Người ác thường gặp phải tai họa bất ngờ, đó không phải ngẫu nhiên mà chính là nhân quả báo ứng đối với những kẻ vô lại bất lương. Làm việc tốt sẽ nhận được phúc báo; làm việc xấu sẽ tự tạo nghiệp vào thân, “gieo nhân nào gặt quả ấy”.
Tại bờ sông phía Nam thành Thương Châu có một kẻ lưu manh vô lại tên gọi Lữ Tứ. Hàng ngày, Lữ Tứ luôn bắt nạt người già và trẻ nhỏ, hung ác tàn bạo không việc gì không làm. Mọi người trong vùng đều sợ anh ta, nhìn thấy hắn tựa như thấy hổ báo. Chỉ e tránh không kịp lại rước họa vào thân.
Có một ngày, khi trời chạng vạng tối, hắn ta cùng lũ bạn xấu ra ngoài làng hóng gió. Bất chợt nghe thấy từ xa có tiếng sấm vọng lại, mây đen dày đặc, mưa gió ầm ầm kéo tới. Sau đó lại nhìn thấy một người phụ nữ đang bước vội vào ngôi miếu cổ bên sông, hình như là để trú mưa. Tên vô lại nói với đám bạn: “Chúng ta tìm bắt cô nàng này làm một ít chuyện vui đi”.
Lúc đó trời đã tối, mây đen vần vũ khắp không trung, xung quanh tối đen như mực. Lữ Tứ nhẹ nhàng bất ngờ xông vào trong miếu, một tay túm lấy người phụ nữ, một tay bịt miệng để cô không thể vùng vẫy hay la hét. Hắn và đồng bọn hô hoán thay nhau lột hết đồ của người phụ nữ nọ, định giở trò bất chính.
Đột nhiên sấm chớp rền vang, trong ánh sáng tia chớp tên du côn phát hiện người phụ nữ hình như là vợ mình! Hắn ta gấp gáp buông tay ra vội hỏi han kiểm tra, thì phát hiện quả nhiên đó là vợ mình.
Lữ Tứ tức giận điên người, hắn kéo vợ nhấc lên định ném xuống sông. Vợ hắn vừa khóc vừa lớn tiếng chửi mắng: “Anh đúng là đồ đê tiện, không có lương tâm; muốn làm nhục người khác rốt cuộc lại làm nhục vợ mình. Đạo trời đã sáng tỏ như vậy, anh còn không biết ăn năn hối lỗi lại muốn giết cả vợ sao?”
Lữ Tứ nhất thời không nói lên lời, hắn vội vàng tìm quần áo cho vợ nhưng không tìm thấy. Hóa ra quần áo đã bị gió lốc to thổi rơi xuống sông và trôi đi mất. Đương lúc kinh hãi tột độ, không còn cách nào khác, Lữ Tứ đành phải cõng vợ về nhà.
Vừa khi đó mưa gió cũng ngừng, trời quang mây tạnh. Dưới ánh trăng sáng, mọi người đều nhìn thấy Lữ Tứ đang cõng vợ không mảnh vải che thân trên lưng.
Cả thôn vốn đều rất oán hận và sợ hãi hắn ta, thế nhưng lần này lại lớn giọng cười nhạo hắn. Mọi người cố tình chen lấn tiến tới phía trước giả vờ như không biết liên tục hỏi Lữ Tứ đã xảy ra chuyện gì, đã xảy ra chuyện gì thế?
Lữ Tứ cảm thấy vô cùng nhục nhã, hận không thể khoan một cái lỗ để chui xuống đất, vậy là hắn ta liền nhảy sông tự tử.
Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì? Tại sao hắn ta lại không nhận ra vợ của mình? Nguyên lai là do trước đó vợ tên này về nhà ngoại, có nói sẽ ở lại đó một tháng. Nhưng không ngờ gia đình nhà ngoại bị hỏa hoạn, không có chỗ ở nên phải về sớm. Lữ Tứ không biết nên mới xảy ra sự việc như vậy.
Sau đó, vợ của Lữ Tứ nằm mơ thấy chồng nói với mình: “Ta nghiệp chướng quá nhiều, tội nghiệp quá nặng vốn phải đọa vào địa ngục Nê Lê và vĩnh viễn không được siêu sinh. Tuy nhiên quan âm phủ tra xét phát hiện khi còn sống ta rất hiếu thảo với mẹ, vì vậy giảm nhẹ tội; cho ta đầu thai làm rắn, giờ ta đi đây. Không lâu sau nữa nàng sẽ tái giá. Nhất định phải hiếu thuận với bố mẹ chồng, thiện tâm đối đãi với mọi người. Âm gian phạt tội bất hiếu là nặng nhất, nàng đừng nên vi phạm, nếu không sẽ bị thả vào nồi nước sôi”.
Quả nhiên không lâu sau, vợ Lữ Tứ tái hôn. Ngày tổ chức hôn lễ, vợ anh nhìn thấy ở góc bên ngoài nhà có một con rắn đỏ, cúi gằm mặt nhìn như có điều gì lưu luyến không muốn rời. Vợ anh ta nhớ lại những điều chồng nói trong mơ, vừa ngẩng đầu định hỏi có phải là Lữ Tứ không, thì đột nhiên bên ngoài trống nhạc vang lên, thì ra đã đến giờ đón dâu. Chỉ thấy con rắn trên nóc nhà nhảy vài vòng rồi trườn đi.
Đây chính là hiện thế hiện báo, gieo nhân nào tất gặp quả đó. Ở góc độ người bình thường thì việc gia đình nhà vợ Lữ Tứ bị hỏa hoạn phải về trước thời hạn dường như chỉ là “tình cờ ngẫu nhiên”. Nhưng trên thực tế, làm sao biết được vốn dĩ mọi chuyện đã được sắp xếp, an bài từ trước mà bản thân ta không hề hay biết.
Con người đều là vì không thấy nên không tin, cho rằng chỉ nhìn thấy mới tin. Kỳ thực dù làm bất cứ việc gì, chúng ta đều là đang làm cho chính mình. Làm việc tốt sẽ nhận được phúc báo; làm việc xấu sẽ tự tạo nghiệp vào thân, “gieo nhân nào gặt quả ấy”.
Bích Liên biên dịch.