Sinh thời, Chân Nhân Thái Cực – Trương Tam Phong đã viết tác phẩm ‘Thiên khẩu thiên – Năng nhượng thiên’ nói về đạo lý chịu thiệt chịu khổ. Ông nói rằng, con người khi đối diện với việc phải chịu thiệt chịu khổ thì trong tâm thường phản ánh ra tức giận bất bình. Tuy nhiên họ lại không biết rằng chịu thiệt và bao dung chính là đang nuôi dưỡng nội tâm an hòa, tính phúc đức sâu dày cho con cháu,...
Chân Nhân Trương Tam Phong cũng đã tập hợp nhiều lời vàng ý ngọc của các bậc Thánh hiền để chia sẻ cho hậu bối như sau: “Ăn thiếu một chút, con cháu hưởng phúc; kiếm được dư thừa, chính lại là thiếu”. “Càn Khôn hai chữ vẹn tròn, ăn thiếu một chút chính là đang bù trừ cho tiền kiếp”. Không chỉ vậy, ông còn nói: “Trời không để một người cứ mãi chịu thiệt thòi, nhất định sẽ có bù đắp”. Có thể nói rằng, “người thường phải chịu khổ chịu thiệt nhưng đến cuối cùng lại không thiếu thứ gì”. Từ xưa đến nay có không ít câu chuyện ca ngợi điều này, “chịu thiệt chịu khổ là phúc”, dưới đây là một vài câu chuyện minh chứng:
Vào thời nhà Thanh, tại Hồ Châu có một người tên là Chu Tân. Vào năm Canh Thân, Hàm Phong, vì muốn tránh thảm họa chiến tranh, ông đã chuyển gia đình đến sống tại thị trấn Sân Tháp huyện Ngô Giang. Ngày đầu tiên đến nơi, ông vô tình bước vào một quán trà và thấy một người phụ nữ dắt theo một đứa trẻ đang quỳ lạy một ông già, khóc lóc cầu xin, dáng vẻ rất đáng thương, tuy nhiên ông lão cũng chẳng động lòng.
Thấy vậy, Chu Tân liền tiến đến hỏi nguyên nhân. Người phụ nữ trả lời: “Tôi và ông lão này đều là người Diêm Thành. Năm ngoái tôi cùng gia đình chèo thuyền đến vùng này bán cá, không may gặp phải bọn cướp, một nhà 7 người may mắn thoát chết, đành phải ở đây ăn xin sống qua ngày. Hôm nay gặp ông lão đang chuẩn bị quay thuyền về phương Bắc, tôi cầu xin ông ấy cho gia đình cùng lên thuyền nhưng ông không đồng ý. Ông ấy muốn tận mắt chứng kiến gia đình chúng tôi chết đói tại đây, trong tâm sao không bi thương cho được?”.
Ông lão nói: “Lên thuyền thì được, nhưng từ nơi đây về quê mất hơn 1000 dặm, gia đình 7 người, tiền ăn trên đường cũng phải mất 7 ngàn hoặc 8 ngàn, tôi là người buôn bán nhỏ, làm sao có thể gánh nổi chi phí này?”
Chu Tân nghe xong cảm thấy không đành lòng, trong tâm cảm thương gia đình người phụ nữ kia. Thế là ông lấy trong túi ra 6 thỏi bạc trắng đưa cho ông lão để giúp đưa gia đình kia về quê. Ông lão cầm tiền rồi vui vẻ rời đi.
Sau đó, người trong quán trà không khỏi cười nhạo Chu Tân và nói: “Ồ, anh thật sự bị lừa rồi, gia đình 7 người cùng ông lão đó là một nhóm đấy”.
