“Thái Bình quảng ký” là tuyển tập những giai thoại lịch sử và các câu chuyện về tăng nhân, đạo sỹ, thần tiên, hay ma quỷ… chọn lọc từ các kinh điển Nho – Phật – Đạo. Trong đó, có một câu chuyện về mối tình giữa người và tiên còn được lưu truyền đến nay.
Chuyện kể rằng, vào thời nhà Hán ở vùng núi Thái Sơn có một chàng trai tên là Hoàng Nguyên. Hoàng Nguyên không phải con em quan lại, cũng không phải là con cháu của dòng dõi quyền quý, mà chỉ là một nam nhân có xuất thân bình thường, không giàu có cũng không hiển đạt. Ấy thế nhưng, chàng lại có mối duyên kỳ ngộ với tiên nữ.
Hôm ấy lúc trời vừa hửng sáng, Hoàng Nguyên mở cửa thì thấy một chú chó đen nằm trước cửa, giống như đang canh giữ cửa nhà cho chàng vậy.
Hoàng Nguyên rất thích chú chó này, bèn cho phép nó ở lại với mình. Một hôm Hoàng Nguyên theo hàng xóm đi săn, rong ruổi cả ngày trời cho đến khi mặt trời khuất núi chàng mới tìm được một con hươu.
Hoàng Nguyên thả chó ra đuổi theo hươu, nhưng chó chạy rất chậm trong khi chàng phải dùng hết sức lực mà vẫn không bắt được con hươu đó. Chàng chạy mấy dặm đường cuối cùng đến một hang động trong núi. Bước vào trong động hơn trăm bước, chàng thấy trước mặt xuất hiện một con đường lớn bằng phẳng, hai bên trồng hòe và liễu, còn có bức tường thành ngoằn ngoèo dẫn lối.
Chàng theo chú chó đen tiến vào cổng thành, bên trong có mấy chục căn nhà là nơi khuê các của những thiếu nữ yêu kiều xinh đẹp. Họ mặc bộ trang phục tươi sáng, có cô đang đánh đàn cầm, đàn sắt, có cô đang chơi cờ.
Hoàng Nguyên đi đến tòa lầu bên phía bắc thì thấy có 3 căn phòng, nhưng chỉ có hai thiếu nữ đứng ở đó, giống như đang chờ đợi ai vậy. Trông thấy Hoàng Nguyên đến, họ nhìn nhau cười và nói: “A, chú rể của Diệu Âm đây rồi!”.
Từ bên trong có bốn tỳ nữ bước ra nói với chàng: “Con gái của Thái Chân phu nhân Bạch Hoàng Lang nay đã trưởng thành, trong mệnh đã định sẽ trở thành ái thê của ngài”.
Màn đêm buông xuống, các tỳ nữ đưa Hoàng Nguyên vào trong nhà. Trước sảnh lớn hướng về phía nam là một hồ nước, trong hồ mọc lên một chiếc đài, bốn góc đài có lỗ, từ trong lỗ phát ra ánh sáng chiếu rọi lên rèm che. Diệu Âm dung mạo xinh đẹp tú lệ làm rung động lòng người. Những tỳ nữ hầu cận nàng cũng đều rất xinh đẹp.
Đêm hôm ấy, Hoàng Nguyên và Diệu Âm quỳ bái Trời Đất, kết duyên vợ chồng.
Mấy ngày sau, Hoàng Nguyên muốn trở về thăm nhà và bẩm báo với gia đình. Diệu Âm nói: “Đạo của người và Thần là khác nhau. Duyên vợ chồng của đôi ta vốn chẳng thể lâu dài. Ngày mai thiếp tặng chàng ngọc bội, xin đành lòng li biệt từ đây. Nghĩ đến ngày sau, muốn gặp mặt một lần cũng sẽ không gặp được, nước mắt như mưa, ắt khiến chúng ta càng thêm yêu quý và kính trọng nhau hơn. Nếu chàng vẫn còn nhung nhớ thiếp, thì vào ngày này tháng 3 hàng năm, chàng hãy tu trì trai giới, đến lúc đó mới có thể gặp mặt”.
Các tỳ nữ tiễn Hoàng Nguyên ra ngoài cổng, và chỉ trong nửa ngày chàng đã về đến nhà. Từ đó trở đi, mỗi khi đến ngày này tháng 3, Hoàng Nguyên thường nhìn thấy trên không trung một cỗ xe chạy nhanh lướt qua. Người con gái khiến chàng ngày mong đêm nhớ có ở trong cỗ xe đó không? Sách cổ không ghi chép, chỉ còn lại một nỗi nhớ vô biên.
***
Duyên phận là Trời định, trong mệnh đã có an bài, cưỡng cầu cũng chẳng được mà né tránh cũng chẳng xong.
Trong cõi hồng trần cuồn cuộn này, chúng ta gặp ai, quen ai, kết duyên cùng ai, đều là do duyên kiếp và phúc phận từ nhiều kiếp trước mà thành.
Kiếp trước nếu chẳng ngoảnh đầu nhìn nhau thì kiếp này hẳn là đã không gặp gỡ.
Kiếp trước nếu chẳng phải cố tri thì kiếp này hẳn không thành người tri kỷ.
Người nợ ta kiếp trước, rất có thể kiếp này chính là quý nhân.
Người ta nợ kiếp trước, rất có thể kiếp này lại trở thành kẻ thù.
Trân quý duyên Trời, giữ tâm thuần chính mà đối đãi với tất cả mọi việc đến trong đời, ấy mới là cái nhìn thấu của người có cảnh giới cao vậy.
Kiến Thiện.