Người ta thường tìm đến những nơi tâm linh như chùa miếu để khẩn cầu Thần Phật, mong được hoàn thành một nguyện vọng nào đó, như có thể thăng quan phát tài, sinh con trai, tìm được tình duyên như ý, tiêu tai giải nạn trong đời,... Nếu những điều đó thật sự được thỏa mãn, thì liệu đây có phải là chuyện tốt hay không?
Tín ngưỡng và tâm linh là một phần không thể thiếu trong đời sống của con người. Từ xưa đến nay trên toàn thế giới đều có những người tín ngưỡng tôn giáo và Thần Phật theo các hình thức khác nhau.
Ngày nay dẫu cho khoa học phát triển, rất nhiều điều cổ xưa đều đã bị lãng quên hoặc phê phán là “mê tín dị đoan”, nhưng số người có đức tin vẫn còn rất nhiều, bởi vì dù sao nền văn hóa Thần truyền cũng đã ăn sâu vào tâm khảm nhân loại trong suốt hàng ngàn năm qua.
Chẳng hạn, có người thường ngày tự nói mình tin vào thuyết vô Thần, không tin Thần Phật, không tin tôn giáo, cho rằng đó đều là những chuyện hoang đường. Tuy nhiên khi gặp khổ nạn trong đời mà sức họ không thể vượt qua, hoặc khi nhìn thấy thân nhân của mình đang lâm bệnh nặng mà bác sĩ cũng không khẳng định là có cứu được không, đối diện với những điều mà bản thân hoàn toàn bất lực, người ta thường chủ động nguyện cầu một cách rất tự nhiên: “Vái Trời Phật phù hộ cho người nhà con tai qua nạn khỏi”, “Xin Thần Phật giúp cho việc này có thể kết thúc tốt đẹp!”,…
Những lời ấy rất chân thành và hoàn toàn xuất ra từ nội tâm, khác hẳn với thái độ cố chấp không tin thường thấy của họ. Điều này không có nghĩa người đó ăn nói hai lời, mà minh chứng rằng đức tin là phần luôn tồn tại trong lòng mỗi người, ai ai cũng có, chỉ là có những người tạm thời bị “hiện thực” che đi tầm nhìn mà thôi.
Vậy thì, cầu nguyện trước Thần Phật liệu có thật sự linh nghiệm hay không? Từ xa xưa đã có người làm điều này, đến ngày nay vẫn có người tin theo, phương Đông cầu Phật, phương Tây cầu Thiên Chúa, nếu như thật sự không có ý nghĩa gì thì sao nét văn hóa ấy có thể duy trì hàng ngàn năm qua trên phạm vi toàn thế giới?
Tuy nhiên, xã hội phát triển, lòng người thật sự đã không còn như xưa. Cổ nhân tìm đến nơi tín ngưỡng Thần Phật, trước hết không phải là để “cầu xin” điều gì cả, mà là để bày tỏ lòng thành kính và ngưỡng mộ của mình, vì người xưa hiểu rằng Thần Phật là vĩ đại và từ bi, là hiện thân của cái Thiện. Đứng tại chốn tâm linh, ở trong không gian tràn đầy sự trang nghiêm và kính cẩn ấy, lòng người trở nên nhẹ nhàng thanh thản hơn, họ dám nói ra những lỗi lầm trong đời của mình với Thần Phật, họ sám hối và xin có cơ hội được sửa sai. Khi con người ăn năn quay đầu, Thần Phật từ bi sẽ mở cho họ một lối thoát.
Điều này không phải dựa vào cầu xin, mà là con người trước hết cần thức tỉnh lương tri, có lòng hướng Thiện, mong được chuộc tội, nên Thần Phật mới giúp họ tiêu trừ đi một phần ác nghiệp đã tạo trong quá khứ. Thần Phật độ nhân, giúp người tu hành và hướng Thiện, bảo trì đạo đức nhân loại, chứ không phải là dùng thần thông pháp lực để ban phúc cho người đến cầu xin. Có những vị trung thần hiếu tử hoặc người một mực giữ gìn đức hạnh, họ có đạo đức cao thượng, nên tự nhiên sẽ có phúc báo lớn, bởi vậy lời cầu nguyện của họ mới được đáp ứng. Điều này là căn cứ theo luật nhân quả mà định ra.
