Bí ẩn: Truyền thuyết đại hồng thủy của người Đài Loan

Bí ẩn: Truyền thuyết đại hồng thủy của người Đài Loan

Trên thế giới có rất nhiều truyền thuyết được lưu lại về đại hồng thủy: chuyện con thuyền Noah, chuyện về Manu (thủy tổ của nhân loại trong thần thoại Ấn Độ), chuyện về Gilgamesh (thần thoại Mesopotamia), v.v… Trong đó có cả những câu chuyện thần thoại của người dân tộc thiểu số tại Đài Loan.

Tuy nhiên, những truyền thuyết tại Đài Loan lại không giống với các địa phương khác trên thế giới. Vậy, điểm khác biệt đó nằm ở đâu? Sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu và phân tích.  

Thần thoại của dân tộc Trâu

Đầu tiên, chúng ta cùng đến với câu chuyện thần thoại của dân tộc Trâu. Chuyện kể rằng: rất lâu về trước, nơi này đã xảy ra một trận đại hồng thủy. Nước không ngừng dâng lên cao khiến người dân phải bỏ nhà chạy lên núi. Thế nhưng, một thời gian dài trôi qua, mực nước dâng lên vẫn không hề có dấu hiệu dừng lại. Cuối cùng, đợi đến khi người dân đã chạy lên đến đỉnh núi, họ mới phát hiện ra nguyên nhân của trận lũ. Hóa ra, có một con cá chình lớn đã chặn lại dòng chảy của sông, khiến cho nước trong sông không ngừng dâng lên, tạo thành lũ lụt. Con cá chình đó có kích thước vô cùng lớn, người dân không cách nào di chuyển nó đi được.

Đúng lúc ấy, có một con cua khổng lồ đi ngang qua, nó nói với người dân rằng nó có thể giúp đỡ họ, nhưng nó có một điều kiện. Điều kiện gì? Chính là nó muốn lấy đi lông trên thân thể của con người. Chi tiết này của câu chuyện khá kỳ lạ, nhưng thần thoại chính là viết như vậy. Nghe xong điều kiện của con cua, những người ở đó ngay lập tức nhổ tất cả lông trên chân của mình xuống đưa cho nó. Vậy nên từ đó về sau, trên thân của cua liền có lông.  

Khi đọc xong câu chuyện này, tôi cảm thấy rất kỳ quặc. Thế nhưng cái kỳ quặc ấy xem ra dường như cũng có đạo lý. Chúng ta hãy cùng để ý kỹ một chút. Mặc dù trên thực tế, cua thực sự có mọc lông ở càng và chân, nhưng bản thân việc đó đã rất kỳ lạ. Những sinh vật biển khác như: cá, tôm, rùa… đều có vảy, râu và vỏ cứng – đây là những đặc điểm bình thường ở các loài vật sống dưới biển. Và những sinh vật này đều không có lông. Vậy thì con cua cần lông để làm gì? Gấu bắc cực cần có lông để giữ ấm, nhưng cua tại sao lại cần lông?

Hiện nay các nhà sinh vật học cũng không cách nào từ góc độ của thuyết tiến hóa mà giải thích được điều này. Tuy nhiên, căn cứ theo thần thoại dân tộc của Đài Loan, lông trên mình cua là lấy được từ thân của con người. Liệu rằng có thực sự đúng như trong thần thoại Đài Loan đã kể hay không, chúng ta hôm nay sẽ không đi lý giải bí ẩn này, mà chỉ đơn thuần kể lại câu chuyện của người Trâu về trận đại hồng thủy trong tiền sử.

Lại nói, sau khi cua đã có được lông, nó bèn đi tìm con cá chình nọ. Nó dùng càng kẹp vào bụng của con cá chình khiến cho con cá phải trở mình lại, để lộ ra chỗ lưu thông cho dòng sông. Ngay lập tức, nước lũ ào ào rút xuống, từ đó thiên hạ thái bình. 

