Những người thường ngày làm việc không tham lam không biển thủ, đối đãi tử tế và hảo tâm với người khác, sau khi trải qua những bấp bênh của cuộc đời, họ có thể nhận được sự hồi báo hậu hĩnh.
Chúng ta hãy cùng điểm qua hai trường hợp như vậy đã từng xảy ra trong lịch sử.
Vào thời nhà Thanh, tiên sinh Lưu Đan Giai, người Đồng Thành, tỉnh An Huy, đến tuổi bốn mươi vẫn rất nghèo. Ông có một người họ hàng chủ quản việc soạn thảo thư tín tại Phủ Chế quân Quảng Đông (chế quân là cách gọi của chức tổng đốc đốc thời nhà Minh và nhà Thanh), nên ông đã đến xin việc. Sau khi đến nơi, ông bị coi khinh, bị từ chối sắp xếp chỗ ăn ở. Bất đắc dĩ, ông đành ở nhờ tại chùa Quang Hiếu.
Vị lão tăng trụ trì của ngôi chùa, vừa nhìn thấy đã rất coi trọng ông. Đương thời viên chế quân ở đó thập phần sùng kính Phật pháp, mỗi tháng nhất định sẽ đến chùa đảnh lễ và thắp hương, sau khi hành lễ sẽ cùng lão tăng đàm đạo để tiêu khiển. Có một ngày, chế quân lại đến chùa, đúng lúc trời mưa rất to. Mưa to cả ngày không dứt, khiến chế quân và thủ hạ thị tòng của ông không thể trở về quan phủ.
Vì thế, lão tăng đã chuẩn bị bữa ăn cho ông. Chế quân ở phòng nhỏ uống rượu, cảm thấy hơi cô đơn nên nói với lão tăng: “Ở đây không có ai có thể nói chuyện được sao?” Vị sư già nói rằng có tiên sinh Lưu đang ngụ tại chùa.
Chế quân lập tức sai người hầu mời tiên sinh Lưu đến. Không lâu sau, người hầu quay lại nói: “Lưu tiên sinh cho rằng mình là một thư sinh nghèo khổ sống ở nơi đất khách quê người, làm sao dám ngồi ngang hàng với một viên quan lớn đương đại? Ông ấy đã từ chối không dám đến gặp.” Chế quân đáp, “Lễ hiền hạ sĩ, đó là việc ta nên làm. Nhân sĩ giữ lễ như vậy, làm sao có thể gọi đến liền đến, ta nên thân chinh đến gặp Lưu tiên sinh.” Thế là ông nhờ lão tăng dẫn đường. Lần đầu gặp nhau, họ đã nồng nhiệt như gặp bạn cũ, mời nhau vào phòng thiền uống rượu và nói chuyện vui vẻ, cạn tiệc mới chia tay.
Ngày hôm sau, chế quân mời Lưu Đan Giai đến quan phủ của mình, dành cho ông sự chào đón đặc biệt. Đương thời, các quan lớn ở miền đông Quảng Đông như đốc phủ, tướng quân, quan sai thu thuế hàng năm đều phải cống nạp các vật phẩm bằng ngọc bích theo thông lệ. Những người xử lý sự việc trước đó lần nào cũng mắc nhiều sai sót, không thể làm hài lòng hoàng đế. Chế quân đã ủy nhiệm việc này cho Lưu Đan Giai phụ trách. Lưu Đan Giai thông minh thiên phú, từng trải và thâm thúy, nên khi làm việc càng tỏ rõ năng lực. Số tiền nhận được ông không tơ hào một xu, mà dùng hết để mua ngọc tốt, thuê thợ lành nghề, tận tâm giám sát việc chế tác, vì vậy không chỉ giá rẻ mà vật phẩm làm ra rất ưu mỹ.
Sau khi ngọc được dâng cống, hoàng đế vui mừng khôn xiết, ban thưởng cho chế quân hà bao và nhẫn ngọc, tất cả đều là nhờ vào công của Lưu Đan Giai. Chế quân cũng vui mừng vì bản thân đã phát hiện ra nhân tài, càng hậu đãi Lưu hơn trước. Khi các tướng lĩnh, quan thuế v.v. nghe được chuyện này, họ cũng giao cho Lưu Đan Giai xử lý việc cống nạp ngọc. Lưu Đan Giai ngày càng thành thục trong việc xử lý, càng nỗ lực nhiều hơn, trong những năm đó, phàm những món ngọc bích do ông tiến cống, mỗi cái đều làm hoàng đế hài lòng.
Tất cả các quan lớn đều cho rằng ông là người tài giỏi, muốn quyên cho ông một chức quan. Nhưng Lưu Đan Giai kiên quyết từ chối, nói: “Đan Giai tự coi mình là một bần Nho, không phải là một nhân tài làm quan. Tuy nhiên, tự thấy bản thân về phương diện kinh doanh có một chút nghiên cứu, nếu các vị đại nhân sẵn lòng đề bạt, hiện tại có một doanh nghiệp vận tải biển nào đó bị thua lỗ đình nghiệp, tôi nguyện ý tiếp quản và lấy đó làm sinh kế.”
