Hôn nhân là việc trọng đại của đời người, ảnh hưởng đến sự hưng thịnh của gia đình và gia tộc, vì thể người Việt Nam ta rất cẩn trọng trong việc chọn thời gian (tuổi tác, ngày tháng năm...) tổ chức hôn lễ cho con cháu để tránh những rủi ro như hôn nhân tan vỡ, hiếm muộn con cái, sự nghiệp của vợ chồng bế tắc,…
Kiêng kỵ trong dân gian thì rất nhiều và có những kiêng kỵ chúng tôi thấy thật sự không cần thiết vì không phù hợp với lối sống hiện đại, vì thế, khi soạn bài CƯỚI HỎI VÀ NHỮNG KIÊNG KỴ NÊN BIẾT, chúng tôi chỉ giữ lại những kiêng kỵ mà theo thiển nghĩ của chúng tôi là “hợp lý”, phù hợp với niềm tin “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” của ông cha ta.
Cách tính tuổi Kim Lâu, Dân gian có câu:
“Một, ba, sáu, tám Kim Lâu
Dính vào sạt nghiệp vỡ đầu còn may”
Vì thế, nhiều người vẫn nghĩ tuổi Kim Lâu là tuổi âm lịch có con số đuôi là 1, 3, 6, 8. Ví như: 21, 23, 26, 28, 31, 33, 36, 38... nên cứ vào những năm đó là cấm tiệt những chuyện liên quan tới hỷ sự. Đó là cách hiểu không đúng về cách tính tuổi Kim Lâu.
Cách tính tuổi Kim Lâu được tính như sau:
Lấy tuổi nữ (tuổi âm lịch) trừ đi 9, hoặc chia cho 9, số dư cuối cùng nhỏ hơn 9, chẳng hạn: là 1; 3; 6; 8 thì những năm đó là năm Kim Lâu.
Hóa giải vận xấu khi buộc phải cưới hỏi vào năm Kim Lâu. Nếu vì lý do nào đó buộc phải cưới vào năm Kim Lâu thì dân gian có cách hóa giải vận xấu của tuổi Kim Lâu như sau:
1. Tổ chức cưới hỏi sau ngày Đông Chí:
Không chỉ riêng ngày cưới mà cả các ngày dạm ngõ, ăn hỏi... đều tiến hành sau ngày Đông Chí. Đây là cách hóa giải tốt nhất cho việc cưới hỏi phạm vào tuổi Kim Lâu.
2. Tổ chức cưới hỏi sau ngày sinh nhật của cô dâu
Cách hóa giải này ít được dùng nhưng trong một số trường hợp đặc biệt, không thể đợi đến ngày Đông Chí thì có thể tiến hành các việc dạm ngõ, ăn hỏi, cử hành hôn lễ sau ngày sinh nhật (tính theo ngày âm lịch) của cô dâu.
Năm tuổi của cưới xin là những năm nào?
Theo tín ngưỡng dân gian thì mỗi người sinh ra đều cầm tinh một con vật trong 12 con giáp. Và cứ sau 12 năm sẽ lại đến năm tuổi của mỗi người, ví dụ: Người tuổi Ngọ thì cứ đến năm Ngọ là năm tuổi; người tuổi Thân thì cứ đến năm Thân là năm tuổi... Tuy nhiên, trong lĩnh vực hôn nhân thì cách tính năm tuổi lại khác với thông lệ.
Cụ thể theo bảng sau:
TRAI TUỔI |
GÁI |
TRÁNH CƯỚI VÀO NĂM |
Mùi Thân Dậu Tuất Hợi Tý Sửu Dần Mão Thìn Tỵ Ngọ |
Mão Dần Sửu Tý Hợi Tuất Dậu Thân Mùi Ngọ Tỵ Thìn |
Tý Sửu Dần Mão Thìn Tỵ Ngọ Mùi Thân Dậu Tuất Hợi |
Muốn có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, thuận lợi thì nên tránh kết hôn vào những năm “tuổi” đã liệt kê ở trên.
