Nếu một người mất đi tính thật thà, như vậy nhất định sẽ mất đi sự tín nhiệm của người khác vào mình, sẽ khiến cho mọi người xung quanh ngày càng xa lánh, hiển nhiên cuộc sống và công việc làm ăn của họ cũng sẽ trở nên khó khăn hơn...
Trong cuốn “Tỉnh thế hằng ngôn” có viết: “Cay nghiệt không kiếm ra tiền, trung hậu sẽ không lỗ vốn”. Ngày nay, nhiều người cho rằng “thẳng thắn thật thà thường thua thiệt”. Kỳ thực, thật thà chẳng những không chịu thiệt hại mà còn mang đến thịnh vượng và may mắn.
Thuở trước người ta quy ước 16 lạng là một cân, như vậy nửa cân sẽ là 8 lạng. Lúc đó, trên con phố phía Nam của thị trấn nọ có hai cửa hàng bán gạo, một tiệm có tên là Vĩnh Xương, tiệm còn lại tên là Phong Dụ. Chủ tiệm gạo Phong Dụ cảm thấy rằng việc làm ăn trở nên khó khăn hơn, ông liền nghĩ cách làm sao kiếm thêm tiền. Hôm đó ông mời một người thợ làm cân đến nhà, lựa lúc không có ai ông liền nói: “Phiền thợ cả làm cho cái cân 15 lạng, nửa cân là 7,5 lạng. Tôi sẽ trả cho ông thêm một xâu tiền”.
Người thợ cân thấy chủ quầy gạo Phong Dụ nói sẽ trả thêm một xâu tiền, ông ta liền quên đi đạo đức nghề nghiệp, miệng không ngớt nói lời đồng ý. Sau khi đặt hàng xong, ông chủ tiệm gạo Phong Dụ bố trí cho người thợ cân ở trong nhà chế tác, còn mình đi đến tiệm gạo tiếp tục công việc kinh doanh.
Lại nói, ông chủ tiệm gạo này có bốn người con trai, họ đều phụ giúp ông xử lý công việc bán gạo. Hai tháng trước đó, cậu út có cưới con gái của một người làm thầy dạy học ở trong làng về làm vợ.
Cô con dâu mới đang may vá trong nhà vô tình nghe được những gì bố chồng nói với người thợ chế tạo cân. Sau khi cha chồng rời đi, cô ngồi trầm ngâm suy nghĩ một chút rồi ra khỏi phòng nói chuyện với người thợ chế tác chiếc cân: “Cha cháu đã nhiều tuổi nên có chút hồ đồ, những lời vừa rồi nhất định là nói lẫn lộn. Xin thầy chế tác giúp cho chiếc cân đủ 16 lạng một cân, cháu sẽ biếu bác thêm hai xâu tiền. Nhưng đừng để cha cháu biết ạ”. Người thợ này muốn nhận thêm 2 xâu tiền nữa nên đã nhận lời đồng ý. Chiếc cân 16 lạng một cân rất nhanh được làm xong, người thợ này cũng không nói cho lão chủ tiệm về những thay đổi này. Lão trưởng quầy vì đã nhiều lần mời người thợ cả đến nhà chế tác cân cho mình nên hoàn toàn tin tưởng. Cho nên cùng ngày hôm đó, ông mang cái cân đến tiệm gạo để sử dụng.
Một thời gian sau, việc kinh doanh của tiệm gạo Phong Dụ ngày càng phát đạt, khách quen của tiệm gạo Vĩnh Xương cũng ùn ùn kéo đến tiệm Phong Dụ để mua gạo.
Thời gian ngắn sau đó, người ở các khu vực xa cũng tìm đến tiệm gạo Phong Dụ mua hàng, còn cửa hàng Vĩnh Xương đối diện vắng vẻ tới mức có thể ngồi chơi giăng lưới bắt chim.
Đến cuối năm, cửa hàng gạo “Phong Dụ” phát tài, còn tiệm gạo Vĩnh Xương không thể mở cửa được nữa liền bán lại cho tiệm gạo Phong Dụ.
