Kể từ lúc đọc cuốn bút ký “Ba người chúng tôi” của Dương Giáng, tôi đã không thể rời mắt khỏi câu chuyện rất có chiều sâu, đồng thời cũng rất đáng yêu của tác giả…
Tĩnh mịch như dòng suối, 10 năm đại nạn thông qua lời kể của Dương Giáng lại khiến người ta không cảm thấy chút gì là đau đớn cõi lòng. Đọc quyển bút ký để cảm nhận từng chút một của tình cảm gia đình, từ trong đó cũng thể hội được niềm vui cuộc sống, lĩnh ngộ được chút đạo lý liên quan đến gia đình cũng như tình cảm yêu thương.
“Trước khi gặp được cô ấy, tôi chưa từng nghĩ rằng mình sẽ kết hôn, tôi cưới cô ấy trước nay chưa từng thấy hối hận, cũng chưa từng nghĩ sẽ cưới người phụ nữ khác”. Nếu như hỏi, trong lòng Hoa Vũ tiên tử có nam thần chân chính hay không, thì câu trả lời sẽ là: Có đấy, đó chính là Tiền Trung Thư tiên sinh! “Tâm đồng dã hạc dữ trần viễn, thi tự băng hồ kiến để thanh” (Tâm như hoàng hạc xa trần thế, thơ tựa băng hồ thấu đáy trong) – đây là cảm nhận sâu sắc nhất mà cuốn bút ký đã mang đến cho tôi!
1. Chung một chí hướng, tầm mắt đạt tới là nơi xa như nhau
Một tòa thành bao quanh, công thành danh toại; một người con gái, một đời khuynh thành! Ba người một đời một thế hệ, chia ba thiên hạ trong giới văn chương! Ba người trong gia đình họ hòa hợp mỹ mãn, khiến người đời ngưỡng mộ. Chàng và nàng vợ chồng nghĩa nặng tình sâu, cùng chung chí hướng, lại sinh ra một “hạt giống học hành” siêng năng cần cù, theo nghề dạy học – ba người họ có thể nói là hình mẫu của gia đình hạnh phúc cõi nhân gian. Tiền Trung Thư, Dương Giáng, Tiền Viện, một gia đình học giả êm ấm, một gia đình hạnh phúc hòa thuận, một sự kết hợp của ba con người tài hoa, khiến bao người phải ngưỡng mộ.
“Tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư yên. Trạch kỳ thiện giả nhi tòng chi, kỳ bất thiện giả nhi cải chi” (Ba người cùng đi, tất có người là thầy ta. Ta chọn điều tốt để đi theo, còn điều không tốt thì tránh đi). Họ đều là những người xuất thân từ giới trí thức uyên bác thuộc dòng dõi trâm anh, chứ không phải là quan to hiển quý với cuộc sống xa hoa, mà cuộc sống cũng giản dị giống như bao người bình thường vậy. Và họ cùng đi theo cái nghề thần thánh, đó là dạy học trồng người.
2. Đời người ngắn ngủi, thời gian có hạn, hãy dành tất cả cho người thân yêu
Tác giả Dương Giáng viết trong quyển hồi ký rằng: “Chúng tôi bảo trì khoảng cách với những người không phù hợp với mình, nhìn vào thì thấy như có vẻ cao ngạo. Chúng tôi lúc trẻ không am hiểu thói đời. Nhưng những người hiểu đời nhất, biết làm người nhất cũng gặp phải lời chê trách giống y như vậy. Bởi vậy chúng tôi tự hiểu điều này”.
Vợ chồng họ không thích tụ tập bạn bè, ngay đến cả ra ngoài liên hoan cũng cảm thấy lãng phí thời gian, trái lại họ chỉ muốn ở một mình yên tĩnh đọc sách. Không phải bởi họ không kết giao bạn bè, mà là thích dành thời gian vào những việc mà mình yêu thích, ví như đọc sách, ví như ở cùng với người thân.
