Đền Phù Ủng toạ lạc tại làng Phù Ủng, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Là đền thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão - danh tướng đời Trần - người có công lớn, giúp Trần Hưng Đạo trong kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông và Ai Lao.
Theo sách Tông phả kỷ yếu tân biên của Phạm Côn Sơn dẫn gia phả họ Phạm, ông là cháu 8 đời của tướng Phạm Hạp thời nhà Đinh.
Năm 1285, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai ông cùng với Trần Quang Khải tiến đánh Chương Dương, Hàm Tử, đập tan đội binh thuyền khổng lồ của giặc và diệt quân Nguyên chiếm đóng Thăng Long. Sau đó, Phạm Ngũ Lão được lệnh mang 3 vạn quân phục kích đánh địch ở Vạn Kiếp, chặn đường địch rút chạy lên biên giới phía bắc và diệt được hai phó tướng địch là Lý Quán và Lý Hằng.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần ba, Phạm Ngũ Lão cùng các tướng bày trận phục kích đường rút lui của giặc trên sông Bạch Đằng. Trong trận này. quân nhà Trần bắt sống các tướng giặc Phàn Tiếp, Áo Lỗ Xích, Ô Mã Nhi. Sau đó, Phạm Ngũ Lão tiếp tục truy kích cánh quân của Thoát Hoan trên đường bộ.
Phạm Ngũ Lão đã bốn lần theo lệnh vua Trần, cất quân đi trừng phạt sự xâm chiếm, quấy nhiễu của quân Ai Lao, hai lần Nam chinh đánh thắng quân Chiêm Thành, buộc vua Chiêm Thành là Chế Chí phải xin hàng.
Năm 1290, vua Trần Nhân Tông giao cho ông cai quản quân Thánh Dực, phong chức Hữu Kim ngô Đại tướng quân. Đến đời vua Trần Anh Tông, ông được thăng tới chức Điện súy Thượng tướng quân, tước Quan nội hầu.
Không chỉ có tài về quân sự, mà ông còn để lại nhiều bài thơ về chí trai, lòng yêu nước. Hiện nay tác phẩm của ông chỉ còn lại hai bài là Thuật hoài (Tỏ Lòng) và Vãn Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương (Viếng Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương).
Năm 1320, Phạm Ngũ Lão mất, hưởng thọ 66 tuổi. Nhân dân xã Phù Ủng dựng đền thờ ngay trên nền nhà cũ của gia đình ông. Đáng tiếc ngôi đền đã bị thực dân Pháp phá hoại năm 1948, chỉ còn lại dấu vết nền móng xưa và hai cột đồng trụ ở hai bên. Từ năm 1990, nhân dân phục hồi lại ngôi đền, kiến trúc gồm năm gian tiền bái, ba gian hậu cung. Ông cũng được phối thờ tại đền Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương tại đền thờ Trần Hưng Đạo.
Trong quần thể di tích thờ danh tướng Phạm Ngũ Lão tại Phù Ủng, có lăng Phạm Tiên Công (thân sinh ra danh nhân Phạm Ngũ Lão), đền Nhũ Mẫu (mẹ nuôi tướng quân Phạm Ngũ Lão), đền Tĩnh Huệ công chúa (con gái tướng quân Phạm Ngũ Lão), theo lối kiến trúc thời Nguyễn. Ngoài ra còn có lăng Vũ Hồng Lượng (quan dưới triều Lê), kiến trúc nghệ thuật điêu khắc đá thời Hậu Lê (thế kỷ 17).
Hàng năm, từ 11 - 15 tháng Giêng âm lịch, dân làng thường mở hội, để tưởng nhớ công lao của vị danh tướng yêu nước. Đây cũng là lễ kỉ niệm ngày ra quân của tướng quân Phạm Ngũ Lão năm xưa.
Khu vực ngoài đền, trước đây thường được tổ chức vật cù, nhưng những năm gần đây, ban tổ chức lễ hội không đưa vật cù vào hoạt động trong lễ hội. Tương truyền vật cù được Phạm Ngũ Lão dùng để quân sỹ rèn luyện sức khỏe và vui chơi. Cù hình tròn, làm bằng gỗ vuông sơn đỏ. Sân chơi là một bãi rộng chia làm 2 bên đông và tây, giữa sân kẻ một vạch ngang, chính giữa vạch đào một lỗ đặt quả dầu, hai đầu sân mỗi bên đào một lỗ. Mỗi đội có 8 quân và 1 tổng, đầu chít khăn, đóng khố. Mỗi đội đóng khố một màu khác nhau. Trước khi chơi, hai đội xếp thành hai hàng làm lễ trước cửa đền. Trọng tài cầm quả cầu đặt ở hố giữa sân, phát hiệu lệnh, hai bên giành nhau cướp bỏ vào lỗ của đối phương, bên nào cho vào lỗ của bên kia là thắng cuộc.
Ngày 11 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm, là ngày tướng quân Phạm Ngũ Lão ra quân đánh giặc, là ngày khai hội, dân làng tổ chức lễ tế Phạm Tiên Công - thân sinh tướng quân Phạm Ngũ Lão rồi mới tế tướng quân Phạm Ngũ Lão. Đến tối mọi người tập trung tại đền thờ công chúa Thủy Tiên (con gái tướng quân Phạm Ngũ Lão và là cung phi của vua Trần Anh Tông) để làm lễ Mộc Dục.
Đặc sắc nhất trong hội, là đám rước quận chúa Thủy Tiên - con gái duy nhất của Ông với những nghi thức đặc biệt. Buổi sáng ngày 13 tượng công chúa được rước về đền thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão. Tham gia cuộc rước là các chàng trai cô gái áo quần chỉnh tề. Người ta quan niệm rằng các cô gái đội quần áo, mũ, giầy của công chúa sẽ được Bà phù hộ.
Vào các ngày hội, mọi người sắm lễ vào dâng hương, cầu xin tướng quân phù hộ cho gia đình có được may mắn, sức khỏe. Người ta tin rằng mọi lời khấn cầu sẽ được linh nghiệm. Người ta cũng thành tâm xin thẻ để biết được cửa nhà, gia sự trong một năm như thế nào. Thường thì người ta hay xin thẻ ở gian thờ Mẫu, hy vọng sẽ được Mẫu linh ứng, chở che cho cả năm được tai qua nạn khỏi, sức khỏe dồi dào, tài lộc sung túc...
Một nét đặc sắc ở lễ hội đền Phù Ủng là khi rước, nhân dân thường chen nhau chui qua gầm kiệu với ý nghĩa cầu mong sẽ thực hiện được những điều mong muốn lớn lao trong đời.
Các ngày hội chính kéo dài đến hết ngày 14 tháng Giêng âm lịch. Đến tối ngày 15 những người trên 50 tuổi trong làng tổ chức 1 lễ tế...
Ngoài ra còn có đền thờ Ông ở 25 phố Lý Quốc Sư - Quận Hoàn Kiếm - Thành phố Hà Nội. Đền do dân làng Phù Ủng từ Hưng Yên ra làm ăn tại Hà Nội lập nên để thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão, gọi là Phù Ủng vọng. Đồng thời để tôn vinh người đã thu dụng và đào tạo tướng quân Phạm Ngũ Lão thành một tướng giỏi nên đền Phù Ủng vọng còn thờ cả danh tướng Trần Hưng Đạo.
(Trích từ VÀO CHÙA LỄ PHẬT NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT của Đặng Xuân Xuyến, Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin 2006)