Thiện Dân cầm lên, thấy tay nải được buộc rất chặt, mở ra, phía trong là một lớp lụa màu vàng bọc chiếc hộp hình vuông, trên đó có khắc dòng chữ: “Hoàng phong ngự tứ”, trong hộp là một hạt trân châu sáng lấp lánh...
Thiện Dân là cậu học trò nghèo sống dưới chân núi Phượng Hoàng thuộc huyện Phượng Hoàng, cậu mất cha từ khi còn nhỏ. Người mẹ tần tảo sớm hôm quay tơ dệt lụa, nhịn ăn nhịn mặc để có tiền nuôi Thiện Dân học hành. Thiện Dân cũng rất thông minh hiếu học, chuyên tâm đọc Tứ thư Ngũ kinh và trở thành một chàng thư sinh giỏi văn chương, tường chữ nghĩa.
Năm đó kinh thành mở khoa thi, Thiện Dân từ biệt mẹ, một mình trèo đèo lội suối, không quản ngại đường xa tới kinh thành ứng thí.
Trên đường đi, Thiện Dân đã tới gần đường núi Kim Kê và nghỉ chân dưới cây nhãn lâu năm bên ngã ba đường. Lúc này cậu chợt phát hiện thấy một chiếc tay nải bên bụi cỏ ven đường. Thiện Dân cầm lên, thấy tay nải được buộc rất chặt, mở ra từng lớp vải bọc, trong cùng là lớp lụa màu vàng bọc chiếc hộp hình vuông. Mở lớp vải vàng ra thì là một hộp gỗ khắc hình rồng, trên đó có dòng chữ “Hoàng phong ngự tứ”, trong hộp là một hạt trân châu sáng lấp lánh.
Thiện Dân nghĩ rằng bản thân nên ở lại đợi người tìm đồ đã mất. Tuy nhiên, lịch trình đến trường thi cậu đã tính toán kỹ, nếu chờ đợi thì e rằng có thể bị chậm trễ. Nhưng cậu lại nghĩ, nếu như người mất của không may vì viên trân châu này mà mất mạng, vậy phải làm sao đây? Nghĩ tới đây, cậu quyết định ở lại, gói hạt trân châu cẩn thận rồi đợi người mất đồ tới tìm kiếm.
Thiện Dân đợi mãi tới khi mặt trời lặn mà không thấy ai đến tìm, màn đêm dần buông xuống, trong lòng cậu càng trở nên lo lắng. Phía trước không có thôn làng, phía sau cũng không có quán trọ, thế là cậu phải ngủ dưới gốc cây một đêm.
Ngày hôm sau, Thiện Dân tiếp tục lo lắng chờ đợi. Mặc dù có người đi đường qua lại nhưng trong số họ không có ai đến để tìm đồ vật bị mất. Ngày thi đang đến gần, theo như tính toán thì tuyệt đối không thể chậm trễ hơn nữa, nếu lỡ kỳ thi này thì phải đợi thêm 3 năm nữa. Nhưng nếu bỏ lại bảo vật này không quản thì trong tâm lại không đành lòng. Càng nghĩ, Thiện Dân lại càng thấy cần phải đợi thêm chút nữa. Khi trời đã tối muộn, Thiện Dân mới thấy một người vội vã cưỡi ngựa chạy tới, anh ta đang cố gắng nhìn đông nhìn tây như muốn tìm thứ gì đó ven đường.
Thiện Dân thấy một người lạ mặt cưỡi ngựa đi đến với dáng vẻ vô cùng lo lắng u buồn, trong lòng cậu thầm có nhận định. Người này xuống ngựa đi đến dưới gốc cây, vừa nhìn thấy Thiện Dân liền nóng lòng hỏi: “Xin lỗi anh bạn, anh có nhặt được thứ đồ vật gì không?”
Thiện Dân hỏi: “Thứ đồ vật gì?”
Người kia nói: “Một cái tay nải nhỏ!”
Thiện Dân lại hỏi: “Có gì trong đó?”
Người cưỡi ngựa nói: “Một viên trân châu – là vật ngự ban của tiên Hoàng”.
Thiện Dân nghe rõ và nói: “Tôi đã đợi dưới gốc cây này hai ngày một đêm, cuối cùng cũng tìm được chủ nhân!” Nói xong, Thiện Dân liền đưa chiếc tay nải chứa viên trân châu trả cho người cưỡi ngựa.
Người cưỡi ngựa cầm tay nải rồi mở ra và thấy viên trân châu vẫn còn đó liền nhanh chóng xuống ngựa, quỳ gối nói: “Ân nhân! Ân nhân! Ân đức của anh quả lớn như núi Thái Sơn”.
Thiện Dân vội vàng đỡ đối người này đứng dậy rồi nói: “Không nên khách sáo, là đồ của người thì nên trả cho ngươi”.
Người cưỡi ngựa cảm động không biết nên làm thế nào cho phải, anh lấy tiền bạc đưa cho Thiện Dân để tỏ lòng cảm ơn, tuy nhiên Thiện Dân đã từ chối. Vì nóng lòng muốn đến trường thi nên anh đã vội vàng tạm biệt người cưỡi ngựa.
Nhưng không ngờ, vừa bước chân đến trường thi thì nghe thấy tiếng kèn báo phòng thi đến giờ đóng cửa niêm phong.
Cuối cùng Thiện Dân đã viết thư cho mẹ biết tình hình, cậu phải nghỉ ở quán trọ, tạm mở một quầy viết chữ ở kinh thành, vừa để có tiền duy trì cuộc sống vừa tiếp tục học hành, chờ kỳ thi kế tiếp. Sau hai năm chịu khổ, trong triều cũng thực hiện thanh trừ gian thần, nhiều người bị vu cáo hãm hại được trở về triều. Hoàng đế mới lên ngôi, lập tức hạ chiếu thư chiêu mộ người hiền. Thiện Dân được Lại bộ Thượng Thư yêu mến, tiến cử lên Hoàng đế. Năm sau, Thiện Dân thi đỗ trong kỳ thi Đình và được bổ nhiệm làm quan Tri huyện của huyện Phượng Hoàng.
