Bạn đã vận dụng phong thuỷ đúng cách

Bạn đã vận dụng phong thuỷ đúng cách

Nhắc đến phong thủy, rất nhiều người ngày nay thường nghĩ rằng sử dụng phong thủy là để cải biến vận mệnh bản thân. Suy nghĩ ấy không sai, nhưng bạn có hiểu được đạo lý cải vận nằm trong phong thủy?

Tại đây chúng ta không đề cập gì nhiều đến những kiến thức phong thủy, hay cách sử dụng phong thủy như thế nào mà sẽ tập trung chủ yếu vào Đạo của phong thủy. Học thuyết phong thủy ra đời từ khi nào thì không ai dám chắc, tuy nhiên học thuyết này dựa theo thuyết Âm Dương, Ngũ hành của đất nước. Phong thủy nghiên cứu về sự ảnh hưởng của hướng gió, hướng khí, mạch nước đến đời sống hoạ phúc của con người.

Phật giáo nguyên thủy cũng như triết học đều nhắc tới Phong và Thủy, là 2 nguyên tố trong Tứ Đại (hay Bốn nguyên tố) gồm Đất – Nước – Lửa – Gió. Tứ Đại này là bốn nguyên tố phổ quát trong vũ trụ, gắn liền với Trái Đất mà chúng ta sinh sống. Mỗi nguyên tố được tạo thành bởi sự tương quan và sự lệ thuộc giữa các nguyên tố khác. Nếu chỉ đứng một mình, nó sẽ không tồn tại được. Mối quan hệ này khá giống với học thuyết Ngũ hành tương sinh – tương khắc của người Trung Hoa.

Như chúng ta đã biết, Ngũ Hành Kim – Thủy – Mộc – Hỏa – Thổ, Tứ Đại Đất – Nước – Lửa – Gió đều là những nguyên tố tự nhiên hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta hàng ngày. Tuy nhiên, chúng ta dường như không mảy may tới chúng, có phải vì chúng ta cho nó là “tự nhiên”, là hiển nhiên nên không đáng lưu tâm?

Rất nhiều người sử dụng những vật phẩm phong thủy hay đơn giản là những món đồ có màu sắc để bổ khuyết cho bản thân. Ví như mệnh của bạn thiếu Thủy, bạn sẽ mặc những bộ quần áo màu xanh dương, đeo vòng tay có gắn đá xanh hay “chọn bạn mà chơi”?

Bạn có biết bộ quần áo bạn mặc được làm từ vải, mà vải là Mộc, theo Ngũ Hành tương sinh, Thủy sinh Mộc, vậy là bạn dùng Mộc nhiều hơn thay vì là Thủy?. Viên đá xanh mà bạn đang đeo thuộc Thổ, theo Ngũ Hành tương khắc, Thổ khắc Thủy, viên đá bạn đeo sẽ đạt hiệu quả tới bao nhiêu?

Theo Đạo gia tuyên giảng, vạn sự vạn vật trong vũ trụ, kể cả thân thể người đều được cấu tạo bởi Ngũ Hành. Một người khi giáng sinh sẽ có năm, tháng, ngày, giờ sinh, gọi là Bát tự (8 chữ). Mà Bát tự mỗi người lại ẩn chứa Ngũ Hành bên trong.

Phương thức phổ biến ngày nay là xem năm sinh và từ đó kết luận bản thân thuộc mệnh gì. Tuy nhiên, năm sinh chỉ là 2 chữ trong 8 chữ của Bát tự, nó không thể nào thể hiện đầy đủ Ngũ hành của bản thân. Như đã chia sẻ tại bài trước, bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông cũng chứa đựng Ngũ Hành, khi bạn sinh vào một trong bốn mùa, Hành ứng với mùa đó cũng sẽ chi phối bạn. Do đó người bạn mà bạn chọn để chơi liệu có chính xác hay không?

Đức Lão Tử giảng: “Đạo sinh ra vạn vật. Đức chứa đựng vạn vật, vật chất khiến vạn vật thành hình, hoàn cảnh khiến vạn vật thành vật. Vì thế muôn vật đều phải tôn Đạo mà quý Đức”. Ông trời đề cao Đức, thuận theo ý trời tức là con người cần trân quý Đức vậy.

Từ đó, con người cần sống hòa hợp với thiên nhiên, bảo vệ và yêu thương muôn vật, làm gì cũng nghĩ cho người khác trước, tích Đức hành thiện, trừ bỏ những tính xấu của bản thân.

Thiên nhiên, con người, vạn sự vạn vật đều không ngoài Ngũ Hành. Chúng ta mang theo lối tư duy “cải thiện cuộc sống”, “phát triển khoa học kỹ thuật” mà tàn phá thiên nhiên, hủy hoại thảm sinh vật, khiến khí hậu biến đổi, không khí, nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng… Chúng ta phá hủy thiên nhiên, khác gì chúng ta chối bỏ con người của mình, tự tay hủy diệt chính mình.

Như đã đề cập ở trên, phong thủy nghiên cứu sự ảnh hưởng của hướng gió, hướng khí, mạch nước đến đời sống hoạ phúc của con người. Bạn sử dụng phong thủy, nhưng bạn lại góp sức khiến bầu không khí mà chúng ta hít thở, khiến nguồn nước chúng ta uống mỗi ngày bị ô nhiễm, nghe thật mâu thuẫn phải không? Mạng sống chúng ta bị đe dọa, bên bờ hủy diệt, dùng phong thủy để cải mệnh có được chăng?

