Đối với mỗi người mà nói, kết hôn là một trong những sự kiện lớn nhất cuộc đời, tuy nhiên hiện nay lại có rất nhiều người không biết được ý nghĩa của hôn lẽ trong văn hoá truyền thống. Bởi vậy, dù là người phương Đông nhưng rất nhiều người lại mặc đồ trắng để kết hôn, hay sáng tạo ra những hình thức mới trong hôn lễ. Vậy thì rốt cuộc hôn lễ truyền thống mang những nội hàm văn hoá nào, hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về chủ đề này.
Trong văn hoá phương Đông người ta rất coi trọng hôn lễ, “Quan Thư” – bài thơ đầu tiên trong “Thi Kinh” chính là miêu tả một người nam tử ái mộ một nữ tử rồi cùng nàng trải qua câu chuyện tình cảm vợ chồng của hai người.
“Quan quan thư cưu
Tại hà tri châu
Yểu điệu thục nữ
Quân tử hảo cầu”
Ý nghĩa của bài thơ là: ở bên dòng nước có một người phụ nữ ưu nhã xinh đẹp đang hái rau hạnh, Chu Văn Vương vừa nhìn thấy nàng, từ đó không khỏi trằn trọc trăn trở, một lòng muốn cưới nàng làm vợ.
Người phụ nữ này là ai? Nàng chính là con gái nhà họ Tự, nước Tân ở bên kia sông Vị, là hậu duệ của Đại Vũ. Chu quốc của Chu Văn Vương cách nước Tân một dòng sông Vị. Khi đó, trên sông không có cầu, làm thế nào mới đưa nàng về được đây?
Có người nói, việc này chẳng phải rất đơn giản sao, chèo một chiếc thuyền gỗ sang nghênh đón nàng về không phải là được rồi sao? Thế nhưng, nàng lại là con gái của quốc chủ một nước lớn, muốn nghênh đón nàng thì phải hợp với lễ nghĩa, phải phù hợp với thân phận của nàng. Cuối cùng, Chu Văn vương nghĩa ra một cách – ‘lấy thuyền làm cầu’ – ông cho rất nhiều thuyền đặt nối tiếp nhau tạo thành một chiếc cầu nổi trên sông rồi đón Thái Tự sang.
Xét theo năng lực của người thời đó, xây dựng một chiếc cầu nổi trên sông Vị không phải là một công trình nhỏ. Hôn lễ của hai người được cử hành vô cùng long trọng. Sau khi Chu Văn Vương kết hôn với Thái Tự, bà quả nhiên là một người phụ nữ vô cùng hiền đức.
Trong số những người con trai của Thái Tự có hai người vô cùng nổi tiếng: một là Chu Công – người chế tác lễ nhạc, đặt định ra văn hoá lễ nhạc Trung Quốc ngàn năm; hai là Chu Vũ Vương – người đứng đầu cuộc khởi nghĩa phá Thương diệt Trụ, lập nên triều đại nhà Chu dài nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Thái Tự cùng Thái Khương, Thái Nhâm triều Chu được xưng tụng là ‘Chu triều tam Thái’. Người đời sau thường hay gọi vợ của mình là ‘thái thái’, hy vọng rằng người vợ của mình cũng hiền đức giống như tam Thái thời Chu.
Vậy nên chúng ta thấy được rằng: kết hôn trước hết sẽ lựa chọn những người phụ nữ dịu dàng, hiền đức. Cổ nhân nói: ‘cưới hỏi tìm người thục nữ, đừng nên đếm của hồi môn’; ý nghĩa chính là: cưới vợ nên chọn người phụ nữ lương thiện, hiền đức thay vì nhìn vào gia tài của họ. Do đó, khi thành thân với người phụ nữ tốt như vậy, người ta cũng cần có những lễ nghĩa chính thức tương xứng. Đây chính là hôn lễ trong văn hoá Trung Quốc.
Tại sao cổ nhân lại coi trọng hôn nhân đến vậy? Trong ‘Chu dịch’ viết: có trời đất, sau đó có vạn vật, có vạn vật rồi có nam nữ, có nam nữ rồi mới có vợ chồng, có vợ chồng mới có cha – con, có cha – con mới có quân – thần, có quân – thần mới có trên – dưới.