Mẹo hóa giải khi buộc phải cưới hỏi vào năm tuổi
Vì lý do nào đấy mà buộc phải kết hôn vào những năm tuổi thì dân gian có những cách hóa giải như sau:
1. Bán con cho Thần Thánh:
Khi hai vợ chồng sinh đứa con đầu lòng thì làm nghi lễ “bán con”, còn gọi là “bán cửa”, “bán khoán”, ra đình, chùa, miếu, phủ.
Thường thì người ta hay làm lễ “bán khoán” đứa trẻ cho Đức Ông, Mẫu hoặc Đức Thánh Trần vì dân gian tín các vị thần ấy không những bảo vệ cho đứa trẻ mà còn ban phước cho đứa trẻ và cho cả bố mẹ đứa trẻ được may mắn, an lành.
2. Cho con làm con nuôi người khác:
Khi đứa con mới sinh ra thì cho đi làm con nuôi (tất nhiên là đứa trẻ vẫn ở với cha mẹ để. Thủ tục cho làm con nuôi chỉ là hình thức) hoặc là làm theo cách “bỏ đường bỏ chợ”.
Thường thì người ta chọn những gia đình đông con, nhiều cháu, phúc đức nhiều đời, gửi làm con nuôi để đứa trẻ được hưởng “hồng phúc” của cha mẹ nuôi, đồng thời cũng hóa giải cho những vận hạn mà cha mẹ đứa trẻ có thể gặp phải.
Kiêng cưới hỏi vào tháng 7 âm lịch
Theo tín ngưỡng của dân gian thì tháng 7 (âm lịch) gọi là tháng cô hồn vì tháng này Diêm Vương ra lệnh mở Quỷ Môn Quan cho các cô hồn, ma quỷ được thoát về dương thế và các cô hồn, ma quỷ đó buộc phải trở lại địa ngục trước 12 giờ đêm của ngày Rằm tháng 7. Vì thế, tháng 7 âm lịch, nhất là những ngày nửa đầu của tháng, âm khí rất mạnh, nếu tiến hành các việc lớn, hỷ sự như tậu nhà, khai trương, cưới hỏi... sẽ thu hút các vong hồn đến phá phách, gây bất lợi cho gia chủ.
Hơn nữa, theo truyền thuyết dân gian thì tháng 7 âm lịch là tháng Ngưu Lang - Chức Nữ (vợ chồng Ngâu), gắn với chuyện tình duyên trắc trở, bi ai của Ngưu Lang - Chức Nữ, khiến trời đất cảm thương, cũng âm u, mưa dầm rả rích suốt tháng. Cưới hỏi vào những ngày này không thuận về thời tiết còn e vận tình duyên bi ai của vợ chồng Ngâu vào Tân Lang - Tân Nương nên việc hỷ sự cần tránh tiến hành vào tháng “Ngâu” này.
Người ta kiêng cưới hỏi hoặc làm các việc hệ trọng vào tháng 7 âm lịch là vì những lý do như thế.
Kiêng cưới vào ngày Mùng 1 hoặc ngày Rằm
Theo tín ngưỡng dân gian thì ngày Mồng Một và ngày Rằm là ngày lễ của Phật, là ngày linh thiêng nên cần tránh mọi sự “uế tạp”. Nếu cưới vào những ngày này sẽ đem đến những xui xẻo về đường con cái, thậm chí giảm tuổi thọ của Tân Lang - Tân Nương vì đã phạm vào đại kỵ là làm “chuyện ấy” (tân hôn) vào những ngày cần phải giữ gìn sự thanh tịnh cả thể xác lẫn tâm hồn.
Một lý do nữa là theo sự đúc kết kinh nghiệm của cổ nhân thì vào những ngày trăng tròn (ngày Rằm), tâm sinh lý của con người có nhiều ức chế, xáo trộn, dễ dẫn đến những hành vi tiêu cực như trộm cắp, đánh nhau, tự tử… khiến cổ nhân phải than rằng: “Nguyệt viên nhân khuyết” (Trăng tròn người khuyết - khi trăng tròn thì con người rất dễ mất mạng). Vì thế mà tín ngưỡng dân gian đã đưa ra kiêng kỵ việc cưới hỏi vào những ngày này.
Kiêng kỵ với mẹ chồng
Theo nghi lễ cưới hỏi dân gian thì mẹ chồng chỉ được tới nhà cô dâu làm lễ xin dâu. Còn lúc đón dâu, mẹ chồng phải tránh mặt để mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu sau này không bị mâu thuẫn.
