Trong tim có thiện lương, sẽ thấy được điều huyền diệu. Từ bỏ sự thiện lương, cây đời sẽ tàn tạ, vậy nên mới có câu “Bạn chỉ cần lương thiện, Trời xanh sẽ tự an bài”
Vào thời nhà Thanh, có một người đàn ông họ Vương ở Sở Châu mưu sinh bằng nghề bán hoa. Mỗi năm vào cuối năm, phụ nữ và các bé gái cần dùng hoa để trang trí phòng tắm của họ, bởi vì hoa của Vương đặc biệt rực rỡ, mọi người tranh nhau trả giá cao hơn để mua.
Một ngày nọ, Vương bán hoa cả buổi sáng, đến trưa, ông ngồi trên bậc thềm trước chính điện của ngôi miếu cổ, lấy ra một chiếc cân tiểu ly để cân bạc, ước tính số hoa bán được thu được lợi nhuận gấp đôi.
Lúc này, đột nhiên ở góc phía tây của chính điện vang lên âm thanh như tiếng thở dốc, Vương vô cùng kinh ngạc, đi vào thì thấy một người đàn ông ăn mặc rách rưới đang treo cổ tự sát trên xà. Vương nhanh chóng chạy đến giải cứu, vỗ về xoa bóp cho người ấy suốt nửa ngày, người đó mới tỉnh dậy. Vương nói với người đàn ông: “Cậu hãy còn trẻ, vì sao lại muốn đoản mệnh?” Người đó nói: “Tôi bất hạnh lắm, gia nghiệp điêu linh. Muốn làm ăn mà chẳng có chút tiền, hiện tại không xu dính túi. Đã qua một năm, mà trong nhà chẳng còn một hạt gạo, vợ tôi lại vừa sinh em bé. Tôi ra ngoài muốn mượn dăm chục đồng bạc mà chẳng có ai đồng ý cho. Nam tử hán đại trượng phu sống ở thế gian, mà vợ đẻ, nhà một xu cũng không có, còn mặt mũi nào để về nhà, thà chết đi cho xong.”
Vương nói: “Nếu cậu chết, vợ cậu đang đẻ không có ai đến cứu tất sẽ chết, ngay cả thai nhi trong bụng mẹ cũng sẽ chết. Chẳng phải là ba mạng sao? Hôm nay tôi bán hoa được một lượng sáu tiền, trừ đi tiền vốn của tôi là tám tiền, còn dư tám tiền. Tôi và cậu chia đôi, cậu thấy sao?” Sau đó, Vương hào phóng chia bạc tặng người đó, cũng không hỏi tên anh ta là gì. Người đàn ông vô cùng biết ơn, bái tạ Vương rồi đi.
Vương ra phố bán số hoa còn lại, mãi đến tối mới về. Người vợ đang đợi ở cửa nói: “Phu quân sao hôm nay về muộn thế, em lo lắng quá?” Vương kể với vợ về chuyện tặng bạc cứu người khẩn cấp. Người vợ cũng rất hiền đức, không phàn nàn gì mà nói: “Vừa rồi em thấy ánh lửa trong phòng chính, ngọn lửa cao hơn một thước, em sợ gặp ma nên không dám vào nhà.”
Vương bước vào phòng, quả nhiên thấy có ánh lửa, bèn nói: “Đây là báu quang, bên dưới nhất định có vàng bạc châu báu.” Bèn đi tìm cuốc để đào lên, quả nhiên nhìn thấy có hai đài bạc, bên trên nắp có một nén bạc lớn, trên đó có chữ: “Cứu người ba mạng, Thiên ban thành gia”. Vương đã dùng số tiền này làm vốn kinh doanh, nhờ đó trở thành phú ông. Ông cũng thu thập những nén bạc có mang chữ đó truyền lại cho con cháu, sau này Vương gia đời đời đều giàu có sung túc, mọi người gọi ông là “Hoa Vương”.
Vào thời nhà Minh, giá gạo ở Dự Chương (nay là thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây) luôn rất rẻ, nhưng đến năm Định Hải thì xảy ra nạn đói, mất mùa nghiêm trọng, giá gạo lên cao ngất ngưởng đến bảy tiền. Vào mùa xuân năm Mậu Tử thứ hai, một thôn dân ở huyện Tân Kiến thập phần nghèo khó, tài sản toàn gia đình chỉ còn lại một cái thùng gỗ.
Để không chết đói, người nông dân đã quyết định bán cái thùng gỗ với giá ba xu bạc. Ông dùng hai xu bạc mua gạo, một xu bạc mua thạch tín, cho thạch tín vào gạo nấu cơm, sau đó chuẩn bị cho cả nhà chết luôn sau một bữa no.
Cơm vừa nấu xong thì lý trưởng (trưởng thôn) đến, đòi nộp thuế, thôn dân bảo không có tiền nộp. Từ xa đến, vừa đói vừa khát, lý trưởng nghĩ không lấy được tiền thì có cái gì ăn cũng tốt, nên ngỏ ý muốn xin một bữa cơm, nhưng người thôn dân lại bảo không có cơm ăn.
Nhìn thấy lửa khói trong bếp, lý trưởng bèn vào bếp, thấy nồi cơm mới nấu nên quở trách thôn dân lừa người. Thôn dân vội xua tay nói: “Nồi cơm này không phải cho ngài ăn.” Lý trưởng thấy bọn họ nói như vậy, càng thêm kỳ quái. Thôn dân bèn với sự thật với lý trưởng trong làn nước mắt nghẹn ngào.
Lý trưởng thất kinh, vội vàng đổ nồi cơm xuống đất vùi lấp đi, rồi nói: “Không cần làm như vậy, trong nhà ta còn có năm đấu thóc, ngươi cùng ta về nhà lấy đi. Sau khi giã lột vỏ, nó có thể ăn được vài ngày, đến lúc đó khả năng còn có biện pháp khác, hà tất phải vội vàng bỏ mạng?”
Thôn dân cảm phục tấm chân tình của lý trưởng, theo ông về nhà, quả nhiên được mấy đấu thóc mang về nhà đổ vào chum. Lúc đổ thóc vào chum, bỗng thấy có mấy lượng bạc nhô lên, thôn dân cảm thấy thập phần kinh ngạc, nói: “Đây khẳng định là lý trưởng thu thuế thân chuẩn bị nộp cho quan phủ, mà để nhầm vào đây. Ông ấy đã cho tôi thóc, cứu mạng cả nhà tôi, tôi làm sao có thể tham số bạc này mà khiến ông ấy phải đi đến chỗ chết?” Nghĩ rồi liền vội vàng mang số bạc trở lại nhà lý trưởng.
Lý trưởng thấy thôn dân cầm năm mươi lạng bạc trở lại, liền nói: “Ta cũng là người nghèo, trong nhà làm sao có nhiều tiền như vậy, đây khẳng định là ông trời ban cho ngươi đó.” Bất luận lý trưởng nói thế nào, người thôn dân đều từ chối không nhận. Hai bên tranh luận mãi, cuối cùng họ chia làm hai phần, mỗi phần hai mươi lăm lạng bạc cho mỗi nhà, cả hai nhà bỗng chốc trở nên khá giả hơn. Đây là món quà ông Trời dành cho một thiện niệm của cả hai người.
Hương Thảo.