Văn hoá Trung Quốc chia các mối quan hệ giữa người với người ra thành 5 loại, gọi là ‘ngũ luân’. Đứng ở vị trí đầu tiên trong ‘ngũ luân’ chính là quan hệ vợ chồng; vì trước tiên phải có vợ chồng rồi mới có con cái, sau đó mối quan hệ cha – con mới được hình thành. Mối quan hệ này khi phòng rộng ra phạm vi toàn xã hội sẽ trở thành quan hệ quân – thần. Giữa những đứa con trong nhà sẽ tồn tại mối quan hệ huynh – đệ; khi phóng rộng ra ngoài xã hội, nó trở thành quan hệ bạn bè. Vậy nên chúng ta có thể kết luận rằng: quan hệ vợ chồng chính là loại quan hệ cơ bản nhất; nói cách khác, tất cả các mối quan hệ giữa người với người đều bắt nguồn từ mối quan hệ vợ chồng. Thế nên, người xưa cho rằng: hôn nhân là cơ sở của nhân luân, cũng là căn bản của lễ.
Người xưa cho rằng hôn nhân không chỉ là chuyện của hai người mà là việc của cả 2 gia tộc, đánh dấu rằng hai gia tộc đã kết thành người một nhà. Hôn nhân chính là ‘sự hợp nhất của hai dòng họ, trên là để tiếp quản việc thờ cúng tổ tiên, dưới là để duy trì hậu thế’. Nói cách khác, sau khi hai người kết hôn, đối với bậc bề trên sẽ là thờ cúng ông bà tổ tiên, đối với bậc dưới sẽ là sinh con nối dõi.
Sau thời Đường – Tống, mỗi gia tộc đều có một gia phả riêng có ghi tên các đời con cháu, ngay cả tên của những người phụ nữ về làm vợ nhà đó cũng được ghi chép lại, nên nói đối với các gia tộc thì hôn lễ là sự kiện vô cùng quan trọng. Đồng thời, trong hôn lễ truyền thống Trung Quốc cũng truyền tải rất nhiều hàm nghĩa văn hoá sâu sắc.
Ngay từ hai, ba nghìn năm trước, sau khi Chu Công chế định ra Lễ, trong kết hôn đã có một bộ nghi thức cố định, gọi là “lục lễ”, bao gồm: nạp thái, vấn danh, nạp cát, nạp chinh, thỉnh kỳ và thân nghênh.
Trước hết, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nghi lễ đầu tiên – “nạp thái”, tức là nhà trai nhìn trúng cô gái từ một gia đình nào đó, rồi nhờ người mai mối đi đề thân với bên nhà gái, giải thích tình huống và trưng cầu ý kiến. Chữ “thái” trong từ “nạp thái” không mang ý nghĩa “thái lễ” (lễ ăn hỏi), mà “nạp thái” có nghĩa là “thái trạch” (lựa chọn). Nhà gái sau khi biết mục đích nhà trai tìm đến sẽ khiêm tốn bày tỏ, con gái nhà chúng tôi chỉ sợ không xứng với con trai nhà ông bà, chẳng qua chỉ là một trong số ít đối tượng mà nhà ông lựa chọn. Trong số các lễ vật ‘nạp thái’ mà nhà trai mang đến thường có chim nhạn.
Tại sao lại lựa chọn chim nhạn? Vì nhạn là loài chim di trú, thu đi xuân đến, từ trước đến nay chưa từng thất tín. Vậy nên nó mang hàm ý giữa vợ chồng phải giữ chữ tín, không đánh mất lễ tiết. Chim nhạn cũng là loài chim di trú thủy chung trước sau như một, cả đời chim nhạn sẽ chỉ tìm một người bạn đời duy nhất. Việc này mang hàm ý giữa vợ chồng phải chung thuỷ với nhau. Ngoài ra, chim nhạn khi bay cực kỳ có trật tự, những con trưởng thành bay trước, những con nhạn non và những con già yếu sẽ bay theo sau Đây là điều không hề có ở các loài chim di cư khác; trong hôn nhân, nó mang ngụ ý tượng trưng cho trật tự trên dưới trong gia đình.