Thần thoại của người Kanakanafu

Câu chuyện về trận lũ và con cá chình thường xuyên được xuất hiện trong các truyền thuyết liên quan tới đại hồng thủy của Đài Loan. Thần thoại của người Kanakanafu cũng nhắc đến việc có một con cá chình làm chắn cửa ra của nước sông dẫn đến đại hồng thủy. Thế nhưng trong câu chuyện này, xuất hiện để giúp đỡ người dân không phải là một con cua mà là một con lợn rừng. Khi ấy, nhân loại cùng rất nhiều động vật đều đã chạy lên đỉnh núi nhưng nước lũ mãi vẫn không rút.   

Đang trong lúc mọi người không tìm được cách thoát thân, một con lợn rừng đột nhiên bước ra, xung phong đảm nhận việc cứu toàn bộ người và động vật trên đỉnh núi. Lợn rừng nói, nó sẽ đi đánh bại con cá chình đó, nhưng cần phải có một điều kiện. Bởi vì chuyến này lợn rừng đi, rất có khả năng sẽ không thể quay trở về được nữa, nên nó muốn nhân loại hứa rằng từ nay về sau sẽ để cho con cháu của nó không bao giờ phải thiếu thức ăn. Người Kanakanafu đồng ý. Ngay lập tức, con lợn rừng kêu lên rồi lao mình xuống dòng nước. Nó bắt đầu tranh đấu kịch liệt với con cá chình khổng lồ. Cuối cùng, lợn rừng cắn đứt thân thể của con cá chình khiến cho cửa sông được mở thông, nước lũ dần dần rút xuống. Thế nhưng, lợn rừng cũng bị dòng nước cuốn đi mất.   

Đây là một câu chuyện bi thương. Lợn rừng yêu cầu nhân loại vĩnh viễn nuôi dưỡng con cháu của mình. Nhân loại đã làm được điều đó. Con cháu của lợn rừng được người đưa về nhà nuôi, trở thành lợn nhà. Mỗi ngày, con người đều cung cấp đầy đủ thức ăn cho chúng, không bao giờ để chúng bị đói. Thế nhưng, con người nuôi lợn lại là để bán lợn, ăn thịt lợn. Có lẽ khi đó, lợn rừng hoàn toàn không nghĩ đến yêu cầu của mình cuối cùng sẽ trở thành kết cục như vậy.  

Thần thoại của dân tộc Bố Nông

Người Bố Nông sống tại quận Đào Nguyên, thành phố Cao Hùng (Đài Loan). Trong thần thoại được lưu lại của dân tộc này, có đoạn viết: ngày xưa có một con rắn lớn chặn đứt dòng chảy của nước sông gây ra đại hồng thủy. Người ta liền mang theo mỗi loại sinh vật một đôi (một đực, một cái) chạy trốn lên núi Ngọc Sơn. Về sau, có một con cua khổng lồ xuất hiện, nó dùng chiếc càng của mình cắt đứt con rắn khiến cho nước sông lưu thông trở lại. Nhờ đó, người và động vật trên núi mới thoát được tai họa. 

Trong câu chuyện này, thay vì hình tượng con cá chình lớn chặn đứng dòng sông như ở hai phiên bản thần thoại trước, xuất hiện ở đây lại là hình ảnh một con rắn khổng lồ. Những phiên bản thần thoại khác nhau sẽ có những thay đổi khác nhau, có phiên bản nói là rắn cũng có phiên bản nói là cá chình. Điều này là do cá chình và rắn trông tương đối giống nhau, đặc biệt là khi kích thước của nó lại vô cùng lớn. Lúc đó, bạn sẽ rất khó phân biệt được đó là cá chình hay là rắn. Thế nên có thể dễ dàng giải thích được tại sao lại có những khác biệt trong các phiên bản thần thoại như vậy.  

