Hoàng đế của các triều đại phong kiến Trung Quốc rất coi trọng phong thủy nên các công trình kiến trúc đều mang đậm dấu ấn của tinh hoa phong thủy Trung Quốc.
Phong thủy là một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với việc xây dựng các lăng mộ hoàng đế Trung Quốc. Tất cả nhằm mong muốn triều đại của dòng họ mình bền vững, trường tồn.
Người xưa quan niệm rằng "vật chết cũng như vật sống", căn cứ vào địa hình, thủy văn, khí hậu và các điều kiện tự nhiên khác để chọn nơi chôn cất có thể ngăn ngừa sự xâm nhập của gió, nước và côn trùng.
Hoàng đế còn được gọi là "thiên tử", là con của trời, quyền lực của hoàng đế chính là do thần linh ban tặng. Vì vậy, hầu hết các lăng tẩm của các triều đại trước đây đều có đặc điểm "nhìn sông dựa núi", lợi dụng địa thế tự nhiên để tăng thêm "khí" cho đế vương, bảo toàn quyền lực triều đình.
Lăng Tần Thủy Hoàng dựa vào lưng núi Lệ Sơn, núi cao sừng sững tựa uy nghiêm hoàng gia không bao giờ sụp; Lăng Hán Cao Tổ, mặt khác, lại nằm cạnh dòng sông Ngụy, phía sau được núi Cửu Y hùng vĩ chống lưng, hoàn toàn thể hiện được vị thế và phẩm giá của thiên tử.
Việc xây dựng lăng mộ của nhà Tống cũng tuân theo quy luật trên, dựa núi Trung Sơn, hướng dòng Lạc thủy. Lăng mộ xây cao ở phía nam và thấp dần về phía bắc. Điều này đã cho thấy tầm ảnh hưởng lớn của thuật Phong thủy đối với kiến trúc lăng tẩm thời xưa.
Long mạch là yếu tố cơ bản của phong thủy. Các nhà phong thủy tin rằng ở Trung Quốc có ba long mạch, tất cả đều bắt nguồn từ núi Côn Luân.
Mạch đầu tiên bắt đầu từ phía nam sông Dương Tử, vượng khí ở Nam Kinh, cuối cùng kết ở Trung Sơn Minh Hiếu Lăng; mạch thứ hai nằm ở giao điểm của sông Hoàng Hà và sông Dương Tử, thịnh vượng ở Trung Đô, kết tại Minh Tổ Lăng.
Mạch cuối cùng nằm ở phương bắc, nơi giao điểm của sông Hoàng Hà và sông Áp Lục, vượng khí ở Bắc Kinh, kết ở lăng mộ trên núi Thiên Thọ.
Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương (1328- 1398) cũng đã xác định vị trí lăng mộ của mình theo thuật phong thủy phổ biến lúc bấy giờ đó là "tìm long mạch, điều tra phong thổ, xem mạch nước và huyệt", cuối cùng ông đã chọn an táng dưới đỉnh Chung Sơn, Nam Kinh.
Hai bên trái phải của lăng mộ đều được bao quanh bởi núi cao, phía trước là núi Mai Hoa tựa như "án" (một loại bàn hình chữ nhật thời cổ đại), phía sau có Trung sơn trấn thủ tạo thành thế núi "rồng hổ vờn quanh, chủ khách tương hỗ".
Trong các lăng mộ hoàng đế thường một con đường dài dẫn đến lăng chính, con đường này rất quan trọng, được gọi là "thần đạo".
Thần đạo xuất hiện bởi trong trí tưởng tượng của người xưa, vũ trụ được chia thành ba cõi: Cõi trời, cõi trần và cõi âm. Vì vậy, đây là con đường thần thánh nối thiên đường, địa phủ và nhân gian với nhau.
Trong lăng của Thuận Trị (1638- 1661), vị hoàng đế thứ hai nhà Thanh cũng là vị hoàng đế nhà Thanh đầu tiên nhập quan (định đô ở Bắc Kinh), có một thần đạo dài 5.600m, chiều rộng lên tới 11m. Đây là trục thần đạo chính kết nối tất cả các lăng mộ của các hoàng đế, hoàng hậu đời tiếp theo.
Kết cấu mô hình cây nghiêm ngặt như vậy mang ý nghĩa họ là con cháu của một tổ tiên duy nhất. Khi linh hồn một người bước lên thần đạo, họ có thể trở về nguồn cội, gặp gỡ tổ tiên của mình.
Hai bên thần đạo có các cặp tượng đá, các tác phẩm điêu khắc người và thú tinh xảo tượng trưng cho quyền lực, sự uy nghiêm của hoàng đế trong suốt cuộc đời và cũng là bằng chứng cho thấy vị hoàng đế đó vẫn thống trị mọi thứ sau khi chết.
T/H.