Chính và tà là cặp nhân tố đối lập, có chính ắt có tà, có thật thì có giả, có người vì đại nghĩa thì có kẻ vì danh lợi, có chính nhân quân tử thì có tiểu nhân gian tà. Do đó, trong xã hội, phạm trù đối lập chính – tà được thể hiện ở nhiều tầng thứ với các nội hàm khác nhau...
Trong lịch sử xã hội nhân loại hàng nghìn năm nay, bất kể thời đại nào, phương Đông hay phương Tây đều ca ngợi khuyến khích con người tu dưỡng những đức tính tốt đẹp, thiện lương, nghĩa hiệp, trung trinh, tiết tháo. Có rất nhiều đức tính tốt đẹp tiêu biểu cho người chính trực, trong đó các tiêu chuẩn của bậc chính nhân quân tử của Nho gia có tính khái quát và được người đời qua các thế hệ đều đánh giá cao.
Trong các quan hệ xã hội người thường, Nho giáo được đánh giá là một chính giáo. Tiêu chuẩn của chính nhân quân tử theo quan điểm của Nho gia là Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín. Ngược lại với cái chính sẽ là cái tà, theo Nho gia, kẻ tiểu nhân gian tà sẽ Bất nhân – Bất nghĩa – Vô lễ – Vô trí – Bất tín.
Khổng Tử đưa ra tiêu chuẩn nhận biết quân tử và tiểu nhân: “Quân tử hiểu rõ về nghĩa, vì nhân nghĩa; tiểu nhân hiểu rõ về lợi, vì tư lợi”, “Quân tử cầu đức hạnh, tiểu nhân cầu tiền tài”, và “Người quân tử thành tựu việc tốt đẹp cho người khác chứ không làm cái xấu cho người khác”…
Còn về các mối quan hệ chủ yếu trong xã hội, Nho gia yêu cầu cấp dưới với cấp trên phải Trung, cấp trên với cấp dưới phải Nhân, giữa vợ chồng phải Hòa thuận, con cái đối cha mẹ phải Hiếu, em đối với anh chị phải Lễ, bạn bè đối với nhau phải Tín, hậu bối đối với tiền bối phải Kính.
Theo quan điểm Nho gia tiêu chuẩn của chính nhân quân tử là phải hội tụ đủ Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín.
Đó là lý tưởng nhân cách con người trong xã hội, đều hướng theo tiêu chuẩn đó mà tu sửa, hoàn thiện bản thân. Như vậy, Nho gia được mọi người coi là chính đạo. Có thể tóm lại, chính đạo theo Nho gia là vì nhân nghĩa, vì người khác, còn tà đạo là vì bản thân mình, gia đình, dòng tộc, bè phái, vì danh vọng, vì quyền lực, vì tư lợi.
Từ thời Khổng Tử, xã hội rất rối loạn với nhiều thuyết, đó là thời “Bách gia chư tử”, trăm hoa đua nở. Chính giáo thì ít mà tà giáo thì nhiều, ai ai cũng nói thuyết của mình là chính, là đúng và phê phán công kích thuyết giáo người khác. Vì vậy Khổng Tử cũng dạy học trò cách phân biệt: “Duy người nhân đức mới có đủ năng lực đánh giá khen chê người khác được”. Người nhân đức là người đã tu dưỡng đắc Đạo, họ làm gì, nghĩ gì, nói gì đều hợp với đạo, họ có tiêu chuẩn chính xác, và là người sống vì nhân nghĩa, vì người khác, nên đánh giá của họ mới chính xác, đáng tin cậy.
Những năm đầu thế kỷ 20, Hoàng gia Anh cử một đoàn các nhà khoa học danh giá sang phương Đông nghiên cứu các pháp tu và tôn giáo huyền bí, đánh giá dựa trên cơ sở khoa học và được sự đồng thuận của tất cả các thành viên. Trong hồi ký “Hành trình về phương Đông” nổi tiếng của giáo sư Blair T. Spalding (1857–1953), nguyên tác “Life and Teaching of the Masters of the Far East” (xuất bản năm 1935) có tất cả sáu quyển, ghi nhận đầy đủ về cuộc hành trình gay go nhưng lý thú và tràn đầy sự huyền bí ở Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Hoa và Ba Tư. Dưới đây là trích đoạn trong cuộc tranh luận, hỏi đáp giữa các nhà khoa học và một đạo sỹ cao đạo về chính đạo và tà đạo:
“Ðúng thế, quan niệm xấu tốt, thiện ác ít nhiều chịu ảnh hưởng xã hội nhưng vượt lên cao hơn nữa chúng ta vẫn có luật vũ trụ kia mà. Theo sự hiểu biết của tôi thì có hai con đường: Chính đạo và tà đạo.
Con người làm chuyện tà đạo là khi y dùng quyền năng tiềm tàng của mình để mưu lợi riêng cho sự phát triển cá nhân và sẵn sàng hy sinh hạnh phúc của kẻ khác. Phát triển cá nhân ở đây có nghĩa là sự bành trướng về giác quan, cảm xúc hay tri thức của cá nhân mà không đếm xỉa đến sự thiệt hại cho kẻ khác. Một người lợi dụng sự ngu dốt, yếu đuối của kẻ khác để thu lấy ít lợi lộc về tiền bạc hay thỏa mãn tham vọng cá nhân tức là đang đi trên con đường tà đạo. Nếu y có chút quyền năng y sẽ trở nên ghê gớm như thế nào?