Thần thoại của tộc A Mĩ

Tiếp theo, chúng ta cùng tìm hiểu về câu chuyện thần thoại của tộc A Mĩ. Thần thoại về đại hồng thủy của tộc A Mĩ, xã Mã Lan kể lại rằng: 

Cổ đại đã từng xảy ra một trận đại hồng thủy. Tất cả các sinh vật hầu như đều bị diệt vong, chỉ có ba chị em nhà nọ may mắn sống sót. Họ cùng nhau chạy lên một ngọn núi. Người chị gái vì đã quá mệt mỏi nên dừng lại ở lưng núi nghỉ ngơi còn người anh và em gái tiếp tục trèo lên đỉnh núi. Người chị gái sau đó liền biến thành một tảng đá. Bởi vì trên thế gian không còn bất cứ ai khác, hai anh em liền hỏi ý kiến của mặt trời và quyết định thành hôn. Nhưng, thật không ngờ, sau khi kết hôn, hai người lại sinh ra hai quái vật dị dạng nên họ bèn đem quái vật vứt xuống sông. Nghe nói, hai con quái vật đó chính là tổ tiên của cá và cua. Một lần, ánh trăng nói với hai anh em rằng: kết hôn giữa hai anh em ruột là điều cấm kỵ, họ không thể dễ dàng sinh ra những đứa con bình thường được. Sau đó, hai người lại sinh ra một khối đá màu trắng. 

Sau khi người anh chết, khối đá trắng đột nhiên biến lớn, rồi từ trong đó bước ra bốn đứa bé. Hai đứa bé đi chân trần, còn hai đứa bé thì đi giầy. Liên tưởng đến nhân vật Tôn Ngộ Không trong tác phẩm “Tây du ký”, nhân vật này cũng được sinh ra từ một tảng đá, quả thực rất tương đồng với thần thoại Đài Loan. Tương truyền, hai đứa bé đi giầy chính là tổ tiên của người Hán. Còn hai đứa bé đi chân trần trở thành tổ tiên của tộc Cao Sơn. 

Có khoảng mười mấy dân tộc người bản địa tại Đài Loan, trên cơ bản mỗi một dân tộc bản địa đều lưu lại truyền thuyết về đại hồng thủy. Một số dân tộc cho rằng: đại hồng thủy xảy ra vì một con cá chình lớn hoặc một con rắn lớn làm chặn dòng chảy của sông. Một số khác lại nói: nước lũ không biết từ đâu mà tới, đột nhiên xuất hiện không rõ nguyên nhân, sau đó có hai anh em chạy thoát được và sinh sôi ra con cháu đời sau, cuối cùng trở thành nhân loại như ngày nay.  

Do không có chữ viết, những người dân bản địa tại Đài Loan đều dựa vào phương thức truyền miệng để lưu lại những câu chuyện thần thoại cho người đời sau. Trong quá trình truyền miệng như thế, khó tránh khỏi việc sẽ có sự khác nhau giữa các địa phương khác nhau. Khi tiến hành nghiên cứu về giai thoại này của tộc A Mĩ một cách kỹ lưỡng, tôi phát hiện ra rằng mỗi một địa phương đều sẽ có một chút sai biệt so với các địa phương khác. Có nơi nói là: thần linh đã dẫn dắt hai anh em đó chạy tới trên núi cao để trốn thoát khỏi đại hồng thủy. Còn có nơi khác bảo rằng: hai người họ đã ngồi thuyền hoặc nắm được vào một thứ gì đó, rồi cuối cùng tránh thoát được đại hồng thủy. Mặc dù có nhiều phiên bản được kể nhưng về cốt truyện chính thì đều giống nhau, đó là: có hai anh em là những người cuối cùng may mắn sống sót sau trận đại hồng thủy, họ kết hôn sinh con rồi dần dần phát triển thành nhân loại hiện nay.