Ban đầu Chu Tân không tin. Một đêm nọ, vì có chút việc nên ông phải đi đến bên bờ sông, trông thấy ở đó có mấy chiếc thuyền nhỏ đậu. Ông nhìn vào chiếc thuyền có cột buồm, bên trong thuyền bày ra mâm cỗ với đủ loại rượu thịt và thức ăn ngon. Ông tiến đến gần xem xét, đó chính là người phụ nữ hôm trước khóc lóc xin giúp đỡ, ông lão cũng ngồi ở đó, cùng mọi người ăn uống no say và nói chuyện huyên náo, vô cùng vui sướng. Lúc này Chu Tân mới tin rằng người trong quán trà hôm trước đã nói đúng, họ thật sự là một nhóm.
Chu Tân cảm thấy tức giận về việc mình bị lừa. Tuy nhiên, sau đó ông cười rồi tự nói với mình: “Mặc dù họ sống không thật, nhưng hành động của mình cũng là một nghĩa cử đẹp, vậy sao phải để tâm, buồn rầu chuyện này chứ!”
5 tháng sau, có một nhóm đạo tặc xông vào làng, người dân địa phương bỏ chạy tứ phía để trốn tránh. Ven sông không hề có thuyền bè, dân chúng không cách nào qua sông. Người chạy không kịp đã chết khá nhiều. Chu Tân mang theo vợ con đang loay hoay bên bờ sông không biết làm thế nào. Bỗng nhiên một chiếc thuyền nhỏ xuất hiện, người lái đò chính là người phụ nữ Diêm Thành mà ông gặp trước đó.
Chu Tân vừa mở lời chào, người này liền nói gia đình mau xuống thuyền tránh nạn thổ phỉ. Vậy là “người chịu thiệt chịu khổ đến cuối cùng cũng không thua thiệt chút nào”.
Trên thế gian có kẻ tiểu nhân giở thủ đoạn trêu đùa, dùng âm mưu quỷ kế để ứng phó, tuy nhiên, đến cuối cùng thì lại đem phúc phận đến cho người quân tử. Trong ‘Tứ khố toàn thư’, Kỷ Hiểu Lam có biên soạn ra một số câu chuyện, cách thức tuy khác nhau nhưng kết quả lại giống nhau đến kỳ lạ.
Theo như lời kể của Lý Vân, anh trai của ông là Lý Hựu Đam làm quan tại Quảng Đông có nghe được câu chuyện như sau:
Có một thư sinh nọ tính tình hiều lành và ngốc nghếch. Một hôm, người này đến Lĩnh Nam gặp bạn cũ và nhận được nhiều lễ vật. Khi trở về, ngoại trừ tay nải đeo bên người, anh còn mang theo hai chiếc hòm lớn 4 người mới khiêng nổi. Mọi người đều cảm thấy rất kỳ lạ, trong hòm không biết đựng gì mà lại nặng như thế.
Hôm đó, chàng thư sinh đến bên bờ sông, anh dùng dây thừng buộc chiếc hòm lại và chuẩn bị khiêng lên thuyền. Đột nhiên dây thừng bị đứt, chiếc hòm văng ra. Chàng thư sinh vội mở hòm ra kiểm tra, mọi người mới phát hiện một hòm chứa đầy nghiên mực Đoan Khê mới, một hòm khác chứa thạch anh, trong tay nải chứa 60 lượng bạc cũng bị bung ra. Chàng thư sinh vừa muốn nhặt lên kiểm tra, không ngờ xảy tay, bạc rơi cả xuống nước. Anh vội vàng nhờ người lặn xuống nước vớt giúp, nhưng số bạc thu về chỉ còn không đến 1/4.
Trong khi đang buồn bực, người lái đò liền bước tới nói chúc mừng. Ông nói rằng nhóm đạo tặc thấy chàng thư sinh mang theo hai hòm lớn đã đi theo nhiều ngày. Chỉ vì bên sông người qua lại tấp nập, nên không dám ra tay. Hôm nay, sự việc xảy ra như vậy lại là điều tốt, hòm mở ra, đạo tặc thấy bên trong rương không phải và vật phẩm quý giá gì nên đã tức giận bỏ đi.