Khi đám rước dâu về đến đầu ngõ, mẹ chồng sẽ cầm bình vôi hoặc chùm chìa khóa lánh mặt đi chỗ khác. Dân gian tín rằng, bình vôi hoặc chùm chìa khóa là biểu tượng của tài sản trong nhà nên việc nắm bình vôi hoặc chùm chìa khóa là biểu tượng mẹ chồng tiếp tục nắm giữ tài sản, để tài lộc gia đình được sinh sôi nảy nở. Khi con dâu làm lễ gia tiên nhà chồng xong, hai họ đã yên vị thì mẹ chồng mới xuất hiện để đi chào và cảm ơn hai họ.
Người ta kiêng như thế để tránh mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu sau này bị mâu thuẫn.
Kiêng kỵ với cô dâu
Vào ngày cưới, cô dâu phải ngồi trong phòng kín, tuyệt đối không để họ hàng nhà trai thấy mặt trước khi chú rể vào đón. Khi theo chú rể về nhà chồng, cô dâu cũng tuyệt đối không được quay đầu lại hoặc tỏ ra quyến luyến, khóc lóc với mẹ đẻ. Người ta kiêng như vậy để tránh việc duyên lành bị gãy đổ, cô dâu không chu toàn với chồng, với gia đình nhà chồng.
Trong trường hợp, cô dâu đang mang bầu thì khi về đến nhà chồng phải đi vòng ra cửa sau để vào nhà, nếu nhà chồng không có cửa sau thì cô dâu phải trèo tường hoặc bước qua một chiếc chậu bồ kết nướng với than hồng, để xua đuổi điều xui xẻo, tuyệt đối không được đi vào từ cửa chính vì sẽ làm cho tài lộc nhà chồng bị ảnh hưởng.
Kiêng kỵ với mẹ cô dâu
Trong ngày cưới, người ta kiêng để mẹ cô dâu xuất hiện khi đoàn rước dâu chuẩn bị đưa dâu về nhà chồng vì sợ tình mẫu tử làm quyến luyến cô dâu, nước mắt của cô dâu hay của người mẹ trong ngày cưới cũng đều không tốt cho hạnh phúc đôi lứa nên khi đó, mẹ cô dâu phải lánh mặt.
Cũng có nơi kiêng cả việc bố cô dâu đưa con gái về nhà chồng vì quan niệm, con gái đã gả bán cho nhà chồng thì phúc phận của người con gái phục thuộc vào hồng phúc nhà chồng nên người bố tránh đưa con gái về nhà chồng để giữ cho hạnh phúc con cái không bị vía của gia đình bố mẹ đẻ ảnh hưởng.
Kiêng kỵ với phòng tân hôn
Phòng tân hôn là phòng ngủ của đôi vợ chồng, là nơi quan trọng để hai vợ chồng bắt đầu một cuộc sống mới, vì vậy tránh trang trí các vật dụng sắc nhọn, các cây có gai dễ tạo ra “âm khí” làm hòa khí vợ chồng bị ảnh hưởng. Tuyệt đối không cho người “vía nặng” như: góa chồng, hôn nhân trục trặc, hiếm muộn con cái, đang có tang hoặc đang mang thai... bước vào phòng tân hôn, để giữ may mắn về tình yêu, về đường con cái cho đôi vợ chồng trẻ.
Giường cưới phải là giường mới, không dùng giường cũ, không cho người khác ngồi trên giường tân hôn để giữ lộc, giữ may mắn cho vợ chồng mới.
Người được chọn trải giường tân hôn phải là người phụ nữ đã có gia đình, con cái đuề huề, có “cả nếp, cả tẻ”, làm ăn phát đạt. Nếu mẹ chồng có đủ những tiêu chuẩn trên thì có thể trải giường cưới.
Trang trí xong giường cưới, người ta sẽ khép cửa phòng lại và không cho bất kỳ ai vào trong đó. Khi đoàn rước dâu về tới nhà, cô dâu chú rể sẽ là người đầu tiên vào phòng tân hôn, sau đó mới đến họ hàng, bè bạn.
Nguồn: Đặng Xuân Xuyến