Chúng ta cũng không cần phải vì cái gọi là ‘hòa đồng với mọi người’ mà lựa ý hùa theo những ai không thuộc về mình. Lãng phí thời gian, làm những việc mà mình không yêu thích, sẽ chỉ khiến bản thân mơ hồ không biết rốt cuộc mình muốn gì. Hơn nữa, dù bạn có cố gắng hòa đồng hơn nữa, cũng không thể nhận được tình cảm của tất cả mọi người. Trái lại, hãy cố gắng làm chính mình, thế mới tỏa ra được nhiều ánh hào quang hơn.
3. Lời khen ngợi là phát từ nội tâm
Khẳng định lớn nhất với một nửa kia của mình không gì hơn: Mong con của hai ta đều sẽ giống anh hoặc em vậy.
Khi Dương Giáng còn đang mang thai đứa con đầu lòng, Tiền Trung Thư nói: “Anh không muốn con trai, anh muốn con gái. Chỉ cần một đứa thôi, giống như em vậy”. Đây thật đúng là lời đường mật ngọt ngào không gì sánh được.
Lời đáp lại của Dương Giáng càng khiến người ta như đắm mình trong bộ phim lãng mạn, cô nói: “Cá nhân em không thật sự hài lòng về mình, em muốn một cô con gái giống như anh vậy”. Họ khen ngợi đối phương từ nội tâm, càng mong con cái có thể kế thừa ưu điểm của đối phương. Trong con mắt của chàng, nàng là người vợ hiền thục nhất, là người phụ nữ tài hoa nhất. Còn trong con mắt của nàng, chàng là người chồng chân thành nhất, là vị học giả uyên bác nhất.
Khi chúng ta khen ngợi một nửa kia xuất phát từ trong tâm, không nhìn vào khuyết điểm, không nhìn vào tật xấu của nhau, thì khi đó hai người đã trở thành hai trái tim đơn thuần nhất vậy, tình cảm cũng tự nhiên trở thành mối quan hệ thuần tịnh và sắt son.
4. Giúp đỡ, bù đắp khuyết điểm của đối phương
Dương Giáng thường ngủ muộn, buổi sáng lại không muốn dậy sớm. Cô nói: “Một mình Trung Thư làm xong bữa sáng, dùng một chiếc bàn nhỏ dùng để ăn cơm được lắp trên giường, bưng điểm tâm sáng đến ngay trước giường. Thế là, tôi dù đang trong cơn ngủ say cũng muốn nhảy dựng lên thưởng thức. Anh ấy làm món trứng trong năm phút, nướng bánh mì, làm ly sữa nóng, lại làm một tách hồng trà vừa đậm vừa thơm. Còn có bơ, mứt hoa quả, mật ong. Tôi trước nay chưa từng ăn bữa sáng nào thơm ngon như vậy! Ngoài những lúc Trung Thư bị bệnh ra, bữa sáng luôn là anh ấy chuẩn bị cho tôi”.
Trong sách còn kể về câu chuyện Dương Giáng làm tôm: “Vừa cắt một nhát, con tôm còn sống co giật trong tay tôi, tôi sợ quá vứt vội cái kéo xuống, và cũng vứt luôn con tôm, chạy ra khỏi bếp. Tôi nói sau này chúng ta không ăn tôm nữa. Trung Thư nói anh vẫn muốn ăn, sau này sẽ do anh làm”. Khung cảnh này thật tràn trề yêu thương, tiếp thêm động lực cho các ông chồng.