Người chèo thuyền nói: “Cậu thật là người có phúc. Nếu không, cậu cũng đã tích được âm đức nên mới được Thần linh phù hộ”.
Một người khách khác tên thuyền nghe thấy vậy bèn nói: “Hắn ta tích âm đức ở chỗ nào chứ? Nhưng gần đây hắn làm một việc vô cùng ngốc nghếch”. Đoạn ông ta kể lại sự tình như sau:
Lúc ở Quảng Đông, chàng thư sinh này đã bỏ ra 120 lượng nhờ chủ khách sạn mua hộ một tiểu thiếp. Nghe nói rằng, tiểu thiếp kia là một người phụ nữ mới cưới được hơn một năm, nhưng vì nhà nghèo nên bị chồng bán đi. Hôm về nhà chồng, cha mẹ chồng cùng chồng đều đến tiễn chân. Chàng thư sinh nhìn thấy cả gia đình nàng tiểu thiếp này đều gầy gò ốm yếu giống như những kẻ ăn mày. Lúc sắp sửa động phòng, cả gia đình nàng tiểu thiếp ôm nhau khóc nức nở. Bà mối kéo cô vào phòng, chồng của cô đang bế một đứa bé đã quỳ xuống cầu xin chàng thư sinh để người tiểu thiếp kia cho con bú thêm lần sữa nữa, để cho đứa bé sống qua được hôm nay.
Nhìn thấy cảnh tượng như vậy, chàng thư sinh đột nhiên đứng dậy nói: “Ta từng nghĩ người phụ nữ này bị nhà chồng ruồng bỏ. Hôm nay nhìn thấy cảnh tượng như vậy, ta đau từng khúc ruột”. Ngươi bảo người nhà đưa nàng về đi, số tiền kia không cần trả lại, coi như là quà giúp đỡ làm vốn. Vừa nói xong, chàng thư sinh liền đốt tờ giấy bán thân của người tiểu thiếp này.
Tuy nhiên, chàng thư sinh cũng không biết rằng, tất cả những điều trên vẫn đều là trò lừa bịp. Ban đầu ông chủ tiệm sách thấy chàng quá trung hậu, liền để con gái ngụy trang thành thiếu phụ nghèo khó, cấu kết với bà mối cùng đám người hầu diễn kịch. Do đó họ đã diễn được một màn lâm li đến vậy. Khách trú chân tại khách sạn cũng nhìn ra đây là một trò lừa gạt, chỉ có chàng thư sinh kia là không biết tí gì mà thôi.
Vì vậy, người khách cùng thuyền nói: “Chẳng lẽ Thần linh sẽ đem hành động ngốc nghếch như thế đổi thành âm đức sao?”
Ông chủ thuyền nghe vậy, nói: “Đây đúng là âm đức rồi. Dù hắn đã làm một việc ngu ngốc nhưng thật sự là xuất phát từ lòng trắc ẩn. Quỷ Thần nhìn một người chủ yếu là xem người đó khởi tâm động niệm thiện hay ác. Hắn có thể tránh được tai họa cướp bóc là có liên quan đến việc ngốc nghếch hắn đã làm. Còn chủ tiệm sách cùng nhóm người đó, không biết tương lai nhận quả báo thế nào mà thôi”.
Lý Hựu Đam chính là thầy của Kỷ Hiểu Lam, là huynh trưởng của Lý Vân. Lý Hựu Đam từng nói với Lý Vân rằng, vị khách sau đàm luận có lý hơn.
Còn Kỷ Hiểu Lam thì nhận xét về câu chuyện này như sau: “Kẻ tiểu nhân giở trò thủ đoạn, không việc gì là không giúp người quân tử đắc phúc báo. Những lời này tuy có vẻ ngô nghê, nhưng kỳ thực lại rất đáng tin vậy”.
San San.