Dũng khí chân chính không phải là dũng mãnh giỏi đấu, mà là đứng về chân lý. Vì để bảo vệ đạo nghĩa, cho dù đối mặt với cường quyền hay bị người đời hiểu lầm cản trở, thì bậc Thánh nhân cũng quyết không thay đổi chí hướng của mình.
Khổng Tử nói: “Kẻ nhân không lo lắng, kẻ trí không nghi hoặc, kẻ dũng không sợ hãi”. Có thể thấy, để đạt được cảnh giới nhân sinh hoàn mỹ, cần có Nhân – Trí – Dũng.
Trong lịch sử Đông Tây kim cổ, đã xuất hiện rất nhiều kẻ dũng. Trong các môn đệ của Mặc Tử, có 800 người có thể xông vào biển lửa, đạp lên núi đao, chết không lùi bước. Kinh Kha hành thích vua Tần, trong tiếng ca bi tráng “Gió hiu hiu hề, Dịch Thủy lạnh, tráng sỹ ra đi, chẳng trở về” mà khảng khái đi vào chỗ chết, “gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao”.
Tây Sở Bá vương Hạng Vũ, sức mạnh bạt sơn cử đỉnh, khí thế bao trùm thế gian, nhưng chỉ vì không còn mặt mũi nào nhìn lại các bậc phụ lão Giang Đông, nên không muốn lưu lại tấm thân mà tự vẫn bên sông. Họ đều là những bậc “dũng giả” (kẻ dũng, người dũng cảm).
Tử Lộ là một trong các môn đồ của Khổng Tử, tính cách quả cảm chính trực, nổi tiếng vì chữ “Dũng”, được Khổng Tử đánh giá rằng: “Trọng Do (tức Tử Lộ) dũng cảm hơn cả ta, còn các tài năng khác thì chưa đủ”. Điều Khổng Tử thúc đẩy và tôn sùng chính là đại dũng.
Sách Mạnh Tử viết: “Xưa Tăng Tử nói với Tử Tương rằng: ‘Ông có muốn dũng không? Tôi từng nghe Khổng Tử nói về dũng là: Tự phản tỉnh xem lại mình, nếu chính nghĩa không ở phía ta, thì một người ti tiện, ta cũng không dọa nạt người ta. Nếu tự phản tỉnh xem lại mình, mà chính nghĩa ở phía ta, thế thì đối phương có thiên binh vạn mã, ta cũng xông đến’”.
Khổng Tử đã dạy học trò mình như thế, cũng là cả đời thực hiện như thế này. Khổng Tử thân thể to lớn, sức mạnh có thể tay không đánh trâu, nhưng “trông ngài trang nghiêm, nhưng lại rất ôn hòa”. Ngài theo tuần tự giỏi dẫn dắt học trò, lại vô cùng khiêm tốn cẩn thận. Nếu ngài có sai lầm, thì cho dù là học trò, ngài cũng thành khẩn nhận lỗi với họ. Khi vương thất nhà Chu suy yếu, lễ băng nhạc hoại, ngài ôm chí lớn, một lòng thúc đẩy Nhân chính (nền chính trị nhân đức), dùng “Lễ và Nhạc” để giáo hóa bách tính, tế thế cứu khổ.
Thời gian Khổng Tử ở nước Lỗ, ngài muốn chấn hưng nước Lỗ. Khi ngài làm quan Đại tư khấu, nước Lỗ 3 tháng đã yên bình, ngoài đường không có người nhặt của rơi, đêm ngủ không cần đóng cửa, ngoài đường nam nữ đi hai bên khác nhau, thương nhân ở xa đến cũng không cần tìm quan lại.
Nhưng vua Lỗ mê hưởng lạc, không theo lễ nghi, Khổng Tử bèn từ quan chu du liệt quốc, phong trần dầu dãi, ngược xuôi tứ xứ để truyền bá chủ trương nền chính trị nhân đức. Ngài đến các nước Chu, Tề, Vệ, Tào, Trần, Thái, Tống, Diệp, Sở để du thuyết. Nhưng suốt 14 năm, ngài không thỏa nguyện ở Lỗ, bị đuổi ở Tề, không được dùng ở Vệ, bị vây khốn ở đất Trần, Thái, tứ bề tường chắn.