Trong bữa cơm tất niên, mọi người trong nhà ngồi quây quần bên nhau ăn sủi cảo. Lão chủ tiệm cao hứng ra một câu đố xem ai đoán được bí quyết phát tài của gia đình. Người trong nhà thi nhau thảo luận, nói rằng có ông Trời phù hộ, có người nói ông chủ có phương pháp quản lý tốt, tiệm gạo có vị trí tốt, cũng có người bảo là do cả nhà đều đồng tâm hiệp lực. Lão chủ tiệm cười khà khà rồi nói: “Mọi người đoán sai rồi. Nhà ta dựa vào cái gì mà phát tài? Là dựa vào cái cân đấy. Cân nhà ta là cái cân 15 lạng một cân, bán được một cân liền bớt lại được 1 lạng. Mỗi ngày nhà ta bán mấy trăm cân, lợi nhuận tăng thêm là mấy trăm ngàn, tích lũy ngày tháng, chúng ta liền phát tài”.
Sau đó, ông kể lại chuyện trả thêm một xâu tiền cho bác thợ cả chế tác cân 15 lạng.
Con cháu kinh ngạc đến mức quên cả ăn bánh sủi cảo. Khi sự kinh ngạc qua đi, mọi người đều nói rằng ông giấu giếm sự việc như núi không lộ nước vậy, người trong nhà không có ai hay biết, vậy nên mới kiếm thêm tiền, người già quả là cao minh. Lão chủ tiệm cảm thấy vô cùng cao hứng, ngửa mặt vuốt vuốt bộ râu của mình. Lúc này, cô con dâu út mới từ từ đứng lên thưa chuyện với bố chồng. Cô nói: “Thưa cha, con có một chuyện muốn nói ạ. Trước khi nói ra sự việc, con cũng hy vọng cha tha thứ cho khuyết điểm này của con”. Đợi lão chủ tiệm gật đầu, cô con dâu mới kể ra đầu đuôi sự việc, rằng cô đã chi 2 xâu tiền để bác thợ cả làm chiếc cân 16 lạng đủ một cân hồi đầu năm.
Cô nói: “Cha nói đúng. Nhà chúng ta dựa vào cái cân mà phát tài. Cái cân nhà ta không bớt đi một lạng nào, khách hàng biết rõ nhà ta làm ăn chân thật, nên nguyện ý đến mua gạo ở tiệm nhà ta. Công việc làm ăn của nhà ta vì thế mà thịnh vượng ạ. Cho dù mỗi cân nhà ta thu được lợi nhuận ít hơn một chút, nhưng số lượng bán nhiều rồi thì lợi nhuận thu được sẽ càng lớn. Nhà ta là dựa vào thật thà mà phát tài ạ”.
Mọi người nghe xong càng tỏ ra kinh ngạc há hốc miệng. Lão chủ tiệm không tin chuyện này là thật, liền đem cân ra thử. Quả đúng là cân đủ 16 lạng. Lão chủ tiệm ngây người, không nói được thêm câu nào, chậm rãi đi vào phòng riêng của mình. Sau khi ăn bữa cơm sáng sớm đầu năm, lão chủ tiệm liền gọi cả nhà đến trước mặt, rồi từ sườn áo lấy ra chìa khóa của phòng kế toán và nói: “Ta già rồi, không còn làm ăn được nữa. Hôm qua ta đã suy nghĩ suốt đêm, quyết định từ hôm nay trở đi, đem tiệm gạo giao cho con dâu út quản lý, sau này ta cũng nghe theo lời của con dâu út”.
Câu chuyện trên có ý nghĩa rất sâu xa, đồng thời cũng chứng minh rằng “thiện hữu thiện báo” là có thật. Mỗi người đều giống như chiếc cân, chỉ chênh lệch một lạng, tâm tự sáng tỏ như gương. Việc buôn bán chú ý đến thành thật, làm người há chẳng phải cũng như thế hay sao?
San San.