Cách ví von: “Mai cốt cách, ngọc tinh thần” là biểu đạt cho sự trân trọng đối với phẩm đức người quân tử, thể hiện sự truy cầu và mong ước đối với lý tưởng và nhân cách hoàn mỹ...
Văn hóa truyền thống Á Đông là văn hóa được Thần truyền cấp cho con người, có nội hàm rộng lớn tinh thâm, hàm chứa vũ trụ quan “Thiên – Nhân hợp nhất”, cùng với các giá trị đạo đức và nhân sinh tôn trọng sự hài hòa giữa con người với tự nhiên. Do đó người Á Đông xưa nay đều kính Trời trọng đức, coi trọng phẩm giá và tiết tháo. Tư tưởng trọng đức đã thẩm thấu trong mọi phương diện văn hóa Thần truyền.
Người xưa thường ca ngợi các giá trị mỹ đức cao đẹp thông qua những hình tượng cụ thể. Ví dụ như “hoa sen” mang ý nghĩa mọc từ bùn lầy mà không ô nhiễm, “trúc” tượng trưng cho tiết tháo, “mai” tượng trưng cho cốt cách, hay “ngọc” tượng trưng cho khí chất của người quân tử. Cách ví von “Mai cốt cách, ngọc tinh thần” đã biểu đạt sự trân trọng đối với phẩm đức cao thượng, thể hiện sự truy cầu và mong ước đối với lý tưởng tốt đẹp và nhân cách hoàn mỹ.
Hoa mai nở trong giá lạnh, một mình ngạo nghễ trước gió sương băng tuyết, là loài hoa đầu tiên báo mùa xuân đến khiến cho mọi người đều ca tụng. Mai có dáng vẻ đẹp mềm mại, thanh mảnh nhẹ nhàng thoát tục khiến người ta say mê. Hoa mai tỏa hương thanh khiết thấm sâu vào tâm can khiến người ta ngắm nhìn mà khởi lòng tôn kính.
Mai không sợ gió sương mưa tuyết, tinh thần không khuất phục không suy chuyển và sức sống ngoan cường của mai mang lại nguồn cổ vũ to lớn, khiến con người lập chí mà phấn chấn tiến bước.
Hoa mai báo xuân về đã trở thành phong cảnh đẹp và diễm lệ nhất trong những ngày đông hàn, khiến mọi người nhận ra những điều tốt đẹp và hy vọng của mùa xuân, từ đó mà hun đúc và tu dưỡng nên khí chất kiên cường, chính trực cao khiết.
Ngọc được coi là một tài sản quý báu của người Á Đông, hòa hợp trong quan niệm đạo đức và lễ nghi, tượng trưng cho đạo đức và tinh thần của con người. Lấy khí chất của ngọc để ví với đức người quân tử, Nho gia đã trao cho ngọc nội hàm đạo đức và đưa ra diễn giải tinh tế sâu sắc.
Khổng Tử nói: “Đức người quân tử như ngọc” và: “Người quân tử không có duyên cớ thì ngọc bất ly thân”. Ông đã liên hệ ngọc với người quân tử, đã quy phạm sự tu dưỡng tư tưởng cho các chính trị gia và các văn nhân, sỹ phu.
Một lần Tử Cống hỏi Khổng Tử rằng: “Thưa thầy, con mạo muội xin thỉnh giáo thầy tại sao người quân tử quý ngọc mà lại coi nhẹ đá đẹp? Chẳng lẽ là do ngọc hiếm mà đá đẹp thì nhiều hay sao?”.
Khổng Tử trả lời:
“Không phải là ngọc hiếm mới tôn quý, đá đẹp nhiều mà coi nhẹ. Người quân tử xưa ví đức hạnh của mình với tính chất của ngọc, là vì:
Ngọc ôn hòa, ích lợi lại sáng bóng, giống như chữ ‘Nhân’ của người quân tử.