Những kẻ đương quyền không tiếp thu tư tưởng ngài, những kẻ ẩn sỹ cười chê ngài không biết thức thời. Ngài còn chịu các nạn “bao vây, đe dọa, hết lương thực, đói ăn, khốn cùng”, lúc thê thảm nhất “như con chó nhà đám”. Ngay cả Tiếp Dư, Cuồng Nhân nước Sở cũng khuyên Khổng Tử, rằng đã sinh không gặp thời, đạo đức đều suy bại như thế này, tốt nhất chớ lao tâm phí thần nữa.
Nhưng trào lưu phong khí xã hội đang cuồn cuộn tụt dốc đã không làm ngài dao động, phỉ báng và lạnh nhạt không thay đổi được chí hướng bậc Thánh nhân. Ngài coi việc kế thừa truyền bá văn hóa lễ nhạc là Thiên mệnh, coi việc thúc đẩy nhân nghĩa là trách nhiệm bản thân không thể thoái thác. Ngài nói với Tử Lộ rằng: Nếu thiên hạ có Đạo, thì ta đã không đứng ra để thay đổi nó.
Để truyền bá tư tưởng, giáo hóa bách tính, Khổng Tử là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại khai mở phong trào tư nhân lập trường dạy học. Không hỏi người học xuất thân sang hèn, giàu nghèo, khôn ngu, hiền hay bất tài, tất cả đều có thể làm học trò của Khổng Tử, mở rộng cánh cửa dạy dỗ bình đẳng.
Ngoài ra, khi tuổi đã gần cổ lai hy, Khổng Tử tập trung tinh lực chỉnh lý thư tịch cổ. Ngài thuật lại chuyện vua Nghiêu Thuấn, Văn Vương Võ Vương, tinh lược Thi Thư, hiệu đính Lễ Nhạc, chú giải Chu Dịch, trước tác Xuân Thu, khiến văn hóa và giáo dục được mở rộng lưu truyền cho hậu thế, đặt định nền móng cho đạo đức, văn hóa truyền thống Á Đông.
Từ đó, trên khắp vùng Á Đông đã tập hợp rất nhiều trí huệ các Thánh hiền về cửa Khổng. Rồi các đệ tử kiên trì không ngừng nghỉ hoằng dương, Nho học từ sau thời Hán đã phát triển rực rỡ, có ảnh hưởng sâu rộng đối với lịch sử, văn hóa, nhân cách và tư tưởng khắp các nước Á Đông.
Năm 594 TCN, nhà chính trị Athen là Solon đã khai sáng ra nền chính trị cộng hòa, công dân tuyển cử, nghị sự, bồi thẩm. Nhưng truyền thống đạo đức và tín ngưỡng lúc đó đã suy thoái. Một loạt từ nông dân, thương nhân đã được trúng cử làm các quan chức kiểm sát, quan tòa, trong mắt họ chỉ có luật pháp và khoa học, không có lòng kính sợ Thần, tự cho rằng họ giàu kiến thức và trí tuệ.
Socrates lại chủ trương mục đích của triết học không phải là nhận thức tự nhiên, mà là “nhận thức chính mình”, đề xướng mọi người nhận thức đạo lý làm người, sống cuộc sống có đạo đức. Ông nhận thấy, sự sinh tồn, phát triển và hủy diệt của các sự vật trên thiên thượng và trên mặt đất đều do Thần an bài, Thần là Chúa tể thế giới. Ông phản đối nghiên cứu giới tự nhiên, cho rằng có nhiều tri thức nhất chính là Thần, tri thức cuối cùng đều từ Thần truyền tới.
Ông coi trọng luân lý học, cho rằng “đức tính tốt đẹp chính là tri thức”. Ông dành trí huệ, tinh lực, thời gian cả cuộc đời để đối thoại với con người, biện chứng những sai lầm logic trong ngôn ngữ tư tưởng đối phương, mục đích là để mọi người bớt đi cái cuồng ngạo mà tri thức triết học và khoa học đã đem đến cho họ, để làm những công dân Athen có đức hạnh, tuân thủ pháp luật, kính Thần linh. Ông cần mẫn không mệt mỏi truyền thụ tri thức. Rất nhiều đệ tử gia đình giàu có và gia đình nghèo khó thường xuyên ở bên ông, học tập thỉnh giáo ông.
Năm 404 TCN, tập đoàn 30 kẻ tiếm quyền thống trị đã thay chính thể dân chủ. Đứng đầu tập đoàn 30 kẻ tiếm quyền là Kritias là học trò của Socrates. Một lần Critias lệnh cho Socrates dẫn 4 người đi bắt một người giàu có, muốn chiếm tài sản của ông ta. Socrates cự tuyệt không tuân lệnh, giũ tay áo bỏ đi. Socrates không những dám chống lại mệnh lệnh phi pháp của Critias, mà còn công khai lên án bạo hành của hắn.