Nhà Phật giảng về học thuyết nhân quả báo ứng, nhưng đó không phải chỉ là giáo điều của Phật giáo, mà còn là Pháp Lý của vũ trụ, chính giáo nào cũng giảng về nó, đều khuyên người ra sức làm điều Thiện và xa lánh điều ác.
Người phương Tây thường nói “tin vào Chúa”. Chúa Jesus có giảng: “Phúc cho ai không nhìn thấy mà tin”. Luật nhân quả báo ứng cũng là điều không thể thấy bằng mắt thường, nhưng xác thực là có tồn tại. Có lẽ, người có thể tuân theo điều răn của Chúa, nghe theo lời dạy của Chúa mà làm một người tốt, đó mới thật sự là “tin vào Chúa” vậy.
Còn con người ngày nay, nhiều người tuy niềm tin vẫn còn nhưng không giữ được đạo đức cao thượng như cổ nhân nữa. Đa số người đến chùa chiền hay giáo đường không phải để sám hối lỗi lầm và mong được tha thứ, mà trái lại, họ đến để cầu xin Thần Phật ban phát cho họ công danh lợi lộc, sinh được quý tử, có tình duyên như ý, hoặc giúp họ tiêu tai giải nạn,…
Đó đều là dục vọng cá nhân, là điều mà Thần Phật mong con người buông bỏ để được giải thoát, lẽ nào các ngài còn giúp thỏa mãn chúng hay sao? Hơn nữa quy luật nhân quả rất tuyệt đối, họ không phải là người có đức lớn, thì làm sao có thể cho họ phúc báo như ý nguyện được? Họ đã làm không ít chuyện xấu, do báo ứng có tồn tại nên họ mới gặp nạn, Thần Phật mà tiêu tai giải nạn cho họ thì có khác gì bảo hộ họ làm ác, vi phạm quy luật của vũ trụ? Lẽ nào có chuyện như vậy?
Người xưa tìm Thần Phật để sám hối tội lỗi mong thoát được bể khổ, người nay tìm Thần Phật để cầu xin phúc phận và tiếp tục tạo nghiệp không ngừng, hai chuyện này vốn không hề giống nhau, rốt cuộc khiến cho cả những chốn tâm linh lắm khi cũng không còn thanh tịnh nữa.
Tuy nhiên có một số nơi tâm linh, người ta treo những bảng hiệu như là “cầu được ước thấy”, “hữu cầu tất ứng”, “thăng quan phát tài”, “thay đổi vận mệnh”,… nhiều người tin tưởng đến đó cầu xin, thậm chí cả những người trong giới thượng lưu và quan chức cũng tìm đến.
“Cầu được ước thấy” vốn là điều đi ngược với luật nhâtn quả, liệu Thần Phật có thể đáp ứng?
Có người còn cảm thấy rất linh nghiệm, cầu tiền thì tiền đến, cầu danh thì có danh, vì quá vui nên thậm chí đã quên mất rằng điều này vốn trái ngược lẽ thường xưa nay, trái ngược quy luật nhân quả báo ứng. Thần Phật liệu có thể đáp ứng cho đòi hỏi vô lý của họ hay không? Nếu Thần Phật không quản, thì kẻ đã thỏa mãn dục vọng của họ là ai?
Vào thời nhà Thanh, những câu chuyện về hồ tinh (hồ ly thành tinh) xuất hiện rất nhiều và được ghi chép lại trong các sách cổ như Liêu Trai chí dị, Dạ Đàm tùy lục, Tử Bất Ngữ,… tại đây người viết có thể dẫn ra hai trong vô số câu chuyện minh chứng cho quy luật “không có mất thì không có được, hễ được thì phải mất” trong vũ trụ này.
