Cạnh tranh để làm gì? Lời dạy của Khổng Tử khiến nhiều người suy ngẫm

Cạnh tranh để làm gì? Lời dạy của Khổng Tử khiến nhiều người suy ngẫm

Hiện nay quan niệm “cạnh tranh” là nhằm giành lợi ích và phần hơn về mình, thực chất đây là quá trình tranh đoạt dựa trên mưu trí, thủ đoạn và sức mạnh. Tranh đoạt mà không có sự ước thúc về đạo đức, nhỏ thì có thể gây hiềm khích, bất hòa; lớn hơn thì có thể sẽ khiến xã hội rối loạn...

Theo Khổng Tử thì: “Người quân tử không việc gì phải tranh đua. Nếu có việc đáng tranh đua thì chỉ có ở cuộc thi bắn cung. Khi bắn cung cũng phải giữ lễ, vái chào lẫn nhau trước rồi mới bắn. Bắn cung xong ngồi nâng chén chúc mừng lẫn nhau. Đây là điều đáng tranh đua của người quân tử”.

“Tranh đua” là một biểu hiện của “cạnh tranh”, ngày nay “cạnh tranh” xuất hiện ở mọi ngóc ngách của đời sống xã hội: cạnh tranh giữa người với người, cạnh tranh giữa các ngành nghề với nhau, mức độ cạnh tranh cũng ngày càng trở nên gay gắt. Nhiều người cho rằng có cạnh tranh mới thúc đẩy được sự phát triển, quan niệm này có thực sự đúng đắn hay không?

1. Cạnh tranh là gì?

Theo từ điển tiếng Việt, “cạnh tranh” là “cố gắng giành phần hơn, phần thắng về mình giữa những người, những tổ chức hoạt động nhằm thu được lợi ích”. Theo khái niệm này thì gốc rễ của cạnh tranh là lợi ích, vậy khi người người, nhà nhà đều “cố gắng giành phần hơn, phần thắng về mình” sẽ như thế nào? Chúng ta cùng tham khảo câu chuyện đàm luận giữa Vua Lương Huệ Vương và Mạnh Tử cách đây hơn 2.000 năm dưới đây:

Vua Lương Huệ Vương hỏi: Cụ Mạnh, cụ chẳng ngại đường xá vạn dặm tới đây, chắc hẳn đem đến cho nước ta nhiều điều lợi lắm?

Mạnh Tử: Thưa đức Vua! Vua hễ nói ra là phải nói đến điều lợi ư? Nói nhân nghĩa có hơn không?

Nếu nhà Vua cứ hỏi: “làm thế nào cho nước ta có lợi”, thì các đại phu cũng có thể hỏi “làm thế nào cho gia tộc ta có lợi?”, và kẻ sĩ trăm họ nói chung cũng có thể hỏi “làm thế nào cho bản thân ta có lợi?”, cứ như vậy từ trên xuống dưới nước nhà sẽ nguy to!

Nước có vạn binh xa, kẻ giết vua nhất định là hàng đại phu có nghìn binh xa gây nên. Nước có nghìn binh xa, kẻ giết vua nhất định là hàng đại phu có trăm binh xa gây nên. Vua thu thuế cứ mười nghìn lấy một nghìn, một nghìn lấy một trăm, lợi ấy không phải không nhiều. Nhưng ai cũng tùy tiện coi nhẹ việc nghĩa mà gạt ra sau, coi trọng việc lợi mà đưa lên trước thì chưa cướp đoạt hết của nhau sẽ chưa thỏa lòng mãn nguyện.

Từ trước đến nay, chưa ai quý điều nhân mà ruồng bỏ cha mẹ, chưa ai trọng điều nghĩa mà dám ngạo mạn với vua. Vì vậy nhà vua nên nói việc nhân nghĩa, việc gì cứ phải nói về điều lợi?

2. Đôi chút luận bàn:

Câu chuyện giữa Vua Lương Huệ Vương và Mạnh Tử giúp cho mọi người sáng tỏ đạo lý về quan hệ giữa “lợi ích” và “nhân nghĩa”, nếu đặt lợi ích lên trước mà coi nhẹ việc nhân nghĩa thì sẽ dẫn đến trạng thái “chưa cướp đoạt hết của nhau sẽ chưa thỏa lòng mãn nguyện”, lâu dần xã hội sẽ đại loạn.