Tuy biết làm bữa sáng cho vợ, nhưng vị tài tử học vấn uyên bác, thông hiểu cổ kim này, kỳ thật vẫn còn vụng về như một đứa trẻ: Giày dép thường hay mang ngược, không biết buộc dây giày, không biết cách cầm đũa. Hôm đầu tiên mới đến Ngưu Tân, Tiền Trung Thư vừa bước xuống xe buýt đã ngã mạnh một cái, gãy mất nửa chiếc răng cửa. Tiền Trung Thư còn thường xuyên ôm vẻ mặt đau khổ báo lại với Dương Giáng rằng: “Anh đã làm một điều tồi tệ, anh đã lỡ tay đánh rơi lọ mực, làm bẩn tấm khăn trải bàn ở căn phòng phía đông nhà”. Lần sau, ông nói: “Anh không cẩn thận làm vỡ mất cái đèn bàn rồi”. Thêm lần nữa, lại vẻ mặt đau khổ mà nói: “Anh làm hỏng một cái trục cửa rồi”.
Những lúc như vậy thật đúng là dở khóc dở cười. Mỗi lần, cô đều cười và nói: “Không sao đâu, em sẽ sửa”. Sau khi về nhà, chàng hầm canh gà, bóc đậu tằm cho nàng, nàng cũng khôi phục mọi thứ hư hại trở về trạng thái ban đầu. Đóa hoa tình yêu của họ lần lượt nở rộ trong những chuyện vụn vặt của cuộc sống. Chúng ta cũng vậy, không ai là toàn năng, vậy thì hãy để hai bên cố gắng bù đắp cho nhau vậy.
5. Tìm ra điểm chung, không tranh cãi vô nghĩa
Dương Giáng viết: “Tôi và Trung Thư khi còn ở trên tàu ra nước ngoài đã từng cãi nhau một lần, nguyên nhân chỉ là vì âm đọc của một chữ viết tiếng Pháp. Tôi nói khẩu âm của anh ấy có mang theo giọng quê, anh ấy không phục, đã thốt ra rất nhiều những lời tổn thương tình cảm. Tôi cũng gắng hết sức làm tổn thương anh ấy. Sau đó, tôi đã nhờ một cô gái người Pháp có thể nói tiếng Anh phân xử. Cô ấy nói tôi đúng, anh ấy sai. Tôi tuy đã thắng rồi, nhưng lại cảm thấy vô vị, trong lòng cảm thấy rất không vui”.
Trong cuộc sống, chúng ta và nửa kia của mình cũng bởi một số chuyện nhỏ nhặt không đáng kể mà phát sinh tranh cãi, cãi đến đỏ mặt tía tai, có những lúc còn làm tổn thương thân thể của nhau. Cả hai đều mắc phải cái tật hùng biện, tranh cãi đến mức một mất một còn quyết không dừng lại. Đến phút cuối cùng, vấn đề đúng sai đã không còn ý nghĩa gì nữa, thậm chí ngay đến cả vì điều gì mà tranh cãi cũng đều quên mất. Vậy mà ta lại vô tình gây tổn thương cho cả hai bên, để lại một bụng oán khí, mọi người đều không vui vẻ được, đã lãng phí biết bao thời gian và tinh lực, còn tổn thương hòa khí nữa.
Chi bằng hãy thử học theo Tiền Trung Thư và Dương Giáng: “Chúng tôi giảng bình tĩnh, lần sau nếu không ngại thì mỗi bên cứ ôm giữ ý kiến khác nhau, không cứ nhất thiết phải mong giống nhau. Nhưng mấy năm từ đó trở về sau, chúng tôi không có chuyện mỗi người ôm giữ ý kiến khác nhau, hễ gặp chuyện thì hai người cùng ngồi lại thương lượng, cứ thế mà cùng thống nhất đưa ra quyết định. Không phải hoàn toàn dựa vào anh ấy, cũng không phải hoàn toàn dựa vào tôi. Chúng tôi không cần thiết phải cãi nhau”. Dù rằng thật sự không thể đạt đến được nhất trí trên quan điểm, cũng nhất định sẽ dần dần trong ma sát tìm được cách giải quyết thích hợp. Trên đời này, những vấn đề mang tính nguyên tắc đáng để tranh cãi vốn không nhiều, ảnh hưởng đến tâm tình của chúng ta thường thường là những chuyện vụn vặt vô vị mà ta cứ nắm chắc không buông mà thôi.