Điểm này rất tương đồng với một số câu chuyện thần thoại được lưu truyền ở khu vực tây nam Trung Quốc. Ví dụ như: trong thần thoại của dân tộc Mèo cũng có nhắc tới việc xảy ra đại hồng thủy, chỉ có hai anh em sống sót rồi sau đó họ sinh con đẻ cái. Con cháu của họ trở thành người của dân tộc Hán, dân tộc Mèo, dân tộc Di, v.v…  

Thần thoại về đại hồng thủy ở Đài Loan khác với thần thoại phương Tây

Những thần thoại liên quan đến đại hồng thủy tại Đài Loan có một chút khác biệt so với những cái được lưu truyền ở phương Tây. Trong những truyền thuyết về đại hồng thủy của phương Tây, dù là câu chuyện con thuyền Noah được nhắc đến ở “Kinh Thánh”, truyền thuyết của Ấn Độ hay truyền thuyết của Mesopotamia, thì đều có một đoạn với nội dung tương tự như sau: trước hết là mọi thứ trượt dốc từng ngày, đạo đức của con người trở nên bại hoại. Sau đó, Thần xuất hiện. Thần tìm thấy một người có đạo đức vô cùng tốt và nói với người đó về trận đại hồng thủy sắp xảy ra, bảo người đó cần đóng thuyền để thoát nạn. Nghe theo lời dạy bảo của Thần, Noah liền đóng ra một con thuyền lớn (trong thần thoại Ấn Độ thì lại là do một người tên là Manu đóng thuyền). Sau khi chiếc thuyền được hoàn thành, đại hồng thủy tới. Mưa không ngớt suốt mấy ngày mấy đêm, nước dâng lên rất nhanh, cả trái đất đều bị nhấn chìm, chỉ có người được Thần lựa chọn ngồi ở trong thuyền là có thể tránh thoát khỏi kiếp nạn. 

Điểm khác nhau đầu tiên giữa truyền thuyết của Đài Loan và các câu chuyện phương Tây là: trong truyền thuyết của Đài Loan rất ít nhắc tới Thần. 

Điểm khác biệt thứ hai là: tuyệt đại đa số các câu chuyện của Đài Loan không hề nhắc đến thuyền, không cần phải chế tạo thuyền, khi đại hồng thủy đến thì chỉ cần đi lên núi cao là có thể thoát được. 

Tại sao lại có sự khác biệt như vậy?

Đài Loan thực ra là một vùng đất vô cùng đặc thù. Diện tích không lớn, chỉ có 3.6 vạn km². Trong toàn khu vực châu Á, Đài Loan chỉ đứng thứ 10 về diện tích. Tuy nhiên, đảo Đài Loan lại rất đặc biệt: trên đảo có rất nhiều núi cao, đỉnh núi cao nhất tại Đài Loan – Ngọc Sơn có độ cao hơn 3900 mét. Núi Phú Sĩ cao nhất Nhật Bản cũng chỉ cao 3776 mét, thấp hơn so với đỉnh chính của núi Ngọc Sơn. Còn đỉnh núi cao nhất của đảo Great Britain tại Anh chỉ cao hơn 1200 mét. Mặc dù Đài Loan không phải là một hòn đảo lớn, nó lại có rất nhiều dãy núi cao, tính ở độ cao từ 3000 mét trở lên cũng đã có hơn 10 đỉnh.

Giả sử như đại hồng thủy trong lịch sử là có thật, vậy thì theo những miêu tả trong “Kinh Thánh”, trong Gilgamesh hay trong thần thoại Ấn Độ, nó đều không phải là một trận thiên tai lũ lụt bình thường. Nó là đại hồng thủy với lượng nước dâng lên đạt tới độ cao vài trăm thậm chí là hơn nghìn mét. Chỉ trong một đêm, nó đã có thể nhấn chìm địa cầu. Thế nhưng, chúng ta thấy những khu vực ghi chép lại về đại hồng thủy ở tây phương như: Israel trong “Kinh Thánh”, Iraq trong Gilgamesh, lưu vực sông Hằng tại Ấn Độ… đều là những vùng đất bằng phẳng, độ cao so với mặt nước biển nhiều lắm cũng chỉ mấy chục mét. Thế nên, khi xảy ra một trận đại hồng thủy lớn như vậy, những người dân ở đó căn bản không thể tìm được nơi nào để trốn thoát. Nếu muốn thoát thân, họ chỉ còn cách đóng chiến thuyền hoặc thuyền cứu nạn cỡ lớn để có thể nổi được trên mặt nước. 