Ngày nay người ta coi “cạnh tranh” là động lực thúc đẩy sự phát triển, nhìn bề ngoài thì có vẻ có đạo lý nhưng khi hiểu cạnh tranh là “cố gắng giành phần hơn, phần thắng về phía mình” thì đây là quan niệm đặt “lợi ích” lên trước nhân nghĩa. Khi có cạnh tranh lợi ích thì sẽ xuất hiện hoạt động ganh đua lẫn nhau, sự ganh đua sẽ từ nhỏ đến lớn, lợi ích càng lớn thì ganh đua càng mạnh, vì lợi ích nên sẽ tìm mọi cách để giành phần thắng về mình. Kết quả cuối cùng sẽ có một bên được và một bên mất, một bên thắng và một bên thua. Mặt khác khi có tranh giành, nếu không giải quyết được thông qua thương lượng thì sẽ sử dụng pháp luật; và pháp luật không giải quyết được sẽ có xu hướng sử dụng các thủ đoạn mờ ám với tính chất “trả thù”. Hiện tượng này đã xuất hiện khá nhiều, người đọc có thể tự quan sát và trả lời, do đó nếu chúng ta coi cạnh tranh là sự thúc đẩy phát triển xã hội thì chưa hẳn là đúng đắn.

Ngày nay người ta coi “cạnh tranh” là động lực thúc đẩy sự phát triển, nhìn bề ngoài thì có vẻ có đạo lý nhưng khi hiểu cạnh tranh là “cố gắng giành phần hơn, phần thắng về phía mình” thì đây là quan niệm đặt “lợi ích” lên trước nhân nghĩa.

3. Vậy cạnh tranh thế nào cho đúng?

Theo Khổng Tử thì “người quân tử không việc gì phải tranh đua. Nếu có việc đáng tranh đua thì chỉ có ở cuộc thi bắn cung. Khi bắn cung cũng phải giữ lễ, vái chào lẫn nhau trước rồi mới bắn. Bắn cung xong ngồi nâng chén chúc mừng lẫn nhau. Đây là điều đáng tranh đua của người quân tử”.

Người quân tử là người chú trọng tu dưỡng đạo đức, nỗ lực chuyên tâm làm tốt mọi việc nhưng không tranh đua đấu đá, luôn kiên trì theo đuổi lẽ phải (cần phân biệt với ngụy quân tử); do vậy “người quân tử nếu có việc đáng tranh đua thì chỉ có ở cuộc thi bắn cung”. Mục đích của thi bắn cung là chọn ra người giỏi hơn, bắn cung về kỹ thuật nền tảng là như nhau, ai cũng có thể học nhưng để đạt trình độ “bách phát, bách trúng” thì người bắn cung ngoài năng khiếu ban đầu còn phải trải qua một quá trình rèn luyện công phu, gian khổ, người càng điêu luyện thì tỷ lệ bắn trúng đích càng cao. Khi so tài vẫn phải giữ đúng lễ, tức là dùng phương pháp cạnh tranh chính đáng, văn minh, sau khi thi hai người “nâng chén chúc mừng nhau” là thể hiện sự kính trọng về tài năng giữa hai người. Kết quả cuộc thi là cùng nhau ghi nhận thành quả nỗ lực gian khổ rèn luyện, người kém thì cần cố gắng hơn và mừng cho người giỏi, chứ không phải là sự tranh đua cao thấp.

Đạo lý mà Khổng Tử muốn nói ở việc thi bắn cung là khuyến khích tranh đua về tài nghệ và phẩm đức, đạo lý này mở rộng sang mọi ngành nghề, lĩnh vực, cần phải có sự tranh đua nhưng mục đích là ghi nhận tài năng, phẩm đức, sự điêu luyện, lành nghề trong cùng một lĩnh vực. Vì có sự tranh đua khiến người ta học được điều hay, bỏ điều dở, nhìn ra được những thiếu sót từ đó hoàn thiện mình hơn, đồng thời kiến tạo ra những sản phẩm tốt hơn. Như trong kinh điển giáo dục truyền thống “Đệ Tử Quy” có câu rằng:

“Chỉ đức học, chỉ tài nghệ
Không bằng người, phải tự gắng
Nếu quần áo, hoặc ăn uống
Không bằng người, không nên buồn”.

Hiện nay quan niệm “cạnh tranh” là nhằm giành lợi ích và phần hơn về mình, thực chất đây là quá trình tranh đoạt dựa trên mưu trí, thủ đoạn và sức mạnh. Tranh đoạt mà không có sự ước thúc về đạo đức, nhỏ thì có thể gây hiềm khích, bất hòa; lớn hơn thì có thể sẽ khiến xã hội rối loạn. Do đó quan niệm làm mà không tranh, chỉ chuyên tâm làm tốt công việc của mình là đi đúng với Đạo, xã hội vận hành đúng Đạo thì sẽ phát triển hài hòa, ổn định. Người xưa dạy: “Thiên đạo thù cần, Địa đạo thù thiện, Nhân đạo thù thành, Thương đạo thù tín, Nghiệp đạo thù tinh” (tạm dịch: Đạo trời đền đáp người cần cù, đạo đất đền đáp người lương thiện, đạo người đền đáp người thành thật, đạo kinh doanh đền đáp người thành tín, đạo nghề đền đáp người tinh thông); làm người nếu tuân thủ theo: Đạo trời, đạo đất, đạo nhân, đạo thương trường và đạo nghề thì thứ gì đáng có sẽ có, đâu cần phải cạnh tranh?

Tĩnh Văn.

Tin bài liên quan