Đối với thể chế dân chủ, Socrates cho rằng mọi ngành nghề cho đến chính quyền quốc gia đều nên là người đã trải qua huấn luyện, có tri thức tài năng đứng ra quản lý, và phản đối dân chủ qua hình thức rút thăm tuyển cử. Ông nói: Người quản lý không phải là người nắm quyền lực, dùng thế lực ức hiếp người, cũng không phải là người do dân chúng tuyển cử, mà nên là người hiểu quản lý là như thế nào. Ông còn nói, người ưu tú nhất là người có thể làm tốt công việc của mình nhất.
Bất kể đối phương là người quyền cao chức trọng hay là đông người thế mạnh, Socrates đều kiên trì nguyên tắc và chính nghĩa của mình, không khuất phục trước bất kỳ sức mạnh xã hội bất nghĩa nào. Do đó ông cũng đã khiến nhiều nhân sỹ các tầng lớp khác nhau nổi giận.
Có người tố cáo ông với có quan hệ mật thiết với Critias, phản đối dân chủ, dùng tà thuyết đầu độc thanh niên. Socrates do đó bị bắt tống vào trong ngục. Trên pháp đình, Socrates không để ý đến sự uy hiếp xử tử, đối với những tố cáo sai trái, ông phản bác từng điểm một. Ông đã có bài diễn thuyết nổi tiếng tràn ngập ánh sáng trí huệ:
“Hỡi các công dân, tôi tôn kính các bạn, tôi yêu các bạn, nhưng tôi thà nghe theo Thần, chứ không nghe theo các bạn… Tôi không làm việc gì khác, chỉ là khuyên mọi người, thúc giục mọi người, bất kể là già hay trẻ, chớ nên chỉ chú ý đến cá nhân và tài sản, đầu tiên phải quan tâm cải thiện linh hồn mình, đây mới là việc trọng yếu hơn. Tôi bảo các bạn, tiền bạc không thể đem lại đức hạnh, đức hạnh lại có thể đem lại tiền bạc cho con người, và hết thảy những việc tốt đẹp cho cá nhân và cho quốc gia. Đây chính là giáo nghĩa… Tôi quyết định không thay đổi con đường của mình, dù chết vạn lần cũng không thay đổi!”.
Đời sau, ở phương Đông cổ kính, bất kể là thiên tử vương hầu, cho đến nhân dân bách tính, hễ là người nghiên cứu “Lục kinh” (Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch và Xuân Thu – kinh Nhạc sau bị thất truyền), đều lấy những lời của Khổng Tử là tiêu chuẩn đánh giá phán đoán cao nhất. Và Socrates, tuy không để lại bất kỳ trước tác nào, nhưng ảnh hưởng của ông vô cùng lớn. Các sử gia triết học luôn luôn coi ông là ngọn núi phân nguồn cho lịch sử phát triển triết học cổ Hy Lạp, gọi triết học trước đây của ông là triết học Socrates.
Có thể thấy, dũng khí chân chính không phải là dũng mãnh giỏi đấu, mà là đứng ở phía chân lý. Chỉ cần là có đạo nghĩa, cho dù đối mặt với cường quyền và bạo lực, cho dù hàng chục triệu người cản trở, phản đối và không lý giải, cũng quyết không nản chí, không thay đổi chí hướng của mình. Trong thời đại đạo đức đã mất, luân lý cương thường chính thống sụp đổ, Khổng Tử và Socrates đề xướng nhân nghĩa, đạo đức, dường như là không hợp thời, nhưng các ngài không cúi đầu trước thế tục cường thịnh, trước sau luôn bảo vệ đạo nghĩa mà Thiên mệnh và Thần yêu cầu.
Trong cái đơn độc mà người thường không thể chịu đựng nổi, một người xem ra là bé nhỏ yếu đuối vẫn kiên định không mệt mỏi hồng dương đạo nghĩa, cuối cùng, tư tưởng của các ngài đã được lưu truyền thiên cổ. Đại dũng “đối phương có thiên binh vạn mã, ta cũng xông đến”, đã thành tựu nên các vị hiền triết vĩ đại này, cũng đã ảnh hưởng đến lịch sử thế giới, và cuối cùng lắng đọng tạo nên những nhân cách tỏa sáng, những văn hóa văn minh xán lạn bất hủ lưu truyền qua các thế hệ.
Nam Phương biên dịch