Đức hiếu sinh vì sao quan trọng đến thế?

Đức hiếu sinh vì sao quan trọng đến thế?

“Không đưa ra mệnh lệnh mà khiến mọi người đều tuân theo, không cần dạy dỗ mà mọi người đều nghe lời, đây thật đã đạt đến cảnh giới cao nhất rồi”.

Một hôm, Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử rằng: “Ngày trước, vua Thuấn đội mũ gì?”. 

Khổng Tử không đáp.

Lỗ Ai Công nói: “Quả nhân có vấn đề thỉnh giáo tiên sinh, nhưng tiên sinh lại không thấy nói gì, đây là tại vì sao?”.

Khổng Tử đáp: “Bởi ngài không hỏi vấn đề quan trọng trước, vậy nên hạ thần đang suy nghĩ phải trả lời thế nào cho đúng”.

Lỗ Ai Công nói: “Vấn đề quan trọng ấy là gì?”.

Khổng Tử nói: “Thuấn là quân vương, chính trị của ông ta là quý trọng sinh mệnh, chán ghét giết chóc, nguyên tắc dùng người của ông là lấy người tài thay thế những kẻ bất tài. Nhân đức của ông rộng lớn mà lại thanh tịnh vô dục giống như trời đất vậy, giáo hóa của ông khiến vạn vật thay đổi tựa như bốn mùa. Vậy nên cả bốn biển đều tiếp thu giáo hóa của ông, thậm chí cả động thực vật các loại, phượng hoàng bay lại, kỳ lân chạy đến, chim chóc muông thú đều được nhân đức của Thuấn cảm hóa. Đây không vì nguyên nhân nào khác, chính là bởi ông yêu quý sinh mệnh. Ngài không hỏi về những đạo lý trị quốc này, mà lại hỏi đội mũ gì, vậy nên thần mới lần lữa đưa ra câu trả lời”.

Khổng Tử nói tiếp:

“Nước Ngu và nước Nhuế vì tranh giành ruộng đất mà kiện tụng nhau. Hai bên kiện nhau mấy năm trời mà không có kết quả. Họ liền nói với nhau: ‘Tây Bá là người nhân từ, tại sao chúng ta không đến chỗ ông ta nhờ ông ta phán xét?’.

Sau khi họ đi vào lãnh thổ của Tây Bá, họ thấy những người nông dân cày ruộng nhường nhau ranh giới của các cánh đồng, người đi đường nhường đường cho nhau. Khi đi vào thành ấp thì thấy nam nữ có lối đi riêng, ai đi đường nấy, người già cũng không phải mang vác nặng. Sau khi vào triều đình của Tây Bá, các sĩ phu khiêm nhường để người khác làm quan Đại phu, còn quan Đại phu lại nhường người khác giữ ngôi Khanh tướng. Quân vương của nước Ngu và nước Nhuế nói: “Chao ôi! Chúng ta thật là phường tiểu nhân! Không thể đi vào nước của bậc quân tử giống như Tây Bá được”. Thế là, cả hai hổ thẹn rời khỏi triều đình của Tây Bá. Sau khi về nước, cả hai cùng lùi về một khoảng xa, xem đất ruộng mà họ đang tranh chấp như ranh giới.

Cuối cùng Khổng Tử nói: “Nhìn từ việc này, đạo trị quốc của Văn Vương là không thể vượt qua nữa. Không đưa ra mệnh lệnh mà khiến mọi người đều tuân theo, không cần dạy dỗ mà mọi người đều nghe lời, đây thật đã đạt đến cảnh giới cao nhất rồi”.

Vũ Dương.

Tin bài liên quan