Trước khi về, Thiện Dân chào tạm biệt ân sư là Lại bộ Thượng Thư, chuẩn bị đi nhậm chức. Ân sư đã tổ chức bữa tiệc chào tạm biệt. Trong bữa tiệc, ông vui vẻ nói: “Hiền khế đi lần này, ta có một chuyện muốn con giúp đỡ”.
Thiện Dân vội vàng thưa: “Ân sư cứ sai bảo, con nhất định sẽ gắng hết sức để làm”.
Ân sư nói: “Trong địa phận huyện Phượng Hoàng có đường núi Kim Kê, tại vị trí ngã ba đường có một cây nhãn cổ thụ. Mong con hãy dựng một ngôi miếu thờ bên cạnh cây nhãn đó”.
Thiện Dân nghe xong cảm thấy có chút kỳ quái nên lập tức hỏi: “Thưa thầy, con không hiểu, tại sao phải làm vậy ạ?”
“Đó là một câu chuyện rất dài”, vị ân sư nói. Hóa ra hai năm trước, một gian thần đã vu cáo hãm hại ông với tội danh lấy trộm bảo vật triều đình là một viên Dạ Minh Châu. Vì lý do này, ông đã yêu cầu con trai mình cưỡi ngựa trở về quê nhà lấy lại viên Dạ Minh Châu để hoàng đế đích thân xem, chứng minh đó là viên trân châu mà Tiên hoàng ban tặng cho tổ tiên, không phải là bảo vật riêng của quốc gia.
Thiện Dân nghe xong thì trong lòng hiểu rõ ngay.
Vị ân sư lại hào hứng tiếp tục nói: “Nào ngờ, khi con trai đang mang bảo vật trở về Bắc Kinh, bởi vì thiếu cẩn thận nên đã để bảo vật thất lạc giữa đường. Tạm chưa nói đến sự vô giá của bảo vật, điều quan trọng là nó liên quan đến tính mạng sống chết của cả gia đình. Thật may mắn, một người tốt bụng đã nhặt được viên ngọc này, cậu ấy đã chờ đợi dưới gốc cây hai ngày một đêm, cuối cùng cũng đợi được con của ta đến tìm. Người đó lại không nhận tạ ơn, cũng không để lại danh tính và địa chỉ, con trai ta lại sơ ý không hỏi. Hôm nay ta chỉ nhớ sự việc này xảy ra dưới gốc cây nhãn cổ thụ bên ngã ba đường núi Kim Kê. Do vậy nên ta muốn con xây một ngôi miếu thờ cạnh đó, bên trong đặt bia chữ dùng để khen ngợi hành động này”.
Một năm sau, Thượng Thư đưa con trai về quê nhà để tế lễ tổ tiên có đi ngang qua đường núi Kim Kê, ông dừng chân xem xét và thấy ngôi đền vẫn chưa khởi công xây dựng, trong tâm cảm thấy không vui. Vừa hay lúc đó Thiện Dân đến đây nghênh đón, ông đã nổi giận đùng đùng mắng ngay trước mặt: “Hiền khế, lời của ta con coi như gió thoảng ngang tai, vì sao con vẫn chưa cho khởi công xây dựng miếu thờ tại nơi này?”
Thiện Dân vốn định nhận lỗi vài lời qua loa cho xong nhưng lại rất khó mở miệng. Thấy Thiện Dân có vẻ ngượng ngùng, vị ân sư không tiện nói nhiều đành phải trách cậu con trai đứng bên cạnh: “Con cũng sơ ý chủ quan quá, làm mất viên trân châu là một lỗi lớn, ngay cả tên tuổi của người nhặt được con cũng không hỏi một câu, đúng là đứa con không hiểu chuyện mà”.
Thiện Dân cảm thấy xấu hổ khi thấy ân sư trách móc con trai, ngẩng đầu quan sát chàng thanh niên trẻ tuổi kia. Lúc này con trai của ân sư nhìn Thiện Dân một cách chính diện và chợt nhận ra điều gì đó, cậu nói: “Cha! Người này…”
Thượng Thư nói: “Người này là sư huynh của ngươi!”
“Không …” Người con trai của Thượng Thư nhìn chằm chằm vào bên tai phải của Thiện Dân, bỗng nhảy mạnh lên nói: “À, cha, người này chính là đại ân nhân nhặt được bảo vật!”.
“Hả!” Thượng Thư nửa mừng nửa lo, nhất thời không thốt nên lời.
Thiện Dân nói: “Anh có nhận nhầm người không?”
Con trai của Thượng Thư nói: “Không thể sai được. Bên tai phải của ân nhân có một nốt ruồi đỏ. Ta nhìn thoáng qua khi anh trả lại viên trân châu, bây giờ ta cuối cùng đã nhớ ra”.
Sau đó, Thượng Thư mới chợt nhận ra, vội vàng bước tới nắm tay Thiện Dân: “Hiền khế của ta, đại ân nhân của ta, vừa rồi thiếu chút nữa ta trách nhầm con. Ta không thể tưởng tượng được phẩm cách của con lại cao thượng đến vậy”.
Sau đó, Thượng Thư tự mình tuyển thợ thủ công có tay nghề cao để xây dựng một gian đình nghỉ mát gọi là “Hoàn châu đình”. Trong đình dựng một bia đá và tự mình viết bia văn kể lại từ đầu đến cuối sự tình này.
San San biên dịch.