Ngược lại, tại Đài Loan có nhiều núi cao, nên ngay cả khi đại hồng thủy tới, người dân nơi đây cũng không cần làm thuyền mà chỉ cần chạy trốn lên núi là có thể thoát nạn. Vì vậy, trong các thần thoại về đại hồng thủy được lưu truyền ở Đài Loan, mọi người đều thoát thân bằng cách chạy lên trên núi. Tất nhiên cũng có một số thần thoại kể là họ đã ngồi trên thuyền rồi chèo tới núi. Điều này là do những vùng đất bằng phẳng ở Đài Loan cũng có người cư ngụ. Nếu họ từ đồng bằng chạy lên núi thì không kịp nên chỉ có thể ngồi thuyền để tìm đường sống sót, nhưng chủ yếu cuối cùng vẫn sẽ chạy lên núi. 

Ngoại trừ việc mang đến cho chúng ta những tình tiết thú vị, thần thoại Đài Loan còn tiết lộ cho chúng ta một thông tin rất quan trọng – đó chính là độ cao của đại hồng thủy trong thời kỳ tiền sử. “Kinh Thánh” ghi lại rằng: cuối cùng con thuyền của Noah dừng lại ở núi Ararat thuộc khu vực Thổ Nhĩ Kỳ. Độ cao của núi Ararat so với mặt nước biển là 4900 mét và dĩ nhiên, đại hồng thủy cũng không thể dâng cao đến vậy. Bằng không, truyền thuyết thoát khỏi đại hồng thủy bằng cách chạy lên đỉnh núi của người Đài Loan không thể nào tồn tại. Đối với địa hình của khu vực phụ cận Israel và Syria, đỉnh núi cao nhất của Syria là 1562 mét, còn đỉnh núi cao nhất tại Israel và Li Băng là núi Hắc Môn với độ cao 2814 mét. Nếu như những gì viết trong “Kinh Thánh” là điều chân thật, vậy thì trận đại hồng thủy này chắc chắn đã nhấn chìm toàn bộ vùng nội địa của Syria và Israel. Bằng không, con thuyền của Noah cũng sẽ không cần phải chạy về phía bắc, một mạch đi tới tận vùng đất Thổ Nhĩ Kỳ. 

Lại nói, trong truyền thuyết của Đài Loan, nhân loại đã trốn thoát đại hồng thủy bằng cách chạy tới đỉnh núi. Thế nên, mực nước của trận đại hồng thủy này chắc chắn không vượt quá độ cao của các vùng núi tại Đài Loan, và đồng thời nó phải cao hơn độ cao của các ngọn núi trong khu vực Israel. Nói cách khác, mực nước của trận đại hồng thủy này rất có khả năng nằm trong khoảng độ cao từ 2814 đến 3800 mét. Theo những gì được kể lại trong thần thoại Đài Loan, tôi đoán rằng nó đại khái sẽ cao khoảng 3000 mét. 

Kỳ thực, trên thế giới, mỗi một vùng đất, mỗi một dân tộc đều có những truyền thuyết hoặc ghi chép hồi ký liên quan đến đại hồng thủy. Ấn Độ, Đài Loan, Trung Đông, Israel, Hy Lạp cho đến châu Mỹ, thậm chí là cả những dân tộc thiểu số thuộc khu vực tây nam Trung Quốc cũng có những thần thoại tương tự. Điều đó cho thấy, rất có khả năng đại hồng thủy thực sự đã từng xảy ra trong thời kỳ tiền sử, và phần nào đó của các câu chuyện thần thoại có thể chính là những gì đã xuất hiện khi ấy.

Trường Lạc biên dịch.

Tin bài liên quan