Tâm đố kỵ dẫu chỉ nằm ở suy nghĩ, chưa có biểu hiện ra hành động, nhưng lại có thể hủy hoại chúng ta từ bên trong...
Cha mẹ thương yêu con cái là bản tính trời sinh, xưa nay đều như vậy cả. Mỗi một đứa con đều là bảo bối tâm can của cha mẹ. Ngay từ thời khắc con trẻ vừa mới chào đời, cha mẹ nào cũng mong rằng chúng khỏe mạnh bình an, thông tuệ thành tài. Dù không thể rạng rỡ tổ tông, sự nghiệp thăng tiến, thì ít nhất cũng là không ốm đau bệnh tật, một đời thuận lợi suôn sẻ.
Nhưng thời xưa lại có một hộ gia đình như vậy, mười đứa con trong nhà, lại không có lấy một người bình thường lành lặn, khiến lòng người chua xót không thôi. Dám hỏi thử ông Trời: “Đây rốt cuộc là chuyện vì sao?”.
Thời Xuân Thu – Chiến Quốc, nước Tống có một vị quan đại phu tên là Tưởng Viện. Tưởng đại phu có mười đứa con trai, không may là không có lấy một người có thân thể kiện toàn. Một người trong đó thì bị gù lưng, một người thì bị què chân, một người thì tứ chi co quắp, một người thì hai chân có tật, một người thì bị điên, một người thì đần độn, một người thì tai điếc, một người thì bị mù, một người thì bị câm, còn có một người do phạm tội bị tống giam vào ngục, về sau chết luôn trong đó. Trường hợp mười đứa con đều bị tật này thật đúng là rất hiếm thấy!
Có người bạn tên Tử Cao nhìn thấy tình cảnh này, liền quan tâm hỏi thăm Tưởng Viện: “Đại phu lúc bình thường từng làm những chuyện gì, lại dẫn đến cả nhà xảy ra tai họa như vậy? Mười đứa con đều bị tật khác nhau, quả thật là chuyện hy hữu trên đời”.
Người bạn tên Tử Cao nhìn thấy tình cảnh này, liền quan tâm hỏi thăm Tưởng Viện
Tưởng Viện suy đi nghĩ lại, cũng tìm không ra nguyên nhân, liền trả lời rằng: “Tôi lúc còn sống vốn chưa từng làm qua những chuyện xấu to tát thương thiên hại lý gì! Chẳng qua trong tâm luôn là thích đố kỵ người khác. Nhìn thấy người khác xuất sắc hơn mình, tôi liền đố kỵ với tài hoa của anh ta. Còn với những kẻ ton hót lấy lòng tôi, tôi thích anh ta từ trong tâm. Nghe nói có người làm việc thiện, tôi không chịu tin, hoài nghi kẻ đó hẳn là đạo đức giả. Nghe nói người khác có sai lầm hoặc làm điều gian ác, tôi tin tưởng không thôi. Nhìn thấy người khác có được một vài chỗ tốt, tôi liền cảm thấy giống như bản thân mất đi cái gì đó. Còn như người khác mất mát thứ điều chi, trong lòng lại thấy phấn khích giống như bản thân có được chỗ tốt gì đó. Đây chính là thái độ đối nhân xử thế trước nay của tôi, mọi chuyện chỉ có vậy mà thôi”.
Tử Cao sau khi nghe xong, thở dài cảm khái nói rằng: “Đại phu, ông có tâm thái bất chính như vậy, tâm đố kỵ lớn như vậy, thật là đáng sợ quá, e rằng mai này sẽ có tai họa diệt môn! Thế mà ông lại còn cảm thấy không sao cả, không hiểu được tính nghiêm trọng của sự tình, bệnh lạ và tai hoạ mà mười đứa con này của ông mắc phải, e rằng sẽ không chỉ dừng lại ở đây thôi đâu! Người xưa đều biết đạo lý nhân quả báo ứng, tâm đố kỵ là ác niệm lớn nhất, sẽ bị trời trách phạt”.
Có câu nói rằng: “Bi ai lớn nhất của đời người là đố kỵ”. Quả thật, tâm đố kỵ như một hòn than nóng, người đố kỵ dùng nó để ném vào người khác, nhưng chưa kịp hại người đã khiến bàn tay mình bị bỏng rồi...
Thuận An.