Đời người ta chính là lúc trẻ chẳng biết buồn, về già mới thấy đường đi khó. Tuổi thanh xuân mải mê trong vòng xoáy danh lợi, lúc xế chiều chợt thấy hối hận vì đã bỏ rơi quá nhiều điều.
Khi đối diện với lằn ranh sinh tử rất nhiều người đều có chung những niềm hối tiếc giống nhau, bất kể họ từng làm nghề gì, địa vị xã hội ra sao. Chính là: “Con chim sắp chết tiếng kêu bi thương, con người sắp chết thì lời nói thật”.
Dưới đây là 5 điều hối hận lớn nhất, hầu như ai cũng phải một lần thốt lên trong đời:
Đây là một trong những điều hối tiếc lớn nhất, phổ biến nhất. Rất nhiều người đến tận khi sắp lâm chung trên giường bệnh mới thấy hóa ra cả cuộc đời mình là “sống hộ” người khác, là sống thừa. Đó không phải cuộc đời của chính họ, đó là cuộc đời mà mọi người mong muốn ở họ.
Không thể tự chủ cuộc đời của chính mình, họ đã đánh mất đi quá nhiều ước mơ, khát vọng, quên đi những điều giản dị mà hạnh phúc, chân thành và ấm áp. Họ mãi chỉ chạy theo làm hài lòng người khác, sống một đời “ốc mượn hồn”. Vậy chẳng phải đau đớn lắm sao, bi thương lắm sao?
Tuổi tráng niên, người ta chính là chí khí sung mãn, nhiệt huyết tràn trề, tâm tính khoáng đạt, luôn muốn phấn đấu, nỗ lực một phen. Nhưng nhiều người quá mải mê công danh, sự nghiệp, rơi vào vòng danh lợi thị phi mà quên mất những hạnh phúc giản dị bên mình. Họ không thể quan tâm, giáo dưỡng con cái trưởng thành, không còn thời gian chăm sóc người thân, cha mẹ, thậm chí không thể tự cho mình một phút nghỉ ngơi.
Chỉ cần có thể dứt ra khỏi công việc một giờ, chắc chắn cuộc sống của bạn sẽ phong phú và tươi đẹp hơn rất nhiều. Bạn sẽ cảm nhận được nhành hoa trước ban công nhà đang bừng nở dưới ánh bình minh, nhắm khẽ mắt để thấy gió lùa trong tóc, hít hà mùi đất ẩm sau cơn mưa rào mùa hạ. Bạn thấy đấy, cuộc đời sẽ đẹp biết bao nhiêu!
Kìm nén cảm xúc, không để lộ cho người khác biết tâm sự của mình đôi khi không phải điều tốt. Nhiều người thường khép kín mình, ít giao tiếp, chia sẻ, bày tỏ cảm xúc để sống “yên ổn” với người khác. Nhưng cảm xúc kìm nén lâu ngày dễ trở thành thứ tình cảm tiêu cực, bi ai. Không nói ra lời thì trong lòng phẫn uất, có lời không nói được thì tâm trạng bất an, cơ thể suy nhược.
Những người này chính là yêu ghét, giận hờn cũng cố nén vào tâm, không dám thể hiện ra ngoài. Bề ngoài nhìn họ nhu mì, lành tính nhưng kỳ thực trong tâm như có bão nổi, sóng cồn. Họ sống nhạt nhòa. Đó không phải cái ung dung, khoan dung của bậc quân tử mà là sự tự ti, yếu hèn của kẻ tiểu nhân.
Người ta thường không nhận ra giá trị thực sự của những người bạn cũ cho đến thời điểm vài tuần lễ trước khi qua đời. Nhưng khi ấy người nam kẻ bắc, biết đâu mà tìm? Bạn cũ cũng lần lượt rời đi, già yếu mỏi mòn qua năm tháng, hỏi còn mấy ai là tri kỷ tương phùng? Nhiều người vì quá lo vun vén cho cuộc đời riêng của mình mà để tuột mất những tình bạn vàng.
Trước khi lìa đời, không bạn đưa tiễn, cảm giác thật thống khổ làm sao. Vậy nên nếu có bạn bè hãy biết trân quý, gặp gỡ nhau dù chỉ là vài tháng một lần, kể cho nhau nghe nỗi lo toan cuộc đời, uống một tách trà thơm và mơ màng trở lại thời thơ trẻ.
Nhiều người vẫn mãi không nhận ra rằng, hạnh phúc chính là một sự lựa chọn. Richard Strauss, nhà soạn nhạc sáng tác bản giao hưởng “Tod und Verklärung” (Cái chết và sự thay hình đổi dạng), trước lúc qua đời nói với người con dâu tên là Alice của mình rằng: “Điều này thật buồn cười, Alice à! Cái chết giống hệt như những gì mà cha đã sáng tác trong Tod und Verklärung”.
Trang Tử (khoảng thế kỷ 4 TCN) là một triết gia có địa vị rất lớn trong lịch sử tư tưởng Á Đông. Ông và Lão Tử chính là những người khai sáng Đạo gia, một phương pháp tu luyện có ảnh hưởng hàng nghìn năm sau. Trong “Liệt Ngự Khấu” có kể lại rằng, lúc Trang Tử hấp hối, các môn sinh bàn với nhau sẽ hậu táng cho ông.
Ông nghe được bảo: “Đừng. Ta đã có trời đất làm quan quách, mặt trời mặt trăng làm ngọc bích, tinh tú làm ngọc châu, vạn vật sẽ đưa ma ta, như vậy đồ táng ta chẳng đủ rồi sao? Còn phải thêm gì nữa?”.
Môn sinh đáp: “Chúng con sợ quạ và diều hâu sẽ rỉa xác thầy”.
Trang Tử lại bảo: “Trên mặt đất thì bị quạ và diều hâu rỉa, ở dưới đất thì bị kiến và sâu đục. Tại sao các con lại thiên vị, cướp của các loài ở trên mà đem cho các loài ở dưới?”.
Trước cái chết, vì sao hai người họ, Richard Strauss và Trang Tử lại có thể dí dỏm đến vậy được chứ? Đến khi lâm chung, họ vẫn vui vẻ, thoải mái mà đón nhận cái chết như một điều tất yếu, chính là không oán, không hận, không tiếc rẻ.
Khi chết muốn thanh thản thì lúc sống phải vui vẻ, hòa ái. Nhiều người đến lúc nhắm mắt xuôi tay rồi mới nhận ra mình đã quá khắt khe với bản thân, không thể sống trọn một ngày vui vẻ nào, luôn luôn lo lắng, giành giật, đấu tranh, mải miết công danh, cuối cùng thành hư ảo cả.
Văn Nhược.