Vào cuối thời nhà Thanh, việc buôn bán với nước ngoài đã bắt đầu hưng khởi. Trong ảnh là Đại lầu Di Hòa Dương Hành ở Thượng Hải (phạm vi công cộng)
Các quan lớn đều đồng ý, nên họ đã thượng tấu lên hoàng thượng. Theo đó, Lưu Đan Giai bắt đầu kinh doanh vận tải biển. Vì số vốn ít ỏi của ông, các hãng vận tải khác đều lén cười nhạo, nói rằng ông sẽ không thể duy trì được.
Thật bất ngờ, không lâu sau, công việc kinh doanh của ông có bước chuyển biến lớn. Một doanh nhân nước ngoài từng làm ăn với hãng vận tải này qua đời vì bạo bệnh ở quê nhà, trước khi qua đời, ông để lại di ngôn cuối cùng với con trai mình: “Cha còn nợ một công ty nước ngoài ở Quảng Đông tổng cộng hơn năm triệu lượng bạc cả gốc và lãi, con không thể để ta thành kẻ phụ người, con phải hoàn lại số tiền đó cho họ, hy vọng sau này con lại giao dịch với họ, có thể chiếm được lòng tin của người Trung Quốc, không để bị người đồng bối coi thường.”
Con trai của vị thương gia nước ngoài đã tuân theo di chúc của cha, vượt biển đến Trung Quốc trả lại toàn bộ số tiền nợ cả gốc và lãi cho Lưu Đan Giai. Việc doanh nhân này vay tiền rồi trở về nước đã xảy ra hơn mười năm trước, ông một đi không trở lại, còn hãng tàu đã nhiều lần đổi chủ, sổ sách không thể thanh tra, nhưng tên của hãng vận tải vẫn chưa thay đổi, nên Lưu Đan Giai, người tiếp quản sau cùng của hãng vận tải, mới có thể nhận khoản tiền bất ngờ này. Kể từ đó trở đi, mọi công việc kinh doanh của Lưu Đan Giai đều diễn ra thuận lợi. Bằng cách này, Lưu Đan Giai, người không tham lam biển thủ, không tì vết trong công việc, dù ban đầu bị người thân coi thường, nhưng sau này đã trở thành một cự phú.
Vào những năm đầu triều đại Càn Long, có một chàng trai tên là Tiền Hồn sống ở ngoài cổng phía bắc thành Vô Tích, dùng vài trăm lượng bạc mở một trang trại trồng bông, đổi bông lấy vải để kiếm sống. Nhà bên cạnh có một thiếu nữ, khoảng mười ba mười bốn tuổi, vô cùng xinh đẹp, nàng thường tới đổi vải lấy bông, Tiền Hồn cũng thường cho nàng nhiều bông hơn, cô gái cũng cảm thấy vậy, nhưng hai nhà cũng không có ý đồ gì khác.
Nhưng không quá hai ba năm, công việc kinh doanh của Tiền Hồn không những không kiếm được tiền, mà thậm chí còn thua lỗ. Bất đắc dĩ, chàng phải đóng cửa kinh doanh, lưu lạc đến kinh thành hơn mười năm, vừa nghèo vừa bệnh, trông như một người ăn xin. Một ngày nọ, khi đang hành tẩu bên ngoài Tứ Trực môn, chàng bất ngờ nhìn thấy một đội ngựa xe đang tiến tới, có rất nhiều lính canh và nhân viên tùy tùng, trong một chiếc xe lớn có bánh xe màu đỏ và rèm màu xanh lá cây, có một thiếu phụ đang ngồi, đầu đội khăn che mặt đính đầy trân châu phỉ thúy. Tiền Hồn đứng từ xa nhìn, không dám lại gần.
Thiếu phụ cũng nhìn thấy Tiền Hồn, nhìn chằm chằm chàng một lúc lâu, sau đó sai người hầu gọi chàng ra xe và hỏi: “Sao anh lại đến đây?” Tiền Hồn như đang nằm mơ , không nhận ra người phụ nữ trước mặt là ai, chỉ mấp máy miệng đáp: “Vâng vâng dạ” mà không dám nói gì thêm. Thiếu phụ ra lệnh cho tùy tùng mang ngựa đến, để Tiền Hồn ngồi lên, yêu cầu theo nàng vào thành. Đến một dinh thự lớn, thiếu phụ bước vào phòng trong. Nguyên lai, nàng là một công nương của hoàng thất.
Một lúc sau, công nương gọi Tiền Hồn vào và nói với chàng: “Tôi là người phụ nữ hàng xóm năm xưa của anh, tôi dùng vải để đổi bông ở chỗ anh, cảm nhận được lòng tốt của anh nên hôm nay đã gọi anh vào phủ.” Sau đó, lại nhận chàng làm anh họ của mình, cho phép ra vào vương phủ.
Trong vòng ba bốn năm, Tiền Hồn vào phủ làm quan ghi chép, đã có được mấy ngàn lượng bạc. Sau này, lại thi cử đỗ đạt và được thăng chức huyện úy, không lâu sau lại được thăng làm huyện lệnh huyện Nội Hoàng, rồi lại thăng tiếp làm phó tri phủ Hà Gian ở Trực Lệ, đó là nhờ hành thiện đắc phúc báo.
Hương Thảo biên dịch.