Bạn có một ngôi nhà và nó rất hợp hướng với bạn, tuy nhiên đồ đạc trong nhà lại sắp xếp hết sức bừa bộn. Quần áo, sách báo, bọc ni lông, đồ ăn… bị quăng ném khắp nơi bởi tính lười biếng của bạn. Không khí trở nên khó ngửi, ngột ngạt bởi sự bừa bộn ấy, nguy cơ mắc bệnh hô hấp tăng cao, các bệnh về da cũng lũ lượt mà đến. Gió không lưu thông thì sao có thể mang khí tài tới cho bạn. Bạn cải vận bằng những món đồ phong thủy cũng không giúp bạn tránh khỏi bệnh tật được.

Bạn có một người bạn thân, một hôm bạn đi xem phong thủy và nhận được câu trả lời rằng người bạn chơi thân bấy lâu nay không hợp với bạn, nếu tiếp tục bên cạnh thì vận rủi sẽ ập tới. Vì tin câu nói ấy, người bạn từng kề vai sát cánh, chia sẻ những lúc vui vẻ, hoạn nạn đã bị bạn “gác” sang một bên.

Cha mẹ bạn sinh cho bạn một người em, thật là chuyện tốt mà. Và cha mẹ bạn cũng đi xem thầy, được bảo rằng đứa con đầu (tức là bạn) mang đến xui xẻo, tài sản dần khánh kiệt nhưng may mắn thay, đứa em này sẽ khiến cha mẹ bạn vực dậy và phát tài. Sau khi suy ngẫm, cha mẹ bạn cảm thấy quả đúng là như vậy. Từ đó trở đi, bạn bị đối xử thờ ơ, ghẻ lạnh, coi như chưa tồn tại trong căn nhà này, trong khi đứa em thì “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Đối với bạn, mọi thứ dường như sụp đổ. Chuyện mừng lại trở thành chuyện tủi.

Đức Khổng Tử từng dạy: “Tâm còn chưa thiện, phong thủy vô ích”. Thật ra phong thủy lớn nhất đời người chính là thiện tâm. Một người nếu không hành thiện tích đức thì có dùng phong thủy tới đâu cũng không có phúc hưởng. Rất nhiều điều thương tâm đã xảy ra khi chúng ta bác bỏ những giá trị đạo đức mà thay vào đó toàn là nào danh, nào lợi cho bản thân.


Họa – Phúc ẩn tàng

Có một số chuyện con người chúng ta cho là đúng, ấy vậy mà chưa chắc là đúng, cho là sai lại không hẳn là sai; trong đúng có sai mà trong sai có đúng, tức là mỗi sự vật, sự việc đều có tính đối lập. Điều này được biểu hiện rõ thông qua đồ hình Thái Cực của văn hóa Trung Hoa.

Có thể lấy ví dụ, Kim và Mộc khắc nhau, nhưng Mộc lại có thuộc tính của Kim, vì sao? Vì khi ta vót nhọn đầu một thanh gỗ, nó sẽ mang tính sát thương của Kim. Còn nói về rượu, rượu có dạng lỏng, là Thủy, Thủy và Hỏa khắc nhau, nhưng rượu lại có tính Hỏa bên trong, ai uống rượu đều biết uống rượu rất nóng, và rượu cũng bắt lửa. Bạn thử đun nước nóng lên, có phải là trong Thủy có Hỏa phải không?

Chữ Kim (金) và chữ Toàn (全) khác nhau ở 2 dấu phẩy. Kim đại diện cho thị phi, chiến tranh, nếu một người mà một dạ hai lòng, nhân tâm bất toàn, đảm bảo sẽ gây mâu thuân với những người xung quanh.

Cổ nhân từng dạy “Tốt (Phúc) và Xấu (Họa) xuất từ một niệm của người ta”. Từ câu chuyện trên chúng ta lại một lần nữa chứng tỏ những điều mà người xưa dạy rất chính xác. Một người mà sống thiện lương, dùng thiện niệm đối xử với người khác cũng như suy nghĩ tích cực thì số mệnh có thể được cải biến.

Đức Lão Tử cũng đề cập trong cuốn “Đạo Đức Kinh” nổi tiếng của mình rằng “Phúc hề họa chi sở ỷ, họa hề phúc chi sở phục”, nghĩa là trong phúc có họa, trong họa có phúc.

Đức Phật cũng luôn nhắc đến tính đối lập này, ấy là trong một người đều có tồn tại Phật tính (Thiên Thần) và Ma tính (Ác Quỷ). Một người tốt sẽ luôn ước thúc bản thân làm điều đúng đắn, chân thành, yêu thương mọi người và nhẫn chịu khó khăn. Đây là biểu hiện của Phật tính. Còn lại, người tham lam, ích kỷ, lười biếng, không từ thủ đoạn để đạt được lợi ích cho bản thân, trong khi sinh sống mà không ngừng tạo Nghiệp, họ đã bị con Ác Quỷ trong họ khống chế mất rồi. Bản chất của con người là lương thiện, giờ đây họ đã không còn là họ nữa.

Tin bài liên quan