Sống trên đời, có những việc bản thân làm được, cũng có những việc không thể làm. Chỉ khi biết lượng sức mình thì chúng ta mới biết được lúc nào nên tiến lúc nào nên lui để đi đến đích một cách an toàn và đạt được thành công.
Có câu chuyện về nửa xô nước như thế này:
Trên đỉnh ngọn núi có một ngôi chùa. Nước để nấu ăn trong chùa hàng ngày phải lấy từ giếng dưới chân núi. Sư trụ trì thấy tăng nhân phụ trách cơm nước rất bận rộn nên đã sai cử thêm người tới trợ giúp, thay phiên nhau xuống núi lấy nước mỗi ngày.
Mặc dù đoạn đường núi không xa nhưng quanh co gồ ghề khó đi. Do vậy mỗi lần đi lấy nước, tăng nhân phụ trách cơm nước đều căn dặn người đi lấy nước rằng: “Khi lấy nước hãy làm theo năng lực của mình, chính là nên xách nửa xô nước một, chấp nhận đi nhiều chuyến cũng có thể đổ đầy thùng”.
Hôm đó là một tăng nhân trẻ tuổi đi lấy nước. Tăng nhân phụ trách cơm nước có dặn dò: “Đường xuống núi đi lại không dễ, xách nửa xô nước một là tốt rồi, an toàn là trên hết”. Thế nhưng tăng nhân trẻ lại nghĩ thầm: “Đường đi khó khăn, xách đầy xô nước sẽ không phải đi lại nhiều lần, như vậy vừa nhanh mà nước vẫn đầy thùng”.
Vị tăng trẻ đến bên giếng nước, dựa vào sức lực của mình, anh đã đổ đầy xô. Thế nhưng đường núi quanh co, anh cảm thấy càng ngày càng khó cất bước chân. Cuối cùng, anh đã kiệt sức và ngã xuống núi với một cái xô đựng đầy nước.
***
Cuộc sống rất phức tạp, do vậy bạn cần biết lượng sức và đi theo con đường của riêng mình. Trên đời này có một loại sức mạnh ẩn sau sự yếu đuối, cũng có một loại trí tuệ gọi là biết tự lượng sức, và còn có một loại lực lượng gọi là biết tiến biết lùi. Khiêm tốn, khoan dung, lễ phép, kiên nhẫn là những đức tính vô cùng quan trọng đối với một người. Chỉ người thật sự dũng cảm mới biết lùi lại phía sau, lượng sức để có thể vững vàng tiến về phía trước một cách an toàn.
Trong cuộc sống đời thường, người ta dễ dàng bị trầm mê vào danh, lợi, tình mà lạc mất chính mình, cho nên hiểu rõ bản thân là việc rất quan trọng. Người có thể hiểu mình thì cũng có thể nhìn thấu và hiểu được người khác cũng như mọi sự vật xung quanh.
Có một câu chuyện kể về hai người cùng bước đi trên đường, một người hỏi rằng, sao bạn có thể vui vẻ và bước đi được nhanh như vậy? Người kia cười đáp: “Bởi vì trong ba lô tớ vác trên lưng có rất ít đồ đạc, cho nên tớ mới có thể bước đi nhanh nhẹn nhẹ nhàng như vậy”. Hóa ra niềm vui có được chỉ đơn giản như vậy thôi. Trong cuộc đời này, hạnh phúc không phải là chúng ta có được bao nhiêu, mà là có thể buông bỏ được bao nhiêu.
Những thứ không thuận theo ý người chính là phương thức để thành tựu. Mỗi người sống trên đời đều mang theo một chiếc xô, với lượng nước nhiều ít bên trong mà có những cảm giác nặng nề hay nhẹ nhõm khác nhau. Có người vì muốn xách theo xô nước đầy mà cảm thấy mệt mỏi khi đi bộ. Cũng có người nhờ lượng nước trong xô ít mà cảm nhận được sự thoải mái nhẹ nhàng tiến về phía trước.
Giống như lời một bài vè: “Uống rượu uống nửa độ mới tốt, hoa nở một nửa mới đẹp xinh, buồm dương nửa cánh thuyền không lật, ngựa chạy nửa sức mới bình an. Một nửa bớt thích thú, một nửa ghét vướng bận”.
Phàm là thứ sở hữu, chỉ cần có được một nửa là tốt rồi. Như vậy thì nhân sinh không đầy tràn, đời người mới đắc được viên mãn.
Thế nhưng, đối với một người mà nói, việc khó nhất là thừa nhận chỗ thiếu hiểu biết của bản thân, cũng như có thể chấp nhận những điều mình không biết. Bởi vì khi một người thừa nhận những điều mình chưa biết thì chính là thể hiện cho người khác biết mặt yếu kém của bản thân. Người có thể làm được như vậy là đã phải buông bỏ sự chấp nhất vào mặt mũi thể diện. Cho nên, một người bình thường sẽ rất khó làm được điều đó. Bản chất của học tập là nhận biết sự vô tri của mình, bồi đắp những điều bản thân còn chưa biết. Cho nên, một người có thể thừa nhận những điều bản thân vẫn chưa biết thì mới có thể tiến thêm một bước, nhìn rõ chính mình, mới biết tự lượng sức.
Bạn đã nghe câu chuyện về ngọn giáo và chiếc khiên chưa?
Lời nói ra quá tuyệt đối thì sẽ phản tác dụng, khiến người nghe khó tin. Một người không ngừng khoe khoang sẽ chỉ làm xấu đi hình ảnh của chính mình mà thôi.
Xưa có một thương nhân nước Sở vừa bán giáo vừa bán khiên. Anh ta khoe rằng ngọn giáo của mình sắc bén có thể chọc thủng mọi vật cản cho dù nó cứng đến đâu. Sau đó anh ta lại giới thiệu rằng chiếc khiên mà anh ta làm ra không có vật sắc nhọn nào có thể chọc thủng được. Lúc này liền có người hỏi: “Nếu thương của bạn đâm vào khiên của bạn thì kết quả sẽ thế nào?”
Câu hỏi này khiến cho mọi người không khỏi mỉm cười. Bạn biết đấy, lời nói quá sự thật nếu không phải là khoác lác thì cũng là nói dối. Do vậy, trước khi nói cần suy nghĩ cẩn thận kỹ càng để không đẩy bản thân vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Lời nói quá tuyệt đối cũng giống như nước tràn ra bên ngoài khiến quần áo của chính mình ướt nhẻm. Do đó, khi nói nên biết rõ chừng mực và bổn phận mới có thể nhượng lại cho bản thân một đường lui, mới có thể tiến bước đến thành công được.
Sự trưởng thành của một người cũng chính là quá trình không ngừng nhận thức và tu sửa chính mình. Người ở cảnh giới càng cao thì càng thấy rõ được những thiếu sót của bản thân. Còn người ở cảnh giới thấp thì càng không biết “trời cao đất dày”, cho rằng mình cao minh hơn người khác, như vậy mới đúng là không biết tự lượng sức mình.
Đối với bất kỳ ai, việc nhìn người phán xét người thực rất dễ, nhưng nhìn rõ thiếu sót của bản thân, chỉnh sửa bản thân lại vô cùng khó khăn, giống như “mắt không nhìn được lông mi” vậy. Người có thể nhận thức bản thân mình, biết rõ mình nên làm gì, không nên làm gì, dũng cảm đối mặt với những nhược điểm của bản thân, từ đó nghiêm túc tu chỉnh lại, thì mới có thể đề cao được tâm tính và tiến bộ.
San San.