Theo tín ngưỡng dân gian, cây hoa đào được xem là tinh hoa của Ngũ Hành, tượng trưng cho sự sinh sôi mạnh mẽ, có sức mạnh trừ tà, trị quỷ, nên mỗi khi tết đến, người dân (Bắc Bộ) thường chọn đào (cây hoặc cành) bài trí trong nhà để nghênh đón một năm may mắn, no đủ và hạnh phúc với gia đình.
Đào bài trí đón tết phải là đào đẹp, có hoa cánh kép, màu thắm, cành đều, gốc thẳng. Thân đào phải chắc, khỏe. Cành đào phải vừa phải, dăm (nhánh nhỏ nhất của cành đào) phải vút thẳng ra ngoài tán, nụ hoa phải trải đều từ đầu tới cuối dăm.
Khi chọn đào phải có đủ bộ “tứ quý”: Hoa, nụ, lộc và quả, bởi theo tín ngưỡng dân gian, đó là biểu tượng đầy đủ cho sự sung túc, đề huề phải có của gia đình.
Thú chơi hoa đào ngày tết được diễn giải theo sự tích cây hoa đào trong truyền thuyết dân gian Bắc Bộ:
Ngày xưa, ở phía đông núi Sóc Sơn (Hà Nội), có một cây đào mọc đã lâu đời. Cành lá xum xuê, to lớn khác thường, bóng rậm che phủ cả một vùng rộng lớn. Có hai vị thần tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ ở trên cây đào, tỏa rộng uy quyền che chở cho dân chúng. Với sức mạnh phi thường của mình các vị thần đã giúp dân diệt trừ ma quái, có được cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Khiếp sợ trước quyền năng to lớn của hai vị thần, lũ yêu ma cũng sợ luôn cả cây đào. Chỉ cần trông thấy cành hoa đào là chúng đã sợ hãi bỏ chạy.
Ðến ngày cuối năm, như các vị thần khác, hai vị thần Trà và Uất Lũy cũng phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Đề phòng mấy ngày tết, khi hai thần vắng mặt ở trần gian, lũ ma quỷ sẽ hoành hành, làm khổ muôn dân, các thần đã bày cho người dân cách để lũ ma quỷ khỏi quấy phá: Bẻ cành hoa đào về cắm trong lọ, hoặc lấy giấy hồng điều vẽ hình hai vị thần dán ở cột trước nhà. Chỉ cần nhìn thấy hoa đào hay hình vẽ hình hai vị thần trên giấy hồng là ma quỷ sẽ thi nhau bỏ chạy.
Từ đó, hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến, mọi nhà đều cố gắng đi bẻ cành hoa đào về cắm trong nhà để trừ ma quỷ và cầu mong sự ấm no, hạnh phúc sẽ đến với gia đình.
Ngoài việc chơi đào ngày tết để trừ ma quỷ, rước tài lộc, may mắn, dân gian còn dùng đào (tranh hoặc tượng) để kích hoạt vận đào hoa cho người muộn vợ muộn chồng, bằng cách: Treo một bức tranh cây đào có quả trong phòng riêng ở cung tình duyên (góc Tây Nam) của người “ế vợ ế chồng” hoặc đặt một bức tượng hình cây đào ở hướng Tây Nam của ngôi nhà để người đó gặp may mắn trong tình duyên.
Thú chơi hoa mai vàng ngày tết, phổ biến ở vùng Nam Bộ, được coi là biểu tượng của tín ngưỡng việc trừ tà, đuổi quỷ, đem lại may mắn, tài lộc cho con người... được diễn giải qua SỰ TÍCH CÂY MAI VÀNG trong truyền thuyết dân gian Nam Bộ:
Xưa có cô gái tên Mai, con của người thợ săn rất gan dạ và can đảm. Năm lên mười bốn tuổi, cô đã được cha đào luyện trở thành nữ hiệp sĩ tài giỏi và tinh thông võ thuật. Lúc đó, ở làng kế bên có một con yêu tinh đến quấy phá, dân làng treo giải ai giết được nó sẽ được trọng trưởng. Thế là hai cha con lên đường giết yêu tinh. Sau khi giết được yêu tinh trở về, danh tiếng của hai cha con vang dội khắp nơi.
Vài năm sau, người cha già đi nhiều, sức khoẻ cũng ngày một yếu; còn cô gái bước qua tuổi 18, khỏe mạnh và ngày càng tinh thông võ thuật.
Năm ấy, có con rắn tinh xuất hiện, giết hại biết bao người. Dân làng lại đến khẩn khoản cha con cô đi giết rắn tinh trừ họa. Trước ngày lên đường, người mẹ may cho cô một chiếc áo màu vàng rất đẹp và cô hứa ngày trở về sẽ mặc chiếc áo ấy để mẹ nhìn thấy từ xa. Lúc giáp trận, người cha vì sức yếu nên chẳng mấy chốc đã bị yêu tinh quật ngã, chỉ còn mình cô chống chọi quyết liệt. Cuối cùng cô cũng giết chết được rắn tinh nhưng rủi thay, trước khi chết, rắn tinh đã vùng dậy, dùng đuôi quấn và xiết chết cô.
Cảm thương trước tấm lòng nghĩa hiệp của cô và sự đau đớn tột cùng của người mẹ, Ngọc Hoàng đã cho cô mỗi năm được sống lại chin ngày - từ 28 tháng Chạp đến mùng 6 Tết để trở về đoàn tụ với gia đình.
Về sau, khi người mẹ mất, cô gái không trở về nhà nữa mà hóa thành một cây mọc bên ngôi miếu mà dân làng đã lập để thờ cúng cô. Dân làng thấy cây lạ cứ trổ hoa vàng suốt chin ngày Tết nên đã lấy tên cô đặt cho cây là cây hoa Mai và chiết nhánh mang về trồng khắp nơi để trừ tà đuổi quỷ, mang lại bình yên cho gia đình.
Chơi mai ngày tết. không cầu kỳ như chơi đào, chơi quất nhưng chậu mai ngày tết cũng phải đáp ứng những yêu cầu cơ bản:
- Nụ và hoa: Không quá ít cũng không quá nhiều; được phân bố đều, đẹp mắt. Thường thì người ta chọn hoa màu vàng tươi hoặc vàng chanh với những đóa hoa 5 - 6 cánh, tươi tắn không dập nát, không bị vặt do hoa nở quá sớm. Khi chọn được chậu hoa mai như thế sẽ tạo nên một không gian sáng, bắt mắt và ấm cúng.
- Lá: Không nhiều nhưng phải có vài cành lộc tươi, non, xanh mơn mởn mới mong mang tài lộc đến cho gia chủ.