6. Được bên nhau chính là điều hạnh phúc
Trong “Ba người chúng tôi” có một đoạn trần thuật của Dương Giáng, mặc dù không dùng lời lẽ hoa mỹ, cũng không chau chuốt đặc biệt gì, nhưng lại toát lên thứ tình yêu chân thành khiến ta cảm động sâu sắc.
“Một đời này của tôi vốn không trống rỗng: Tôi sống rất đầy đủ phong phú, cũng rất có ý nghĩa, bởi vì có ba người chúng tôi. ‘Ba người chúng tôi’ thật ra là điều quá đỗi bình thường không gì có thể bình thường hơn nữa. Thử hỏi nhà nào mà không có vợ chồng con cái chứ? Ít nhất là vợ chồng hai người, cộng thêm con cái, chính là đã trở thành ba người bốn người năm người chúng ta không chừng. Chỉ là mỗi nhà mỗi kiểu mà thôi. Ngôi nhà này của chúng tôi rất đơn giản. Chúng tôi không tranh với đời, không tranh với người, chỉ muốn được ở cùng nhau, được nhìn thấy nhau, mỗi người đều làm những việc mà mình có thể làm được”.
“Gặp phải khó khăn, Trung Thư luôn cùng tôi gánh vác đảm đương, khó khăn sẽ không còn là khó khăn nữa. Còn có A Viện bầu bạn giúp đỡ, không kể chuyện khó khăn vất vả gì, đều có thể trở nên ngọt lịm. Chúng tôi có một chút niềm vui cũng sẽ trở nên vô cùng vui vẻ. Vậy nên, ba người chúng tôi là một nhân duyên không tầm thường”.
Rất nhiều cặp vợ chồng trải qua những bất hòa trong cuộc sống, nhiều năm sau đều chê bai đối phương, thiếu mất tiếng nói chung, thiếu thốn tình yêu và tha thứ, với con cái cũng không đủ bao dung. Dần dà, họ không còn lời nào để nói với nhau, trong nhà cũng là một bầu không khí trầm lặng.
Thật ra, chúng ta đều đã quên niềm vui đơn giản lúc ban đầu, thay vào đó là đòi hỏi mỗi lúc một nhiều, kết quả càng cưỡng cầu thì càng thêm bất mãn.
Quay về với bản chất, cả nhà vui vẻ ở gần nhau chính là niềm hạnh phúc đơn giản nhất, bình an gặp nhau, dù là mỗi người tự làm công việc của mình, không cần nói với nhau chi cả, cũng có thể cảm nhận được loại cảm giác hạnh phúc thực tại đó. Nếu như bạn có những lúc cảm thấy cuộc sống tẻ nhạt vô vị, có thể điều vô vị đó vốn không phải là bản thân cuộc sống, mà là chính bản thân mỗi người.
“Trước khi gặp được cô ấy, tôi chưa từng nghĩ rằng mình muốn kết hôn, tôi cưới cô ấy rồi, chưa bao giờ cảm thấy hối hận, cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ lấy người phụ nữ khác”.
Mỗi một người đều có một mái nhà, mỗi mái nhà đều có ba người: chồng, vợ và con cái, mỗi một gia đình đều có niềm vui và nỗi buồn thuộc về bản thân, mỗi một gia đình đều có những câu chuyện yêu thương lẫn nhau, vui vẻ hòa thuận. Làm tốt bản thân, thương yêu, liễu giải, gần gũi với người, nắm chắc mỗi một hạnh phúc nhỏ nhoi mà lại chắc chắn, nếu làm được vậy cũng chính là bạn đã nắm chắc cuộc đời tươi đẹp này!
Thuận An biên dịch