Chánh đạo cũng là việc sử dụng những quyền năng của mình nhưng để phụng sự nhân loại. Trong khi phụng sự, con người sẵn sàng hy sinh mọi tiện nghi, tham vọng cá nhân mình để làm việc hữu ích cho kẻ khác. Kẻ phụng sự dứt tuyệt các thú vui về giác quan, từ bỏ mọi tôn kính chính đáng mà y có quyền hưởng thụ, dẹp bỏ cái phàm ngã cá nhân mà chỉ chú trọng đến mục đích là đạt đến sự toàn thiện.
Tà đạo là sử dụng quyền năng qua các hình thức lễ nghi, cúng bái trợ lực để tạo nên các đoàn thể, hình thức, các hình thức này có thể là vật chất hay một tổ chức mà công cụ của nó không phải lo cho đời sống chung hay một lý tưởng cao thượng mà chỉ là một hình thức cho quan niệm riêng của mình phát biểu.
Chánh đạo là sử dụng các quyền năng cố hữu của bản chất con người để vượt qua mọi hạn định của hình thức, để giải thoát tâm hồn khỏi các trói buộc của cảm giác, sự tưởng tượng hay xu hướng nhất thời, để tránh các cám dỗ, lừa gạt của vô minh để phục vụ cái phần bất tử thiêng liêng của bản thể, chân như”.
Có thể thấy, chính đạo là dạy con người xả bỏ cái tôi, cái vị tư ích kỷ cá nhân để phụng sự xã hội. Còn tà đạo thì vì lợi ích, quyền lực cá nhân. Chính đạo là để giải thoát con người khỏi các cảm thụ, dục vọng ham muốn, nên nó vượt qua mọi hạn định về hình thức, không bó buộc vào hình thức. Còn tà đạo thì sử dụng các hình thức lễ nghi, cúng bái, các đoàn thể, tổ chức, cấp bậc để đạt được cái danh và lợi cá nhân trong xã hội. Nhưng tà nếu rõ ràng thế thì ai ai cũng nhận biết được và không có người theo, nên nó ắt phải mượn danh cái chính, mượn kinh sách Thánh nhân rồi cắt xén, thêm bớt, diễn giải sai lệch, nhân danh vì mọi người, nhân danh mục đích cao cả, nhưng mục đích cũng là vì cái danh và cái lợi cá nhân cả.
Thời Đức Phật thuyết Pháp, có 8 tôn giáo cổ đang tồn tại, trong đó Bà La Môn giáo là tôn giáo lâu đời nhất, có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong xã hội. Bà La Môn giáo sử dụng bộ kinh chính là kinh Vệ Đà, đã có cách ngày nay 3.500 năm, tức 1000 năm trước khi Đức Phật Thích Ca truyền giáo. Căn cứ vào kinh Vệ Đà thì Bà La Môn cũng là chính giáo. Nhưng trải qua 1000 năm, giới tu sỹ Bà La Môn đã trở thành tầng lớp có địa vị rất cao trong xã hội, đã có nhiều thêm bớt, giải thích Kinh để củng cố địa vị mà họ cho là cao quý, trác việt, vì chỉ có họ mới có thể câu thông với Thần, từ đó giành được sự trọng vọng của xã hội và những đặc quyền đặc lợi cho giới tu sỹ. Do đó cho đến khi Đức Phật truyền giáo thì Bà La Môn lúc ấy đã suy thoái thành tà giáo.
Để giúp đệ tử phân biệt chính và tà, Đức Phật giảng trong Kinh “Tăng chi bộ” rằng:
“Đừng tin tưởng vào một điều gì vì phong văn. Đừng tin tưởng điều gì vì vin vào một tập quán lưu truyền.
Đừng tin tưởng điều gì vì cớ được nhiều người nói đi nhắc lại. Đừng tin tưởng điều gì dù là bút tích của Thánh nhân.
Đừng tin tưởng điều gì dù thói quen từ lâu khiến ta nhận là điều ấy đúng.
Đừng tin tưởng điều gì do ta tưởng tượng ra lại nghĩ rằng một vị tối linh đã khai thị cho ta.
Đừng tin tưởng bất cứ một điều gì chỉ vin vào uy tín của các thầy dạy các người.
Nhưng khi nào tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này là bất thiện; Các pháp này là đáng chê; Các pháp này bị các người có trí quở trách; Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau”, thời hãy từ bỏ chúng.
Nhưng chỉ tin tưởng cái gì mà chính các người đã từng trải, kinh nghiệm và nhận là đúng, có lợi cho mình và người khác. Chỉ có cái đó mới là đích tối hậu thăng hoa cho con người và cuộc đời. Các người hãy lấy đó làm chỉ chuẩn”.
Đức Phật dạy: “Chỉ tin tưởng cái gì mà chính các người đã từng trải, kinh nghiệm và nhận là đúng, có lợi cho mình và người khác. Chỉ có cái đó mới là đích tối hậu thăng hoa cho con người và cuộc đời”. (Ảnh: elle.vn)
Hiện nay xã hội nhiều biến động, thật giả khó phân, vàng thau lẫn lộn. Khi kẻ gian tà được cất nhắc thì người quân tử phải ra đi. Khi kẻ siểm nịnh đắc ý thì người chính trực phải chịu oan uổng. Khi cái giả được coi là thật thì cái thật sẽ bị coi là giả. Do đó, chúng ta có thể tham khảo cách phân biệt thật giả, chính tà của các Thánh Nhân, Giác Giả, rồi dùng lý trí suy xét, tự mình kiểm nghiệm, thì có lẽ cũng không quá khó để phân biệt.
Bạch Nhật.