Lão hòa thượng đóng cửa không tiếp, nói: “Thí chủ muốn tìm lại chân diện của mình ở đây, nhất định phải trả lại thiền trượng của ta”. Nghe câu đó Mưu Công như người mù xem chữ, chẳng hiểu ẩn ý là gì.
Tu luyện xưa nay có rất nhiều hình thức, ví như Đạo giáo, Phật giáo, Nho giáo… Pháp khác nhau có hình thức khác nhau, tất cả đều nhìn vào duyên phận. Lai lịch một người khác nhau sẽ dẫn tới duyên phận khác nhau, phương thức tu luyện cũng vì thế mà khác nhau.
Cuốn “Hài Đạc” có ghi chép: Trước lúc thành một đệ tử chuyên tu, Thái Sử Mưu Công nghe nói chùa Linh Ẩn có lão hòa thượng Pháp Toản ngộ được chân kinh tôn chỉ của Thiền môn nên đã đến gặp lão hòa thượng cầu xin ngài thu nhận làm đệ tử. Lão hòa thượng lấy Canh Giáp (một loại đài âm dương dùng để bói toán số) ra tính toán chi tiết hồi lâu rồi nói: “Tướng cốt của thí chủ xác thực là có căn duyên nơi Phật Môn, tuy nhiên trong mệnh vẫn còn hưởng phần phú quý, vậy nên hiện nay chưa thể vội vàng quy y được”.
Mưu Công nghe vậy vẫn một lòng khẩn cầu, lão hòa thượng nói: “Việc này không liên quan tới lão tăng, thí chủ hãy trở về hưởng phú quý hồng trần 12 năm sau hãy quay lại”. Mưu Công nghe vậy vẫn kiên quyết không chịu rời đi, lão hòa thượng liền lấy thiền trượng trong tay mà đuổi, Mưu Công vội vàng đứng dậy chạy xuống đài nhưng không may lại vấp ngã, bò dậy ra về.
Mưu Công sau khi trở về thì như người ngớ ngẩn, ngày thì đọc sách nhưng đêm đến lại giống như lão hòa thượng tĩnh tọa tụng kinh nghe pháp. Qua một thời gian lại đến bái kiến lão hòa thượng Pháp Toản. Lão hòa thượng đóng cửa không tiếp, nói: “Thí chủ muốn tìm lại chân diện của mình ở đây, nhất định phải trả lại thiền trượng của ta”. Nghe câu đó Mưu Công như người mù xem chữ, chẳng hiểu ẩn ý là gì.
Sau này, Mưu Công tham gia thi Hương trúng tuyển lại đi bái kiến lão hòa thượng. Lão hòa thượng vẫn điềm nhiên như cũ, đóng cửa không tiếp. Tới cuối năm Ất Mùi, Mưu Công lại tham gia thi điện Nam Cung, trúng bảng nhậm chức Hàn Lâm, tiếp đó lại chủ trì khoa thi Hồ Bắc. Con đường công danh như cờ hoa, thảm đỏ, tới đâu cũng thuận buồm xuôi gió, thăng tiến không ngừng.
Tuy nhiên, dẫu cho con đường công danh luôn rộng mở, tiền đồ phía trước tươi sáng thì tâm chí của Mưu Công vẫn một lòng hướng nơi cửa Phật, một ngày chưa thành một ngày chưa nguôi ý chí.
Thời gian như nước chảy qua cầu, sau 12 năm nay cũng đến kỳ hẹn ước. Mưu Công xin triều đình thoái ẩn về quê, bất kể ngày đêm cất bước lên đường, chưa đầy một tháng đã hồi hương tới giới phận tỉnh Chiết Giang. Đêm hôm ấy nghỉ lại quán trọ của Khoái Gia, Mưu Công tính toán từ đây đến chùa Linh Ẩn chỉ khoảng 5 ngày đường nhưng không hiểu sao đêm đó trằn trọc không tài nào ngủ được.
Mưu Công nằm trên giường đắp chăn, đầu óc suy nghĩ vẩn vơ, đột nhiên có cảm giác chỉ tùy ý duỗi chân ra là toàn thân rơi xuống một cách nhanh chóng. Mưu Công sợ hãi ngồi dậy kiểm tra xem có chuyện gì? Tuy nhiên, điều bất ngờ xảy ra là đột nhiên Mưu Công thấy mình đang ở trong phòng của lão hòa thượng, xung quanh là đèn nến thắp sáng, điện thờ trang nghiêm, bản thân lại đang mặc áo cà sa của thiền môn, sờ lên đầu mình thì tóc đã cạo tự khi nào?
Mưu Công kinh hãi, chạy đi tìm lão hòa thượng hỏi xem đang có chuyện gì xảy ra, nhưng tới nơi thì thấy ngài đang nhắm mắt thiền định, đợi mãi hơn hai canh giờ sau lão hòa thượng mới xuất định. Lão hòa thượng cười nói: “Con đã quy y nơi này 12 năm rồi, sao đến bây giờ vẫn cứ hồ đồ như vậy hả?”
Mưu Công nghe xong, lập tức đốn ngộ.
Sáng ngày hôm sau, quán trọ Khoái Gia thấy Mưu Công ngủ mãi không dậy nên vào trong lật chăn ra xem, thì chỉ thấy một cây thiền trượng chứ không thấy người đâu. Sau đó, nghe nói Mưu Công có hẹn với lão hòa thượng nên người của Khoái Gia đã đi đến chùa Linh Ẩn để tìm. Gặp được Mưu Công thì thấy đã là hình dáng của một lão nạp. Người của Khoái Gia hỏi nguyên do, Mưu Công đáp: “Đêm hôm trước sợ kinh động đến mọi người nên đã một mình lặng lẽ tới chùa. Nhờ mọi người hãy nói với người nhà của tôi, tất cả tôi đều không quên”.
Tiếp đó mọi người trao lại thiền trượng cho Mưu Công, Mưu Công cười nói: “Gậy ngốc, 12 năm phú quý, may mắn nhờ người thay ta hoàn thành, từ nay về sau người phải tuân thủ Thiền môn, chân không được ra khỏi cửa, chớ có vào hồng trần nữa đó”. Tiểu nhị quán trọ Khoái gia nghe vậy lắc đầu rời đi, chẳng hiểu Mưu Công nói những gì…
Xưa nay Đạo gia có thuyết về thuật “Thi giải”, nghĩa là dùng vật thường ngày bên mình hóa thành hình người thay thế người chết mà đem an táng dưới mộ, còn bản thân người thực sự thì lại tu luyện đắc Đạo bay về trời. Tuy nhiên, trong câu chuyện này lại có phần đảo ngược, lấy gậy thiền trượng hóa thành nhục thân đi hưởng vinh hoa phú quý hồng trần, sau khi thành công thì thoái ẩn trở về nguyên trạng thiền trượng ban đầu, còn bản thân người đốn ngộ đắc Đạo lại tiếp tục tu luyện.
Minh Vũ biên dịch.