Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn khi còn sống từng có một từ cửa miệng, đó là: “Thôi kệ!”. Ai làm gì, nói gì không thuận tai, ai xấu, ai ác, ai làm mình buồn, ông đều tóm lại bằng câu: “Thôi kệ. Cuộc đời có bao lâu”.
Kiếp người sinh ra ngắn ngủi, “Có bao nhiêu ba vạn sáu nghìn ngày. Như chiêm bao, như bóng ảnh, như gang tay”, ấy là ông Cao Bá Quát khi xưa đã nói thế.
Trong ba vạn sáu nghìn ngày ấy, kỳ thực quỹ thời gian dành cho chính mình trầm ngâm, lắng đọng chẳng là bao. Nào tất bật những cơm áo gạo tiền, nào lo toan gia đình cùng con cái. Ngày cuối tuần có bao việc hiếu hỷ, lúc đêm về còn lo nghĩ buổi chợ sớm mai.
Mọi chuyện dù lớn dù nhỏ, dẫu vui hay buồn, 10 năm sau nhìn lại cũng chỉ là một câu chuyện mà thôi.
Người gặp gỡ dù chân tình hay giả dối, dù yêu thương hay lợi dụng, 10 năm sau nhìn lại cũng chỉ là một cái tên mà thôi.
Gia cảnh dẫu nghèo hèn hay giàu có, công việc dẫu hiển vinh hay tầm thường, khi về già nhìn lại cũng chỉ là cơm ăn ngày ba bữa mà thôi.
Con cái dù ngoan hiền hay bất hiếu, lúc nhắm mắt xuôi tay cũng chỉ còn là duyên phận đã qua mà thôi.
Cầu mà không đắc, hi vọng rồi thất vọng, nỗ lực rồi công cốc, gặp những chuyện không như ý toại lòng: “Thì thôi…”
Làm gì có ai trong đời toàn gặp chuyện tốt lành? “Vạn sự như ý” chỉ là lời chúc vĩnh viễn không thành sự thật. Nghịch cảnh thực ra là món quà, trong nghịch cảnh mới luyện nên vàng kim chói sáng.
Yêu người mà chẳng được người đáp lại, “thì thôi…” Không có duyên thì chẳng thể cưỡng cầu, duyên đến duyên đi thảy đều là phúc.
Thực lòng đối đãi mà vẫn bị hiểu lầm, bị oán trách mắng mỏ, “thì thôi…” Nào có ai có trách nhiệm phải tốt bụng với ta? Ta lương thiện là bản tính Trời sinh, ác duyên ấy coi như là hoá giải.
Nỗ lực làm việc, mà công chẳng thành, danh chẳng toại, “thì thôi…” Nếu là một công việc lương thiện, có ích, chỉ cần có cơm ăn áo mặc là được rồi. Đâu phải ai sinh ra trên đời cũng để thành tỷ phú với minh tinh?
Lao tâm khổ tứ nuôi nấng dạy bảo con cái, mà chúng chẳng chịu vâng lời, “thì thôi…” Cha mẹ đã tận tâm mà con chẳng tận hiếu, âu cũng là trả nợ cho nhau.
Có lẽ bởi vì kiếp người ngắn ngủi, ta chẳng nên cố chấp điều gì nơi quán trọ trần gian. Có lẽ chăng mỗi chúng ta nên nhìn vào trong, lắng đọng, tìm cho riêng mình “Một cõi đi về”:
“Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa
Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ
Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà…”
Thanh Ngọc.