Lễ tiết thứ hai là “vấn danh”, sau khi nạp thái, bà mối cần hỏi dòng họ của người mẹ bên nhà gái là gì, tổ tiên nguyên gốc sống ở đâu và đã từng kết thông gia với những dòng họ nào. Mục đích của việc này là để tìm hiểu xem họ có quan hệ huyết thống với nhau hay không, tránh xảy ra tình trạng kết hôn trong cùng một dòng họ. Bởi việc kết hôn giữa những người cùng dòng họ sẽ khiến con cháu sau này không được hưng thịnh. Đồng thời, bà mối còn phải hỏi sinh thần bát tự của nhà gái (chính là ngày tháng năm sinh của người nữ được cầu hôn) để xem có hợp với nhà trai hay không.
Lễ tiết thứ ba là “nạp cát”. Nếu như họ tên, bát tự của hai người tương hợp (chúng ta hiện nay cũng có một số địa phương nhờ người xem sinh thần bát tự cho hai bên để biết hai người có tương hợp hay xung khắc với nhau không); nhà trai sẽ cử người đến nhà gái để báo tin, đó gọi là “nạp cát”.
Lễ tiết thứ tư là “nạp chinh”, “chinh” ở đây có nghĩa là “thành”. Lễ ‘nạp chinh” này cũng tương tự như lễ đính hôn trong thời hiện đại của chúng ta. Sau khi hôn sự được xác định, nhà trai sẽ sang nhà gái tặng sính lễ. Vào thời Tiên Tần, sính lễ vô cùng đơn giản, chỉ cần năm xấp vải lụa và hai tấm da hươu; sau này sính lễ được tặng cũng ngày một nhiều hơn.
Lễ tiết thứ năm là “thỉnh kỳ”, sau khi gia đình nhà gái chấp nhận sính lễ, nhà trai phải chọn ngày thú thê (cưới vợ), ngày thú thê này cũng cần được chọn thông qua việc xem bói. Hôn nhân là việc của cả đôi bên, vì vậy sau khi đã chọn được ngày, nhà trai cần cử người đến bên nhà gái thông báo và chờ sự đồng ý của đối phương để thể hiện sự tôn trọng. Đại diện cho bên nhà trai sẽ hỏi: “Chúng ta nên chăng là chọn một ngày tốt lành để cử hành hôn lễ, xin hỏi ngày nào là thích hợp nhất?”. Đương nhiên đây là câu khách sáo, nhưng nếu không nói sẽ trở thành thất lễ. Gia đình nhà gái cũng sẽ đáp lại rằng, “Bên đó đã là chọn được ngày lành tháng tốt rồi, vậy thì mời gia đình bên đó quyết định”. Lúc này, đại diện nhà trai mới nói cho nhà gái biết ngày lành mình đã lựa chọn. Đây chính là “thỉnh kỳ” – mời bên nhà gái xác định ngày kết hôn.
Lễ tiết thứ sáu là “thân nghênh”, tức là nghi thức tân lang đến nghênh đón tân nương, chúng ta hiện nay gọi nghi lễ này là “nghênh thân” (hay ‘đón dâu’). Đây cũng là nghi thức chủ yếu nhất trong ‘lục lễ’. Sau khi tân lang đến nhà gái, bố của tân nương sẽ ra cửa tiếp đón, tân lang khi ấy sẽ hành lễ với bố vợ (nhạc phụ), mẹ vợ (nhạc mẫu). Cuối cùng, tân nương ra khỏi phòng và theo tân lang đến nhà trai.
Sau khi tân lang đưa tân nương về, trước hết hai người cần phải bái thiên địa, xin trời đất chứng giám cho cuộc hôn nhân của họ và giám sát hành vi của hai người, nếu ai vi phạm sẽ bị Thần linh trừng phạt. Tiếp đó, tân lang tân nương cùng nhau bái cao đường, cảm tạ công ơn dưỡng dục của cha mẹ; rồi cuối cùng là phu thê giao bái, biểu thị cho mối quan hệ hôn nhân được hình thành, cả hai người sẽ tương kính như tân, hỗ trợ lẫn nhau trong tương lai. Nghi lễ hoàn thành đại biểu cho việc phu thê hai người sẽ “chấp tử chi thủ, dữ tử giai lão” (nắm tay nhau đi đến đầu bạc giai lão). Trong lễ cưới vào thời Tây Chu, phu thê mỗi người còn lấy một sợi tóc trên đầu rồi thắt lại với nhau, gọi là “kết tóc phu thê”.
