Hành thiện không cầu báo đáp, phúc đức tự khắc nảy mầm

Hành thiện không cầu báo đáp, phúc đức tự khắc nảy mầm

Con người làm việc thiện, phúc dù chưa đến, họa đã rời xa; con người làm việc ác, họa dù chưa đến, phúc đã rời xa.

on người làm việc thiện hay hành ác đều là đang đặt định tương lai cho chính mình. Có người cho rằng họ đạt được điều gì đó đều là do nỗ lực của bản thân, vượt trên số phận. Kỳ thực theo góc nhìn của Phật gia, có lẽ trong những kiếp sống trước đây họ đã từng là một người tốt, tích âm đức, mới có thể đạt được thành công phát tài như vậy.

Dưới đây là câu chuyện về một lão nhân, nhờ làm việc thiện mà gián tiếp cứu được mạng sống cho con trai.

Vào thời nhà Thanh có một thương nhân họ Trương vượt sông Dương Tử từ phía bắc tới phủ Giang Ninh (hiện là Nam Kinh) để thu nợ. Ông dự định trở về nhà vào dịp Tết Nguyên đán ngay trước khi năm cũ kết thúc. Cùng với hành trang trên vai, ông đã rời nhà từ rất sớm. Nhưng ông phải ngồi chờ trong chợ để đợi cổng thành mở.

Chờ một lúc, ông Trương quá mệt mỏi nên đã đặt chiếc túi đựng vàng bạc xuống đất, rồi ngồi lên nó, và nhắm mắt nghỉ ngơi. Khi cổng thành mở, ông mang hành trang vội vã chạy ra cổng nhưng lại quên mất chiếc túi vàng bạc. Khi phát hiện mình không mang túi theo, ông đã đi xa hơn 1 dặm (khoảng 0,3 dặm Anh). Ông lập tức hớt hải chạy quay lại tìm. Nhưng chợ đã đông kín người và chiếc túi đã không còn ở đó.

Ông chau mày lo lắng và tìm xung quanh, hy vọng ai đó tốt bụng sẽ gửi lại cho mình chiếc túi. Thấy vẻ mặt hoảng hốt của Trương, một cụ già đến hỏi xem có chuyện gì. Cụ lắng nghe rồi mời ông về nhà nói chuyện, Lão thấy có một cái túi trên mặt đất khi mở cửa sáng nay. Không biết có phải của ông không”. 

Ông Trương đáp, “Trong túi có hai phong bao, mỗi cái có lượng thoi bạc nhất định. Cái lớn hơn là của ông chủ tôi, còn cái nhỏ hơn là của tôi.” Cụ già kiểm tra món đồ trong túi, quả đúng mô tả của ông Trương. Do đó, cụ đã trả cái túi lại.

Trương cảm động đến rớt nước mắt, muốn dùng nén bạc cảm tạ ông lão nhưng ông chỉ cười đáp “Nếu lão thích tiền đến vậy thì lão đã không nói với ông về cái túi đó. Ông hiểu chứ?”. Trương cảm tạ, hỏi tên ông lão và trở về nhà.

Khi ông đợi phà qua sông, một cơn gió mạnh bỗng nổi lên. Nhiều thuyền bị lật, khiến hành khách rơi xuống sông chới với.

Chứng kiến cảnh tượng hãi hùng này, ông Trương động lòng trắc ẩn: “Hôm nay mình tìm lại được thoi bạc. Không nhờ có việc đó thì mình có thể đã chết. Mình thực sự đã được tái sinh.” Vậy là ông đã dùng toàn bộ số tiền của mình thuê người cứu những người sắp chết đuối. Vài chục người đã được cứu nhờ thiện tâm của ông.

Tất cả những người sống sót đều đến cảm tạ ông Trương đã cứu họ. Tình cờ, một trong số đó chính là con trai của lão nhân đã trả lại chiếc túi vàng bạc cho ông Trương. Anh ta ở Giang Bắc làm ăn, trên đường trở về nhà thì gặp nạn vì thuyền lật. Ông Trương quá đỗi ngạc nhiên, ông cũng đem câu chuyện mất túi của mình kể cho mọi người. Tất cả đều bất ngờ trước sự việc kỳ lạ này. Họ cảm nhận được rõ ràng thiên lý về hành thiện đắc thiện quả. Sau đó, hai gia đình này đã trở thành thông gia.

***

Trong câu chuyện này, vị lão nhân đã không bị tiền tài làm mê hoặc và cũng không đòi báo đáp. Ông lão không chỉ cứu ông Trương trong khổ nạn mà còn gieo mầm thiện trong tâm của ông Trương, do đó đặt định cơ duyên để con trai lão được cứu sau này.

Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu như vị lão nhân bị mê muội bởi tiền tài?

Ông Trương có thể sẽ tự vẫn vì bị mất số tiền lớn, và tiếp đó, sẽ không có cơ hội để cứu nhiều người khỏi chết đuối, trong đó có cả con trai của lão nhân. Ngay cả khi ông Trương không tự vẫn, thì ông cũng không có tiền để thuê người cứu họ.

Cổ nhân có câu, “Hành thiện mà không cầu báo đáp sẽ khai mở thiện tâm của người khác và giải được khổ nạn của bản thân. Cứu người lúc khốn đốn sẽ giúp họ tích lũy của cải để hành thiện và nhận được sự giúp đỡ của người khác”.

Cuối cùng, xin có lời khuyên như sau: “Ngán ngẩm đạo đức xuống dốc, không bằng làm chút điều thiện để tích phúc cho tương lai. Than vãn lòng người đổi thay, không bằng thường ngày giúp đỡ người khác, gieo trồng cơ duyên giải trừ nguy khó sau này”.

Câu chuyện được trích từ cuốn Hi Triều Tân Ngữ của Từ Tích Linh và Tiễn Vịnh.

Ngọc Mai.

Tin bài liên quan