Ngọc mịn tinh tế mà lại rắn chắc, giống như trí tuệ người quân tử, tâm suy nghĩ chi tiết kỹ lưỡng mà xử sự chu đáo.
Khi ngọc bị va đập rồi vỡ, tuy cũng có góc cạnh nhưng không sắc bén, không làm tổn thương người, cũng giống như chữ ‘Nghĩa’ của người quân tử, chính trực cương nghị, nhưng lòng lại nhân ái, suy nghĩ cho hết thảy.
Khi đeo ngọc, giống như dáng vẻ sắp rơi, tượng trưng cho người quân tử khiêm hạ cung kính cẩn thận, có lễ nghi, có chừng mực.
Khi gõ vào ngọc sẽ phát ra những âm thanh cao xa trong trẻo, sau đó đột nhiên ngừng lại, tương tự như đức tính của âm nhạc.
Ngọc tuy có vết nhưng cũng không vì vậy mà che lấp mất ưu điểm, nên ngọc vẫn rất đẹp. Vết ngọc cũng hiển lộ dễ thấy, giống như chữ ‘Trung’ của người quân tử, không thiên lệch, không che đậy.
Ngoài ra màu sắc đẹp của ngọc thì ở phương diện nào cũng có thể nhìn thấy, giống như chữ ‘Tín’ của người quân tử, trong lòng và biểu hiện đều nhất trí, cho dù có để trong phòng tối thì cũng thành tín không lừa dối.
Ngọc lấp lánh sáng bóng như cầu vồng trắng, tương tự như khí trắng của Trời. Đây chính là tương xứng với Trời, tương ứng với Thiên Đạo.
Tinh thần của ngọc có thể thấy trong núi sông, như: ‘Ngọc ở vực sâu thì sông tỏa sáng, ngọc ở trong núi thì cỏ tốt tươi’. Nơi nào có ngọc đều được cảm hóa, giống như đức người quân tử, bao dung vạn vật, lợi ích khắp một phương.
Khi đi lại, tay cầm ngọc khuê, ngọc chương chế tác từ ngọc, không cần mượn vật khác mà đã tự nhiên hợp với lễ, giống như đức người quân tử, không cần mượn ngoại vật để hiển thị, tự nhiên đức lưu phương.
Thiên hạ không ai không tôn quý ngọc đẹp, đó chính là sự hiển hiện của Đạo. Như Kinh Thi có nói: ‘Nhớ người quân tử, ôn hòa như ngọc’. Ta đang nhớ người quân tử xưa, phong thái người quân tử xưa như mỹ ngọc ôn hòa nhuận trạch vậy. Do đó người quân tử tôn quý ngọc, vì phẩm chất ngọc thể hiện Nhân, Trí, Nghĩa, Lễ, Trung, Tín, chính là đức người quân tử vậy”.
Các bậc Thánh hiền trong lịch sử không ai không tuân theo Đạo Trời, dùng đức cảm hóa người. Cả đời Khổng Tử coi việc hoằng dương đạo đức và nền chính trị nhân đức là sứ mệnh của mình, tuy trải qua hết nỗi gian nan khổ cực mà chẳng nhụt chí nản lòng. Khổng Tử nói: “Người nhân đức trong khắp thiên hạ không có kẻ địch”. Người quân tử có tu dưỡng và chính khí hạo nhiên như thế thì sẽ không sợ hãi bất kỳ điều gì. Đường Thái Tông yêu thương muôn dân, khai sáng ra vĩ nghiệp đại Đường, tạo nên một triều đại thịnh thế, là mẫu mực cho hậu thế noi theo.
Ngày nay phong khí xã hội suy bại, đã mất đi tiêu chuẩn đạo đức tối thiểu của con người, nhưng vì sao vẫn có người giữ được bản sắc chân chính của mình? Ấy là bởi họ luôn tu dưỡng nội tâm, giữ cho cốt cách cao quý như mai, tinh thần cao khiết như ngọc sáng vậy,...
Kiến Thiện.