Trong hôn lễ, tân lang tân nương cũng sẽ cùng nhau ăn bữa cơm tân hôn đầu tiên. Thời cổ đại, người ta đều sử dụng phương thức phân chia đồ ăn riêng, thức ăn mỗi người một phần, người nào ăn của người nấy, không gắp đồ ăn từ chung một bát. Nhưng trong ngày tân hôn này, trên bàn của tân lang và tân nương sẽ bày lên ba món ăn gồm có: cá, lợn sữa và thịt thỏ, để hai người ăn chung. Đây gọi là “đồng lao nhi thực” (tạm hiểu là: cùng ăn những món thịt giống nhau), trong đó “lao” là chỉ thịt động vật. Tại sao vào ngày này họ lại phải ăn chung một phần thức ăn?
Lý do là bởi trước đây phu thê mỗi người đều ở trong gia tộc riêng, còn sau khi kết hôn họ sẽ trở thành người một nhà, vậy nên người xưa muốn thông qua nghi thức này để thể hiện việc phu thê từ đó về sau thân thiết gắn bó không có gián cách. Trong phòng tân hôn của hôn lễ hiện đại, cô dâu và chú rể cũng cùng cắn một quả táo, việc này cũng mang hàm nghĩa gần tương tự với nghi thức ăn chung của tân lang tân nương thời xưa.
Sau đó là nghi thức “hợp cẩn nhi dận”, “cẩn” chính là nửa bầu được tạo thành khi cắt đôi quả bầu, phu thê mỗi người giữ một nửa, sau khi thêm rượu vào sẽ uống cùng một lúc, gọi là “hợp cẩn nhi dận”. Tại sao lại làm như vậy? Một quả bầu được cắt ở giữa tạo thành hai nửa bầu, hai nửa bầu ghép lại với nhau tạo thành một quả bầu, ngụ ý rằng phu thê tuy là hai cá thể nhưng sau khi kết hôn sẽ trở thành một thể.
Sau ngày thành hôn, tân lang tân nương còn có lễ bái kiến cha mẹ chồng, đại biểu cho việc chấp nhận tân nương như một thành viên trong gia đình. Sau khi bái kiến cha mẹ chồng xong, vẫn còn một nghi thức quan trọng nữa khi xuống sảnh. Vào thời xưa, cầu thang phía đông trong nhà là dành cho chủ nhà, cầu thang phía tây là dành cho khách khứa. Trước đây bố mẹ chồng giữ vai trò chủ nhà nên sẽ lên xuống bằng cầu thang phía đông, nhưng sau khi tân nương hoàn thành lễ bái kiến sau ngày thành thân, bố mẹ chồng sẽ bước xuống bằng cầu thang cho khách ở phía tây, còn tân nương sẽ từ cầu thang phía đông đi xuống.
Nghi thức này thể hiện việc tân lang tân nương đã chính thức thay thế vị trí chủ gia đình, và nàng dâu sẽ tiếp nhận trách nhiệm quản lý, chăm nom cho gia đình từ bố mẹ. Có nơi sau khi bái kiến cha mẹ chồng, mẹ chồng sẽ giao hết chìa khóa nhà cho con dâu, con dâu sẽ trở thành nữ chủ nhân mới của gia đình.
Kết hôn là đại sự của đời người, vậy nên từ xa xưa đã có những hôn lễ vô cùng long trọng để thể hiện tầm quan trọng của hôn nhân. Cổ nhân có câu “sính tắc vi thê, bôn tắc vi thiếp”, là nói rằng chiểu theo nghi thức hôn lễ cưới hỏi, chỉ có người phụ nữ cưới hỏi đàng hoàng mới được công nhận là chính thê, còn không thì chỉ có thể được coi là thiếp, vợ lẽ.
Trong quan niệm truyền thống Trung Quốc, hôn nhân mang một ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, vì vậy mới có rất nhiều lễ tiết quan trọng để truyền tải nội hàm văn hóa tương ứng bên trong như vậy.
T/H.