bạn nhanh chóng tìm anh ta để hỏi có chuyện gì, Lư Sinh không nói nguyên do, chỉ vẫy tay rồi nói: “Không thành rồi! Không thành rồi!” Không còn cách nào khác, những người đó đem sự tình của Lư Sinh nói ra.
Quan huyện họ Lý sau khi nghe xong, tức đến mức độ mắt trợn trừng, miệng thì ngây ra, rồi hét to rằng: “Thành ra sự thể gì thế này! Thành ra sự thể gì thế này!” Ông nghĩ: Con gái mình diện mạo như hoa, sao có thể như thế? Quan huyện Lý nhanh chóng gọi mọi người đến để nói cho rõ. Ông thỉnh mọi người đến trước phòng, kêu con gái ra bái kiến.
Lý quan huyện chỉ tay vào con gái rồi nói: “Mọi người xem xem, đây là tiểu nữ được tính là gả cho Lư Sinh. Con gái ta đâu có xấu đến thế! Hôm nay Lư Sinh khi nhìn thấy nó đã chạy. Nếu không cho mọi người xem, người ta sẽ cho rằng nó là yêu quái!”
Mọi người ngẩng đầu lên xem, tiểu nữ quả là phong thái ưu nhã, tuyệt thế vô song. Người thân và bạn bè bàn tán không dứt: “Chàng Lư vô phúc rồi”, “Lư lang không có cái duyên đó rồi”, “Chọn ngày sai nên phạm vào ngày sát kỵ” v.v.
Lý quan huyện nói một cách tức giận: “Lư lang kia hôm nay không thể thành rồi. Trong các quan khách ở đây, có ai nguyện ý sánh đôi cùng con gái ta, đêm nay có thể làm lễ cưới. Bạn bè thân quyến ở đây làm chứng, đều có thể là người mai mối”.
Có một người từ trong các vị khách bước ra, đi tới trước, không hoang mang không nôn nóng rồi nói: “Tiểu tử bất tài, nguyện làm rể trong nhà”. Mọi người khi nhìn thì biết rằng người này họ Trịnh, đã được phong quan chức. Người này khuôn mặt hồng hào, môi đỏ, dưới cằm ngay cả một cọng râu cũng không có, là người có tài và cẩn thận tỉ mỉ.
Mọi người đều đồng thanh chúc mừng: “Như thế, tiểu nương tử nên sánh đôi với người tài như vậy! Hơn nữa tuổi tác và diện mạo cũng ngang bằng nhau. Thật là môn đăng hộ đối!” Khi đó bèn nhờ hai vị cao tuổi nhất làm mai mối, lựa ra một người trẻ làm phụ rể, nhờ dẫn con gái của quan huyện họ Lý đến làm lễ. Hành lễ xong rồi, chàng Trịnh cùng tân nương vào động phòng.
Vì bà thầy bói có lời trước đó, lập tức Lý phu nhân cùng mọi người trong nhà đều tin, và không dám cười nhạo bà thầy bói nữa.
Sau lễ cưới, Trịnh Sinh gặp lại Lư Sinh, hai người họ vốn quan hệ rất tốt, Trịnh Sinh hỏi: “Đêm đó sao lại như thế?” Lư Sinh đáp: “Tiểu đệ vén khăn che đầu xong, thấy người con gái đó hai mắt đỏ lòm, to như đèn lồng, răng dài vài thốn, vượt ra ngoài miệng cả hai bên, người ở đâu mà có hình dạng như thế? So với bức vẽ dạ xoa thì đâu khác là mấy! Làm mật của đệ như muốn vỡ, không chạy thì làm gì đây chứ?”
Trịnh Sinh cười nói: “Nàng được gả cho ta rồi”.
Lư Sinh hỏi: “Thế huynh không sợ sao?”
Trịnh Sinh đáp: “Mời đệ đến nhà ta, ta sẽ mời nương tử ra bái kiến”.
Lư Sinh theo Trịnh Sinh đến nhà, Lý tiểu thư mặc đồ cô dâu ra bái kiến, nàng dung mạo đẹp tự nhiên, tuyệt không giống hình dáng đã thấy ở trong phòng trước đây, Lư Sinh hối hận thì đã muộn rồi.
Về sau, Lư Sinh nghe nói về dự ngôn của bà thầy bói, mới biết rõ rằng nhân duyên là có định số, nên mới hết than thở. Đúng là: “Hữu duyên thiên lý năng tương hội, vô duyên đối diện bất tương phùng”.
Mạn Vũ biên dịch.