Làm người, thắng là do biết giữ ôn hòa, thua là do tính tình nóng nảy, hãy biết kiềm chế bản thân, đừng để cho tính xấu hủy hoại bạn!
Con người trong lúc nóng giận sẽ không còn lý trí, chỉ sau khi bình tĩnh trở lại mới thấy chuyện chẳng có gì và bản thân sao lại khó hiểu đến vậy. Có lẽ trong một số hoàn cảnh, người ta hơn nhau là ở chỗ biết kiềm chế bản thân, dùng lời ăn tiếng nói làm tổn thương người khác là một hành vi nông cạn. Tính khí nóng nảy sẽ làm tâm can ta bị giày vò. Một người làm chủ được bản thân mình thì còn ai có thể tác động được đến anh ta, an nhiên tự tại thì không ngại kích động, không sợ tổn thương.
Tính khí một người đàn ông ảnh hưởng trực tiếp tới sự nghiệp của anh ta, tính khí của một người phụ nữ ảnh hưởng trực tiếp tới hôn nhân của cô ấy. Rất nhiều người đã đôi lần tự hỏi: Sự nghiệp của tôi có tốt không? Gia đình của tôi có hạnh phúc không? Con cái tôi có ngoan không? Nhân duyên của tôi có tốt không? Câu trả lời chỉ có một: tùy thuộc vào tính khí của bạn có tốt không.
Con người có tính khí tốt, thì mọi việc dù không như ý cũng sẽ vẫn thấy có ưu điểm, tâm thái tĩnh tại ôn nhu mà đối diện mà xử trí, thì chuyện kia có khi quay ngược lại thành chuyện tốt.
Con người phải dành cả đời để học làm người, việc học làm người là việc phải học cả đời, không bao giờ có thể tốt nghiệp được. Con người dù là nông dân, công nhân, thương gia hay sĩ quan, dù là người làm nghề gì chỉ cần không ngừng học tập chắc chắn sẽ tiến bộ.
Chúng ta thông thường rất khó chịu nhận mình sai, mọi việc đều đổ lỗi cho người khác, cho rằng chỉ có bản thân mình là đúng, thực ra, việc đổ lỗi cho người khác đã là một cái sai.
Người để bạn phải nhận lỗi có thể là bố mẹ, bạn bè, mọi người xung quanh, thậm chí là con cái hoặc người không tốt với mình. Dù là ai thì khi nhận lỗi, bạn không những không bị mất gì mà còn thể hiện bạn là một người độ lượng, hiểu biết và đáng trân trọng. Xung khắc sẽ ngay lập tức dịu lại và người kia sẽ kính trọng bạn đôi phần, cũng sẽ không muốn tiếp tục tranh cãi một cách cố chấp nữa, khi không khí dịu lại thì chẳng phải mọi người đều sẽ suy nghĩ bằng lý trí hơn.
Học cách nhận sai là một đức tính tốt, là một việc lớn phải làm để tu thân.
Răng của con người là vật cứng, nhưng cái lưỡi thì lại rất mềm mại. Đến hết đời, răng sẽ rụng hết, nhưng cái lưỡi thì vẫn còn nguyên. Hình ảnh đó cũng cho thấy một quy luật của nhân sinh, mềm mại thì cuộc sống mới kéo dài được, cứng nhắc chỉ làm cho mình thiệt thân. Tâm tính ôn hòa mới có thể tiến bộ nhanh được.
Thông thường với những người hay cố chấp, nhìn họ sẽ rất lạnh lùng, tính tình của họ cũng khắc nghiệt. Nếu chúng ta làm được như Đạo gia, có thể điều chỉnh hơi thở, điều chỉnh cơ thể, điều chỉnh tâm tính, dần dần biến mình từ con ngựa bất kham thành ôn hòa, thuần tính thì cuộc sống mới trở nên vui vẻ và lâu dài được.
Trong cuộc sống này, nhẫn một chút sóng yên biển lặng, lùi một bước biển rộng trời cao. Nhẫn được thì mọi trở ngại đều sẽ tan biến. Nhẫn được thì mọi việc khó khăn đều được hóa giải. Hãy dùng trí tuệ trong đức Nhẫn để biến việc lớn thành việc nhỏ, việc nhỏ thành không có gì.
Khi nhẫn lại trong những hoàn cảnh xung kích mãnh liệt tới tâm tình, con người mới có thể nhận rõ được cái xấu đẹp, thiện ác, thị phi của thế gian. Bởi lúc đó không bị cái tình kích động mà mất hết lý trí. Có Nhẫn rồi, thì thậm chí có thế tiếp nhận mọi chuyện không tốt đến với mình mà không thấy bi thương, uất hận.
Chúng ta thường vì thiếu trao đổi, không biết cách nói chuyện nên phát sinh điều thị phi, tranh chấp và hiểu nhầm.
Vì thế quan trọng nhất là phải trao đổi một cách chân tình và rộng lượng, dùng chân tâm để lấp đầy những chỗ khác biệt, bất đồng với người khác, từ đó thông cảm và giúp đỡ nhau. Mọi người đều là anh em với nhau, chỉ tranh chấp nhau, không trao đổi với nhau thì làm sao có thể hòa bình được?
Nhiều điều trong cuộc sống giống như một chiếc va li, khi cần dùng sẽ nhấc lên, khi không dùng sẽ phải đặt xuống, nếu không đặt xuống sẽ phải mang vác hành lý nặng đó cả đời, không thể tự do tự tại được. Thời gian sống trên đời là có hạn, chỉ khi biết giới hạn, biết đủ, biết nhận sai, biết tôn trọng, bao dung độ lượng mới có thể được người đời chấp nhận, nên buông bỏ chính là để được tự tại.
Khi thấy người khác gặp may mắn nên thấy vui. Thấy người khác gặp chuyện buồn, phải biết cảm động.
Đó đều là lòng từ bi hòa mình với người khác, chứa được cả thiên hạ ở trong tâm. Mấy chục năm cuộc đời, có rất nhiều sự việc, nhiều lời nói làm bạn thấy cảm động. Bạn hết sức đề cao những điều đó, vì thế bạn cũng hãy cố gắng làm những việc có thể khiến người khác cảm động. Cảm nhận được những điều tốt đẹp sẽ khiến ta cũng muốn lan tỏa nó đi, thế thì cuộc đời sẽ càng nhiều những điều tốt.
Một cơ thể khỏe mạnh sẽ khiến tâm trí luôn tự tin, phấn chấn, từ đó cũng rộng lượng và muốn giúp đỡ người khác hơn. Thế nên, phải biết tự giữ gìn sức khỏe, rèn luyện thân thể để luôn tràn đầy năng lượng và có một tinh thần tốt. Khi bạn yêu đời và luôn nở nụ cười, tâm thái cũng từ bi, quảng đại hơn, cũng lại muốn ra tay nâng đỡ những người yếu thế, khổ sở, đau buồn hơn.
Hãy bắt đầu từ chính bản thân mình, mỗi ngày trước khi đi ngủ hãy tự hỏi mình: hôm nay mình có tức giận không?
Quỳnh Chi.