Chuyện đầu Xuân: Giải hạn, tiêu tai cách nào hiệu quả nhất?

Chuyện đầu Xuân: Giải hạn, tiêu tai cách nào hiệu quả nhất?

Đầu Xuân, không ít đền chùa tấp nập người đến làm lễ cúng sao, giải hạn, cầu tài, với ước mong tiêu tai trừ hoạ, năm mới thuận buồm xuôi gió. Có một số lễ cúng không hề rẻ, mà hiệu quả thực sự thì vẫn còn là một ẩn đố.

Những người đã đến đền chùa làm lễ, hẳn cũng có tín tâm ít nhiều vào Thần Phật. Như vậy, thay vì cúng tế với một niềm tin mông lung và chạy theo số đông, tại sao chúng ta không thử tìm hiểu về lời dạy của chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni?

Kinh sách Phật giáo có chép lại câu chuyện đích thân Đức Phật giảng Pháp liên quan đến cách tiêu tai, giải hạn cho đức vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) như sau:

Lời dạy của Đức Phật về cách tiêu tai giải hạn

Hôm kia, đức vua Ba-tư-nặc nằm thấy mộng dữ, cảm thấy lo sợ. Một vị lão thần bà-la-môn đoán mộng, cho rằng sắp có chuyện chẳng lành xảy đến cho đức vua, vậy nên cần giết cừu, dê, trâu, bò, ngựa, heo, gà, đồng nam, đồng nữ mỗi loại một trăm con, lấy đầu và máu tế lễ Thần linh để tránh họa. Nhà vua nghe theo, truyền sắm lễ vật, tế vật. Chuyện loan ra, kinh thành náo loạn, ai cũng sợ mất con mất cháu nên kêu khóc vang trời.

Hay tin, hoàng hậu Mallika – một đệ tử tại gia của Đức Phật – lật đật đến can gián đức vua, khuyên vua đừng vội giết vật, nên đến thỉnh thị ý kiến của Ngài xem sao. Nghe lời hoàng hậu, đức vua đến Kỳ Viên hầu Phật, kể lại giấc mộng dữ của mình, mong được Đức Phật tìm cách hóa giải tai họa.

Đức Phật nói:

– Hãy bình tĩnh, đại vương! Rồi Như Lai sẽ giải trừ tai họa cho! Bây giờ đại vương cho Như Lai được hỏi, khi mình giết một vật, cho đầu rơi, máu chảy thì lúc ấy, tâm mình là lành, tốt hay là xấu, ác?

– Tâm giết vật, sát vật thì làm sao mà lành, tốt được!

– Cảm ơn đại vương đã hiểu. Bây giờ cho Như Lai được hỏi tiếp: Giết một sinh mạng là xấu ác, giết một ngàn sinh mạng thì xấu ác tăng lên một ngàn lần. Chẳng lẽ nào lấy một ngàn lần xấu ác ấy để cầu nguyện, để van vái Thần linh giải trừ tai hoạ cho đại vương? Chẳng lẽ nào chúng ta có thể gieo một nhân đắng, một ngàn nhân đắng, lại có thể thu hoạch được một trái ngọt, một trái lành được sao? Đại vương là bậc có trí, hãy trả lời cho Như Lai nghe với nào?

Đức vua Ba-tư-nặc thất sắc, nín lặng.

– Lại nữa – Đức Phật nói tiếp – Nếu có Thần linh, thì Thần linh là một sinh mệnh cao cấp, có phước báu thù thắng hơn cõi người. Chẳng lẽ nào, các vị Thần linh ấy lại thích hưởng thụ đầu súc vật, máu súc vật do đại vương dâng cúng? Nếu quả có loại thần ấy, thì nó còn tệ mạt, hạ liệt, thấp thỏi hơn con người, nó là quỷ dữ, là ác thần, là ác dạ-xoa đấy! Bọn quỷ xấu ác, thiếu phước ấy lại có thể hộ trì, giải trừ tai họa cho đại vương được sao?

Nghe đến đây, đức vua cảm thấy trí sáng, thông suốt được vấn đề:

– Xin đức Tôn sư cho đệ tử được nghe tiếp!

– Vậy thì phải làm ngược lại, tâu đại vương! Nghĩa là phải tác ý, phải khởi tâm làm một việc lành, tốt, một ngàn việc lành, tốt. Và chính nhờ năng lực một ngàn việc lành tốt kia thì tức khắc tai họa, nếu có, sẽ tự động được giải trừ!

Ai thụ nhận lễ vật cúng sao giải hạn?

Lời dạy trên của Đức Phật đã làm rõ quy luật Nhân Quả, và rằng Thần linh cũng không thể nào phá vỡ quy luật ấy. Pháp lý của vũ trụ rất công bằng: gieo nhân nào gặt quả ấy, có mất thì có được.

Bên cạnh đó, Thần linh là những sinh mệnh cao cấp hơn con người, có phước báu thù thắng hơn cõi người, vậy hẳn là họ không tham gì những tiền vật cúng tế ấy. Nếu ai đó có ý định dùng tiền bạc để “hối lộ” Phật, “nhờ” Phật gỡ cho tai nạn, thì đó là một sự bất kính đối với Thần Phật.

Những bậc Giác ngộ, Thánh giả trong lịch sử xưa nay đều khuyên con người làm lành, lánh dữ, vứt bỏ những ham muốn và dục vọng bất lương để đạt được cái tâm thanh tịnh. Trong nhà thì hiếu thảo cha mẹ, yêu mến anh em; ra ngoài thì làm ăn thật thà, chăm chỉ, nói lời hoà nhã, hay giúp đỡ mọi người; lại biết kính trọng những người tu luyện chân chính, thường ủng hộ cái Thiện, tuyên dương việc nghĩa… Đây chính là con đường tiêu tai, giải nạn nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Hiện nay đã là thời Mạt Pháp, Đức Phật Thích Ca từng dự ngôn rằng thời Mạt Pháp ma quỷ sẽ xuất thế loạn động thế gian, phá hoại giáo pháp của Ngài. Vậy nếu Thần Phật chân chính không nhận tiền vật để giải hạn cho con người, mà con người vẫn cảm nhận thấy một vài sự “linh ứng” khi làm lễ, thì minh chứng rằng có những sinh mệnh khác đang thọ nhận tiền vật dâng cúng và “giúp đỡ” con người. Chúng có thể là những ma quỷ mà Đức Phật nhắc đến, cũng có thể là cáo chồn quỷ rắn loạn bát nháo tại không gian khác, hay là Phật giả. Chúng “giúp đỡ” con người là có giá cả, nên rất có thể những thứ tinh hoa trong sinh mệnh con người, hoặc phước đức về sau đã bị chúng tước đoạt rồi.

***

Đức tin đối với Thần Phật và đời sống tâm linh là nguồn suối lành tưới mát tâm hồn mỗi người trong cuộc đời bôn ba khó nhọc. Chúng phải dựa trên nền tảng hiểu biết chân chính về những lời dạy của Thần Phật, nếu không sẽ biến tướng thành “mê tín dị đoan”, hậu quả không chỉ là mất tiền phí công, mà còn có thể nghiêm trọng hơn, ngoài tầm thấy biết của con người.

Đạo Đức Kinh có viết: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, nghĩa là Đạo Trời không thiên vị bất kỳ ai, thường giúp đỡ người lương thiện. Tu tâm hướng Thiện, nuôi dưỡng Chân – Thiện – Nhẫn trong tâm chính là con đường đạt đến bình an, phúc lạc viên mãn trong cuộc đời này vậy.

Thanh Ngọc

Tin bài liên quan