Có một thương gia kết thân với hồ tinh, dựa vào thờ cúng hồ tinh mà phát tài, làm ăn khấm khá, trong thời gian ngắn đã kiếm được 10 vạn lạng bạc. Người đó rất phấn khởi, sau đó lại bỏ vốn tiếp tục đầu tư thì bắt đầu thua lỗ.
Người đó cầu khấn hồ tinh tiếp tục giúp mình làm giàu thì hồ tinh nói: “Mệnh ngươi vốn chỉ kiếm được 10 vạn lạng bạc, không thể nhiều hơn. Dù ngươi không cầu ta thì ngươi gắng sức làm việc đến cuối đời cũng sẽ có đủ 10 vạn lạng bạc. Vì ngươi cầu ta, nên ta cho ngươi hưởng trước 10 vạn lạng bạc đó trong một lần, bây giờ muốn có thêm cũng không được nữa.”
Sau đó hồ tinh bỏ đi, không quay lại nữa. Người thương gia kia quả nhiên từ đó không kiếm được thêm đồng nào, đầu tư vào đâu cũng lỗ, mượn tiền cũng không ai cho, sau khi dùng hết 10 vạn lạng bạc rồi thì rơi vào cảnh nghèo khổ không kể xiết. Người ta nói đó là hồ tinh cho ông ta dùng trước số tiền mà bản thân kiếm được trong tương lai, nếu dùng hết rồi thì đời này của ông ta không còn lại gì, cuối cùng chết vì đói khát.
Có người họ Trương, trong quán rượu gặp được một ông lão mặt mũi hồng hào, biết nhiều chuyện huyền diệu trên đời, Trương đoán chắc đó là hiện thân của hồ ly nên lân la làm quen. Ông lão cũng rất niềm nở, không tỏ ý xa lạ gì.
Trương vốn có ý xấu, muốn kết thân với hồ ly để sau này nhờ cậy vào việc phát tài, nên bám theo ông lão mãi không rời, ông đi đến đâu thì Trương theo đó. Ông lão không hề xua đuổi, trái lại ngày nào cũng cho Trương được ăn uống no say, hưởng thụ đủ mọi vật không thiếu thứ gì.
Đến ngày kia Trương thức dậy thì không thấy ông lão nữa, tìm đâu cũng không ra, nên đành thất thểu trở về nhà. Về đến nhà, Trương kinh ngạc đến há hốc khi thấy trong nhà gần như đã trống trơn không còn thứ gì, ngay cả quần áo trong tủ cũng biến mất sạch, chỉ để lại một lá thư.
Đại khái đó là thư của lão hồ ly, trong đó viết rõ ràng mỗi ngày Trương đã ăn đã uống của lão bao nhiêu tiền, thì nay lão dùng một đồ vật có giá trị tương đương trong nhà Trương để khấu trừ, lão không lấy dư một đồng và cũng không cho thiếu một xu.
Từ đó Trương thành kẻ trắng tay, nhưng hàng xóm biết chuyện của anh ta thì đều ôm bụng mà cười ồ!
Hai câu chuyện trên về ý nghĩa đều nói với chúng ta rằng: chỉ những sinh mệnh bất hảo, như hồ ly hoặc yêu tinh mới cấp cho con người những thứ mà mệnh họ không có, còn Thần Phật thì tuyệt nhiên không quản chuyện đó.
Nhưng những sinh mệnh bất hảo ấy không hề giúp không công, mà đổi lại nó cũng muốn lấy đi phúc báo của họ. Thực tế nó cũng không có năng lực ban phát cho con người bất cứ thứ gì cả, chẳng qua nó chỉ để cho họ nhận trước những gì họ sẽ kiếm được trong tương lai, hoặc dùng chính tài sản của người nhà họ để “ban” cho họ. Chuyện “hữu cầu tất ứng” đơn thuần chỉ là lừa người.
Người ta không được gì thì cũng sẽ không mất gì cả, còn hễ đã “được” thì phải “mất”, như người thương gia và anh chàng họ Trương kia, đều là dồn tất cả phúc phận trong đời lại để hưởng trong một lần, sau đó thì họ không còn gì cả.
Thế Di.